Cụ thể, theo Bộ TT&TT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Bộ TT&TT và một số tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT theo Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thêm nội dung về CĐS, kinh tế số và đô thị thông minh.
Các tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo có Bến Tre, Cao Bằng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Hà Nam, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn, Long An, Quảng Trị, Bắc Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bạc Liêu, Lâm Đồng.
Theo Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Uỷ ban quốc gia về CPĐT, trong tháng 02/2021, việc triển khai CPĐT nói chung và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025nói riêng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực và đạt được một số kết quả nhất định.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về CPĐT tiếp tục có những chỉ đạo để phát triển CPĐT. Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán điện tử, tiếp tục thúc đẩy làm việc trên môi trường mạng và các hoạt động trực tuyến, tiếp tục hoàn thiện ứng dụng công nghệ về khai báo y tế, tiếp tục vận động người dân sử dụng ứng dụng Bluezone. Tại các bộ, ngành, địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành phát triển CPĐT tiếp tục được quan tâm.
100% tỉnh, thànhđã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh
Về tình hình xây dựng nền tảng phát triển CPĐT, theo Bộ TT&TT,nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến tháng 12/2020, có 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%.
Về xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng CPĐT, trong tháng 2, Bộ Công an đã tổ chức khai trương Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân.
Việc khai trương hai hệ thống CNTT có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng CPĐT, đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý Nhà nước, sử dụng giấy tờ của công dân từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử.
Cũng về xây dựng CSDL quốc gia, trong tháng 2/2021, BHXH tiếp tục tiến hành làm sạch, đồng bộ dữ liệu, bổ sung thông tin để làm giàu thêm CSDL chuyên ngành BHXH, sẵn sàng cung cấp dữ liệu cho CSDL quốc gia về Bảo hiểm. BHXH cũng tiếp tục thực hiện tích hợp và trao đổi thông tin với Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thuế, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ sở khám chữa bệnh.
Về CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, tính đến ngày 18/02/2021, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã có 13.661.811 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 5.271.898 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; 3.120.217 dữ liệu đăng ký kết hôn; 2.140.593 dữ liệu đăng ký khai tử và 4.416.045 dữ liệu khác.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt xây dựng các nền tảng cho phát triển CPĐT, thực hiện CĐS quốc gia. Trong thời gian qua, hàng tuần Bộ TT&TT giới thiệu, khai trương một nền tảng quan trọng. Đến nay, 38 nền tảng đã được giới thiệu, ra mắt.
Hơn 4,4 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia
Theo số liệu của Bộ TT&TT, từ ngày 12/3/2019 đến ngày 23/02/2021, hơn 4,4 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Cùng với đó, từ ngày 24/6/2019 đến ngày 23/02/2021, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã phục vụ 27 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 674 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành, in ấn, sao chụp hơn 248.000 bộ hồ sơ, tài liệu giấy.
Trong khi đó, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đã kết nối với Hệ thống báo cáo của 14 bộ, cơ quan và 37 tỉnh…
Đường truyền kết nối được đảm bảo ổn định, thông suốt của 25 thông tin, dữ liệu trực tuyến kết nối với các Bộ, ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 đạt 56,36%
Trong tháng 02/2021, cũng theo Bộ TT&TT, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4. Tính đến ngày 20/02/2021, tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 đạt 56,36%, trong đó mức độ 3 là 25,18%, mức độ 4 là 31,18%.
Từ ngày 09/12/2019 đến ngày 23/02/2021, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 2.789 DVDCTT; có khoảng 109 triệu lượt truy cập, trên 446.000 tài khoản đăng ký; hơn 32 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 840.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến qua Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 50.000 cuộc gọi và hơn 10.000 phản ánh, kiến nghị.
454 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam
Về xây dựng CPĐT gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, theo Bộ TT&TT, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong tháng 02/2021, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ TT&TT đã ghi nhận 454 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; tăng 39,26% so với tháng 01/2021, và tăng 57,64% so với cùng kỳ tháng 02/2020.
Để bảo đảm ATTT mạng, Bộ TT&TT vẫn tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ TT&TT, một số vấn đề còn tồn tại đó là: Một số nghị định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành (Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định về định danh, xác thực điện tử;...); Một số CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển CPĐT triển khai chậm, như CSDL Đất đai quốc gia; Việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế…
Để thúc đẩy tiến độ triển khai xây dựng CPĐT theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các nghị định quan trọng để hoàn thiện thể chế phát triển CPĐT gồm: Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ TT&TT kiến nghị tiếp tục tập trung triển khai các công việc, nhiệm vụ được giao về xây dựng CPĐT và cải cách hành chính tại Mục 7 Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 10/02/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2021.
Các bộ, ngành, địa phương cũng hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN, phát triển Chính phủ số/Chính quyền số và bảo đảm ATTT mạng giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch năm 2021.
Các bộ, tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, đề án CĐS của bộ, tỉnh theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các bộ, tỉnh khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin CPĐT đã được đầu tư, đặc biệt là việc kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu của CQNN thông qua các nền tảng như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng dữ liệu quốc gia; Tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT mức độ 4 hiệu quả.
Bộ TT&TT cũng kiến nghị các bộ tiếp tục đẩy mạnh triển khai CSDL quốc gia, trong đó, Bộ Công an triển khai hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư; đến tháng 7/2021 khai thác sử dụng chính thức trên toàn quốc; Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ triển khai, khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng CSDL đất đai quốc gia trong tháng 7/2021.