Dân tộc thiểu số ở Lào Cai: Hưởng lợi từ truyền thanh thông minh

PV| 02/10/2021 19:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Đề án 08/ĐA-TU của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển CNTT và truyền thông, nhằm mục tiêu đưa Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT - truyền thông ICT Index của tỉnh vào top 10 của cả nước.

Một trong những vấn đề đặt ra trong Đề án 08 là cải thiện chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền ở các xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin cho hệ thống truyền thanh cơ sở.

Truyền thanh cơ sở còn nhiều khó khăn

Là tỉnh vùng cao biên giới, lại có tới 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 66,2% dân số toàn tỉnh, tỉnh Lào Cai đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức sau khi được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn. Mạng lưới thông tin, truyền thông nói chung và hệ thống truyền thanh cơ sở nói riêng cũng nằm trong những thách thức trên.

Nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là truyền thanh cơ sở. Tính đến năm 2018, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 164 Đài truyền thanh xã và 2.155 cụm loa thôn, bản. Tỷ lệ người dân thu nhận thông tin từ hệ thống truyền thanh cơ sở đạt khá cao. Hệ thống truyền thanh cũng được Sở Thông tin và Truyền thông nâng cấp, đầu tư mới có 116/164 xã, phường, thị trấn để đảm bảo việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các thông tin về hoạt động kinh tế - xã hội đến những khu dân cư, nhất là DTTS một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, với địa hình núi cao, vực sâu, nhiều đồi núi che khuất, đồng bào DTTS sống rải rác, khí hậu thay đổi thường xuyên nên mạng lưới tuyên truyền của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đối với hệ thống truyền thanh cơ sở. Trước đây, khi sử dụng hình thức loa có dây và phát thanh qua sóng FM, hầu hết rất khó hoặc không thu được sóng phát thanh. Hệ thống loa thôn, bản cũng bị hỏng thường xuyên. Thiết bị công nghệ cũ lại đòi hỏi diện tích đặt các thiết bị tăng âm, phụ trợ, bộ thu phát phải được đặt ở trụ sở, có phát thanh viên, chi phí tốn kém do tín hiệu dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Bên cạnh đó còn phát sinh thêm khoản chi phí cho nhân lực bảo dưỡng, duy tu…

Ứng dụng truyền thanh thông minh: Hướng đi tất yếu

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030" với mục tiêu "Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn", Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lào Cai cũng đã có những quyết sách mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin – truyền thông, trong đó có truyền thanh cơ sở, nổi bật là Đề án 08-ĐA/TU về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025.

Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh và các thôn, bản, tổ dân phố có cụm loa phát thanh hoạt động đáp ứng tiêu chuẩn (triển khai ứng dụng CNTT - viễn thông đối với các đài, cụm mới đầu tư); 100% cán bộ vận hành trạm truyền thanh cấp xã và cụm loa truyền thanh thôn bản, tổ dân phố được tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ; 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đọc được báo, xem được truyền hình và nghe được phát thanh của tỉnh trên thiết bị thông minh.

Chính vì vậy, nhiệm vụ cụ thể về phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở đến năm 2025 là nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hệ thống truyền thanh cơ sở cấp huyện, cấp xã; lựa chọn thí điểm hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thông tin theo quy định tại những địa phương đảm bảo điều kiện hạ tầng, nhân lực vận hành; Đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ vận hành trạm truyền thanh cấp xã và cụm loa truyền thanh thôn, tổ dân phố.

Với những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nêu trên, kể từ năm 2020 đến thời điểm hiện tại, chất lượng công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Lào Cai đã từng bước thay đổi một cách tích cực, đáp ứng ngày một chất lượng hơn nhu cầu thông tin của người dân, đặc biệt là DTTS. Việc triển khai mô hình hệ thống truyền thanh thông minh góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định số 135 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin cũng như công cuộc chuyển đổi công nghệ số của tỉnh.

Dân tộc thiểu số ở Lào Cai: Hưởng lợi từ truyền thanh thông minh - Ảnh 1.

Nhằm cải thiện tối đa nhược điểm của truyền thanh cơ sở truyền thống, tỉnh Lào Cai đã  lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh, được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và triển khai trên hạ tầng điện toán đám mây. Với hệ thống truyền thanh thông minh, thay vì thiết bị cồng kềnh, dễ hỏng, người sử dụng chỉ cần một bộ thu phát tín hiệu có lắp sim 3G, 4G và loa, kết nối với thiết bị thông minh như Smartphone, Ipad, Laptop… là có thể điều khiển mọi thao tác ở bất cứ địa điểm nào. Bên cạnh đó, với ưu điểm có thể tiếp sóng trực tiếp các đài phát thanh số hóa, cho phép thay thế phát thanh viên bằng công nghệ Text-to-speech, chuyển văn bản trực tiếp thành giọng nói, truyền thanh thông minh có thể lựa chọn giọng đọc theo đúng vùng, miền. Ông Nguyễn Tiến Ngọc, Giám đốc MobiFone Lào Cai, chia sẻ: "Hệ thống truyền thanh thông minh đã khắc phục được toàn bộ điểm yếu của hệ thống truyền thanh hữu tuyến có dây trước đây và hệ thống truyền thanh sử dụng máy phát FM mà chúng ta đang sử dụng đến nay, để làm sao đưa thông tin đến người dân nhanh nhất. Công nghệ chúng tôi sử dụng dựa trên nền tảng Cloud và truyền dữ liệu bằng số hóa".

Luôn đón đầu cái mới, tỉnh Lào Cai đã cho lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh đầu tiên trên địa bàn thành phố Lào Cai. Nói về việc mở lối tiên phong này, ông Ông Ngô Vũ Quốc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết: "Thành phố có xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục, y tế và đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Chúng tôi định hướng từ nay tới năm 2025 các hệ thống thông minh trong truyền thanh cơ sở sẽ được áp dụng trên địa bàn thành phố để dễ quản lý, dễ sử dụng". 

Phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông trong việc lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng áp dụng hệ thống này nhằm đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 11 bộ thiết bị phát thanh thông minh được lắp đặt tại bến xe, cửa khẩu, ngã sáu, các nút giao có đèn tín hiệu giao thông trong thành phố.

Truyền thanh thông minh: DTTS hưởng lợi

Không chỉ dừng lại ở việc thử nghiệm hệ thống phát thanh trên địa bàn thành phố, một số khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lào Cai cũng đã được ưu tiên thực hiện như thị xã Sapa hay huyện Bát Xát…

Vừa qua, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thị xã Sapa đã quyết định đưa truyền thanh thông minh (IP) - công nghệ truyền dẫn thông tin số qua chuyển mạch gói – vào sử dụng. Đây là công nghệ rất hiện đại, hoạt động qua môi trường truyền dẫn gói tin bằng Internet, 3G/4G, sóng wifi, thiết bị phát gởi thông tin đến thiết bị thu nhờ vào địa chỉ IP của từng thiết bị. Công nghệ này khắc phục được nhiều nhược điểm của phát sóng FM, đó là: Có thể phủ sóng ở mọi nơi, mọi địa hình trong môi trường Internet; tín hiệu âm thanh giữ nguyên được chất lượng, không bị nhiễu hay bị chèn sóng; mọi khâu từ sản xuất đến lưu trữ chương trình đều được số hóa, dễ dàng vận hành, quản trị, giám sát tập trung, phân cấp. Nói về quyết định mang tính chiến lược này, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông thị xã Sa Pa cho biết: "Công nghệ này không chỉ khắc phục được nhiều nhược điểm của phát sóng FM, có thể phủ sóng ở mọi nơi, mọi địa hình trong môi trường Internet. Tín hiệu âm thanh giữ nguyên được chất lượng, không bị nhiễu hay bị chèn sóng mà còn hứa hẹn sẽ giải quyết triệt để bài toán về cảnh quan đô thị và hiện đại hóa trong việc thực hiện các giải pháp của đô thị thông minh".

Dân tộc thiểu số ở Lào Cai: Hưởng lợi từ truyền thanh thông minh - Ảnh 3.

Thu âm chương trình phát thanh tại Trung Tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện Bát Xát.

Còn ở Bát Xát, một huyện nghèo có địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, thôn bản lại nằm cách xa nhau nên gặp nhiều thách thức trong hoạt động thu, phát sóng phát thanh. Theo con số của năm 2019, có tới 18/23 xã khó có thể bắt sóng các chương trình phát thanh. Chất lượng nhận sóng kém, tiếng rè, nhiễu khiến người dân, đặc biệt vùng DTTS, khó nắm bắt thông tin tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Nhằm giải quyết một cách dứt khoát hiện trạng này, huyện đã triển khai lắp đặt hệ thống truyền thanh IP qua mạng Internet. Sau một thời gian triển khai, hệ thống truyền thanh mới đã nhận được sự đánh giá tích cực của người dân, nhất là DTTS ở vùng cao, vùng xa. Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện Bát Xát chia sẻ: "Nếu so với công nghệ cũ thì công nghệ mới bắt sóng mạnh hơn, trong hơn. Phát sóng tại huyện thì ở xã cũng bắt được, đài huyện cũng sẽ kiểm soát được các đài phát sóng để có kế hoạch đôn đốc".

Có thể thấy rằng tỉnh Lào Cai, với việc nắm bắt một cách thông minh hệ thống công nghệ mới, trong đó có truyền thanh Internet, đã vươn lên một cách nhanh chóng trong chiến lược hiện đại hóa, công nghệ hóa, từng bước tiến đến Chính phủ số, đáp ứng sự mong mỏi của người dân địa phương và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dân tộc thiểu số ở Lào Cai: Hưởng lợi từ truyền thanh thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO