Hội nghị được UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Miên chủ trì Hội nghị với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhận định: Thế giới thực chất đã đang thay đổi kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, xã hội 5.0 và kinh tế số tác động mạnh mẽ tới quá trình toàn cầu hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và mang lại lợi thế cạnh tranh mới cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để đưa Việt Nam trở thành nơi tốt nhất cho các doanh nghiệp (DN) công nghệ khởi nghiệp và phát triển. "Việt Nam sẽ chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm, dịch vụ theo hướng "Make in Viet Nam" - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam".
Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh liên doanh, liên kết và thu hút các tập đoàn công nghệ nước ngoài vào đầu tư, đặc biệt các DN tham gia vào nền kinh tế số, thuộc lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao như sản xuất thiết bị thông minh, IoT, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối an ninh mạng, thương mại điện tử, fintech v.v…
"Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các quốc gia tiên phong số hóa nền kinh tế, chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số sẽ chiếm lợi thế", Thứ trưởng nhận định.
Thứ trưởng nhấn mạnh chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam là tận dụng các lợi thế cạnh tranh mới với các nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN lần thứ tư. Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo quy định quản lý trong các lĩnh vực sẽ khuyến khích các mô hình công nghệ mới trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích công cộng. Các DN nước ngoài có thể đến Việt Nam thử nghiệm các công nghệ mới.
Thứ hai, phát triển hạ tầng mạng di động viễn thông, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G; rà soát, phát triển hạ tầng số tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu bùng nổ kết nối và xử lý dữ liệu, nhu cầu đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, tạo tiền đề cho sản xuất thông minh.
Thứ ba, rà soát, ban hành hệ thống ưu đãi thuế cao nhất cho các DN công nghệ, đồng thời xem xét thiết kế các gói ưu đãi đặc thù cho các DN có các dự án đầu tư quy mô lớn, đầu tư vào R&D và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ngày 03/6/2020, Việt Nam đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu đến năm 2030 trở thành Quốc gia số. Chương trình kỳ vọng sẽ tạo ra một thị trường số năng động bao trùm trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải-logistic và hình thành một không gian hợp tác rộng lớn cho các DN công nghệ nước ngoài vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Đến nay, Nhật Bản đang là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư FDI vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 60 tỷ USD từ khoảng 4.200 dự án, trong đó có hơn 700 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực CNTT-TT.
Theo đó, Thứ trưởng bày tỏ trân trọng sự hiện diện của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, góp phần tạo ra hàng triệu việc làm, thu nhập cho người lao động, nâng cao trình độ, chuyển giao công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đứng trước cơ hội tiếp tục đón nhận các làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Thứ trưởng khẳng định: Việt Nam đã sẵn sàng cho việc đón nhận dịch chuyển đầu tư của các DN công nghệ Nhật Bản. Chính phủ đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu CNTT tập trung, khu công nghệ cao tại các trung tâm kinh tế trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là TP. Đà Nẵng.
Nổi lên và được ví như là một Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, Thứ trưởng nhấn mạnh: Chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành "Thành phố môi trường" và là điểm đến đắt giá, thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu trong tương lai.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng
Tại Hội nghị, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhận định: Hiện nay Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội lớn để đón nguồn đầu tư từ các nước trong lĩnh vực ICT trong xu hướng cơ cấu nguồn cung ứng toàn cầu, đặc biệt sau khi ký kết TPP, Nhật Bản và Việt Nam đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng. Việt Nam đã ngày càng trở thành nguồn cung ứng đặc biệt quan trọng.
Đà Nẵng với vị thế chiến lược trong hành lang kinh tế Đông Tây, sở hữu nguồn nhân lực CNTT dồi dào, đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, cùng với sự chú trọng của chính quyền thành phố trong phát triển ICT là điểm hấp dẫn không thể bỏ qua đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực CNTT.
Theo phân tích của Đại sứ Vũ Hồng Nam, Đà Nẵng với các trung tâm kinh tế lớn của khu vực thì có khoảng cách tương đồng. Do đó, trong thời gian tới, Đại sứ tin tưởng Đà Nẵng trở thành trung tâm để cung ứng các phần cứng sản xuất cho các trung tâm kinh tế ICT tại khu vực và trở thành trung tâm thuê ngoài (outsourcing) quan trọng của tất cả các nền kinh tế ở nước ta. "Với các lợi thế này, DN Nhật Bản sẽ quan tâm đầu tư vào Đà Nẵng trong lĩnh vực ICT và sẽ thành công".
Đà Nẵng coi trọng đầu tư vào lĩnh vực ICT
Với khát vọng trở thành thành phố đổi mới sáng tạo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Miên, cho biết: Bộ Chính trị (khóa XII) vừa ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đặt ra 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là phát triển du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển chú trọng đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Phó Chủ tịch Trần Văn Miên khẳng định: Đà Nẵng đánh giá cao cộng đồng DN Nhật Bản đầu tư, đóng góp vào sự phát triển của Đà Nẵng trong những năm qua và và mong đón tiếp các nhà đầu tư, trong đó có các DN ICT Nhật Bản đến đầu tư tại Đà Nẵng.
Thông tin về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đà Nẵng, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) - UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Đà Nẵng. Hiện thành phố có 869 dự án với tổng đầu tư 3.518 tỷ USD, đến từ 56 quốc gia. Nhật Bản có số dự án đầu tư cao nhất với 214 dự án, với tổng vốn đầu tư là 816 triệu USD. Số dự án đầu tư ICT chiếm vị trí cao thứ 3, 11,07%. Về lĩnh vực ICT, Đà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi cho khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung và cả DN CNTT ngoài khu CNTT tập trung.
Đối với khu công nghệ cao, Đà Nẵng sẽ ưu đãi thuế thu nhập DN, trong đó ưu đãi thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập DN 04 năm đầu tiên, 5% cho 9 năm tiếp theo, 10% cho 2 năm tiếp theo. Đối với dự án từ 3000 tỷ đồng (xấp xỉ 129 triệu USD) được ưu đãi thuế thu nhập DN trong 30 năm. Đà Nẵng cũng sẽ ưu đãi thuế nhập khẩu như là miễn thuế hàng hóa để tạo tài sản cố định, bao gồm máy móc, thiết bị và linh kiện, miễn tiền thuê đất…
Đối với khu CNTT tập trung, Đà Nẵng miễn tiền thuê đất tùy thuộc vào dự án, quy mô đầu tư và thời gian ưu đãi từ 5 – 10 năm, miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm và dịch vụ CNTT, ưu đãi chi phí sử dụng hạ tầng…
Đà Nẵng cũng ưu đãi đối với DN CNTT ngoài khu CNTT tập trung. Theo đó, DN CNTT thực hiện các dự án sản xuất phần mềm, sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin (ATTT), bảo vệ ATTT được ưu đãi thuế thu nhập DN 0% trong 4 năm đầu tiên, 5% cho 9 năm tiếp theo, 10% cho 2 năm tiếp theo nữa. Ngoài ra, các DN còn được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
Bà Phương cũng khẳng định IPA là cơ chế dịch vụ "một cửa", hỗ trợ tối đa cho DN nước ngoài muốn đầu tư cả trước, trong và sau khi được cấp phép. Khi DN đầu tư vào Đà Nẵng hãy liên hệ với IPA. IPA là đơn vị cho các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng và cầu nối giữa các nhà đầu tư và chính quyền Đà Nẵng.