Cần thiết lập khuôn khổ mới để giải quyết bất cập thanh toán điện tử

Lan Phương| 23/06/2020 16:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Thúc đẩy giao kết hợp đồng, chữ ký số, xác thực và thanh toán điện tử có vai trò quan trọng trong thời gian tới khi Việt Nam hướng tới cách cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và kinh tế số.

Đây là những nội dung được tập trung bàn thảo tại Hội thảo tổng kết thi hành Luật giao dịch điện tử (GDĐT), chuyên đề giao kết hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử. Hội thảo do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

Ngày 29/11/2005 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, Quốc hội đã thông qua Luật GDĐT số 51/2005/QH11, Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/03/2006. Qua gần 15 năm triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành 12 Nghị định quy định, sửa đổi và văn bản hướng dẫn trong các hoạt động tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử (TMĐT), ngân hàng và chữ ký số (CKS) và dịch vụ chứng thực CKS.

Cần thiết lập khuôn khổ mới để giải quyết bất cập thanh toán điện tử - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng: "Việc triển khai hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại, bất cập".

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT khẳng định: Luật GDĐT đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thúc đẩy GDĐT, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, cải cách hành chính.

Đối với việc triển khai hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử, trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả khả quan: Hiện có hơn 1,4 triệu chứng thư số công cộng và hơn 220.000 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động. Các giao dịch kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai hải quan điện tử, kê khai bảo hiểm xã hội (BHXH) điện tử đều được ký số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức của doanh nghiệp (DN), người dân khi thực hiện các giao dịch.

Quy mô thị trường TMĐT năm 2018 đạt khoảng 7,8 tỷ USD, bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD (Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT 2019).

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng, sau gần 15 năm triển khai thi hành, Luật đã bộc lộ những bất cập, điểm chưa phù hợp với thực tiễn phát triển. Sơ bộ một số bất cập như: Thiếu nhất quán trong quy định chi tiết đối với thông điệp dữ liệu về định dạng, thời gian gửi, nhận, lưu trữ, chuyển đổi,.. dẫn tới khó khăn khi liên thông, công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống; Thiếu quy định về xác thực danh tính điện tử đối với các cá nhân, tổ chức trong GDĐT…

Theo Thứ trưởng, "Việc triển khai hợp đồng, chữ ký, xác thực và thanh toán điện tử vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập".

Đánh giá tầm quan trọng của Luật GDDT trong thời kỳ mới, ngày 01/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó giao Bộ TT&TT thực hiện nhiệm vụ "Báo cáo Tổng kết thi hành Luật GDĐT".

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với một số Bộ ngành, địa phương để tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật GDĐT.

Cần thiết lập khuôn khổ mới để giải quyết bất cập thanh toán điện tử - Ảnh 2.

Ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc NEAC: Xác thực số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số

Báo cáo tổng kết Luật GDĐT 2005, ông Phạm Quang Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử số quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT cho biết tại Việt Nam, Luật đã thúc đẩy một số ngành như Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Chứng khoán cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ứng dụng CKS đạt kết quả cao. Thúc đẩy xác thực số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số. Theo McKinsey, xác thực số đạt chất lượng sẽ mang lại tiềm năng giá trị từ 3 - 13% GDP, chủ yếu cho các cá nhân.

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-TQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, theo đó, cần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, thành phố thông minh, chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam cũng đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) và có hiệu lực.

Để có thể chủ động hội nhập, ông Hiếu cho biết thêm luật pháp của nước ta cần phải hoàn thiện để phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia.

Thúc đẩy xác thực chéo với hệ thống chứng thực CKS quốc tế

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết, trong thời gian qua, Luật GDĐT ban hành từ năm 2005 đã đóng vai trò quan trọng trong GDĐT. Nội dung giao kết hợp đồng trong thương mại nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng là nội dung quan trọng trong thời gian tới khi Chính phủ thúc đẩy CMCN 4.0 cũng như có nhiều cơ hội thúc đẩy giao dịch trực tuyến và các nền tảng TMĐT, kinh tế số trong 5 năm tới.

Theo Sách Trắng TMĐT năm 2019, Việt Nam có hơn 60% DN đã sử dụng CKS, 28% DN đã sử dụng hợp đồng điện tử, là nền tảng để đi tới trong giai đoạn tiếp theo.

Cần thiết lập khuôn khổ mới để giải quyết bất cập thanh toán điện tử - Ảnh 3.

Thống kê tình hình sử dụng chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử (Sách trắng TMĐT 2019)

Thủ tướng đã phê duyệt Nghị định 52/2013/NĐ-CP đảm bảo về mặt thủ tục pháp lý trong giao kết hợp đồng điện tử giữa các bên trong GDĐT trên nguyên tắc quản lý cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi các bên trong giao dịch. Hợp đồng điện tử bản chất kế thừa tính chất của hợp đồng thương mại với nhiệm vụ đảm bảo việc giải quyết tranh chấp minh bạch, công bằng trong thương mại.

Bộ Công thương đã triển khai nền tảng trục kết nối DN ERP Store. Nền tảng đã hỗ trợ 800 DN ký hợp đồng trên môi trường trực tuyến. Vừa qua, Viettel, FPT đăng ký trở thành tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử.

Ông Lê Đức Anh cũng nêu, hiện nay, mới có quy định chi tiết về các hoạt động ứng dụng CKS mà chưa có các quy định đối với các loại hình chữ ký điện tử khác.

Bên cạnh đó, CKS của tổ chức chứng thực CKS công cộng tại Việt Nam và các tổ chức chứng thực CKS nước ngoài chưa xác thực chéo được với nhau; Chưa có giải pháp liên thông giữa RootCA quốc gia và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc tế. Các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến để xác thực như Chứng thực SSL của CA trong nước còn hạn chế do không được các nền tảng phổ biến công nhận. CKS trong nước chưa hỗ trợ ký hợp đồng điện tử được với DN không có giấy phép đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.

CKS công cộng tại Việt Nam chưa liên thông, chưa xác thực chéo được với hệ thống chứng thực CKS quốc tế và các nền tảng phổ biến.

Theo đó, đại diện Bộ Công thương đề xuất: Công nhận CKS của các tổ chức chứng thực CKS nước ngoài; Xây dựng cơ chế cấp chứng thư số cho các DN/cá nhân ở nước ngoài; Xây dựng cơ chế liên thông RootCA quốc gia và các RootCA quốc tế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình chữ ký điện tử khác.

Thiết lập quy định chữ ký điện tử phù hợp nhằm thúc đẩy thanh toán số

Cần thiết lập khuôn khổ mới để giải quyết bất cập thanh toán điện tử - Ảnh 4.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc NEAC chủ trì phiên thảo luận

Trao đổi về nội dung chữ ký điện tử nhằm thúc đẩy thanh toán số, ông Lê Anh Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết một số quy định của Luật GDĐT 2015 đến nay đã không còn đáp ứng yêu cầu thực tế trong việc ứng dụng đa dạng các giải pháp, công nghệ nhằm số hóa dịch vụ ngân hàng. Cụ thể, Quy định hiện tại cũng chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu như Điều 19 quy định quá trình gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu lại xảy ra tại một không gian chung, tập trung, mâu thuẫn với đặc điểm giao dịch trên không gian mạng. Quy định tại Điều 11 và Điều 14 không rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu, cần khẳng định rõ giá trị pháp lý và giá trị chứng cứ của các thông điệp dữ liệu/hợp đồng điện tử được giao kết đúng.

Quy định hiện tại cũng chưa rõ ràng về tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử: Mô tả về định nghĩa chữ ký điện tử chưa rõ ràng; Chưa có quy định hướng dẫn thỏa mãn điều kiện về tính pháp lý của chữ ký điện tử (điểm b khoản 1 Điều 24 Luật GDĐT); Căn cứ theo Điều 21 Luật GDĐT, có hai mức độ "chữ ký điện tử" (cơ bản) và "chữ ký điện tử bảo đảm an toàn". Tuy nhiên, chưa có quy định rõ ràng về trường hợp sử dụng các mức độ chữ ký điện tử

Trước bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam, chữ ký điện tử hiện là một trong những công cụ đắc lực nhất cho phục vụ chuyển đổi số. Do đó, khuôn khổ pháp lý về chữ ký điện tử nhằm thúc đẩy thanh toán số cần hướng đến hai tiêu chí như sau: Tập trung vào bối cảnh xung quanh công đoạn ký, làm rõ được danh tính, ý định ký và thao tác thêm chữ ký vào thông điệp dữ liệu của chủ thể; Cân đối giữa rủi ro của giao dịch điện tử và tiện ích, chi phí đối với các chủ thể tham gia giao dịch.

Theo đó, đại diện NHNN đề xuất tham khảo tiêu chuẩn đảm bảo an toàn trong giao dịch điện tử và thanh toán (quy định eIDAS) của châu Âu, qua đó chia giao dịch thành 03 mức độ an toàn (basic, advanced, qualified) và các cấp độ chữ ký điện tử tương ứng, đảm bảo giá trị pháp lý. Tổ chức cung cấp dịch vụ căn cứ vào yêu cầu pháp lý của từng loại giao dịch, lựa chọn giải pháp chữ ký điện tử tương ứng phù hợp.

Bên cạnh đó, cần cho phép triển khai kết hợp các giải pháp xác thực đa thành tố kết hợp với tổ hợp 3 câu hỏi xác minh (Something You Have, Something You Know, Something You Are) để nâng cấp mức độ đảm bảo của chữ ký điện tử.

Ngoài ra, cần chú trọng bối cảnh, việc sử dụng các dữ liệu xung quanh thao tác ký nhằm đem lại khả năng định danh chủ thể tốt hơn, từ đó tăng cường khả năng xác định giá trị pháp lý và giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được ký.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, khi xây dựng quy định mới đáp ứng sự thay đổi mới cần đứng vị trí của công dân cần gì, mong muốn gì, không tạo ra rào cản, tiêu chuẩn để DN/người dân/tổ chức khó tham gia vào một quan hệ để phù hợp với cách thức quản lý xã hội.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục ATTT cho hay việc xây dựng quy định mới cần ý kiến từ DN/người dân để tạo hành lang thông thoáng cho phát triển.

Sau hội thảo hôm nay, dự kiến ngày 02/7/2020, Bộ TT&TT sẽ chủ trì tiếp Hội thảo chuyên đề các vấn đề về giá trị pháp lý, lưu trữ, an toàn bảo mật, trung gian và giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và tổ chức kinh tế - tài chính.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết lập khuôn khổ mới để giải quyết bất cập thanh toán điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO