Các chuyên gia nhận định, đây là thời kỳ bùng nổ của Internet sử dụng thế hệ mới IPv6 với dung lượng địa chỉ khổng lồ (hơn 340 tỷ tỷ tỷ tỷ địa chỉ) và các tính năng vượt trội về tự động cấu hình và an toàn an ninh. Sự chậm trễ trong khả năng thích ứng xu thế Internet mới của các quốc gia được đánh giá là "lỗi thời" trong thời đại Internet với hai xu hướng lớn nhất là IoT và 5G.1
Trên Internet toàn cầu, việc chuyển đổi IPv6 diễn ra đồng bộ, từ hệ thống mạng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối, truy cập Internet; nhà cung cấp dịch vụ, ứng dụng trực tuyến; nhà sản xuất phần cứng, phần mềm, thiết bị đầu cuối. Để đảm bảo kết nối Internet an toàn, ổn định, phù hợp xu thế công nghệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai toàn diện việc chuyển đổi sử dụng IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ trong cơ quan của chính phủ.
Tại Việt Nam, công tác thúc đẩy chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước (CQNN) rất được chú trọng. Chuyển đổi IPv6 là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá, tái cấu trúc, hoàn thiện hạ tầng CNTT của CQNN theo hướng hiện đại, an toàn, phát triển lâu dài phục vụ cho chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới chính phủ số.
IPv6 khẳng định vị thế nền tảng vững chắc cho mạng Internet thế hệ mới.
Do Internet phát triển quá nhanh với các loại hình dịch vụ và phương thức kết nối mạng tiêu tốn địa chỉ, kể từ năm 2011, IPv4 chính thức cạn kiệt ở phạm vi toàn cầu. Địa chỉ IPv6 tiếp nối IPv4 phục vụ sự phát triển của hoạt động mạng, dịch vụ. Trải qua lộ trình thúc đẩy sử dụng, đến nay, IPv6 đã ứng dụng rộng rãi trong hoạt động Internet, thay thế nguồn IPv4 cạn kiệt và khẳng định vai trò nền tảng vững chắc cho hoạt động của Internet thế hệ tiếp theo với các yêu cầu cao về công nghệ, tính năng dịch vụ, phục vụ xu thế chuyển đổi số.
Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet trên toàn thế giới sang thế hệ mới IPv6 đã chính thức diễn ra từ ngày World IPv6 day (8/6/2011), và sau đó là World IPv6 Launch (6/6/2012). Tháng 11/2016, Ủy ban kiến trúc Internet (Internet Architecture Board - IAB) công bố ngừng phát triển các tiêu chuẩn hỗ trợ IPv4 để tập trung phát triển các giao thức hoạt động với IPv6.
Tính đến tháng 8/2020, trung bình lưu lượng IPv6 Internet toàn cầu đạt 35%, dẫn đầu là Ấn Độ với tỉ lệ 70,68%; trên 50% tại các quốc gia như Bỉ, Hoa Kỳ, Malaysia, Hy Lạp...
Các doanh nghiệp (DN) ISP, di động, nội dung lớn đồng loạt triển khai hoạt động với IPv6 và xây dựng kế hoạch tắt dần hệ thống mạng IPv4, như: Google, Facebook, Youtube, Microsoft, Instagram, CNN, v.v… Tỷ lệ sử dụng IPv6 của các nhà mạng di động lớn tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan rất cao, tiêu biểu như: T-Mobile - 93,36%; Reliance Jio - 90,16%; British Sky - 87,75%; Verizon Wireless - 86,05%; Sprint Wireless - 77,99%, Chunghwa Telecom - 74,86%, v.v…
Các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn cũng có động thái mạnh mẽ trong ứng dụng IPv6 thay thế IPv4 như: Apple đã yêu cầu bắt buộc các ứng dụng đưa lên Apple store phải hỗ trợ IPv6 từ 2016, hệ điều hành iOS của Apple cũng hỗ trợ IPv6. Google hỗ trợ IPv6 mặc định trong hệ điều hành Android trước cả Apple. Các doanh nghiệp nội dung, CDN lớn như Google, Netflix, Amazon, Microsoft, Facebook, Akamai, CloudFlare … đều chuyển đổi sử dụng IPv6 từ 9 -10 năm trước.
Tại hội nghị các nhà phát triển Apple toàn cầu (WWDC 2020), Apple công bố ứng dụng trên IPv6 chạy nhanh hơn IPv4 1,4 lần. Trước đó, vào năm 2016 Facebook cũng công bố hoạt động IPv6 với Facebook nhanh hơn 40%.
Chuyển đổi sang IPv6 không chỉ để giải quyết vấn đề cạn kiệt IPv4 mà để phát triển mạng Internet mới cùng với xu thế triển khai 5G, IoT kết hợp cùng với trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nên thế hệ mạng IP mới (IPv6+) cung cấp các dịch vụ mới của thời kỳ chuyển đổi số như phương tiện giao thông tự lái, tự động hóa công nghiệp, thực tế ảo VR, chăm sóc sức khỏe thông minh...
Nhằm dẫn đầu xu thế, nhiều quốc gia phát triển về công nghệ thực hiện các chương trình triển khai thuần IPv6 cho cơ quan Chính phủ như:
- Mỹ: Ngày 02/3/2020, Chính phủ Mỹ thông báo dự thảo kế hoạch chuyển đổi toàn bộ mạng Chính phủ hoạt động thuần IPv6 trong giai đoạn 2020 – 2025.
- Ấn Độ: Theo kế hoạch quốc gia, 100% cơ quan chính phủ hoàn thành chuyển đổi IPv6 trước tháng 03/2020.
- Trung Quốc: Uỷ ban Internet quốc gia Trung Quốc đã ban hành và đang thực hiện kế hoạch xây dựng mạng IPv6 lớn nhất toàn cầu (triển khai trong vòng 8 năm kể từ 2017), theo đó: đến năm 2025, có hơn 1 tỉ người dùng IPv6; tất cả các website và ứng dụng thương mại, website của cơ quan chính phủ hoạt động với IPv6; 100% mạng hoạt động thuần IPv6.
- Khối các nước thịnh vượng chung (OECD) xác định chuyển đổi IPv6 là một trong những yếu tố trọng tâm, cần thiết cho kế hoạch chuyển đổi số.
Có thể nhận định, mạng Internet toàn cầu sẽ chuyển sang hoạt động thuần IPv6 từ năm 2025; IPv6 là công nghệ gắn liền với nền công nghiệp IP thế hệ tiếp theo; Chính phủ các nước chú trọng phát triển Chính phủ số với IPv6.
Việt Nam và kết quả thực hiện hành động quốc gia về IPv6
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu xu thế chuyển đổi sử dụng IPv6 khi vạch ra lộ trình hợp lý và hoàn thành xuất sắc Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2011 – 2019) với nhiều chỉ số ấn tượng. Tính đến tháng 8/2020, mức độ ứng dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 43%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 10 toàn cầu. Đặc biệt, thời điểm tháng 5-6/2019, Việt Nam vượt qua Malaysia, Nhật Bản để đứng số 1 khu vực ASEAN và thứ 5 toàn cầu. Một số dữ liệu cụ thể như sau:
Tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam
(1) Hạ tầng Internet Việt Nam sẵn sàng với IPv6
Hạ tầng mạng doanh nghiệp cũng như các Hệ thống kỹ thuật trọng yếu của Internet đã hoạt động tốt, ổn định trên nền IPv6. Hệ thống máy chủ DNS quốc gia ".vn" có 6/7 cụm máy chủ hoạt động tốt với IPv6; Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) có 21/23 thành viên kết nối với VNIX đồng thời IPv4/IPv6. Hiện có khoảng 11 triệu thuê bao FTTH và 25 triệu thuê bao di động, 10.650 Website sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" hoạt động tốt với IPv6.
Về tỉ lệ ứng dụng IPv6 của khối DN Việt Nam, Tập đoàn Viettel đang là DN có tỷ lệ ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ cao nhất với 64,54% (AS24086) và 56,54% (AS7552); tiếp đến là MobiFone đạt 62,94% (AS131429); Tập đoàn VNPT: 43,41% (AS45899); FPT Telecom: 25,42% (AS18403).
Mạng, dịch vụ CQNN
Bộ TT&TT là đơn vị dẫn đầu quá trình chuyển đổi IPv6 cho Mạng Internet Việt Nam và là Bộ đầu tiên chuyển đổi thành công IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của Bộ. Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Bộ TT&TT là cổng TTĐT CQNN đầu tiên hoạt động tốt với IPv6 từ năm 2013. Với Chương trình IPv6 For Gov, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Bộ TT&TT, đơn vị thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã hỗ trợ nhiều CQNN từ trung ương đến địa phương về chuyển đổi IPv6.
Cổng TTĐT Bộ TT&TT
Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chuyển đổi IPv6 thành công cho Cổng TTĐT.
Khối địa phương, 06 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Hòa Bình cũng hoàn thành chuyển đổi hoạt động IPv6 của Cổng TTĐT của tỉnh/thành phố và thực hiện chuyển đổi hoạt động IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ.
Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng: Cục Bưu điện Trung ương đã triển khai thành công IPv6 trên mạng truyền số liệu chuyên dùng, sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho khối CQNN.
(2) Sẵn sàng về nhân lực
Trong giai đoạn 2008 - 2019, VNNIC đã thực hiện hơn 50 khóa tập huấn, đào tạo cho hơn 2.000 học viên (trong đó có 800 học viên từ 30 doanh nghiệp; 1.200 học viên từ 81 CQNN thuộc 15 Bộ, Ngành và 57 tỉnh/thành) với các chủ đề đa dạng: quy hoạch, chuyển đổi mạng; định tuyến Internet; triển khai IPv6 trên mạng 4G/5G, IoT; phát triển ứng dụng phần mềm hỗ trợ IPv6; an toàn bảo mật với IPv6,... Nhiều khóa đào tạo được thực hiện bởi các chuyên gia của các tổ chức quốc tế uy tín như ITU, APNIC, IPv6 Forum, JPNIC/JANOG.
VNNIC cũng cung cấp các khoá đào tạo trực tuyến qua hệ thống e-learning tại địa chỉ: https://daotaoipv6.vnnic.vn, đồng thời biên soạn và bàn giao Giáo trình giới thiệu về IPv6 cho Cục CNTT- Bộ Giáo dục và Đào tạo và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam để triển khai đào tạo cho sinh viên các ngành CNTT, viễn thông.
(3) Chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý
Hành lang pháp lý cơ bản đã hoàn thiện với quy định về ứng dụng IPv6 tại: Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; Nghị định số 73/2019/NĐ-CP; Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT; Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT; Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT. Đặc biệt, văn bản số 1541/
BTTTT-VNNIC ngày 17/5/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT đã tạo cú huých cho công tác chuyển đổi IPv6 trong CQNN. Đến tháng 8/2020: 19 Tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6; 10 Tỉnh, thành đã lên dự thảo Kế hoạch; 02 Bộ và 06 Tỉnh, thành đã chuyển đổi IPv6 cho Cổng TTĐT.
Gần đây nhất, mục tiêu "Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang IPv6 từ năm 2025" đã được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình IPv6 For Gov - hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước
Trước xu thế công nghệ IPv6, việc chuyển đổi IPv6 kết hợp với tái kiến trúc hạ tầng mạng lưới CQNN theo hướng hiện đại là yêu cầu cần thiết cho hoạt động CPĐT hướng tới Chính phủ số.
Từ tháng 5/2019, VNNIC đã khai trương Chương trình Hỗ trợ triển khai IPv6 cho CQNN (IPv6 For Gov). Chương trình được thực hiện trọng tâm trong giai đoạn 2020-2025, với một số mục tiêu chính: Hỗ trợ các Bộ, Ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và chuyển đổi IPv6 song hành với quy hoạch hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới, dịch vụ theo mô hình tham chiếu mạng kết nối Bộ, Ngành, địa phương (theo hướng dẫn tại văn bản số 273/BTTTT-CBĐTW ngày 31/01/2020 của Bộ TT&TT); Đào tạo 500 lượt chuyên gia về chuyển đổi vận hành mạng lưới IPv6, hệ thống DNS cho các Bộ, Ngành, địa phương để sẵn sàng nhân lực cho hoạt động CNTT của CQNN; Internet Việt Nam sẵn sàng chuyển sang giai đoạn sử dụng thuần IPv6 (IPv6-only).
Với các hoạt động thiết thực của chương trình, tính đến tháng 8/2020, có 19 Tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6; 10 Tỉnh, thành đang triển khai xây dựng Kế hoạch; 06 tỉnh/thành phố, 02 Bộ chuyển đổi hoạt động tốt với IPv6 cho Cổng TTĐT. Bộ TT&TT dẫn đầu trong công tác ứng dụng triển khai IPv6.
Xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng cho hoạt động mạng, dịch vụ của CQNN, Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2020-2025 đặt mục tiêu đào tạo cho 500 lượt nâng cao về IPv6, DNS cho các chuyên gia, cán bộ CNTT cho khối CQNN. Chương trình đào tạo được cải tiến, xây dựng sát với hiện trạng CNTT của Bộ, Ngành, địa phương với các kiến thức mới nhất về IPv6, hệ thống máy chủ tên miền DNS, mô hình kết nối tiêu chuẩn của Bộ, Ngành, địa phương; các khuyến nghị cụ thể để xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv6, quy hoạch thiết kế, triển khai hệ thống mạng, trung tâm dữ liệu Internet (IDC), dịch vụ trực tuyến của CQNN hiện đại, an toàn phục vụ phát triển CPĐT và chuyển đổi số quốc gia. Tháng 7/2020, VNNIC đã thực hiện khóa đào tạo đầu tiên theo khung chương trình mới cho 34 học viên từ 27 Bộ, Ngành.
Có thể nhận định rằng, dưới sự dẫn dắt của Bộ TT&TT, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác triển khai IPv6 trong giai đoạn 2011-2019, thuộc nhóm 10 quốc gia có tỉ lệ ứng dụng IPv6 cao nhất trong hoạt động Internet, khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để có thể chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, đứng trước cơ hội cũng như thách thức của việc tiếp tục đi tắt đón đầu xu thế mới nhất về mạng và dịch vụ. Công tác ứng dụng triển khai IPv6 cần tiếp tục được thực hiện với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ Internet Việt Nam sang thế hệ mới thuần IPv6; ứng dụng IPv6 trong 5G, IoT, sẵn sàng cho nền công nghiệp IP thế hệ tiếp theo.
Đối với khối CQNN, để phục vụ phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số; đảm bảo kết nối Internet và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, các CQNN cần quan tâm, thực hiện dứt điểm chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ ứng dụng CNTT; song hành với quy hoạch, hiện đại hóa hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ.
Các khuyến nghị để chuyển đổi IPv6 thành công trong CQNN
(1) Nhận thức đúng mức tầm quan trọng của chuyển đổi IPv6
Mức độ cạn kiệt IPv4 ngày một nghiêm trọng, chuyển đổi IPv6 là tất yếu để phát triển bền vững hoạt động Internet và các dịch vụ Internet mới (IoT, Smart City, 5G, …), gắn liền với phát triển CPĐT, chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi IPv6 là cơ hội để các CQNN rà soát, đánh giá lại hạ tầng mạng lưới bao gồm cấu trúc mạng lưới, kết nối định tuyến, hệ thống DNS quản lý tên miền và mạng lưới dịch vụ để đảm bảo chất lượng kết nối Internet, đảm bảo ATTT và hướng tới phục vụ truy cập người dân tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh các dịch vụ Internet đã đồng loạt chuyển sang sử dụng IPv6.
(2) Sớm ban hành kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực để chuyển đổi IPv6, cần hoàn tất trong giai đoạn 2020-2025
Trong năm 2020, các Bộ, Ngành, các Tỉnh, thành phố cần sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 giai đoạn 2020-2025, theo sát lộ trình chuyển đổi IPv6 với 03 Giai đoạn – 10 bước; triển khai chuyển đổi IPv6 song hành với quy hoạch hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới, dịch vụ theo mô hình tham chiếu về kết nối mạng Bộ, Ngành, địa phương (theo các văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT số 1541/BTTTT-VNNNIC và số 273/BTTTT-CBĐTW).
Năm 2020, các CQNN ưu tiên chuyển đổi IPv6 cho Cổng TTĐT; các năm tiếp theo bố trí nguồn lực (nhân sự, kinh phí, tài nguyên IPv6 …) phù hợp để chuyển đổi IPv6 theo kế hoạch đã ban hành, thực hiện và hoàn tất trong giai đoạn 2020-2025.
(3) Hành động quyết liệt để thực hiện chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ
Trên cơ sở kế hoạch đã ban hành, nguồn lực được chuẩn bị, các CQNN cần hành động và thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ CNTT. Ưu tiên chuyển đổi IPv6 cho Cổng TTĐT, Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để đáp ứng yêu cầu kết nối của người dân; tiếp đến là các hệ thống, mạng lưới, dịch vụ khác (Hệ thống E-Mail, WiFi, Mạng LAN văn phòng, Mạng WAN …).
(4) Chuyển đổi IPv6 cần theo dõi, đúc kết và điều chỉnh qua mỗi giai đoạn
IPv6 là công nghệ mới, để đảm bảo chất lượng chuyển đổi IPv6 và tối ưu hoạt động mạng lưới, dịch vụ, sau mỗi giai đoạn, các đơn vị cần đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch và có phương án điều chỉnh kịp thời, cả về nội dung thực hiện và tiến độ triển khai cho phù hợp.
(5) Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ
Để tăng cường an toàn thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ CQNN, công tác chuyển đổi IPv6 cần gắn với quy hoạch, hiện đại hóa hạ tầng mạng lưới, dịch vụ. Các giải pháp cụ thể như sau: Quy hoạch mạng độc lập, kết nối đa hướng tới nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet và kết nối Trạm trung chuyển lưu lượng quốc gia (VNIX); Triển khai hệ thống DNS riêng với công nghệ an toàn bảo mật DNSSEC cho tên miền của CQNN; Chuyển đổi IPv6 để tăng tốc độ và chất lượng kết nối Internet, đảm bảo truy cập của người dân, DN vào các dịch vụ trực tuyến của CQNN được thông suốt.
VNNIC sẽ luôn đồng hành cùng với các CQNN và cộng đồng Internet Việt Nam trong hành trình chuyển đổi IPv6, xây dựng Internet thế hệ mới hiện đại, an toàn, phát triển bền vững; đảm bảo hạ tầng số phát triển CPĐT và chuyển đổi số quốc gia.
Thông tin về chương trình IPv6 for Gov công bố tại https:// vnnic.vn/IPv6forGov.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
2. Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 Quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN.
3. Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 21/01/2016 Phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020.
4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030";
5. Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.
6. Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
7. Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
8. Báo cáo tổng kết Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6
9. OECD – Key issues for digital transformation in the G20 (https://www.oecd.org/g20/key-issues-for-digital-transformation-in-the-g20.pdf).
10. China – The Action Plan for Promoting Large-scale Deployment of Internet Protocol Version 6 (IPv6) (http://www.gov.cn/zhengce/2017-11/26/content_5242389.htm).
11. Các website: www.vnnic.vn; www.apnic.net; www.mynic.my; www.cnnic.cn; www.oedc. org, https://www.google.com/intl/en/ipv6/statistics.html; https://www.worldipv6launch. org/measurements/
1 Dr. Vint Cerf, "cha đẻ - father" của mạng Internet, người thiết kế mạng Internet cho rằng Internet với IPv4 là mạng "thử nghiệm, phiên bản beta", mạng Internet với Ipv6 mới là mạng chính thức (production), và sai lầm lớn nhất của ông là đã không thiết kế mạng Internet với IPv6 ngay từ đầu.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)