Cần Thơ: Đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh
Với sự hỗ trợ của Tập đoàn VNPT, Trung tâm IOC sẽ là nơi thu thập, tổng hợp thông tin của thành phố trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu, hỗ trợ tối đa cho lãnh đạo trong công tác chỉ đạo và điều hành. Đặc biệt, sự ra đời của IOC TP. Cần Thơ là một bước ngoặt quan trọng, làm cơ sở cho việc phát triển thành phố thành đô thị thông minh (ĐTTM) và là bước đệm trong xây dựng chính quyền kiến tạo.
Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nên việc xây dựng, phát triển đô thị gắn với công nghệ thông minh là một xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong bối cảnh đó, ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Với vị trí quan trọng là trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua TP. Cần Thơ đã có nhiều chủ trương, chính sách quyết liệt trong việc xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành ĐTTM.
Trên cơ sở đó, UBND TP. Cần Thơ đã giao Sở TT&TT và các cơ quan có liên quan phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm về xây dựng và phát triển về các giải pháp ĐTTM như VNPT để xây dựng IOC TP. Cần Thơ.
IOC Cần Thơ thí điểm giám sát 8 lĩnh vực gồm: Điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; Hiệu quả hoạt động của chính quyền; An ninh trật tự và an toàn giao thông; Điều hành du lịch; Tương tác phục vụ phản hồi của người dân; Thông tin trên môi trường mạng; Cảnh báo chất lượng môi trường; An toàn thông tin mạng.
Về công nghệ, IOC Cần Thơ sử dụng các nền tảng hiện đại cho việc tích hợp, kết nối, phân tích và xử lý dữ liệu như: Trí tuệ nhân tạo (AI); Phân tích dữ liệu lớn (Big Data); Internet kết nối vạn vật (IoT); Dữ liệu không gian địa lý (GIS); Điện toán đám mây (Cloud Computing). Thông tin cho hệ thống sẽ được các sở, ngành cập nhật dữ liệu tại chỗ, sau đó thông qua phần mềm nền tảng dùng chung đã được VNPT thiết lập để chuyển về hệ thống máy chủ tổng, rồi đưa lên IOC Cần Thơ.
IOC TP. Cần Thơ sẽ là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu thành phố trên các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các dịch vụ thông minh. Qua đó, giúp lãnh đạo thành phố có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do thành phố cung cấp một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội.
Hệ thống IOC sẽ được kết nối với các hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu khác trong nội bộ của thành phố và bên ngoài để thu thập, tổng hợp dữ liệu. IOC thành phố còn tạo phương tiện để người dân được cung cấp và phục vụ các dịch vụ ĐTTM tiện ích nhất, người dân được tham gia giám sát hoạt động chính quyền. Ðặt biệt, sẽ tăng cường phục vụ người dân với các phương tiện, các kênh tương tác như "Tổng đài dịch vụ công 1022", ứng dụng thiết bị di động và mạng xã hội nhằm huy động mọi nguồn lực đóng góp cho kinh tế - xã hội của thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, sự ra đời của IOC TP. Cần Thơ là bước ngoặc quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành ĐTTM. Sau lễ khai trương, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các lĩnh vực phục vụ giám sát, điều hành ĐTTM như: hạ tầng CNTT và nền tảng dữ liệu cho ĐTTM, chính quyền số trong ĐTTM, quy hoạch ĐTTM...
Tập đoàn VNPT đã tài trợ toàn bộ hệ thống màn hình hiển thị chất lượng cao tại IOC Cần Thơ cùng hệ thống máy điều khiển tại trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống điều khiển hình ảnh trung tâm, thiết bị phụ trợ, kết nối và công tác lắp đặt. Trong quá trình triển khai, VNPT đã cử 25 cán bộ kỹ thuật hỗ trợ xây dựng IOC Cần Thơ. Sau lễ khai trương, VNPT sẽ tiếp tục cử một nhóm chuyên gia công nghệ hỗ trợ vận hành cũng như chuyên gia túc trực ngay tại IOC Tp. Cần Thơ.
Tính đến thời điểm này, VNPT đã triển khai IOC cho hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Giải pháp này của VNPT cũng được các chuyên gia công nghệ đánh giá rất cao về tính ứng dụng hiệu quả và được bình chọn là Giải pháp 5 sao cho vào năm 2020. VNPT IOC đã và đang trở thành nền tảng để các tỉnh, thành phố chuyển mình thành chính quyền số, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở Việt Nam, hướng tới phát triển Chính phủ số trong tương lai.
Xây dựng TPTM tiết kiệm năng lượng
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng cùng các sở, ngành hữu quan thành phố đã làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về việc đề xuất đầu tư dự án TPTM và tiết kiệm năng lượng Việt Nam (SEECP) trên địa bàn thành phố. Trong buổi làm việc, ADB đề xuất đầu tư dự án SEECP tại TP. Cần Thơ, với tổng số vốn dự kiến hơn 67 triệu USD (tương đương hơn 1.560 tỷ đồng) để phát triển cơ sở hạ tầng TPTM.
Dự án được thực hiện để phát triển cơ sở hạ tầng TPTMvà tiết kiệm năng lượng với đèn LED và công nghệ thông minh trong chiếu sáng công cộng và các tòa nhà công cộng. Mục tiêu của dự án nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, cải thiện lợi ích kinh tế xã hội như an toàn công cộng, cơ sở hạ tầng tốt hơn, tiện nghi và phúc lợi được cải thiện…
Dự án gồm hai hợp phần. Hợp phần một là đầu tư hệ thống chiếu sáng thông minh với các hạng mục là cải tạo đèn đường hiện hữu bằng đèn LED, lắp đặt điểm chiếu sáng mới, cột đèn thông minh, camera quan sát theo dõi có tích hợp WiFi, quan trắc môi trường...
Hợp phần 2 sẽ tiến hành cải tạo 50 tòa nhà công cộng ở Cần Thơ (gồm 19 bệnh viện, 27 trường học, 4 văn phòng), đảm bảo kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Về dự kiến thời gian thực hiện, dự án này được chuẩn bị từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2022 và giai đoạn 1 thực hiện dự án (bao gồm mua sắm và xây dựng) bắt đầu từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2025.