Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và đại biểu các bộ, ban ngành đã tham dự buổi Lễ.
Buổi lễ được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính tại Hà Nội, 63 điểm cầu công an các tỉnh, thành phố và các điểm cầu kéo dài đến một số xã, phường tại Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Thần tốc hoàn thành hai hệ thống CNTT quan trọng để xây dựng CPĐT
Thực hiện Luật Căn cước công dân, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (Đề án 896), lực lượng Công an được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ "chưa có tiền lệ" từ trước đến nay, chiến dịch xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, tạo tiền đề xây dựng CPĐT, xã hội số, kinh tế số. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công an, sự quyết tâm vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và tinh thần quyết tâm, không ngại gian khổ, khó khăn, thách thức của toàn bộ lực lượng công an nhân dân (CAND) trên toàn quốc, chỉ trong thời gian ngắn, chiến dịch xây dựng hai hệ thống đã đạt được những kết quả quan trọng.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh: Hai hệ thống trên khi chính thức được đưa vào khai thác sẽ có tác động tích cực đến nhiều mặt của đất nước, giúp giảm chi phí giấy tờ, giảm thời gian xác minh và đi lại cho công dân, giảm ngân sách Nhà nước khi xây dựng các CSDL chuyên ngành và việc lưu hồ sơ.
Tính sơ bộ toàn nền kinh tế, Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm chi phí về thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai gần 370 tỷ đồng; không phải xuất trình đơn, tờ khai tiết kiệm hơn 4200 tỷ/năm; các CSDL chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân tiết kiệm khoảng 246 tỷ đồng. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng. CSDL quốc gia về dân cư là hệ thống quan trọng nhất trong 6 CSDL quốc gia phục vụ xây dựng CPĐT.
Để triển khai dự án, Bộ Công an đã bố trí 100% công an xã chính quy tại các địa bàn xã, thị trấn với gần 45.000 cán bộ chiến sĩ thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư; đào tạo gần 24.000 cán bộ tại địa phương sử dụng hệ thống.
Ngày 3/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đây là thuận lợi cơ bản để lực lượng công an khẩn trương triển khai song song với Dự án CSDL quốc gia về dân cư. Bộ Công an phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến trước ngày 1/7/2021 cấp 50 triệu thẻ đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp thẻ.
Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân sẽ lấy vân tay lăn thay cho vân tay phẳng; sử dụng thẻ chip điện tử vì tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn so với các loại khác, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng; đầu tư ứng dụng nhận dạng vân tay, nhận dạng khuôn mặt phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng tàng thư phòng, chống tội phạm. Đối với ứng dụng nhận dạng tròng mắt, ADN và giọng nói sẽ có thiết kế mở để khi điều kiện phù hợp sẽ thực hiện đầu tư.
Theo Luật Cư trú (sửa đổi), sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ chấm dứt vai trò khi các CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân.
Khai trương 2 hệ thống giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT
Ngay sau khi bấm nút kích hoạt hệ thống và chứng kiến các hoạt động trải nghiệm dịch vụ tại một số điểm cầu, phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hạn chế các tiếp xúc trực tiếp, các hệ thống này được đi vào vận hành là bước tiến mới quan trọng hỗ trợ và giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng CPĐT, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
"Việc hoàn thành xây dựng hai hệ thống này là trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện Luật căn cước công dân, Luật cư trú, Luật hộ tịch, đồng thời đây cũng là thành tích thiết thực chào mừng thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua".
Để có được kết quả trong buổi Lễ khai trương ngày hôm nay, Thủ tướng khẳng định đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn lực lượng CAND trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020; trong đó phải kể đến sự chỉ đạo rất quyết liệt của các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công an và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống.
Đặc biệt, với sự quyết tâm, ưu tiên hàng đầu trong xây dựng hai hệ thống trọng điểm này nhanh mà vẫn bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, Bộ Công an đã triển khai song song, lồng ghép 2 dự án, qua đó tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng ngay trong quá trình xây dựng dự án.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự Bộ Công an cùng các cơ quan có liên quan, doanh nghiệp (DN) CNTT nghiên cứu các giải pháp, các bài toán ứng dụng công nghệ trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống. Các cán bộ, chiến sỹ công an từ trung ương tới địa bàn cơ sở đã làm việc không quản ngày đêm để hoàn thiện việc thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Với những dữ liệu đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ của hơn 90 triệu dân (92% dân số), ngày hôm nay các hệ thống này đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công (DVC) các bộ, các tỉnh và sẵn sàng đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chí: Hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí.
"Đây là nền tảng quan trọng để chúng ta xây dựng CPĐT, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số", Thủ tướng khẳng định.
Nền tảng cũng đã tích hợp được một số DVC của Bộ Công an cũng như chia sẻ được thông tin này với các cơ quan khác, trước mắt là cơ quan thuế trên Cổng DVC quốc gia. Các dịch vụ như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, khai báo lưu trú, đăng ký thuế lần đầu là những DVC rất thiết yếu và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân cũng như hoạt động kinh tế, xã hội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương trong xây dựng hai hệ thống trong thời gian qua và sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành cùng với Bộ Công an trong xây dựng 2 dự án này, nhất là VPCP, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bảo hiểm xã hội,...
Thủ tướng cũng ghi nhận sự nỗ lực UBND các địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Bắc Ninh đã tiên phong, sẵn sàng phối hợp để cùng xây dựng, hoàn thiện, kết nối, chia sẻ, khai thác của bộ, ngành, địa phương mình vào hệ thống, triển khai thực hiện và các nhà thầu, các DN CNTT đã tham gia vào các dự án.
Chuyển đổi số (CĐS), đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN là xu thế tất yếu
Thủ tướng nhấn mạnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua đã xác định các mục tiêu rất cụ thể phát triển đất nước trong thời gian tới. Trong đó, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nước ta sẽ là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện được các mục tiêu này, theo Thủ tướng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Trong điều kiện cách mạng 4.0 đang phát triển như hiện nay, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh CĐS, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là một xu thế tất yếu.
Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng cho biết thời gian vừa qua, việc xây dựng CPĐT, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể chế chính sách và nhiều hệ thống nền tảng cho CPĐT đã được quan tâm xây dựng, một số hệ thống lớn đã được tập trung thiết lập, đưa vào vận hành và đạt được kết quả bước đầu rất khả quan, bắt kịp những thay đổi của thời đại cách mạng công nghệ 4.0 như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng DVC quốc gia, tới nay là hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Với sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thúc đẩy tăng năng suất xã hội và năng lực cạnh tranh.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ trên các lĩnh vực, đẩy nhanh việc CĐS trong công tác quản lý nhà nước nói chung, trong quản lý dân cư nói riêng, tạo một hệ thống thông tin "công dân số" trong tất cả các ngành, lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.
Song hành với nó, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa về TTHC, cắt giảm các giấy tờ, tái sử dụng thông tin dân cư, rà soát lại các quy trình nghiệp vụ để phát huy được những lợi thế do CNTT mang lại.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng việc khai trương hai hệ thống mới chỉ là bước đầu, phía trước còn rất nhiều việc phải làm.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hai hệ thống, bảo đảm dữ liệu công dân chính xác và thường xuyên được bổ sung, cập nhật; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu; sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện kết nối với các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng CPĐT, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho nhân dân và DN.
Thủ tướng cũng đề nghị Các Bộ, ngành và UBND các địa phương tiếp tục "chuyển động"cùng Bộ Công an trong quá trình xây dựng 2 dự án, bảo đảm đồng bộ, kết nối trong xây dựng CPĐT.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Công an trong quá trình xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân để đảm bảo nguyên tắc hiện đại đồng bộ, bảo mật cao và chống lãng phí xuyên suốt trong quá trình thực hiện 2 dự án.