Đề án này là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Một mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2023 sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy.
Đối tượng phạm vi áp dụng của Đề án gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước các cấp được điều chỉnh trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019; Cán bộ, công chức đang công tác được điều động, luân chuyển giữ các chức danh chủ chốt trong các hội và tổ chức phi chính phủ; Người được ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP 17/11/2000.
Minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức
Mục tiêu chung của Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước là xây dựng, quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên, tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu với CSDL cán bộ, công chức của các bộ, ngành, địa phương; CSDL quốc gia ở các lĩnh vực khác, góp phần vào quá trình xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử / chính quyền điện tử; Thực hiện minh bạch hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Cũng theo Đề án, mục tiêu cụ thể trong năm 2020 là hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Trong đó, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế.
Trong năm 2021, sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tại Bộ Nội vụ; Các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu; Các giải pháp kỹ thuật mật mã để bảo mật dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi thuộc phạm vi bí mật nhà nhà nước.
Bên cạnh đó, cũng trong năm 2021, sẽ chuyển đổi, chuẩn hóa và cập nhật bổ sung dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy, biên chế vào CSDL cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tập trung tại Bộ Nội vụ.
Đối với năm 2022 và các năm tiếp theo, Đề án đặt mục tiêu cụ thể là đưa CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức vào quản lý và khai thác sử dụng. Gắn việc khai thác CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan nhà nước.
Đến năm 2023, sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ, sơ yếu lý lịch cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện quy trình tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đề bạt, bổ nhiệm... Từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống; thực hiện việc cấp biên chế công chức, số người làm việc và hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước qua Hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương để thu thập, tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, nguồn nhân lực theo thời gian thực.
Thống nhất các tiêu chí thông tin quản lý và chia sẻ dữ liệu
Đề án cũng nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác để thu thập, tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, nguồn nhân lực; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp.
Về tính bảo mật, an toàn thông tin được đề án đưa ra trên cơ sở cung cấp giải pháp xác thực người dùng ở mức độ cao; mã hóa và ký số với các giao dịch dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy biên chế, giữa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đặt tại Bộ Nội vụ với cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Thông tin, dữ liệu được chuẩn hóa, chuyển đổi đồng bộ, được đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật tối đa trước khi tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia đặt tại Bộ Nội vụ.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo các tính năng chia sẻ, liên thông với các phần mềm, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và phần mềm nhập dữ liệu theo chuẩn chung.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về liên quan đến vấn đề này.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức TƯ thống nhất các tiêu chí thông tin quản lý (đầu vào, đầu ra), mẫu sơ yếu lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức điện tử áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; thống nhất các giải pháp liên thông, chia sẻ, tích hợp thông tin dữ liệu của các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội do Ban Tổ chức TƯ làm đầu mối với các cơ quan nhà nước do Bộ Nội vụ làm đầu mối.
Đồng thời, công tác này giúp giảm thiểu các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác cán bộ như: kê khai, bổ sung sơ yếu lý lịch và tài sản, thu nhập, thẩm tra, xác minh... góp phần đổi mới quan trọng công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.
Sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Bên cạnh việc nêu rõ các yêu cầu về nghiệp vụ, kỹ thuật, Đề án xây dựng CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước cũng đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sẽ được tập trung triển khai thời gian tới, với phân công cụ thể đơn vị chủ trì các nhiệm vụ và thời gian cần hoàn thành.
1. Hoàn thiện thể chế để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, triển khai và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Cụ thể:
Xây dựng, ban hành văn bản quy định về mẫu phiếu thông tin đầu vào sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả mẫu phiếu điện tử) thống nhất trong toàn hệ thống chính trị thay thế mẫu 2C-BNV/2008 của Bộ Nội vụ và mẫu 2C/ TCTW-98 của Ban Tổ chức Trung ương.
Xây dựng văn bản quy định danh mục chuẩn thông tin và quy định kỹ thuật chia sẻ, tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (thay thế Quyết định số 4223/QĐ-BNV ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ); Quy định về an toàn bảo mật thông tin đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Sửa đổi quy định trong danh mục tài liệu mật đối với ngành Nội vụ (theo Thông tư số 36/2012/TT-BCA ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Nội vụ) đảm bảo việc liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.
Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ quy định về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.
Xây dựng văn bản quy định về định danh cán bộ, công chức, viên chức; sơ yếu lý lịch điện tử, lưu trữ điện tử đối với hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; thẻ công chức điện tử.
Tổ chức rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, thủ tục về quản lý, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm khai thác hiệu quả dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức. Tuân thủ nguyên tắc: thông tin cán bộ, công chức, viên chức phải được cập nhật thường xuyên và ngay khi có sự biến động; không yêu cầu kê khai thông tin lý lịch cán bộ, công chức, viên chức đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
2. Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Nội vụ.
Xây dựng phần mềm nhập dữ liệu theo chuẩn chung để tích hợp, chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức từ các bộ, ngành, địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.
Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu, đủ điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo vận hành ổn định và an toàn, an ninh, bảo mật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ Nội vụ.
3. Tổ chức chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.
Thử nghiệm kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu của một số bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Tổ chức hướng dẫn chuẩn hóa, chuyển đổi, tạo lập và tích hợp cơ sở dữ liệu của các bộ ngành, địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.
Xây dựng, nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Nội vụ đảm bảo việc kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện việc chuyển đổi, chuẩn hóa, tạo lập dữ liệu; tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên cập nhật, đồng bộ về cơ sở dữ liệu quốc gia ngay khi có sự thay đổi về thông tin cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện các giải pháp an ninh, an toàn bảo mật thông tin cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình chuyển đổi, liên thông, tích hợp, đồng bộ dữ liệu.
Tổ chức tích hợp cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành và địa phương về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Bộ Nội vụ.
4. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức kết nối cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác do bộ, ngành, địa phương xây dựng, đảm bảo việc liên thông, chia sẻ dữ liệu.
5. Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
6. Quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước; và Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác cải cách hành chính liên quan đến công tác quản lý cán bộ của các cơ quan nhà nước. Các bộ, ngành và địa phương chủ trì quản lý, vận hành, duy trì cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của từng bộ, ngành, địa phương; thường xuyên cập nhật dữ liệu, đồng bộ về cơ sở dữ liệu quốc gia.
(Bài đăng ấn phẩm in tạp chí TT&TT Số 7+8 Tháng 8/2020)