Muốn DVCTT mức độ 4 đạt 100% năm 2021: Cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để vượt “khó” thành “dễ”

Đỗ Minh| 21/05/2021 14:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Giờ đây, việc các bộ, ngành, địa phương cần sớm ban hành cụ thể kế hoạch thực hiện việc cung cấp Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 đang là nhiệm vụ cấp bách, yêu cầu trọng tâm cần ưu tiên, triển khai hàng đầu.

Làm tốt điều này, nghĩa là chúng ta đang vươn đến nền hành chính số năng động, sáng tạo, hướng đến phục vụ, mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN).

Và vì đây là mức, nấc thang cao nhất trong việc thực hiện đẩy mạnh các dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước (CQNN) trên môi trường mạng và là chỉ tiêu cơ bản của Chính phủ điện tử (CPĐT), cho nên đánh giá nội dung kế hoạch của các bộ ngành, địa phương về cung cấp DVCTT mức độ 4 đã thể hiện có sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm để thực hiện.

Trong số các kế hoạch của nhiều đơn vị ban hành kế hoạch mới đây, khi đi sâu tìm hiểu một số nội dung cốt lõi, cụ thể của kế hoạch của các địa phương như: Ninh Bình, Ninh Thuận, Kom Tum... chúng ta như phần nào thấy rõ hơn bức tranh tổng thể thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP; Quyết định 749/QĐ-TTg; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam trong thời gian qua.

DVCTT mức độ 4 cần chuẩn hóa, đồng bộ quy trình nội bộ và quy trình điện tử

Theo đó, nội dung kế hoạch số 62/KH-UBND, UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ mục tiêu, đến cuối năm 2021, tỉnh sẽ triển khai cung cấp 100% DVC đủ điều kiện theo quy định lên trực tuyến mức độ 4 và tích hợp 100% DVCTT mức độ 3, 4 của tỉnh đáp ứng yêu cầu với Cổng DVC quốc gia.

Và để thực hiện được điều này, tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm tiến hành chuẩn hóa, đồng bộ quy trình nội bộ và quy trình điện tử; chuẩn hóa các biểu mẫu, e-form; chuẩn hóa mã thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng DVC và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh và đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC với Cổng DVC quốc gia (hoàn thành trước ngày 15/7/2021).

Bên cạnh đó, các đơn vị khẩn trương rà soát, công bố sửa đổi, bổ sung Danh mục TTHC được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn toàn tỉnh, hoàn thành trước ngày 15/6/2021; xem xét, đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích ban hành sửa đổi giảm mức giá dịch vụ hiện đang áp dụng (hoàn thành trước ngày 15/6/2021); triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh; đẩy mạnh triển khai thanh toán không tiền mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã (hoàn thành trước ngày 15/9/2021)…

Muốn DVCTT mức độ 4 đạt 100% năm 2021: Cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để vượt “khó” thành “dễ” - Ảnh 1.

DVCTT sẽ góp phần giảm sự tiếp xúc giữa người dân, DN với cán bộ thực thi công vụ, tạo môi trường hành chính số hiện đại, minh bạch của địa phương.

Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị phải tổng hợp, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh.

Nói đến kết quả việc thực hiện các DVC, theo số liệu báo cáo (tính đến hết năm 2020), Ninh Bình đã cung cấp 2.046 DVC, trong đó có 664 DVC mức độ 3 và 570 DVC mức độ 4; 100% TTHC của tỉnh đã được cập nhật, chuẩn hóa, đồng bộ với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về TTHC; 100% quy trình giải quyết TTHC của tỉnh đã được tin học hóa cung cấp công khai trên Cổng DVC và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh. Với kết quả đạt được, điều này đã góp phần giảm sự tiếp xúc giữa người dân, DN với cán bộ thực thi công vụ, tạo môi trường hành chính số hiện đại, minh bạch của địa phương.

Cũng có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, khi Cổng DVC của Ninh Thuận liên tục được bổ sung, hoàn thiện việc kết nối với nền tảng quốc gia, từng bước nâng cao tỷ lệ DVCTT mức độ 4.

Đến nay Ninh Thuận đã xây dựng các e-form, cập nhật 572 DVCTT mức độ 4, đạt 30,44% kế hoạch, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị Quyết số 17/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cổng DVCTT tỉnh đã cung cấp 1.858 DVCTT mức độ 2, 3 và 4, đạt 100% tổng số TTHC đối với các CQNN cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng DVC quốc gia là 107 thủ tục, đạt 5,76%. Bên cạnh đó, CQDL về dân cư là CSDL dùng chung, kết nối với các hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành của các sở, ban, ngành, địa phương giúp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, DVCTT tuyến công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định… tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, người dân và DN.

Cụ thể, kế hoạch này nêu rõ, phấn đấu đến hết quý II/2021, tỉnh sẽ quyết tâm đưa 100% DVC độ 3 (1374 TTHC) lên DVC mức độ 4. Để làm điều này, tỉnh yêu cầu Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh/Bộ phận Một cửa đối với các TTHC có đối tượng sử dụng là các tổ chức, CQNN, phải thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (trừ khi hồ sơ đó có khối lượng lớn không ký số hoặc quét được thành file PDF gửi qua mạng) và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; tất cả cán bộ công chức phải hiểu, có khả năng hỗ trợ người dân, tổ chức, DN thực hiện tìm hiểu thông tin về thực hiện TTHC, nộp hồ sơ qua DVC, thanh toán trực tuyến; các đơn vị, địa phương thực hiện TTHC phải có chính sách ưu tiên đối với các hồ sơ sử dụng DVCTT mức độ 4…

Đặc biệt, tỉnh ưu tiên việc cung cấp, đa dạng các kênh giao tiếp thông qua mạng Internet (đầu tư các điểm truy cập internet công cộng miễn phí để người dân tiếp cận dịch vụ). Cùng với đó, tăng cường việc tuyên truyền để người dân, tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận và sử dụng các DVCTT mức độ 4; tăng cường công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức, DN đối với thái độ, chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh…

Cũng mang quyết tâm lớn như hai tỉnh trên, thời gian qua, KomTum phấn đấu thực hiện đẩy mạnh việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử nhằm giảm chi phí, tiếp xúc trực tiếp, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Với những kết quả đạt được, tính đến hết 4/2021, tổng số DVCTT mức độ 4 của tỉnh Kon Tum đạt 33,1% (số lượng DVCTT mức độ 4 là 634 DVC/1.916 TTHC trên địa bàn tỉnh).

Để cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên Cổng DVC của tỉnh, kế hoạch yêu cầu: Các đơn vị trong tỉnh lập danh sách các DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 gồm: Mã số TTHC; tên TTHC; mức độ DVCTT hiện tại; số hiệu quyết định và ngày tháng năm phê duyệt danh mục TTHC; số hiệu quyết định và ngày tháng năm phê duyệt quy trình nội bộ...

Kế hoạch yêu cầu các đơn vị, sở, ban ngành, địa phương căn cứ nội dung, tiến độ thực hiện theo kế hoạch để triển kịp thời, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện cần tăng cường phối hợp Văn phòng Chính phủ, Viễn thông Kon Tum để kiểm thử, tích hợp, cung cấp DVCTT của tỉnh trên Cổng DVC quốc gia.

Nhiều địa phương hiện đã đban hành kế hoạch cụ thể về việc triển khai, thực hiện việc cung cấp 100% DVCTT mức 4 lên cổng DVC quốc gia thực hiện trong năm nay.

Và với việc ban hành văn bản này, đây sẽ là văn bản chỉ đạo cụ thể dẫn dắt, lực đẩy cho các đơn vị, địa phương chuyển mình vươn lên và chúng ta luôn kỳ vọng, mong đợi sẽ có nhiều kết quả mới được tạo ra. Đồng thời, qua công việc quan trọng này, chúng ta như tạo thêm một dấu mốc cho việc "tổng khởi động", "chạy đua", "nước rút" đối lĩnh vực cải cách hành trên môi trường số; đáp ứng, thực hiện đúng theo hướng dẫn, yêu cầu của Công văn số 1144/BTTTT-THH do Bộ TT&TT mới ban hành về việc hướng dẫn, triển khai hiệu quả việc cung cấp 100% DVCTT mức độ 4, đáp ứng yêu cầu với Cổng DVC quốc gia.

Đồng thời, chỉ khi các đơn vị thực hiện, triển khai tốt nhiệm vụ này, các giá trị, lợi ích mang lại sẽ đảm bảo mọi quyền lợi của người dân, tổ chức, DN khi giải quyết TTHC với các cơ quan nhà nước được dễ dàng, thuận lợi, thông suốt và giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ, tiết kiệm được thời gian, chi phí… và quan trọng hơn, điều này góp phần tạo ra các thắng lợi đạt hiệu quả các mục tiêu trong tiến trình CĐS quốc gia, hướng đến hoàn thành mục xây dựng, vận hành hiệu quả Chính phủ số, Chính phủ điện tử (CPĐT).

Cần sự đổi mới toàn diện trong phương pháp, cách làm mới

Có thể nói trước khi nói đến sự phát triển DVCTT trong tương lai, điều cần thiết phải đánh giá kết quả, thực lực trong hiện tại. Và chúng ta đều biết, lợi ích của DVCTT mức 4 mang lại là rất lớn trong việc CCHC công, do đó để phát huy hiệu quả huy từ dịch vụ này, điều cần phải có là sự toàn tâm, toàn lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đơn vị.

Vì vậy điều cần thiết vào lúc này, ngoài việc triển khai thực hiện các kế hoạch đó, các đơn vị, địa phương cần bám sát thực hiện đúng yêu cầu Công văn số 1145/BTTTT-THH ngày 19/4/2021 của Bộ TT&TT về việc hướng dẫn, đôn đốc xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 năm 2021.

Khẳng định về quyết tâm, để các địa phương tăng cường thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến với 63 Sở TT&TT tỉnh, thành phố Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chúng ta cần phải đổi mới toàn diện trong phương pháp, cách làm mới, đặc biệt là việc cần chuẩn hóa quy trình triển khai các nền tảng, điều này sẽ giúp nhanh, tiết kiệm, hiệu quả nhiệm vụ này.

"Các Sở TT&TT cần khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố triển khai ngay các nội dung tại Công văn 1145/BTTTT-THH và định kỳ hàng tháng có báo cáo việc triển khi cung cấp DVCTT về Bộ TT&TT qua Hệ thống đánh giá mức độ chuyển đổi số tại địa chỉ: https://dti.gov.vn", Thứ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Theo số liệu báo cáo từ Bộ TT&TT, hiện nay, tỷ lệ DVCTT mức 4 của cả nước hiện nay mới đạt 34,19% (tính đến tháng 4/2021), đây vẫn là con số thấp xét trên bình diện 2 chỉ số: tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ chỉ đạt 20,66% và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mới là 16,64%.

Nói thêm về nội dung quan trọng của văn bản này, có lẽ đây là văn bản đầy đủ nhất, tối ưu nhất khi đưa ra được các giải pháp cụ thể để hướng dẫn các địa phương, đơn vị nâng cao hiệu quả khi thực hiện, bởi lẽ các giải pháp kỹ thuật đã được chỉ ra, cần triển khai như: Tùy vào hiện trạng của từng địa phương; Cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử trên cùng một nền tảng đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành; theo mô hình cung cấp dịch vụ phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây SaaS (Software-as-a-Service) đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành…

Đặc biệt, khi các địa phương, đơn vị triển khai, thiết lập, xây dựng, vận hành một DVC mới cần phải thực hiện trên cơ sở tùy biến các biểu mẫu và quy trình xử lý điện tử, các tài nguyên sử dụng chung để được tận dụng tối đa tránh lãng phí và người dùng tại các đơn vị có thể chủ động, khởi tạo, cung cấp DVCTT mức 4 trên môi trường mạng…

Cũng như khẳng định thêm về các giải pháp văn bản trên nêu, theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, yếu tố quan trọng số một hiện nay luôn cần chính là sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp. Sự quyết tâm của người đứng đầu là động lực thúc đẩy bộ máy bên dưới thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra.

Chúng ta vẫn còn nhớ cách đây không lâu, tại cuộc hội thảo Quốc gia về CPĐT, nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu cho rằng để tăng kết quả việc thực hiện DVCTT mức 4 chúng ta cần phải: Tập trung tăng số lượng hồ sơ trực tuyến; đầu tư, nâng cấp tăng chất lượng hạ tầng viễn thông, ký thuật cho các vùng đồng bào khó khăn; rà soát, phân loại các TTHC để lựa chọn ưu tiên thực hiện; tăng cường truyền thông…

Đồng tình các quan điểm trên, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương nhấn mạnh thêm, muốn nâng cao tỉ lệ DVCTT được triển khai ở cấp độ 4 thì cần chú trọng đến vấn đề trải nghiệm.

"DN và người dân phải được trải nghiệm, để họ tự nhận thấy giá trị, lợi ích thụ hưởng họ nhận được thì họ sẽ dùng nhiều", ông Hải nhấn mạnh.

Còn theo Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế, chúng ta cần tập trung vào chất lượng thay cho số lượng DVCTT. Khi chúng ta tập trung vào chất lượng thì người dân sẽ có niềm tin, khi đã có niềm tin thì họ sẽ tin tưởng, sử dụng DVCTT nhiều hơn.

Như vậy, với các kế hoạch được ban hành, cùng với văn bản hướng dẫn chi tiết của Bộ TT&TT, chúng ta chắc chắn luôn tin tưởng giá trị mới sẽ được tạo ra, đảm bảo việc thực hiện, hoàn thành 100% DVCTT mức độ 4 trong năm nay.

Bài liên quan
  • TikTok và câu chuyện cung cấp dịch vụ tại Mỹ
    TikTok thông báo rằng họ đang "trong quá trình" khôi phục dịch vụ cho người dùng tại Mỹ. Động thái diễn ra chỉ hơn 12 giờ sau khi TikTok ngừng cung cấp dịch vụ để chuẩn bị đối phó với lệnh cấm.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Muốn DVCTT mức độ 4 đạt 100% năm 2021: Cần thay đổi cách nghĩ, cách làm để vượt “khó” thành “dễ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO