3 đề xuất xây dựng nhân lực chuyên môn cao đáp ứng chuyển đổi số quốc gia

Tuấn Trần| 04/11/2020 15:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Xu hướng chuyển đổi số đang và sẽ ảnh hưởng đến phân công công việc xã hội.

Tác động của chuyển đổi số trong việc thay đổi tính chất công việc và yêu cầu năng lực cũng như kỹ năng nghề nghiệp cao hơn sẽ khiến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng do nguồn nhân lực sẽ bị thay thế dần bởi công nghệ.

Nhiều hình thức công việc mới mang lại hiệu quả cao hơn, ứng dụng công nghệ cao sẽ được tạo ra như một phần của chuyển đổi số, nhưng đồng thời, nhiều công việc tốn nhiều chi phí nhân lực và quản lý sẽ biến mất trong tương lai.

Chuyển đổi số: Cơ hội để cải thiện công việc và bản chất của việc làm - Ảnh 1.

Tác động của số hóa đối với lực lượng lao động phụ thuộc vào sự đổi mới công nghệ và ứng dụng của các công nghệ mới.

Tác động của số hóa đối với lực lượng lao động phụ thuộc vào sự đổi mới công nghệ và ứng dụng của các công nghệ mới này, nhưng ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy khoảng 14% công nhân phải đối mặt với rủi ro cao rằng công việc của họ sẽ được tự động hóa. 32% khác phải đối mặt với những thay đổi lớn trong các công việc họ và do đó, ảnh hưởng đến các kỹ năng cần để thực hiện công việc. Những công nhân này sẽ cần phải thích nghi đáng kể để thành công trong môi trường làm việc mới.

Chuyển đổi là cơ hội hiếm có để cải thiện các công việc và bản chất của việc làm hiện nay. Các công việc có tính chất nguy hiểm, ô nhiễm, có tính chất lặp lại sẽ giảm đáng kể, trong khi các công việc tôn vinh sự sáng tạo, linh hoạt có thể gia tăng. Để đạt được điều này, tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách, cần nhận thức được những thay đổi đang diễn ra, hình thành tầm nhìn về kết quả và kế hoạch mong muốn để các cơ hội được nắm bắt và giải quyết được các vấn đề nổi lên trong xã hội.

Thị trường lao động đang thay đổi

Theo TS. Lê Hoành Sử, trường Đại học (ĐH) Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: "Số hóa tạo ra các công việc mới, chẳng hạn như tạo ra các nhà phân tích dữ liệu, các nhà tiếp thị phương tiện truyền thông xã hội hoặc thiết kế ứng dụng vạn vật kết nối dựa trên nền tảng Internet (IoT),... làm tăng giá trị, năng suất và hiệu quả công việc cũng như gián tiếp là giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN)".

Tác động của số hóa đối với các công việc không được phân phối đồng đều và cũng không xảy ra với tốc độ ổn định, chủ yếu tập trung vào các nhóm công việc nhất định, các ngành công nghiệp được tiên phong và các khu vực địa lý được thực hiện chuyển đổi số. Ví dụ, máy học (machine learning), là nền tảng cho những tiến bộ và sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), đã được một loạt các ngành công nghiệp áp dụng, ảnh hưởng đến cả những công việc có kỹ năng cao như tài chính hoặc pháp luật.

Sự chênh lệch địa lý đáng kể cũng có thể được tìm thấy cả về khả năng tạo việc làm do chuyển đổi số và tự động hóa công việc ở nhiều quốc gia, điều này có thể làm trầm trọng hơn sự bất bình đẳng giữa các khu vực.

Lấy ví dụ, tại Mỹ, các ngành công nghiệp mới chủ yếu xuất hiện ở các khu vực đô thị có tỷ lệ lớn lao động có tay nghề cao. Nhưng không phải tất cả người lao động đều được hưởng lợi từ việc chuyển đổi số ở cùng một mức độ.

Vẫn theo OECD, những lao động có tay nghề thấp, công nhân lớn tuổi và công nhân có nguy cơ sẽ bị thay thế bằng những hệ thống tự động hóa và hưởng lợi rất ít từ các công việc được tạo ra trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, việc nâng cao tay nghề, kỹ thuật bằng hình thức tham gia đào tạo đối với đối tượng lao động này là quan trọng.

Người lao động có tay nghề thấp cũng khó khăn hơn khi chuyển sang các ngành nghề khác – những ngành nghề ít có nguy cơ tự động hóa. Điều này cũng đòi hỏi phải đào tạo lại những đối tượng này một cách đáng kể và khó khăn hơn. Lao động có tay nghề cao sẽ dễ dàng thay đổi giữa các công việc hơn so với lao động có tay nghề thấp vì khoảng cách kỹ năng, như kỹ năng đọc viết và kỹ năng số.

Theo ThS. Hồ Trung Thành, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: "Quy mô và tốc độ của những thay đổi được tạo ra bởi chuyển đổi số vẫn chưa rõ ràng, chúng ta sẽ đặt ưu tiên nâng cao nhận thức của xã hội về những thay đổi đang diễn ra, sự thay đổi trong cách tạo ra vận hành doanh nghiệp trong chuyển đổi số và các kỹ năng cần thiết cho các lao động trong thời kỳ chuyển đổi số".

Các chính sách và thể chế của thị trường lao động đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sự linh hoạt mà các công ty có thể điều chỉnh lực lượng lao động của họ, mang lại cho người lao động sự bảo vệ đầy đủ và tạo điều kiện cho sự trao đổi lao động giữa các công ty. Điều này phụ thuộc vào mức độ quan trọng về khả năng chuyển giao các kỹ năng, tính di động của lợi ích và sự sẵn có của các dịch vụ việc làm hiệu quả và các chương trình thị trường lao động tích cực để tạo điều kiện chuyển đổi công việc.

Làm gì trước các thách thức?

Kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động sau đại dịch Covid-19. Cơ chế phòng tránh dịch bệnh bằng các giải pháp tình thế không mong muốn như giãn cách xã hội đã tạo động lực và đưa ra yêu cầu cấp bách hơn nữa trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là với Việt Nam. Chiến lược đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là một quá trình thực hiện lâu dài và toàn diện. Với mục tiêu đó, các chuyên gia của trường ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất 3 nội dung:

Đào tạo nhận thức và hình thành thái độ tích cực về chuyển đổi số. Tầm nhìn đúng đắn và nhận thức về chiến lược chuyển đối số toàn diện đóng vai trò quan trọng. Việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương tạo cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển đổi số và đóng góp cho sự phát triển của quốc gia.

Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành Chính phủ nhà nước, ban lãnh đạo của các tổ chức, DN mà còn là nhiệm vụ trách nhiệm của tất cả các cá nhân, của từng cá thể trong xã hội. Mỗi cá nhân cần được đào tạo nhận thức về chuyển đổi số như khái niệm, mục tiêu, cách thức tiến hành, cách thức phối hợp và luôn trong tâm thế sẵn sàng cho việc đào tạo chuyên sâu hơn ở các giai đoạn tiếp theo của quá trình đào tạo chuyển đổi số với giải pháp công nghệ chuyển đổi số.

Đào tạo các công nghệ lõi thúc đẩy chuyển đổi số. Trong thập kỷ vừa qua các lĩnh vực AI, điện toán đám mây, Internet vạn vật, chuỗi khối (blockchain), mạng không dây thế hệ mới (5G)... tạo ra những công nghệ số quan trọng có nhiều đột phá, đang và sẽ đóng vai trò công nghệ quyết định của chuyển đổi số.

Đào tạo công nghệ số cần tập trung vào các công nghệ chính: AI/Hệ thống nhận thức (Artificial Intelligence/ Cognitive Systems), Tự động hóa/Tự động hóa Robot (Application Automation/Robotic Process Automation), IoT, Công nghệ in 3D, chuỗi khối (blockchain) và công nghệ sổ cái phân tán (Blockchain and Distributed Ledger Technologies), Dữ liệu lớn và phân tích (Big Data and Analytics), Robotics...

Đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động. Những thay đổi nhanh chóng trong tính chất công việc ứng dụng công nghệ mới trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, đã làm tăng yêu cầu về kỹ năng số cho lực lượng lao động trong ngành các kinh tế, cũng như trong chính sách và văn bản học thuật trong những năm gần đây.

Bên cạnh các kỹ năng vận hành và kỹ thuật, các kỹ năng phi kỹ thuật khác cũng có vai trò quan trọng không kém, như sự xuất hiện các thuật ngữ kiến thức truyền thông số (digital communication), kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và quản lý lượng thông tin ngày càng tăng trên Internet. 

Với việc sử dụng ngày càng nhiều dữ liệu lớn, nền tảng truyền thông xã hội và thiết bị di động, trong những năm gần đây, các định nghĩa về kỹ năng phục vụ chuyển đổi số đã được mở rộng hơn bao gồm phạm vi năng lực cần thiết để hoạt động hiệu quả trong môi trường số phức tạp, kỹ năng giải quyết vấn đề và nhận thức về các vấn đề đạo đức như bảo mật, quyền riêng tư và bản quyền.

Kỹ năng số không chỉ đơn thuần là biết cách sử dụng các công nghệ, thiết bị một cách đơn giản. Kỹ năng số có nghĩa là kỹ năng hiểu và ứng dụng được mô hình kinh doanh mới, cách thức làm việc mới, cách thức mới để tạo ra giá trị của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi tư duy kinh doanh, thử nghiệm và thương mại hóa - thay đổi văn hóa doanh nghiệp.

Theo GS. TS. Nguyễn Thị Cành, Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: "Kỹ năng tự học đóng vai trò quan trọng trong việc giúp những lực lượng lao động có sẵn học hỏi được có các kỹ năng cần thiết ở nơi làm việc số. Cần phải mở rộng thêm các kiến thức kỹ thuật hoặc STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và các kỹ năng như giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phê phán và sáng tạo, kỹ năng xã hội, khả năng tự học".

Phân tích của OECD cho thấy hầu hết các cá nhân với các kỹ năng trên sẽ ứng dụng vào công việc và thực hiện các công việc tốt hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực số.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
3 đề xuất xây dựng nhân lực chuyên môn cao đáp ứng chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO