Đại hội Đảng XIII: Đổi mới theo hướng hiện đại, tiếp cận với thế giới

PV| 31/01/2021 18:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Kế hoạch đề ra của các ngành trong nhiệm kỳ 2021-2025 đều tập trung vào việc đổi mới cơ chế, chính sách, tạo đà phát triển theo hướng hiện đại, tiếp cận với thế giới trong thời gian sớm nhất.

Thông tin Truyền thông với "Make in Viet Nam"

Đối với  ngành Thông tin và Truyền thông, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Thông tin và Truyền thông định hướng phát triển hệ sinh thái các nền tảng số "Make in Viet Nam" đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam.

Mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số "Make in Viet Nam" sẽ có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới. Tuy nhiên, nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số.

Đại hội Đảng XIII: Đổi mới theo hướng hiện đại, tiếp cận với thế giới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. (Ảnh: PV)

Ngành Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Với năng lực làm chủ tới hơn 90% hệ sinh thái vào năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào và tin tưởng rằng hệ sinh thái Make in Viet Nam sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng và cùng với các nền tảng số Việt Nam vươn ra toàn cầu. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước, doanh số tăng trưởng 25-30%/năm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nên một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm.Chương trình Make in Viet Nam, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công, lắp ráp sẽ tập trung làm sản phẩm.

Trong thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế-xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030.

Nông nghiệp với "Tư duy kinh tế nông nghiệp"

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuyển đổi số và công nghệ viễn thám... là cơ hội để chúng ta nắm bắt các công nghệ mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp trong điều kiện bị tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các rào cản phi thuế quan của các hiệp định hợp tác kinh tế tự do song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.

5 năm tới nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam, nhưng theo ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chúng ta cần chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp". Có nghĩa là nếu trước đây sản xuất nông nghiệp chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu, thì trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần căn cứ vào quy luật cung-cầu với sự điều tiết hợp lý của nhà nước, lấy thị trường làm định hướng sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển các liên kết ngang và liên kết dọc, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình mới trong sản xuất kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu người tiêu dùng, tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng, mảnh vườn, gia tăng thêm giá trị. Đây được gọi là "Tư duy kinh tế nông nghiệp".

Đại hội Đảng XIII: Đổi mới theo hướng hiện đại, tiếp cận với thế giới - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: PV)

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, khẳng định trong nhiệm kỳ tới, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế" đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu. 

Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các Hiệp định Thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới; Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm; Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Hoàn thiện Chính phủ điện tử trong lĩnh vực Tài chính

Về định hướng, mục tiêu Chiến lược 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 05 năm 2021-2025, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định nhiệm vụ của ngành Tài chính trong giai đoạn tới là: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nợ công; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; hoàn thiện việc sắp xếp khối doanh nghiệp Nhà nước, đổi mới quản trị theo đúng Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XII; tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước, giảm biên chế đi cùng với cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý; cải thiện mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính, sự nghiệp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Đại hội Đảng XIII: Đổi mới theo hướng hiện đại, tiếp cận với thế giới - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: PV)

Đến năm 2025, ngành hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp Nhà nước, tinh gọn số lượng, tập trung nguồn lực đầu tư Nhà nước vào các doanh nghiệp Nhà nước có vị trí quan trọng, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; cơ cấu lại, phát triển các doanh nghiệp này theo cơ chế thị trường, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, minh bạch, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay. Tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp Nhà nước then chốt quốc gia.

Ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh Cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngành phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở những lĩnh vực tài chính quốc gia, tài chính công trọng yếu (ngân sách Nhà nước, thuế, hải quan, chứng khoán, quản trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp...).

Ngành Tài chính thực hiện hiệu quả nguyên tắc chi trong khả năng nguồn lực, vay trong khả năng trả nợ, gắn trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng, với quản lý bội chi, trả nợ và trách nhiệm giải trình; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thu, chi, nợ công, tài sản công, tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, điều hành tài chính công ở cả phạm vi vĩ mô và vi mô; nâng cao tính công khai, minh bạch; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Nền tảng văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư đã nhắc  tới mục tiêu rất rõ là làm sao phát triển, đẩy mạnh và làm nổi bật lên văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Trong tình hình hiện nay, vấn đề này đang đặt ra rất nhiều cái mới. Thứ nhất, phải thấy rằng ở một nền tảng văn hóa sẽ phát triển thì kèm đó là trình độ kinh tế. Con người và văn hóa sẽ đi theo kinh tế, cho nên nếu phát triển văn hóa - con người thì kinh tế sẽ càng phải phát triển tốt. Đây là một yếu tố chung, gắn bó giữa kinh tế - văn hóa - xã hội. 

Thứ hai, đứng trước toàn cầu hóa, nếu như chúng ta không đặt trọng tâm vào con người thì không biết chúng ta sẽ đi về đâu? Một điều nữa chúng ta nói rất nhiều đó là sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hay sự phát triển của Robot thì vấn đề con người cũng cần phải được đặc biệt quan tâm trong một thời đại phát triển nhanh và mạnh.

Đại hội Đảng XIII: Đổi mới theo hướng hiện đại, tiếp cận với thế giới - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. (Ảnh: PV)

Chính vì vậy, trong tham luận của mình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến một số vấn đề như nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong giai đoạn mới. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, coi văn hóa là bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, một trong những trụ cột bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. 

Đồng thời, văn hóa phải đứng ở vị trí trung tâm của phát triển và sự phát triển phải được nuôi dưỡng và truyền bá bởi văn hoá. Văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển các giá trị của xã hội, điều tiết các quan hệ xã hội bằng hệ thống các giá trị, chuẩn mực và mục đích nhân văn của nó.

Với ý nghĩa đó văn hoá vừa là tiền đề, điều kiện, vừa là mục đích, động lực phát triển của con người và xã hội; …Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, mức đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa phải tương ứng với vai trò của nó trong sự phát triển đất nước. Sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước đi đôi với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, với những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, khơi dậy và huy động tiềm năng sáng tạo của các tổ chức, doanh nghiệp và của toàn dân tham gia xây dựng văn hóa, con người Việt Nam; … Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu cho văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh truyền bá văn hóa, ngôn ngữ, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới. Đưa các quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại hội Đảng XIII: Đổi mới theo hướng hiện đại, tiếp cận với thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO