Điện toán đám mây và chính sách về điện toán đám mây trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam

PV| 19/02/2021 11:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Được thế giới coi là công nghệ tiên phong trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, điện toán đám mây (ĐTĐM) bắt đầu được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam. Chuyển đổi số (CĐS), bao gồm CĐS trong khu vực công do đó cần hiểu đúng, nhìn nhận đúng vai trò công nghệ cốt lõi này, cũng như có những chính sách phù hợp mang tính thúc đẩy ở cấp độ quốc gia.

Mô hình ĐTĐM được biết đến từ những năm 1960 dựa trên việc người dùng có khả năng truy cập vào một máy tính trung tâm thông qua các thiết bị đầu cuối. Tại thời điểm đó, chi phí cho một máy tính lớn khá đắt đỏ nên các công ty buộc phải phân chia thời gian sử dụng để tiết kiệm chi phí và tăng hiệu suất sử dụng của thiết bị. Việc chia sẻ nguồn lực máy tính này chính là tiền đề cơ bản của ĐTĐM ngày nay. Trải qua nhiều sự cải tiến và phát triển, ĐTĐM giờ đây đã trở thành công cụ đắc lực cho các doanh nghiệp (DN) ở mọi quy mô.

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh doanh Harvard1, ĐTĐM hỗ trợ các DN trẻ và các công ty khởi nghiệp cắt giảm từ 15-27% chi phí khi mới bắt đầu kinh doanh, đồng thời khuyến khích sự đổi mới và thu hút nhiều nhà đầu tư mạo hiểm. Không những thế, kể cả các công ty lớn cũng được hưởng lợi nhờ vào việc cắt giảm chi phí mà ĐTĐM mang lại. Theo thống kê, phần lớn các công ty trong danh sách Fortune 500 và hơn 90% trong số 100 công ty trong danh sách Fortune 100 sử dụng các giải pháp và dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây.2

Điện toán Đám mây và Chính sách về Điện toán Đám mây trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam - Ảnh 1.

Bên cạnh mạng 5G, Internet vạn vật, thương mại điện tử,… ĐTĐM hiện được coi là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số, phục vụ cho công cuộc CĐS và có tác động không nhỏ tới nền kinh tế số, xã hội số. Với những tác động này, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang khuyến khích khu vực tư nhân ứng dụng công nghệ này trong hoạt động kinh doanh của họ. Đối với khu vực công, các chính phủ và cơ quan cũng đang nỗ lực tận dụng cơ hội và hiệu quả mà ĐTĐM mang lại trong quá trình tổ chức, quản lý và hoạt động của mình.

Lợi ích mà đám mây mang lại

Lý do mà một số chính phủ trên thế giới đang khuyến khích các cơ quan của họ áp dụng đám mây và tạo ra các chính sách trên nền tảng này là vì sức mạnh thực sự có thể tạo ra sự thay đổi. Điều này bao gồm việc tiết kiệm chi phí, thúc đẩy cải tiến và gia tăng sự linh hoạt trong triển khai các dịch vụ công.

Đại dịch COVID-19 là minh chứng cho thấy các cơ quan nhà nước (CQNN) cần có cơ sở hạ tầng, năng lực và biện pháp kiểm soát hiện đại để vượt qua sự gián đoạn do bùng phát dịch bệnh toàn cầu. Và ĐTĐM là một trong những giải pháp thay đổi hoàn toàn cách thức xây dựng và quản lý của các cơ quan. Khi sử dụng ĐTĐM, CQNN vẫn có thể điều hành từ xa và phục vụ công dân của họ. Nói cách khác, ĐTĐM là phương tiện hiệu quả để xây dựng các hồ dữ liệu quy mô lớn, tổng hợp dữ liệu dịch tễ quốc gia và giúp nhân viên y tế điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.

Về chi phí, ĐTĐM là việc phân phối tài nguyên CNTT theo nhu cầu qua Internet với chính sách thanh toán theo từng lần sử dụng. Thay vì phải sở hữu và duy trì các trung tâm dữ liệu, máy chủ vật lý của riêng mình, các cơ quan chỉ cần tiếp cận và thuê các dịch vụ công nghệ như cơ sở lữu trữ dữ liệu và các dịch vụ khác khi cần thiết. Nhờ đó, các cơ quan sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nhân viên quản lý, bảo trì cũng như không gian lắp đặt và điện năng.

Cụ thể, nhiệm vụ "tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các bộ, ngành, địa phương theo hướng kết hợp mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây" là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ nhằm xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến năm 2025.

Ngoài ra, ngày 03/04/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành công văn điều hành số 1145/BTTTT-CATTT về việc hướng dẫn bộtiêu chí, chỉ tiêu kỹthuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng ĐTĐM phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử. Văn bản này đã đưa ra 85 tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật tối thiểu cho cơ sở hạ tầng ĐTĐM và 69 tiêu chí, chỉ tiêu kỹthuật an toàn thông tin cho hạ tầng ĐTĐM. Tuy vậy, do tính mới và mức độ phức tạp của Công nghệ, Bộtiêu chí này được coi là vẫn cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện, đặc biệt sau khiứng dụng trên thực tế

Ngoài ra, tính bảo mật của ĐTĐM được cho là cao hơn so với những trung tâm lưu trữ dữ liệu tại chỗ, bởi đó là cốt lõi trong hoạt động kinh doanh và tạo ra uy tín của các nhà cung ứng dịch vụ đám mây. Cụ thể, dữ liệu lưu trữ trên đám mây sẽ được mã hoá mặc định ở cấp độ cao. Các nhà cung ứng dịch vụ đám mây có nguồn tài nguyên dồi dào để nâng cấp dịch vụ với các bản vá kỹ thuật cập nhật. Thêm vào đó, họ cũng có thể triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh mạng mạnh mẽ để phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bảo mật tiềm ẩn. Trong khi đó, nhược điểm khiến hệ thống trung tâm dữ liệu tại chỗ không thực sự bảo đảm an toàn bảo mật là khả năng cập nhật liên tục công nghệ để ứng phó trước những sự cố và năng lực kiểm soát, quản lý của đội ngũ nhân viên kỹ thuật chưa cao.

Những bước đi đầu tiên trong việc ứng dụng ĐTĐM

Hiện nay, một số quốc gia đã và đang tiến hành ứng dụng ĐTĐM trong hoạt động của họ, ví dụ như Úc, Philippines, Singapore, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. 

Cụ thể, Chính phủ Australia đã hình thành và xây dựng chính sách để khuyến khích việc sử dụng ĐTĐM trong hoạt động của các cơ quan khu vực công từ những năm 2010 – 2011. Cho đến nay, phiên bản thứ 4 của chính sách đã được xây dựng và ban hành bởi Cơ quan chuyển đổi kỹ thuật số với nhận định rằng: Việc chuyển sang ĐTĐM có thể tạo ra tốc độ cung cấp nhanh hơn, liên tục cải tiến và khả năng truy cập rộng rãi vào các dịch vụ. Sử dụng đám mây có thể tiết kiệm chi phí cho việc bảo trì để tập trung phát triển việc cung cấp dịch vụ. Tương tự, Bộ CNTT và truyền Thông Philippines mới đây cũng ban hành chính sách đầu tiên liên quan đến việc sử dụng ĐTĐM trong khu vực công vào năm 2017. Theo đó, "tất cả các cơ quan chính phủ sẽ áp dụng ĐTĐM làm chiến lược triển khai CNTT và truyền thông ưu tiên cho việc sử dụng hành chính của họ và cung cấp các dịch vụ trực tuyến của chính phủ".

ĐTĐM mà các chính phủ sử dụng thường có 05 đặc điểm bao gồm: (i) khả năng tự phục vụ nhu cầu, theo đó, cơ quan có thể tự quản lý dịch vụ của họ mà không cần sự tương tác của con người hay nhà cung cấp dịch vụ; (ii) dễ dàng truy cập các đám mây thông qua các thiết bị công nghệ bình thường như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay; (iii) các dịch vụ chạy trong trung tâm dữ liệu sử dụng hạ tầng chia sẻ với nhiều khách hàng khác nhau; (iv) khả năng lưu trữ và sử dụng của đám mây có thể được thay đổi linh hoạt theo đúng nhu cầu; (v) hệ thống đám mây tự động kiểm soát và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên bằng cách tận dụng khả năng đo lường phù hợp với loại dịch vụ. Việc sử dụng tài nguyên có thể được giám sát, kiểm soát và báo cáo, mang lại sự minh bạch cho cả nhà cung cấp và cơ quan chính phủ sử dụng dịch vụ đám mây.

Với những đặc điểm trên, mục tiêu mà các quốc gia khi sử dụng điện toán đám mây hướng tới là nhằm cắt giảm chi phí phát triển và vận hành CNTT - truyền thông bằng cách tinh gọn hệ thống và cơ sở hạ tầng, hạn chế phân mảnh dữ liệu, nâng cao năng lực và hiệu quả trong việc chia sẻ, cộng tác, quản lý thông tin giữa các cơ quan và đặc biệt là đem đến cho người dân những dịch vụ công trực tuyến tốt hơn.

Một số đặc điểm kỹ thuật nổi bật của ĐTĐM

Hiện nay có 04 mô hình đám mây thường được các chính phủ sử dụng trong việc lưu trữ dữ liệu. Thứ nhất là đám mây riêng tư với cơ sở hạ tầng được cung cấp dành riêng cho các cơ quan sử dụng. Thứ hai là đám mây cộng đồng với cơ sở hạ tầng được cung cấp phục vụ cho một nhóm cơ quan có những nhiệm vụ liên quan và yêu cầu bảo mật chung. Thứ ba là đám mây công cộng được cung cấp mở cho công chúng. Cuối cùng là đám mây lai với cơ sở hạ tầng được kết hợp giữ đám mây riêng tư với đám mây cộng đồng hoặc đám mây công cộng. Những đám mây này được liên kết bằng công nghệ tiêu chuẩn hoá cho phép sự di động của dữ liệu.

Để lựa chọn được mô hình đám mây phù hợp, các cơ quan thường dựa theo nhu cầu cụ thể và loại dữ liệu mà cơ quan đó xử lý. Tùy thuộc vào việc phân loại dữ liệu của cơ quan, sẽ có yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát nhất định. 

Ví dụ theo chính sách của Philippines, dữ liệu được phân thành 03 bậc theo mức độ nhạy cảm của dữ liệu. Dữ liệu bậc 01 là những dữ liệu không nhạy cảm hoặc chưa được phân loại như dữ liệu mở, thông tin công khai có sẵn trên các trang thông tin điện tử, hệ thống thuật ngữ, tiêu chuẩn, cơ quan đăng ký hành nghề. Dữ liệu bậc 01 này có thể được lưu trữ trên đám mây công cộng. Dữ liệu bậc 02 bao gồm những dữ liệu nhạy cảm bị hạn chế ví dụ như hồ sơ tài chính, hồ sơ y tế hay hồ sơ giáo dục cá nhân. 

Tuy nhiên, những dữ liệu này vẫn có thể được lưu trữ trên đám mây công cộng nhưng phải được mã hoá theo tiêu chuẩn cao hơn dữ liệu bậc 01. Về dữ liệu bậc 03, đây là dữ liệu có tính bí mật hoặc trên mức nhạy cảm; có thể là các tài liệu chính trị liên quan đến các vấn đề đàm phán quốc tế, các vấn đề kỹ thuật có giá trị quân sự, các dự án lớn của chính phủ trước khi được công bố chính thức, dữ liệu kiểm toán nội bộ, bí mật thương mại hay dữ liệu kỹ thuật hỗ trợ các thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Đối với dữ liệu bậc 3 phải được triển khai trên đám mây riêng tư và mã hoá để đạt được mức độ bảo mật cần thiết cho dữ liệu.

Việt Nam và hành trình "lên mây"

Nhận biết và hiểu được vai trò và tầm quan trọng của ĐTĐM trong quá trình CĐS, Việt Nam đã có những sự chuẩn bị cần thiết để khuyến khích việc sử dụng đám mây không những trong hoạt động của các DN mà còn trong hoạt động của các cơ quan khu vực công.

Những bước đi này cho thấy Việt Nam hiện đang cố gắng thúc đẩy việc làm chủ công nghệ ĐTĐM, khuyến khích các công ty công nghệ cung ứng dịch vụ ĐTĐM và tạo ra những đám mây "Make in Vietnam". Các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật trên cũng trở thành cơ sở giúp các cơ quan, tổ chức nhà nước có thể đánh giá và lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ đám mây an toàn và phù hợp nhất với nhu cầu và mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điểm khởi đầu trên hành trình chuyển đổi hạ tầng lên ĐTĐM, do vậy Việt Nam vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia để khai thác hiệu quả giá trị của đám mây.

Nhìn chung, trong thời đại cách mạng công nghệ và một thế giới hậu COVID-19, việc tìm kiếm những giải pháp thông minh dựa trên dữ liệu trở nên vô cùng cần thiết. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ mà các chính phủ nắm giữ, việc lưu trữ trên đám mây sẽ trở thành xu hướng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn dữ liệu.

Tài liệu tham khảo

1. Ewens, Michael and Nanda, Ramana and Rhodes-Kropf, Matthew, "Cost of Experimentation and the Evolution of Venture Capital," Harvard Business School Entrepreneurial Management Working Paper  No. 15-070 (March 2017) (https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2685208).

2.https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2685208 and http://blogs.worldbank.org/psd/meet-jobs-challenge-maximize-impact-smes.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Điện toán đám mây và chính sách về điện toán đám mây trong tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO