DN bưu chính đầu tư mạnh cho logistics đáp ứng phát triển kinh tế số

Hoàng Linh| 07/02/2022 05:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Các doanh nghiệp (DN) bưu chính đang nhanh nhạy trước làn sóng thay đổi không ngừng của nền kinh tế số khi ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động logistics, đáp ứng phát triển kinh tế số.

DN bưu chính cần chuyển đổi mạnh mẽ

Nền kinh tế số Việt Nam đang là một trong những thị trường "nóng" nhất ở Đông Nam Á, với 3 ngành "xương sống": thương mại điện tử (TMĐT), fintech và Logistics. Trong đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành bưu chính từ dịch vụ truyền thống sang dịch vụ số được tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Tại hội nghị chuyên đề "Cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý nhà nước về bưu chính" tháng 12/2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, tuy gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song ngành bưu chính vẫn đạt được tốc độ phát triển trung bình 20 - 30% trong năm 2021.

Để đưa ngành bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và nền kinh tế số của Chính phủ, các DN trong ngành cần có những chuyển đổi mạnh mẽ.

Theo Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tổng doanh thu của DN bưu chính là 9 -12 tỷ USD, tương đương 1,8 - 2,4% GDP; tổng doanh thu dịch vụ bưu chính 6 - 8 tỷ USD, tương đương 1,6 - 2,1% GDP; tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT: tối thiểu 30%; tối thiểu 50 bưu gửi/người/năm; số dân phục vụ bình quân trên 01 điểm phục vụ bưu chính gần 3.700 người; tổng số nhân lực ngành bưu chính là 150.000 người; phát triển tối thiểu 3 DN bưu chính lớn dẫn dắt thị trường.

Về hạ tầng bưu chính, chiến lược đặt mục tiêu 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; 100% điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet; số điểm phục vụ bưu chính là 27.000 điểm; 100% hộ gia đình có địa chỉ số. Chiến lược cũng xác định xây dựng nền tảng địa chỉ số Việt Nam gắn với bản đồ số quốc gia phục vụ cho phát triển TMĐT và kinh tế số.

DN bưu chính đầu tư mạnh cho logistics đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Nhân viên Bưu điện tỉnh Cao Bằng tập hợp cơ sở dữ liệu địa chỉ trên địa bàn tỉnh

Bưu điện lập các trung tâm kiểm soát logistics đầu cuối, nâng cao năng lực CNTT

Với định hướng DN bưu chính chuyển đổi mạnh mẽ để phát triển, năm 2022, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) xác định logistics chính thức là một trong 5 nhóm dịch vụ trụ cột quan trọng của DN này. Với việc ra mắt Công ty Vietnam Post Logistics thuộc BĐVN vào cuối tháng 12/2021, BĐVN tham vọng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này khi đặt mục tiêu phấn đấu đạt doanh thu tỷ USD.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, năm 2021, lĩnh vực logistics của BĐVN tăng vượt bậc so với năm 2020. TMĐT ngày càng phát triển đã tạo động lực và gia tăng sức bật cho logistics phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

BĐVN hiện đang sở hữu nhiều lợi thế để phát triển các dịch vụ logistics với cơ sở hạ tầng bưu chính lớn nhất Việt Nam, mạng lưới vận chuyển phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành phố đến tận biên giới, hải đảo cùng hàng chục nghìn tuyến phát, kết nối vận chuyển không chỉ trong phạm vi nội địa mà còn mở rộng đến hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cùng với đó là các trung tâm logistics đồng bộ theo các trục khu công nghiệp lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm được trang bị dây chuyền chia chọn tự động công suất cao và hệ thống kho bãi quy mô lớn, đa chức năng. Điển hình như hệ thống kho ngoại quan hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Vĩnh Phúc, Hà Nam với tổng diện tích gần 60.000 m2 được "thần tốc" xây dựng và đưa vào vận hành chỉ trong hơn 6 tháng.

Với tiêu chuẩn an ninh và xây dựng cao nhất, dự án kho ngoại quan không chỉ là dự án tham vọng nhất tính đến thời điểm hiện tại mà còn là nền móng phát triển hệ sinh thái logistics nội địa và xuyên biên giới của BĐVN.

DN bưu chính đầu tư mạnh cho logistics đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Kho ngoại quan hiện đại bậc nhất Việt Nam của BĐVN tại Vĩnh Phúc

Đây sẽ là những điều kiện và là động lực quan trọng để Công ty Vietnam Post Logistics hướng đến mục tiêu trở thành "DN tỷ đô" và là nhà cung cấp các dịch vụ logistics chất lượng cao hàng đầu Việt Nam vào năm 2025 với hệ thống chi nhánh, văn phòng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Lào…

Chia sẻ về kế hoạch phát triển của công ty, ông Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Công ty Vietnam Post Logistics cho biết: Thời gian tới, song song với việc đảm bảo vận hành, cải tiến dịch vụ theo hướng tối ưu hóa chi phí cho khách hàng, Vietnam Post Logistics sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hơn 350.000 m2 kho bãi gồm hệ thống kho ngoại quan, kho lạnh gắn với chuỗi cung ứng dành riêng cho logistics nông sản, kho TMĐT tại các vùng kinh tế trọng yếu đạt, hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa.

Mỗi kho bãi này đều được nghiên cứu, thiết kế và xây dựng một cách bài bản, chi tiết theo tiêu chuẩn toàn cầu để tối ưu hóa công năng sử dụng, góp phần kết nối vận chuyển hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu tốt nhất.

"Các vị trí đặt kho cũng được đơn vị tính toán kỹ lưỡng và tích cực làm việc với các cơ quan liên quan để đảm bảo thuận tiện trong giao dịch, đảm bảo tính kết nối cao. Công ty cũng sẽ thiết lập các trung tâm kiểm soát logistics đầu cuối cũng như nâng cao năng lực CNTT để hỗ trợ hoạt động hậu cần để từng bước hoàn thành các mục tiêu chiến lược", ông Cường chia sẻ.

Nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng và kịp thời của ngành vận tải và chuỗi cung ứng cũng như đa dạng hóa các dịch vụ hậu cần TMĐT phù hợp với nhu cầu của thị trường, BĐVN đã triển khai cung cấp dịch vụ kho hàng và hoàn tất đơn hàng (fulfillment) như một giải pháp hậu cần TMĐT toàn diện cho khách hàng.

Lợi ích lớn nhất mà fulfillment đem lại cho khách hàng chính là tiết kiệm và tối ưu hóa chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí vận chuyển, năng lực vận hành kho bãi, đảm bảo an toàn hàng hóa trong suốt quá trình lưu kho cũng như đảm bảo giao hàng nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh đó, các chi phí về tồn kho, nhân lực lao động, vận hành quản lý cũng được giảm thiểu đáng kể. Nhờ vậy khách hàng có thể tập trung trọn vẹn nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh nhằm gia tăng thêm lợi nhuận.

Để phục vụ tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ kho hàng và hoàn tất đơn hàng, BĐVN đã xây dựng và cung cấp cho khách hàng phần mềm hệ thống quản lý kho Warehouse Management System (WMS), hỗ trợ quản lý hiệu quả các quy trình, hoạt động trực tiếp tại kho bao gồm nhận hàng, định vị hàng hóa trong kho, xuất hàng, kiểm tra hàng tồn kho.

Hệ thống này cũng sẽ hỗ trợ thông tin liên lạc bằng sóng radio, cho phép truyền dữ liệu theo thời gian thực giữa hệ thống và nhân viên kho, giúp tối đa hóa không gian chưa hàng, giảm thiểu các thao tác thông qua quy trình xếp hàng tự động tại kho.

Viettel Post ưu tiên các giải pháp công nghệ phục vụ TMĐT

Thông tin về phát triển của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post), tham luận gửi tới Hội nghị triển khai công tác năm 2022 của Bộ TT&TT, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Viettel Post cho biết đơn vị này đang thực hiện chuyển dịch từ công ty chuyển phát truyền thống sang công ty logistics phục vụ cho TMĐT dựa trên nền tảng công nghệ cao.

DN bưu chính đầu tư mạnh cho logistics đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 2.

Cụ thể, về nền tảng, Viettel Post tập trung đầu tư các nền tảng (platform) kho, phương tiện, hậu cần kho bãi, giao nhận vận chuyển quốc tế.

Mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng này có đặc điểm chung: tính mở (open), có thể mở rộng, kết nối thông minh. Quá trình chuyển đổi số buộc các công ty phải chuyển đổi toàn bộ chuỗi giá trị của mình, đầu tư rất nhiều vào nền tảng tích hợp bao gồm các mối quan hệ với nhà cung cấp, quản lý nhà máy, hậu cần phân phối và bán hàng để quản lý hàng tồn kho và hậu cần hiệu quả hơn, phản hồi của khách hàng nhanh hơn và tối ưu hóa tổng thể tài sản.

Viettel Post đang hướng tới xây dựng mạng lưới logistics đầu tư vào các hoạt động lưu kho (fulfillment, phân phối), kết nối, chia chọn. Điểm tạo nên lợi thế của Viettel logistics chính là mạng lưới, cơ sở hạ tầng nhằm tạo thành hạ tầng quốc gia với hệ thống trung tâm lớn (Mega Hub) - khu vực (sub) - bưu cục trải dài khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Về phương tiện vận chuyển, phục vụ hoạt động logistics, ngoài phương tiện tự đầu tư mới, Viettel Post hướng tới việc thuê xe bên ngoài, nhằm tối ưu chi phí, đồng thời đẩy mạnh phát triển sàn vận chuyển đa phương thức MyGo, vừa tối ưu hiệu suất xe tải hiện có của Viettel Post, đồng thời sẽ là platform kinh doanh dịch vụ vận tải dành cho các đối tác xe tải và khách hàng.

Về công nghệ, Viettel Post coi đây là lợi điểm bán hàng độc nhất (USP - Unique Selling Point) đối với dịch vụ logistics của Viettel Post. Để cung cấp dịch vụ logistics trên nền tảng công nghệ cao, AI và IoT sẽ được tích hợp để giải quyết bài toán chuỗi dịch vụ của logistics, trên cơ sở đó giải quyết bài toán tối ưu cho các dịch vụ của logistics.

Trong mảng kho vận đầu tư ứng dụng AI, robotics, công cụ chọn tự động (automated picking tool), xe tự hành AVG, IoT, corobot (robot cộng tác), hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động (AS/RS) được coi là giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu. Năm 2020 và 2021, Viettel Post đã đầu tư hệ thống công nghệ để xây dựng trung tâm chia chọn, kho vận thông minh tại TP. HCM và sang năm 2022, đây tiếp tục là định hướng chiến lược của Viettel Post để tiệm cận với mô hình kho thông minh của thế giới, nâng tỷ lệ tự động hóa trong kho lên 50% - 60%.

J&T Express phát triển hậu cần TMĐT e-logisticsqua các giao dịch mua bán điện tử

Để bắt nhịp hoạt động logistics nhộn nhịp, J&T Express đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. Trong năm qua, J&T Express đã cho ra mắt dịch vụ vận chuyển dành riêng cho nông sản và đồ tươi sống J&T Fresh cũng như hợp tác cùng UPOS - phần mềm bán hàng trực tuyến (online) và chốt đơn livestream. Các hoạt động này đã hỗ trợ bà con nông dân và các hộ sản xuất nông nghiệp đơn giản hóa việc bán hàng, giải quyết bài toán về đầu ra tiêu thụ sản phẩm nhờ vào việc ứng dụng quy cách đóng gói và công nghệ hiện đại, đồng thời, đáp ứng chiến lược phát triển bưu chính đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT.

DN bưu chính đầu tư mạnh cho logistics đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 3.

J&T Express đặt mục tiêu phát triển hậu cần TMĐT e-logistics là hỗ trợ toàn diện việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến tay người tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán điện tử.

Ngoài việc phát triển công nghệ và mở rộng dịch vụ theo định hướng, việc sở hữu những trung tâm trung chuyển đạt tiêu chuẩn cũng là điểm mấu chốt đảm bảo tốc độ chuyển phát nhanh cho DN. Đây chính là lý do J&T Express quyết định đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển hiện đại và lớn hàng đầu Việt Nam với diện tích lên tới 60.000m2, có khả năng xử lý tới hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm trong các đợt cao điểm, đồng thời rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.

Không dừng lại ở phạm vi trong nước, dịch vụ J&T International của J&T Express đã chính thức triển khai giao nhận với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trải dài từ châu Á đến châu Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada...

Bắt đầu từ ngày 07/01/2022, J&T Express mở rộng mạng lưới ở khu vực Trung Đông, cụ thể là ở UAE và Saudi Arabia. Kế hoạch này là sự phản hồi của J&T Express trước xu hướng mua sắm "không biên giới" đang ngày càng phổ biến, cùng nhu cầu chuyển phát nhanh hàng hóa trong hoạt động xuất - nhập khẩu tại Việt Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
DN bưu chính đầu tư mạnh cho logistics đáp ứng phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO