Ví điện tử tại Việt Nam: “Đốt tiền chịu lỗ” để thay đổi thói quen người dùng trẻ

Nguyễn Khiêm| 17/11/2020 08:13
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù đa số các ví điện tử tại Việt Nam đều lỗ nhưng thị trường vẫn “nóng” lên từng ngày khi liên tục có các chương trình khuyến mãi, mua bán sát nhập hay thương vụ đầu tư bạc tỷ để thay đổi thói quen không dùng tiền mặt của người dân, nhất là thế hệ trẻ, đối tượng đang trở thành lực lượng chính thúc đẩy xu hướng tiêu dùng số.

Nhiều thương vụ mua bán ví điện tử để hoàn thiện hệ sinh thái

Ngày 14/9/2020, theo Dealstreetasia, Gojek đã mua lại phần lớn cổ phần tại WePay để thúc đẩy nỗ lực triển khai ví điện tử tại Việt Nam. Theo đó, ông Pablo Malay, tổng cố vấn của Gojek tại Singapore, sẽ giữ chức chủ tịch của WePay. Còn vị trí Tổng giám đốc WePay do ông Phùng Đức Tuấn - Tổng giám đốc Gojek Việt Nam kiêm nhiệm.

Ngoài ra, theo Cổng đăng kí thông tin doanh nghiệp quốc gia, người đại diện pháp luật của WePay đã được đổi thành các ông Phùng Tuấn Đức và Pablo Malay từ trung tuần tháng 8.

Trụ sở đăng kí của WePay cũng chuyển từ quận Thanh Xuân về Cầu Giấy, nơi đặt trụ sở chính của Gojek Việt Nam. Trước khi về với Gojek, WePay thuộc sở hữu của VCCorp và có chung người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thế Tân.

Ví điện tử tại Việt Nam: “Đốt tiền chịu lỗ” để thay đổi thói quen người dùng trẻ - Ảnh 1.

Việc thâu tóm một ví điện tử được cho là sẽ giúp Gojek Việt Nam hoàn thiện hệ sinh thái của mình trong việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Đây được cho là điểm yếu của Goviet trước kia khi người dùng chỉ có thể thanh toán bằng tiền mặt. Trả lời truyền thông, ông Đức khẳng định, mảng thanh toán là một cạnh trong tam giác vàng (GoBike - GoFood - GoSend) và chắc chắn sẽ là mảng trọng tâm mà Gojek Việt Nam sẽ đưa vào thị trường trong thời gian tới.

Đối thủ lớn nhất của Gojek ở thị trường Việt Nam là Grab, ngay từ tháng 9/2018 đã mua lại 3,523% cổ phần và hợp tác chiến lược với Moca. Tháng 10/2018, hai bên đã ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca, đánh dấu sự hiện diện chính thức của Grab trong thị trường ví điện tử/trung gian thanh toán Việt Nam. Kết quả của việc bắt tay này là trong năm 2019, Moca tăng trưởng người dùng gấp 6 lần so với cùng kì năm 2018, còn tỷ lệ giao dịch thông qua Moca chiếm đến 42% tổng số giao dịch không dùng tiền mặt trên Grab (tính đến tháng 9/2019).

Cuối năm 2019, Ant Financial của Trung Quốc một công ty fintech thuôc của tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) khổng lồ Alibaba Group Holding Ltd đã âm thầm mua cổ phần khá lớn trong ví điện tử eMonkey của Việt Nam.

Tháng 11/2019, Lazada - công ty đã được Alibaba mua lại với giá 1 tỷ USD vào năm 2016 - đã giới thiệu hình thức thanh toán mới là ví eM tại thị trường Việt Nam.

Không chỉ ông lớn nước ngoài mà một đại gia Việt Nam là công ty cổ phần (CTCP) VinID - có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng - được thành lập tháng 7/2018, do Vingroup sở hữu 80% cổ phần cũng đã có thương vụ mua lại ví điện tử Monpay của công ty cổ phần People Care vào tháng 5/2019. Đầu năm 2019, sau khi thay đổi toàn bộ nhân sự chủ chốt bằng người của VinID, People Care đã tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi, từ 68 tỷ lên 138 tỷ đồng.

Để rồi đến tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử cho CTCP VINID PAY (cấp lại lần 2 - Tên cũ là CTCP People Care - đơn vị sở hữu trực tiếp ví điện tử MonPay).

Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày kí đến ngày 3/8/2027. Đồng thời giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán NHNN cấp cho cho CTCP People Care sẽ hết hiệu lực kể từ ngày giấy phép mới có hiệu lực.

Ví điện tử tại Việt Nam: “Đốt tiền chịu lỗ” để thay đổi thói quen người dùng trẻ - Ảnh 2.

Trong đó, thương vụ mua bán, sáp nhập sớm nhất giữa ví điện tử trong nước và ông lớn nước ngoài là việc ra mắt ví điện tử TrueMoney vào năm 2016. Đây là dự án của CTCP 1Pay, đồng thời là sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần MOG Việt Nam và tập đoàn Ascend Thái Lan.

CTCP 1Pay từng là đơn vị trực thuộc startup công nghệ MOG Việt Nam (tiền thân là mWork). Mặc dù thành lập từ năm 2013, nhưng phải đến tháng 5/2017, 1Pay mới được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán. 1Pay đã về tay người Thái sau khi True Money nắm giữ 90% vốn fintech này.

Theo thống kê, hiện có tới 37 tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó ví điện tử mới nhất được cấp phép là ví 9Pay vào tháng 8/2020.

Theo lý giải của một chuyên gia trong lĩnh vực fintech, sở dĩ các ông lớn nước ngoài buộc phải mua lại các ví điện tử trong nước là do tài chính là một lĩnh vực nhạy cảm nên NHNN khá hạn chế trong việc cấp phép cho các đơn vị nước ngoài. Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến việc M&A (mua bán) trong thị trường trung gian thanh toán là để rút ngắn việc đầu tư hạ tầng và người dùng.

Nhân tố bí ẩn Mobile Money

Tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Một trong những giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu là cấp phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Trong kịch bản thúc đẩy kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số kiến nghị trong đó có việc cho thí điểm Mobile Money. "Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy TMĐT, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo đó, đại diện các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT, MobiFone khẳng định đều đã sẵn sàng triển khai Mobile Money. Theo thống kê hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Vì vậy, Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch. Từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Đức, CEO ví điện tử Baokim, khi dịch vụ Mobile Money được cấp phép chắc chắn sẽ thay đổi toàn bộ sân chơi của các ví điện tử và công cụ thanh toán truyền thống, khi tiếp cận lớp khách hàng chiếm hơn 50% dân số Việt Nam - những người chưa có thẻ ngân hàng mà các ví điện tử không thể hướng đến. "Tuy nhiên, do dịch vụ Mobile Money sẽ chỉ ở dạng thử nghiệm nên chắc chắn hạn mức tiêu dùng sẽ bị giới hạn, nên sẽ chưa thể ảnh hưởng nhiều đến các ví điện tử hiện nay", ông Đức nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Ví MoMo khẳng định, đề án thí điểm Mobile Money sẽ có nhiều tác động tích cực, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, tại các khu vực vùng sâu vùng xa - nơi người dân chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, dịch vụ ngân hàng chưa vươn tới, Mobile Money chính là một ví điện tử đơn giản, không yêu cầu người dùng phải có tài khoản ngân hàng.

Bên cạnh mô hình Mobile Money, trong thời gian gần đây NHNN đã cho phép nhiều ngân hàng thương mại được thử nghiệm mô hình mở tài khoản trực tuyến, áp dụng eKYC với kết quả rất đáng khích lệ, đồng thời đây cũng là cách giúp cho người dân dễ dàng mở tài khoản để sử dụng nhiều mục đích, trong đó có ví điện tử. "Tôi nghĩ rằng dịch vụ thanh toán điện tử như mới đang ở bước đầu phát triển mạnh ở các thành phố lớn. Ví MoMo đang phát triển theo chiều từ thành thị xuống nông thôn, còn Mobile Money phát triển từ nông thôn lên thành phố, thì đều tốt cả đối với thị trường, tốt với khách hàng, vì không chỗ nào bị bỏ trống", ông Diệp chia sẻ thêm.

Khách hàng sẽ là người quyết định việc sử dụng dịch vụ nào phù hợp nhất, chứ không phải đơn vị cung cấp dịch vụ. Đồng thời, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm vàng để phổ cập, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt cho người dân Việt Nam theo chủ trương thúc đẩy tài chính toàn diện của Chính phủ và thị trường còn đủ lớn để nhiều đơn vị cùng khai thác.

Trở ngại lớn nhất đến từ thói quen dùng tiền mặt

Thống kê từ Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Công ty tư vấn Solidiance, thị trường fintech Việt Nam năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD và dự báo tăng lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với mức tăng 77% trong vòng 3 năm. Sự phát triển của fintech tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút 117 triệu USD vốn khởi nghiệp, vượt qua thị trường TMĐT (104 triệu USD) vào năm 2018.

Năm 2019, sự tăng trưởng của fintech càng nhanh hơn với 2 thương vụ đầu tư vào VnPay (khoảng 300 triệu USD) và MoMo với con số không được tiết lộ nhưng được cho là "con số cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực Fintech và TMĐT tại Việt Nam" thời điểm đầu năm 2019.

Ví điện tử tại Việt Nam: “Đốt tiền chịu lỗ” để thay đổi thói quen người dùng trẻ - Ảnh 3.

Fintech tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào phân khúc thanh toán với 47% công ty trên thị trường làm về dịch vụ thanh toán, chiếm tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Phân khúc thanh toán thu hút nhiều nhà đầu tư là quy luật chung của các nước có thị trường fintech phát triển giai đoạn đầu. Các công ty trong phân khúc này cũng đã chiếm 98% tổng số tiền đầu tư cho fintech vào năm 2019.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của thị trường fintech đến từ việc thị trường phân mảnh khi có quá nhiều ví điện tử và thói quen không dùng tiền mặt của người Việt Nam.

Báo cáo về kỷ nguyên mới của lĩnh vực thanh toán số của IDC và NTT Data công bố vào đầu năm 2020 cho thấy, trong khu vực châu Á, Việt Nam là nước có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở mức gần như thấp nhất, chỉ hơn mỗi Philippines. Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam hiện ở mức 80%, trong khi tại Indonesia là 68%, tại Nhật là 78%, tại Thái Lan là 60%, tại Trung Quốc là 34% và Hàn Quốc là 36%, ở các nước phát triển như Mỹ là 30%, Vương quốc Anh là 25% và Thụy Điển là 15%.

Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, vào tiềm thức của người dân, cùng với đó là tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử nên việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động thanh toán điện tử ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể cho thấy thói quen dùng tiền mặt của người dân đang dần thay đổi.

Theo số liệu được đưa ra tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai" tổ chức hồi tháng 6/2020, trong 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Chưa kể đến, với tỷ lệ hơn 52% dân số sử dụng Internet và tiếp cận với smartphone hàng ngày, thế hệ Gen Z (những người sinh sau năm 2.000) và thế hệ Millennials (những người sinh sau 1980 đến đầu 2000) đang trở thành lực lượng trẻ thúc đẩy xu hướng tiêu dùng số ở Việt Nam.

Những con số trên cho thấy rằng, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt (noncash payments).

Theo IDC, ví di động sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2022 - 2030 tại Việt Nam, đặc biệt là với các thế hệ trẻ thanh toán bằng smartphone. Do đó để đón đầu xu hướng trong thời gian tới, các ví điện tử hiện nay đang chạy đua không ngừng để mở rộng khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ.

Nhiều ý kiến cho rằng, một khó khăn khác đến từ việc thị trường ví điện tử Việt Nam tương đối phân mảnh. Ngoài MoMo công bố đạt 20 triệu người dùng vào tháng 9/2020 thì gần như không có bất kì ví điện tử nào khác đưa ra số lượng người sử dụng của mình. Thống kê quý 2/2019 của NHNN cho thấy, top 5 ví điện tử có số lượng giao dịch lớn nhất Việt Nam bao gồm MoMo, Payoo, AirPay, Moca và SenPay, chiếm hơn 93% tổng thị phần. Tuy nhiên, báo cáo của công ty nghiên cứu Cimogo lại cho thấy ZaloPay, Momo và Moca đang chiếm hơn 90% thị phần.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực Fintech, do thị trường Internet Việt Nam đang phát triển và tương đối mở, nên bất kì lĩnh vực nào trong giai đoạn đầu tiên cũng có rất nhiều doanh nghiệp cả tây lẫn ta "tham chiến". Vị chuyên gia này đã dẫn chứng thị trường TMĐT và ứng dụng gọi xe cách đây vài năm. Khi đó, thị trường TMĐT cũng có rất nhiều đơn vị cung cấp, sau một thời gian đốt tiền để hút người dùng, rất nhiều cái tên đã phải từ bỏ thị trường như Robins, Adayroi, Lotte.vn, Lingo, Deca, Beyeu… , để rồi thị trường hiện nay chỉ còn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Hay ứng dụng gọi xe, Uber , VATO … đã phải ngừng cuộc chơi. 

"Do đó, không thể nói sự phân mảnh như hiện nay là khó khăn cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt, mà nó là sự phát triển giai đoạn đầu của bất kì lĩnh vực Internet nào ở Việt Nam", vị chuyên gia này chia sẻ thêm.

Ai sẽ là người chiến thắng?

Như vậy, có thể thấy, hiện vẫn chưa có ứng dụng nào hoàn toàn áp đảo phần còn lại và các ví điện tử phải cạnh tranh rất lớn để chiếm lấy thị trường. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là một dấu hiệu tốt cho thị trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu này, người dùng sẽ phải sử dụng rất nhiều ví điện tử khác nhau. Còn bản thân các đối tác cũng phải đưa ra quá nhiều mã QR Code của các ví điện tử khác nhau, vì thế hình ảnh bất kì ai cũng dễ dàng bắt gặp là các cửa hàng phải để rất nhiều mã từ VnPay, Moca, Zalo pay… Còn thuận lợi là người dùng sẽ được hưởng lợi, khi mà các ví điện tử phải liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi để cạnh tranh.

Chưa kể, mỗi ứng dụng fintech thanh toán lại hướng đến những mục tiêu khác nhau, có ứng dụng nhắm đến người dùng cuối như Moca, MoMo, ZaloPay…, có ứng dụng lại nhắm đến doanh nghiệp thay vì đứng độc lập như VnPay, BaoKim…

Thị trường ví điện tử Việt Nam khắc hẳn với cách mà Alipay và Wechat Pay chiếm phần lớn thị trường Trung Quốc khi kết hợp với hệ sinh thái đông người dùng Internet của Alibaba, WeChat. Bởi vì, tại Trung Quốc, người dùng phụ thuộc và không thể sống thiếu hệ sinh thái của Alibaba, Tencent do sự lớn mạnh của Taobao, Tmall, Wechat…

Còn tại Việt Nam, điều ngạc nhiên là ứng dụng mới công bố đạt 20 triệu người dùng là MoMo, lại không sở hữu bất kì cộng đồng, hệ sinh thái nào. Trong khi đó, những cộng đồng lớn, do sự phân mảnh nên không tạo ra bất kì lợi thế nào. Zalo dù sở hữu hơn 60 triệu người dùng, nhưng người sử dụng có rất nhiều lựa chọn ứng dụng chat OTT khác nhau nên ZaloPay không phải là sự lựa chọn duy nhất trong cộng đồng của Zalo. Tương tự, Shopee dù với lợi thế trang TMĐT lớn nhất, nhưng người dùng trên trang có thể thanh toán không qua nhiều hình thức khác nhau như COD (giao hàng nhận tiền mặt), hay qua thẻ tín dụng, Internet Banking… nên Airpay không tạo ra nhiều lợi thế. Thậm chí, người sử dụng còn có những lựa chọn các trang TMĐT cùng ví điện tử khác như Tiki (thanh toán qua ZaloPay), Lazada (ví eM), Sendo (ví Senpay).

Còn với Moca, dù đã tận dụng rất tốt sự phát triển của Grab, nhưng cũng giống như TMĐT, mỗi ứng dụng gọi xe lại có ví điện tử khác nhau như be (Momo, Smartpay), Gojek (ví Wepay)… Bản thân Grab cũng cho phép sử dụng nhiều phương tiện thanh toán khác nhau thay vì chỉ sử dụng ví Moca.

Vì không thể tận dụng được cộng đồng, các ví điện tử phải liên tục đốt tiền để đưa ra các chương trình khuyến mãi, đồng thời tạo ra các dịch vụ, tiện ích để giữ chân người dùng như thanh toán khách sạn, tiền điện, nước, tài chính – bảo hiểm, ăn uống… Sự cạnh tranh đến từ việc ứng dụng nào sẽ tạo ra hệ sinh thái đủ mạnh để thu hút người dùng và các đối tác.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh còn đến từ những gương mặt với tiềm lực tài chính mạnh, cộng đồng offline rộng khắp như VinID, ViettelPay. Hệ sinh thái của Vingroup và Viettel đủ mạnh để khiến bất kì ví điện tử nào, kể cả ứng dụng có đến 20 triệu người dùng như MoMo phải dè chừng, khi mà tiềm năng của thị trường vẫn chưa được khai thác hết và thị trường fintech ở Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu.

Do phải liên tục khuyến mãi, đưa các chương trình thu hút người dùng, đa phần các ví điện tử đều ghi nhận số lỗ tăng theo từng năm. Số liệu từ trang CafeF cho thấy, cả MoMo, ZaloPay, Moca hay VinID đều ghi nhuận lợi nhuận âm trong năm 2019.

Điểm sáng về "thoát lỗ" đến 2 ví điện tử Airpay và Payoo. Với lợi thế Shopee đang là trang TMĐT số 1 Việt Nam nhưng lợi nhuận của AirPay khá khiêm tốn, đạt 10 tỷ năm 2018 và 14 tỷ năm 2019, sụt giảm mạnh so với con số của năm 2016 và 2017 trước đó.

Còn với Payoo, do hoạt động nhắm đến khách hàng doanh nghiệp (DN), hoạt động trung gian thanh toán kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ như điện, nước, trường học… Năm 2019, Payoo đạt doanh thu hơn 3.200 tỷ, lãi 107 tỷ đồng. Điều này được cho là dễ hiểu khi Payoo không nhắm đến khách hàng cuối và không có các chương trình khuyến mãi như các ví điện tử khác.

Khi được hỏi về vì sao thị trường fintech liên tục "đốt tiền" trong suốt thời gian qua, ông Diệp đã cho rằng, "tôi chưa thấy ai dại mà "mang tiền ra đốt" cả, việc đầu tư đổi mới sáng tạo cần nhiều thời gian, đầu tư lớn để đạt được quy mô".

Các DN công nghệ đều phải đầu tư rất dài, chấp nhận chi phí lớn trong thời gian đầu. Trên thế giới, đây là việc hết sức bình thường. Ví dụ như Tesla là công ty xe điện lớn nhất thế giới, giá trị 295 tỷ USD, đến giờ vẫn chưa có lãi kể từ khi thành lập năm 2003. Airb2b, Snapchat, Dropbox… cũng tương tự.

Lãnh đạo Baokim cho rằng, thị trường ví điện tử Việt Nam cũng sẽ tương tự như thị trường Trung Quốc, khi TMĐT phát triển, người dùng sẽ hình thành dần thói quen mua sắm thông qua các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt như ví điện tử.

Đồng thời, như các lĩnh vực khác, sau giai đoạn "trăm hoa đua nở" để cùng nhau khai phá mảnh đất "thanh toán không dùng tiền mặt" và đào tạo người dùng, thị trường sẽ chỉ còn lại khoảng 5 ứng dụng, trong đó mỗi mô hình lại có 1-2 ứng dụng. Sự phát triển của ví điện tử như hiện nay là điều tất yếu. Bởi vì, theo sau sự bùng nổ của TMĐT và gọi xe trực tuyến, sẽ là bàn đạp rất tốt cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.

"Nếu nhanh thì ít nhất 3 năm nữa, thị trường ví điện tử sẽ định hình rõ ràng và chỉ còn lại một vài ứng dụng mạnh nhất, chiếm phần lớn người dùng smartphone tại Việt Nam", ông Đức cho hay.

Về thị trường Fintech trong thời gian tới, ông Diệp nhấn mạnh, COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, các ngành đã phải "go online" – đưa mọi thứ lên môi trường trực tuyến nhiều hơn để bù đắp doanh số. "Khi lượng đổi thì chất sẽ đổi, tôi tin trong vòng 12 tháng nữa thôi thì ngành thanh toán điện tử sẽ có những phát triển vượt bậc và Ví MoMo sẽ có những ảnh hưởng, tác động tích cực đến tăng trưởng chung của ngành", ông Diệp kết luận.

Ví điện tử tại Việt Nam: “Đốt tiền chịu lỗ” để thay đổi thói quen người dùng trẻ - Ảnh 4.

Tài liệu tham khảo

1. https://cafef.vn/cuoc-chien-dot-tien-cua-vi-dien-tu-momo-zalopay-airpay-cang-lam-cang-lo-dot-tien-de-don-song-lon-giai-doan-2020-2030-20200923215327865.chn

2.https://vietnambiz.vn/gojek-thau-tom-vi-dien-tu-wepay-cua-vccorp-20200914105523938.htm

(Bài đăng ấn phẩm in tạp chí TT&TT số 13+14 tháng 10/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Ví điện tử tại Việt Nam: “Đốt tiền chịu lỗ” để thay đổi thói quen người dùng trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO