Chuyển đổi số: Nhiều tạp chí lựa chọn cách làm riêng, hướng vào “tệp” độc giả chính
Trong bối cảnh không có nguồn lực mạnh như các cơ quan báo chí lớn, một số tạp chí đã “liệu cơm, gắp mắm” trong thực hiện các hoạt động chuyển đổi số tại tòa soạn. Trong đó, tập trung vào thế mạnh và hướng đến “tệp” độc giả chính của tạp chí theo đúng tôn chỉ, mục đích.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của toà soạn
Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành xu thế tất yếu mà các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài, Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất tin bài, nhất là các sản phẩm tin bài media, video để nâng cao chất lượng tuyên truyền đối với từng sản phẩm, từng thương hiệu của các tổ chức, cá nhân.
Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Viết Hưng, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm cho biết: Chúng tôi đã nghiên cứu các trụ cột về bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành CĐS của các cơ quan báo chí do Bộ TT&TT ban hành, bao gồm: Chiến lược; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn; Độc giả, khán giả, thính giả; Mức độ ứng dụng công nghệ số”.
Trên cơ sở đó, Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm đã triển khai thực hiện trong các công việc hằng ngày tại toà soạn. Song, trong bối cảnh “nguồn lực” không mạnh như các cơ quan báo chí lớn, Tạp chí đã “liệu cơm, gắp mắm”, lựa chọn những hoạt động CĐS phù hợp, nhất là trong nhóm trụ cột về ứng dụng công nghệ số. Theo đó, từ khâu sản xuất tin bài đến khâu biên tập và xuất bản được đều thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi dựa trên các thiết bị thông minh hiện nay.
"Trong nhóm độc giả, khán giả, thính giả, chúng tôi cũng chú trọng sự tương tác, phản hồi của độc giả đặc biệt là trong tuyên truyền đối với các sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp, tiêu chí - trụ cột này càng được Tạp chí quan tâm thực hiện", ông Nguyễn Viết Hưng cho biết.
Về định hướng phát triển toà soạn gắn với CĐS trong thời gian tới, Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm sẽ tập trung vào công tác bồi dưỡng đào tạo các nhân sự làm công tác CĐS cũng như đào tạo toàn diện trong toà soạn ở tất cả các khâu (từ trực tiếp đến gián tiếp sản xuất tin bài). Đồng thời phấn đấu đạt được tổng điểm ở 5 trụ cột CĐS ở mức khá.
“Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, trường hợp cần thiết có thể ứng dụng AI vào công tác tuyên truyền, truyền thông các sản phẩm, thương hiệu, gắn với thương mại điện tử theo các chính sách, chủ trương của Nhà nước đã ban hành. Đồng thời, phát triển các sản phẩm multimedia riêng có của Tạp chí trên các nền tảng (Tiktok, YouTube, Podcast…). Có vậy, Tạp chí mới hy vọng phát triển bền vững trong dòng chảy CĐS trong các cơ quan báo chí”, ông Nguyễn Viết Hưng chia sẻ về định hướng chiến lược.
Phát triển hệ sinh thái số hỗ trợ tốt nhất cho độc giả, cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn
Nhà báo Nguyễn Nam Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn cho biết, Tạp chí xác định CĐS cơ quan đóng vai trò chủ đạo trong cung cấp thông tin và tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp ngành nghề nông thôn, hỗ trợ phát triển kinh tế và đóng góp vào sự thịnh vượng của nông thôn.
Trong thời đại số, Tạp chí không chỉ tập trung vào nội dung và độc giả mà còn đổi mới trong quản lý và vận hành tòa soạn. Mục tiêu là xây dựng một mô hình quản lý tòa soạn hiện đại, linh hoạt, tận dụng tối đa công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc, gia tăng hiệu suất và cải thiện chất lượng nội dung.
Thực tế, để triển khai CĐS tại toà soạn, Tạp chí đã và đang triển khai nhiều giải pháp như:
Đào tạo đội ngũ về kỹ năng số: CĐS thành công cần sự hỗ trợ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và quản lý có kỹ năng số tốt. Do vậy tòa soạn đã tổ chức nhiều khoá, lớp đào tạo (tự tổ chức) và cử phóng viên, biên tập viên đi học các các chương trình đào tạo về sử dụng công nghệ, phân tích dữ liệu và khai thác nội dung số để đội ngũ nhân sự có thể làm việc hiệu quả trong môi trường mới.
Số hóa quy trình làm việc nội bộ: Ứng dụng các công cụ quản lý công việc và quy trình kỹ thuật số giúp tự động hóa các khâu như duyệt bài, quản lý lịch xuất bản và phân công nhiệm vụ. Nhờ đó, toàn bộ quy trình vận hành từ sản xuất nội dung đến xuất bản được tối ưu hóa, giảm thiểu lỗi và tiết kiệm thời gian.
Lưu trữ tài liệu và hệ thống thông tin số: Số hóa kho tài liệu, văn bản, và dữ liệu liên quan giúp tòa soạn dễ dàng truy cập, lưu trữ và chia sẻ thông tin một cách bảo mật và nhanh chóng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên và biên tập viên trong quá trình tìm kiếm tư liệu, truy cập nhanh vào các nguồn thông tin và tiết kiệm chi phí lưu trữ.
Phân tích dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định: Sử dụng công cụ phân tích dữ liệu giúp tòa soạn nắm bắt hiệu quả từng bài viết, mức độ quan tâm của độc giả, doanh thu quảng cáo và hiệu suất của từng phóng viên, biên tập viên. Việc dựa vào dữ liệu để đánh giá và đưa ra các quyết định chiến lược cho phép tòa soạn xây dựng kế hoạch nội dung phù hợp và cải thiện quy trình sản xuất.
Quản lý từ xa và làm việc linh hoạt: Tòa soạn áp dụng các hệ thống quản lý công việc trực tuyến để hỗ trợ phóng viên và biên tập viên làm việc từ xa. Điều này không chỉ giúp linh hoạt trong việc điều hành mà còn giúp tiết kiệm chi phí và tạo môi trường làm việc linh động, phù hợp với xu hướng làm việc hiện đại.
Đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu: Trong thời đại số, tòa soạn cần đặc biệt chú trọng đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Hệ thống lưu trữ và quản lý nội dung số cần có các biện pháp bảo vệ tối ưu nhằm bảo vệ thông tin độc giả và đảm bảo tính bảo mật của tài liệu nội bộ.
Với những giải pháp này, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn từng bước có thể tạo ra một tòa soạn thông minh, hiện đại, giảm chi phí vận hành, nâng cao năng suất và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của độc giả trong thời đại số.
Theo chia sẻ của Tổng Biên tập Nguyễn Nam Thắng, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn sẽ cố gắng từng bước số hóa toàn bộ quy trình xuất bản, nâng cao trải nghiệm độc giả qua nội dung đa dạng và phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nông thôn. Mục tiêu CĐS của Tạp chí là xây dựng một nền tảng truyền thông hiện đại, tối ưu hóa hoạt động, mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao chất lượng thông tin đến độc giả.
Tạp chí hướng đến các mục tiêu chính đạt được gồm: Tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối nội dung; Mở rộng phạm vi tiếp cận và phân phối đa kênh; Nâng cao trải nghiệm và cá nhân hóa nội dung cho độc giả; Đa dạng hóa nguồn doanh thu; Nâng cao tính an toàn và bảo mật thông tin; Tăng cường sự tương tác và xây dựng cộng đồng độc giả theo quy định của Bộ TT&TT về CĐS báo chí.
“Chiến lược CĐS cho Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn tập trung vào phát triển hệ sinh thái số nhằm hỗ trợ tốt nhất cho độc giả là các doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, từ đó xây dựng thương hiệu số mạnh mẽ và mở rộng phạm vi tiếp cận. Phấn đấu trong 1 đến 2 năm tới được đánh giá mức khá trong CĐS”, Nhà báo Nguyễn Nam Thắng chia sẻ./.