Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để thúc đẩy sự phát triển bền vững ở Slovenia?
Slovenia mong muốn trở thành một xã hội được thúc đẩy bởi các công nghệ số, mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân. Số hóa có thể giúp Slovenia duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế trên toàn cầu. Đồng thời, Slovenia coi đây là cơ hội duy nhất để giảm lượng khí thải carbon.
Trong Chiến lược chuyên môn hóa thông minh (Smart Specialization Strategy) và Chiến lược quốc gia số Slovenia (Digital Slovenia) 2020, Slovenia khuyến khích các công ty và tổ chức khu vực công tích hợp toàn diện công nghệ số vào các quy trình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ nhằm cải thiện hiệu quả và thúc đẩy đổi mới hơn nữa.
Các thủ tục hành chính công được số hóa là điều kiện tiên quyết để đưa ra quyết định nhanh chóng và các dịch vụ tiện ích. Một tiêu chuẩn quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), đó là chỉ số kinh tế và xã hội kỹ thuật số (DESI), Slovenia được xếp vào số các quốc gia có khả năng mở rộng năng lực chính phủ điện tử. Các công cụ đơn giản và nhu cầu của người dùng đã chứng minh sự kết hợp thành công.
Slovenia đã đạt được một số bước tiến với các công nghệ số tiên tiến như chuỗi khối (blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI). Chương trình quốc gia về AI hiện đang được chính phủ phê duyệt. Quá trình số hóa đang được tiến hành thuận lợi trong các lĩnh vực linh kiện và lắp ráp ô tô, thương mại điện tử, du lịch và khoa học vật liệu.
Cùng với chiến lược Digital Slovenia 2030, Slovenia đang chuẩn bị xây dựng các chiến lược quốc gia về An ninh mạng và Quản trị hành chính số để xác định những mục tiêu rõ ràng của Slovenia.
Chuyển đổi số thực sự bắt đầu từ sự tin tưởng của người dân và doanh nghiệp. Do đó, Slovenia phải nâng cao nhận thức về lợi ích của số hóa và các công cụ cần thiết để đạt được điều đó.
Slovenia cũng đang chuẩn bị một dự án để thúc đẩy các dịch vụ số. Mục đích cuối cùng là tăng cường sử dụng Internet cho các dịch vụ như chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, thương mại điện tử và y tế điện tử.
Slovenia cũng đang tìm kiếm một dự án khác có sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ để phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo kỹ năng số cho những người trên 55 tuổi.
Chính phủ hành động để kết nối những người chưa kết nối
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa. Tuy nhiên, đại dịch cũng cho thấy một số thách thức mà xã hội phải cùng nhau giải quyết trong giai đoạn phục hồi sau Covid.
Nhiều hộ gia đình ở Slovenia không có kết nối băng rộng tương xứng. Mục tiêu của Slovenia là phải đạt được 96% hộ gia đình có được truy cập Internet tối thiểu 100 Mb/giây và 4% còn lại ít nhất 30 Mb/giây.
Slovenia cũng có kế hoạch giải quyết các điểm trắng - những nơi không được phủ sóng băng rộng - bằng cách sử dụng quỹ hỗ trợ.
Sau khi thực hiện khảo sát thị trường, Slovenia sẽ triển khai thực hiện đấu thầu công khai để tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ thứ hai cho việc mở rộng vùng phủ băng rộng cần thiết.
Slovenia cũng phải thực hiện đảm bảo an ninh cho các mạng 5G, hứa hẹn sẽ trở thành mạng lõi của xã hội và nền kinh tế trong tương lai. Slovenia, cùng với các nước EU, đã ký Tuyên bố chung về An ninh mạng 5G với Hoa Kỳ và sử dụng khung pháp lý chung của EU cho 5G an ninh mạng.
Cuối cùng, Slovenia cũng đặc biệt chú trọng tầm quan trọng của dữ liệu. Sử dụng dữ liệu một cách thông minh có thể là một công cụ tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra các việc làm mới, định hình các mô hình kinh doanh mới và tạo ra các cơ hội đổi mới chưa từng có.
Slovenia đang ngày càng ứng dụng AI rộng rãi để hỗ trợ việc ra quyết định của chính phủ. Cổng dữ liệu mở quốc gia của Slovenia OPSI (podatki.gov.si) là một trung tâm dữ liệu khu vực công. Cổng này được sử dụng miễn phí và dữ liệu được xuất bản ở định dạng máy có thể đọc được theo giấy phép mở, cho phép liên tục xuất ra các phân tích và các ứng dụng mới.
ICT đã giúp Slovenia giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do Covid-19 như thế nào?
Trong đại dịch Covid-19, lĩnh vực số của Slovenia đã cung cấp cơ sở hạ tầng truyền thông và dịch vụ quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế, duy trì các dịch vụ của chính phủ và hệ thống giáo dục cũng như bảo vệ toàn bộ xã hội của Slovenia.
Nhờ có Internet, hầu hết công dân Slovenia đã tiếp tục làm việc, học tập và thực hiện các hoạt động khác tại nhà. Đồng thời, Covid-19 đã cho thấy số liệu thống kê chính xác giúp đưa ra các quyết định tốt hơn như thế nào.
Ví dụ, Slovenia đã phát triển một ứng dụng di động, #StayHealthy, để giúp ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm mới cũng như giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế quốc gia.
Người dùng có thể cài đặt ứng dụng này trên điện thoại thông minh của họ một cách tự nguyện và miễn phí.
Những ưu tiên chính của Slovenia về phát triển kỹ thuật số
Slovenia sẽ giữ trọng trách Chủ tịch Hội đồng châu Âu từ tháng 7/2021. Trong nhiệm kỳ của mình, Slovenia có kế hoạch tích cực thúc đẩy Đạo luật trí tuệ nhân tạo, dự kiến được Ủy ban châu Âu công bố vào quý II năm 2021. Tháng 9/2021 sẽ là "Tháng AI" (AI Month), với các sự kiện như trình diễn AI và nhiều hoạt động khác sẽ được tổ chức tại Slovenia.
Tại hội nghị về AI do Bộ Hành chính công tổ chức vào ngày 14/9, Slovenia sẽ giới thiệu một số kết quả công việc của mình, nêu bật các phương pháp hay nhất và thảo luận những vấn đề chính về AI với các nhà khoa học Slovenia được quốc tế công nhận trong lĩnh vực này.
Một chủ đề quan trọng khác trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng của do Slovenia làm Chủ tịch sẽ là việc giới thiệu các công nghệ tiên tiến để hình thành Hiệp hội Gigabit châu Âu (European Gigabit Society). Điều này đi đôi với việc tăng cường an ninh mạng, thu hẹp khoảng cách số và thiết lập các mạng tiên tiến. Slovenia cũng sẽ tập trung vào việc xây dựng khả năng phục hồi của EU trước các cuộc tấn công mạng quy mô lớn.
Hợp tác với ITU và cộng đồng quốc tế để thúc đẩy các ưu tiên của khu vực và quốc gia về phát triển kỹ thuật số
Phát triển kỹ thuật số kéo theo sự chuyển đổi của các quy trình công nghiệp và kinh tế, cũng như các dịch vụ y tế, giáo dục, nông nghiệp và hành chính công. Điều này xây dựng khả năng phục hồi và cho phép phản ứng mạnh mẽ hơn với những thách thức quan trọng, bao gồm cả đại dịch hiện nay.
Hợp tác với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) giúp Slovenia mở rộng cơ sở hạ tầng số, đảm bảo kỹ thuật số bao trùm và củng cố các kỹ năng số.
Sự hợp tác cũng giúp Slovenia tiếp cận bình đẳng với ICT, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho tất cả các nhóm dân cư trong xã hội, bao gồm cả người khuyết tật và thanh niên, từ đó tối đa hóa lợi ích của công nghệ số. Các chương trình của ITU cũng có thể giúp thúc đẩy hệ sinh thái khu vực và quốc gia về đổi mới kỹ thuật số.
Slovenia cũng nhận thấy cần có phương pháp tiếp cận có hệ thống để thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa các khu vực khác nhau và khuyến khích tinh thần kinh doanh.
Hợp tác có thể thúc đẩy niềm tin giữa người dân và các tổ chức trong việc ứng dụng công nghệ số. Cải thiện cơ sở hạ tầng băng thông rộng và đảm bảo các dịch vụ an toàn, kết hợp với sự tham gia của ITU, sẽ cho phép tất cả công dân của Slovenia, bao gồm cả trẻ em, tự tin sử dụng công nghệ số trong cuộc sống thường ngày.