Hoà Bình giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 cho các cơ quan nhà nước

Hoàng Linh| 10/03/2021 10:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Tăng cường giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước (CQNN) và Chỉ số cải cách hành chính của các cấp, ngành.

Tăng cường sự hài lòng của người dân và DN về việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa ký quyết định về việc giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo Quyết định, 17 Sở, ban ngành, 10 UBND các huyện, thành phố trên địa bàn phải đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến phát sinh/tổng số hồ sơ giải quyết TTHC trong năm 2021 là 51%.

Trong đó, tỷ lệ % được xác định theo số lượng hồ sơ trực tuyến thuộc danh mục TTHC được công bố thực hiện trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phát sinh trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị.

UBND tỉnh Hòa Bình giao các Sở, Ban, Ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ chỉ tiêu được giao, các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao.

Hoà Bình giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 - Ảnh 1.

Cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Mai Châu ứng dụng CNTT trong công việc chuyên môn (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trình độ tiếp cận Internet của khách hàng tại địa phương, tổ chức giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu được giao theo quy định, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Sở TT&TT Hòa Bình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện quyết định này; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Sở TT&TT cũng chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổng hợp, thống kê số liệu kết quả thực hiện chỉ tiêu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 cho các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố phục vụ đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT và đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của các Sở, Ban, Ngành, địa phương.

Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở TT&TT và các cơ quan liên quan theo dõi, đốn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định này; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Việc giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2021 của tỉnh Hòa Bình được xem là một bước thúc đẩy chính quyền điện tử (CQĐT).

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần xây dựng CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ chỉ tiêu xây dựng, phát triển CPĐT giai đoạn 2021 - 2025: Đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, DN được tích hợp lên Cổng DVC quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo DVCTT mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai DVCTT mức độ 3, 4; tích hợp 50% các DVCTT mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương với Cổng DVC quốc gia; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp (DN) hài lòng về việc giải quyết TTHC.

Xây dựng CQĐT nâng cao hiệu quả, chất lượng các DVCTT

UNBD tỉnh Hòa Bình cũng đã ký quyết định phê duyệt Kiến trúc CQĐT tỉnh Hòa Bình phiên bản 2.0. Đây là phiên bản bổ sung, cập nhật so với phiên bản 1.0 về các hướng phát triển của CPĐT, hướng tới Chính phủ số, xu thế công nghệ như điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, việc xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Hòa Bình nhằm giúp lãnh đạo tỉnh có cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai CQĐT kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Ứng dụng CNTT trong các CQNN tại tỉnh Hòa Bình ngày càng được phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng. Kiến trúc CPĐT sẽ giúp đạt được các mục tiêu: tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, đảm bảo khả năng ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của tỉnh Hòa Bình.

Cùng với đó, Kiến trúc CQĐT cũng hướng tới nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin theo điều kiện thực tế tại tỉnh Hòa Bình; tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm triển khai CPĐT tại Việt Nam.

Trong bản Kiến trúc CQĐT mới nâng cấp lên phiên bản 2.0, UBND tỉnh Hòa Bình cũng chỉ rõ các điểm mới, cải tiến của phiên bản này so với phiên bản đầu tiên như: bổ sung, cập nhật mô hình kiến trúc phù hợp với sự phát triển của xu hướng phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số; cập nhật, bổ sung các khái niệm "Khung kiến trúc CPĐT", "Kiến trúc CPĐT cấp bộ", "Kiến trúc CQĐT cấp tỉnh".

Phiên bản mới còn cập nhật các nguyên tắc xây dựng kiến trúc, tầm nhìn kiến trúc, định hướng phát triển CPĐT Việt Nam phù hợp với hiện tại cũng như thể hiện rõ 5 mô hình tham chiếu để tỉnh Hòa Bình xây dựng kiến trúc (gồm kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc kỹ thuật công nghệ, kiến trúc an toàn thông tin).

Ngoài ra, Kiến trúc CQĐT tỉnh Hòa Bình phiên bản 2.0 còn ban hành kèm theo chi tiết các hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu tạo nền tảng để tham chiếu khi xây dựng.

Trong Kiến trúc CQĐT của tỉnh Hòa Bình phiên bản 2.0, UBND tỉnh Hòa Bình đã nêu rõ các định hướng phát triển CQĐT của địa phương, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT; Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CQĐT tỉnh phù hợp với xu thế phát triển CQĐT; Xây dựng CQĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân.

Cụ thể, để hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT, thời gian tới, Hòa Bình tập trung xây dựng Nghị quyết, đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển ứng dụng CNTT tỉnh, phát triển chính quyền số các cấp; thử nghiệm phát triển dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM); xây dựng, cập nhật bộ mã định danh điện tử các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quy định, đảm bảo phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL)...

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm xây dựng CQĐT gắn kết với bảo đảm ATTT, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời tăng cường hoạt động bảo đảm an toàn cho hệ thống CNTT của tỉnh, Hòa Bình sẽ tập trung triển khai dịch vụ chứng thực điện tử chữ ký số cho các hệ thống thông tin. Đặc biệt là triển khai giải pháp ký số từ xa, trên thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, DN, cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn 2021 - 2025.

Một mục tiêu cụ thể đặt ra trong phát triển CQĐT tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 là xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng bước đầu cho thành phố thông minh, xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM (giao thông, y tế, điện...); kiểm tra giám sát toàn bộ chất lượng hệ thống ứng dụng CNTT trên toàn tỉnh.

Cũng đến năm 2025, 40% số lượng người dân và DN tham gia hệ thống CQĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 60% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, DN được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia không phải cung cấp lại; 90% hồ sơ các công việc tại tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoà Bình giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 cho các cơ quan nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO