Mô hình thành phố thông minh mới của Nhật Bản giúp cải thiện cuộc sống đô thị

TH| 06/04/2021 17:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Các công cụ số được triển khai tại một thành phố thông minh của Nhật Bản có thể gửi cảnh báo thiên tai đến người dân. Đây là một nỗ lực nhằm bảo vệ an toàn và vượt qua những thách thức xã hội và kinh tế, đồng thời giảm thiểu nỗi lo về quyền riêng tư.

Cảnh báo trên điện thoại thông minh đã được công ty tư vấn Accenture triển khai tại thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima, Nhật Bản vào tuần trước, nhằm "hồi sinh" thành phố bằng cách ứng dụng công nghệ kể từ trận động đất kinh hoàng xảy ra năm 2011.

Shojiro Nakamura, người phụ trách Trung tâm Đổi mới Accenture Fukushima cho biết, người dân Aizuwakamatsu có thể lựa chọn đăng ký các dịch vụ số - một điểm khác biệt so với các sáng kiến ở các thành phố thông minh khác.

Hầu hết dữ liệu thành phố thông minh bắt nguồn từ các hoạt động của người dân, bao gồm sử dụng năng lượng, chăm sóc sức khỏe… và chủ sở hữu của dữ liệu lại chính là người dân, ngay cả khi dữ liệu đó do các công ty hoặc phòng khám nắm giữ. "Vì vậy, điều quan trọng là người dân phải kiểm soát được mức độ mà dữ liệu của họ có thể được truy cập", ông Shojiro Nakamura cho biết thêm.

Các công cụ số khác được Aizuwakamatsu cung cấp cho người dân bao gồm nhiều lĩnh vực: di chuyển, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tiêu thụ năng lượng. Người dân có thể đăng ký nhận thông tin và chia sẻ thông tin nào mà họ cảm thấy thoải mái.

Hiện nay, các thành phố trên khắp thế giới đang chạy đua để nắm bắt công nghệ nhằm cải thiện cuộc sống đô thị bằng cách thu thập dữ liệu để giải quyết những vấn đề như tắc nghẽn giao thông, tội phạm và quản lý chất thải.

Theo Công ty Dữ liệu quốc tế (IDC), trong một nghiên cứu được công bố trước khi thực hiện giãn cách xã hội toàn cầu để ngăn chặn đại dịch Covid-19, chi tiêu toàn cầu cho các sáng kiến thành phố thông minh ước tính đạt gần 124 tỷ USD vào năm 2020. Nhật Bản và Mỹ Latinh được dự báo sẽ có mức tăng trưởng chi tiêu cho các thành phố thông minh lớn nhất.

Tại Nhật Bản, các thành phố thông minh đã trở thành một lĩnh vực trọng tâm sau trận động đất và sóng thần năm 2011, với việc chính quyền địa phương hợp tác với các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu để giải quyết những vấn đề về kinh tế - xã hội bao gồm già hóa dân số và tác động của biến đổi khí hậu bằng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).

Mô hình thành phố thông minh mới của Nhật Bản giúp cải thiện cuộc sống đô thị  - Ảnh 1.

Các nhà sản xuất thiết bị gia dụng Panasonic và Hitachi và ứng dụng nhắn tin LINE cũng tham gia phát triển thành phố thông minh ở Nhật Bản.

Tháng trước, Toyota Motor đã động thổ xây dựng một thành phố thông minh mới gần Tokyo. Theo nhà sản xuất ô tô này, đây sẽ là một "phòng thí nghiệm sống" để thử nghiệm và phát triển các phương tiện tự hành, robot, di chuyển cá nhân và AI cho người dân.

"Xây dựng một thành phố hoàn chỉnh ngay từ đầu, ngay cả với quy mô nhỏ như thế này, là cơ hội duy nhất để phát triển các công nghệ trong tương lai", Chủ tịch Toyota Akio Toyoda cho biết tại buổi lễ khởi công.

Tại Trung Quốc, Alibaba Group Holdings, Tencent Holdings và Baidu cũng là một trong những công ty tham gia vào việc quy hoạch hơn 100 thành phố thông minh do chính phủ lãnh đạo.

Hiroi, một cố vấn tại Viện thành phố thông minh Nhật Bản cho biết: "Các yếu tố liên quan tới con người cần được đưa vào tính toán hơn nữa". Theo ông, cần nhiều nhân tố đa dạng hơn như người dân và các tổ chức phi lợi nhuận tham gia vào sự phát triển của các thành phố thông minh ở Nhật Bản.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Mô hình thành phố thông minh mới của Nhật Bản giúp cải thiện cuộc sống đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO