Bình Phước: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số

Đỗ Thêu| 02/08/2021 09:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm ứng dụng CNTT, tăng cường hiệu quả quản lý điều hành phát triển kinh tế -xã hội, những năm qua tỉnh Bình Phước đã đặc biệt chú trọng việc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT). Theo đó, đến nay tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả.

Để triển khai nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), ngay từ cuối năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TU về xây dựng CQĐT Bình Phước giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Nghị quyết này ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), hướng tới việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch.

Ngay sau Nghị quyết số 07/NQ-TU được ban hành, với sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước phiên bản 1.0.

Bình Phước: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - Ảnh 1.

Bình Phước hoàn thiện CQĐT đã góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả.

Theo đó, cơ sở hạ tầng CNTT của tỉnh đã được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ. Hệ thống mạng LAN, mạng WAN được kiện toàn với 310 điểm kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các sở, ban, ngành tỉnh. Hạ tầng hệ thống mạng của các cơ quan, đơn vị đều có mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet với đường truyền mạng truyền số liệu chuyên dùng hoặc đường cáp quang để triển khai các ứng dụng phục vụ trong giải quyết công việc; 100% cán bộ công chức, viên chức được trang bị máy tính, 100% bộ phận Một cửa điện tử đều trang bị các thiết bị phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính  (TTHC).

Cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh cũng đã triển khai thống nhất từ tỉnh đến xã, cung cấp DVC trực tuyến với 1.879 TTHC, trong đó có 1.645 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 (chiếm 87,55%). Hiện nay, Cổng DVC của tỉnh đã tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia 1.096 TTHC. Dịch vụ chứng thực điện tử đã triển khai bước đầu và tiếp tục được hoàn chỉnh quy trình, trang thiết bị. Việc triển khai ứng dụng thanh toán trực tuyến qua cổng DVC của tỉnh đã thực hiện có hiệu quả và tiếp tục mở rộng, cải tiến.

Đồng thời, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của tỉnh đã liên thông ngang dọc 4 cấp hành chính (Trung ương - tỉnh - huyện - xã). Toàn tỉnh đã cấp được 2.477 chứng thư số của cá nhân, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Các phần mềm đã tích hợp chức năng ký số và đã xây dựng app trên thiết bị di động. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan đạt trên 95%.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, phòng họp không giấy được triển khai từ cấp tỉnh tới cấp xã đạt 100% các đơn vị. Trong năm 2019, 2020 và quý I/2021 đã tổ chức 690 cuộc họp không giấy, 270 cuộc họp trực tuyến. Việc đổi mới phương thức quản lý, điều hành thông qua Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc trực tuyến đã thành nề nếp, có hiệu quả tốt.

Cùng với đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh đã triển khai trục tích hợp dữ liệu liên thông hệ thống văn bản LGSP và hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung. CSDL cán bộ công chức, dữ liệu người có công, dữ liệu lưu trú, kinh tế xã hội, thông tin địa lý GIS, giáo dục, y tế, du lịch… đã được xây dựng, đang trong quá trình chuẩn hoá, cập nhật và khai thác.

Theo đó, đến hết năm 2020, tỉnh Bình Phước cơ bản hình thành mô hình CQĐT và tiếp tục được phát triển. Nhờ đó, CQĐT ngày càng hoàn thiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và DN; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan trên môi trường mạng. Cải thiện rõ rệt vị trí xếp hạng của tỉnh về CQĐT.

Có thể thấy, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng CQĐT, tỉnh Bình Phước đã tổ chức thực hiện nghiêm túc đạt kết quả tốt, tất cả các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đều được thực hiện có hiệu quả. Hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của tỉnh. Hạ tầng CNTT từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các dịch vụ công hướng đến người dân và DN được chú trọng phát triển và ngày càng dễ sử dụng. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh ngày càng được công khai, minh bạch, nhanh chóng.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngày 26/02/2021, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND, về phê duyệt Kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0. Tỉnh Bình phước cũng đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2021 phải cơ bản hoàn thành các nội dung phát triển CQĐT, với trọng tâm là 100% DVC được cung cấp mức độ 4. Từ năm 2022 phải chuyển qua giai đoạn chuyển đổi số (CĐS) trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Bình Phước: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số - Ảnh 2.

Xây dựng CQĐT, tạo nền tảng phát triển chính quyền số là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Bình Phước

Với mục tiêu trên, trong những năm tới đây, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó triển khai hệ thống mạng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G trên toàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách để phổ cập điện thoại thông minh, Internet đến 100% các hộ dân trên địa bàn; nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.

Cùng với đó là việc phát triển các hệ thống nền tảng dịch vụ công, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử… phục vụ CĐS các lĩnh vực. Xây dựng hệ thống CSDL dùng chung, ưu tiên các cơ sở dữ liệu nền tảng phát triển Chính quyền số. Đảm bảo an toàn thông tin cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, trong đó duy trì hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng… Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT có chiều sâu, ổn định, lâu dài./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bộ TT&TT bổ nhiệm Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia
    Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia.
  • FPT.IDCheck: Giải pháp "tháo gỡ" bài toán xác thực định danh
    Một trong những giải pháp nổi bật đóng góp vào quá trình xây dựng kinh tế số - xã hội số của FPT đó là giải pháp chống giả mạo xác thực số FPT.IDCheck. Giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ rủi ro về giả mạo xác thực trong giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao trải nghiệm, tăng khả năng tự động hóa và sức cạnh tranh.
  • Cuộc đua xây trung tâm dữ liệu ngàn tỷ tại Việt Nam
    Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính chủ động cho hạ tầng Internet, góp phần phục vụ mạnh mẽ hơn cho công tác chuyển đổi số trong nước mà còn sẵn sàng để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
  • AI giúp giảm rủi ro, bảo vệ dữ liệu
    Các tổ chức, doanh nghiệp giờ đây có thể biết, dự đoán, ngăn chặn tình trạng mất dữ liệu trên các thiết bị được quản lý và không được quản lý thông qua việc sử dụng giải pháp AI của Fortinet.
  • Việt Nam có vị trí tốt để tham gia ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị bán dẫn
    Theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn khu vực Đông Nam Á của Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI), từ thiết kế mạch tích hợp, lắp ráp, thử nghiệm đến đóng gói, Việt Nam đang có vị trí tốt để tham gia ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị bán dẫn.
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO