Tại Tòa đàm "Chuyển đổi số: Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, logistics cho các DN Việt Nam" tổ chức ngày 30/10, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết, công nghệ số, nhất là các công nghệ đột phá của cuộc CMCN 4.0 như AI, IoT, dữ liệu lớn… đang làm thay đổi căn bản kinh tế và xã hội. Trong đó, chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển hoàn toàn mới bình đẳng cho mọi quốc gia, mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam.
"Chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng Chính phủ, mà là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng DN, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực", bà Hương cho hay.
Chuyển đổi số sẽ "phá vỡ" các cá nhân, DN, tổ chức và cơ cấu của nền kinh tế. Thống kê cho thấy, 60% DN có trên 1.000 người đang sử dụng hoặc có kế hoạch chuyển đổi số, 58% các tổ chức trên thế giới hiểu được rằng chuyển đổi số là chiến lược cho hoạt động kinh doanh của họ. Theo IDC, chuyển đổi số sẽ phá vỡ hơn 33% các công ty hàng đầu hiện nay.
"Chuyển đổi số và lợi nhuận có liên quan chặt chẽ với nhau khi mà chuyển đổi số sẽ tối đa hóa lợi nhuận. Các tổ chức kết hợp cả đầu tư vào các sáng kiến công nghệ, khả năng lãnh đạo sẽ có hiệu quả tốt hơn, tạo được doanh thu lớn và lợi nhuận lớn hơn, đưa ra sản phẩm có giá thị trường cao hơn", bà Hương cho biết thêm.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và trong lĩnh vực logistics là 2 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Hơn 75% DN đã và mới ứng dụng công nghệ số trong dịch Covid-19
Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện phát triển DN VCCI chia sẻ về kết quả khảo sát thực trạng chuyển đổi số của DN trong dịch Covid-19. Theo đó, hơn 75% DN được khảo sát cho biết đã ứng dụng công nghệ số từ trước hoặc mới bắt đầu ứng dụng khi dịch Covid-19 bùng nổ.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là có đến hơn 20% số DN khi được hỏi cho biết vẫn chưa ứng dụng công nghệ số, nhưng 17% khẳng định có quan tâm và có thể sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong số những DN này, DN lớn có mức độ quan tâm đến công nghệ số nhiều hơn hẳn, không cần phải chờ đến khi bùng phát dịch Covid-19, khi mà 65% số DN lớn đã ứng dụng công nghệ số từ trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến 32% các DN vừa và nhỏ bắt đầu ứng dụng công nghệ số, trong thời điểm giãn cách xã hội và phải làm việc từ xa, và sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ số sau đó.
Cũng theo ông Huân, khi được hỏi về kỳ vọng DN trong ứng dụng công nghệ số, đa phần các đơn vị đều cho rằng sẽ giảm thiểu chi phí (71,7%), giảm giấy tờ (61,4%), giảm tiếp xúc trực tiếp (53,5%), quản trị kinh doanh hiệu quả (51%)... Trong số này, các DN lớn kỳ vọng nhiều hơn trong ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, tiếp xúc trực tiếp, xử lý sự cố nhanh hơn...., còn DN nhỏ lại kì vọng nâng cao hiệu quả marketing/tìm kiếm khách hàng mới, quản trị kinh doanh hiệu quả...
Về rào cản trong chuyển đổi số, hơn một nửa số DN khi được hỏi cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ số còn cao (56%). Các lý do còn lại bao gồm: thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (38,9%), sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN (33,9%), thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (32,3%), thiếu thông tin về công nghệ số (30,4%)...
Về vấn đề ứng dụng công nghệ số, trong khi các DN vừa và nhỏ gặp khó khăn nhiều hơn đối với các vấn đề nguồn lực nội bộ, thì các DN lớn lại lo sợ nhiều hơn đến các vấn đề bên ngoài. Cụ thể, đối với DN lớn, các vấn đề mà họ quan tâm như các quy định, quy tắc không phù hợp, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN. Còn các DN vừa và nhỏ lại quan tâm đến việc thiếu thông tin về công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, chi phí ứng dụng công nghệ số cao, khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống...
Trên cơ sở đó, những kiến nghị đề xuất được nhiều đơn vị quan tâm là việc xây dựng các quy tắc, thúc đẩy việc chuyển đổi số (83%); hỗ trợ tài chính (71%); minh bạch hóa các quy tắc và quy định (67%); hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ của DN (58%)...
Ông Huân cũng đã đưa ra những kết luận cho báo cáo khảo sát của mình. Theo đó, Covid-19 là cú huých trăm năm để DN nhận ra tính ưu việt của kinh tế số, yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ, mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết định chính trị, thể chế kinh tế quốc gia. Vì vậy, trách nhiệm của DN là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững.
"Đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hóa sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số, sẵn sàng thay đổi, từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức", ông Huân kết luận.
Tài chính, nhân sự đang là rào cản cho chuyển đổi số
Còn theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, trong thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid-19 nên chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics - xương sống của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại, khiến thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ, tăng khoảng 30% trong dịch Covid-19, kéo theo các hoạt động logistics.
"Nghiên cứu của công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey cho thấy, quá trình chuyển đổi số đáng lẽ cần 5 năm để áp dụng vào DN và người tiêu dùng thì nay chỉ mất 8 tuần nhờ cú huých từ đại dịch", ông Tương chia sẻ thêm.
Kháo sát năm 2018 của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã cho thấy, mức độ ứng dụng KHCN tại Việt Nam còn chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ. Các DN lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả của dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan như Cảng điện tử ePort và Lệnh giao hàng điện tử eDO tại Tân cảng Sài Gòn hay ứng dụng giải pháp tổng thể logistic (Cargowise) tại Công ty T&M Forwarding.
"Trên cơ sở đó, VLA và Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) sẽ thành lập một công ty cộng đồng để phát triển một nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistic, ứng dụng công nghệ blockchain và các công nghệ khác", ông Tương nói.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc chuyển đổi số của DN cung cấp dịch vụ logistics, ông Tương cho rằng, khó khăn chính là tài chính, con người và chọn công nghệ thích hợp. Đầu tiên, chi phí đầu tư cho chuyển đổi số là rất lớn, từ 200 triệu đồng cho hàng chục tỷ đồng cho giải pháp logistics, trong khi 80% hội viên của VLA là các DN vừa và nhỏ, nên các DN thiếu vốn để duy trì giải pháp cũng như không có nguồn nhân sự chuyên trách cho chuyển đổi số vì phải kiêm nhiệm nhiều việc cùng một lúc.
Khó khăn thứ hai đến từ việc các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam, khiến DN khó lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ.
"Yếu tố cuối cùng đến từ tâm lý DN chưa thực sự tin tưởng về bảo mật, mức độ an toàn, khả năng thanh toán... cũng như thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo và nhân viên", ông Tương kết luận.
Bà Chu Thị Kiều Liên, Trưởng văn phòng Công ty T&M Forwarding tại Hà Nội cho biết, đơn vị này đã ứng dụng phần mềm logistics (Cargowise One) từ năm 2004. Kết quả cho thấy chất lượng dịch vụ được xuyên suốt từ các bộ phận kinh doanh, chứng từ, giao nhận, kế toán, nhận sự, giúp làm việc từ xa thuận tiện và dễ dàng triển khai thêm chức năng khi phát sinh các dịch vụ mới. "Thống kê chung cho thấy, DN có thể tiết kiệm được từ 15-20% nhân lực thông qua việc ứng dụng giải pháp tổng thể", bà Liên chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, bà Liên cho rằng, công ty cũng gặp những khó khăn nhất định cho việc chuyển đổi số khi phần mềm chuyển đổi số Cargowise One có chi phí khá cao, trung bình một tháng khoảng 5.000 USD và 70 USD/người dùng.
"Chúng tôi rất mong cơ quan nhà nước có sự hỗ trợ, cung cấp thông tin về những ứng dụng KHCN mới vào lĩnh vực logistics tới các công ty dịch vụ thông qua VLA. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ về vốn vay ưu đãi cho các DN để có thể mua giải pháp từ các DN phần mềm khi chưa đủ khả năng tài chính", bà Liên nhấn mạnh.
Nhiều giải pháp Việt Nam có chất lượng tương đương các sản phẩm quốc tế với chi phí thấp hơn
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Smartlog cho biết, đơn vị này sẵn sàng cung cấp giải pháp cho DN trong lĩnh vực logistics dùng thử. Nếu cảm thấy có hiệu quả thì mới "tính tiền" với chi phí rẻ hơn các sản phẩm của thế giới. Vì thế, ông Hồng cho rằng, tài chính sẽ không còn là trở ngại cho các DN khi chuyển đổi số.
Giải pháp phần mềm quản trị logistics toàn diện của Smartlog giúp quản lý vận tải toàn diện, từ lúc tạo đơn hàng cho đến khi thanh toán; lập kế hoạch tự động và tối ưu nhờ các thuật toán thông minh; cung cấp tầm nhìn toàn chuỗi để giảm sát, xử lý phát sinh; ứng dụng giao hàng cho tài xế và quản lý tài chính vận tải. Đồng thời, giải pháp của Smartlog cũng là sàn giao dịch vận tải, kết nối giữa chủ hàng và chủ xe, giúp chủ hàng giảm chi phí vận tải, nhà xe có thêm doanh thu. "Những đơn vị đang áp dụng giải pháp của chúng tôi bao gồm Sabeco, Vinafaco, Vietnam Post....", ông Hùng ví dụ.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, các thành viên của VINASA đang chiếm 70-80% của toàn ngành. Các sản phẩm nội địa hiện nay đều tự phát triển, làm chủ công nghệ, nên có chất lượng tốt hơn hẳn các sản phẩm trong khu vực. Tuy nhiên, tại các giải thưởng quốc tế, DN Việt có kĩ năng trình bày chưa tốt nên kết quả vẫn chưa thực sự cao, chưa tương đồng với chất lượng của sản phẩm.
Hiện VINASA đã lựa chọn danh mục top 10 sản phẩm công nghệ theo 15 lĩnh vực khác nhau như giáo dục, chính phủ điện tử, kế toán, tài chính... Các DN logistics có thể vào trang web giới thiệu của VINASA để tìm kiếm giải pháp, nhà cung cấp uy tín phù hợp với đơn vị mình.
"Các đơn vị trong top 10 đều được VINASA kiểm tra, đánh giá rất kĩ, kể cả tài chính, nhân sự để có cái nhìn rõ ràng, xác thực nên các DN Logistic có thể tin tưởng khi lựa chọn đối tác", bà Giang chia sẻ.
Cuối cùng, bà Giang cho biết, các công ty như ITG hay Smartlog đều có những sản phẩm được VINASA kiểm định, đánh giá và xác thực. Vì thế, những đơn vị trong ngành logistic như T&M Forwarding có thể lựa chọn của Smartlog hay sản phẩm Việt Nam khác. "VINASA sẵn sàng giúp các DN logistics kết nối không chỉ một và nhiều DN", bà Giang nhấn mạnh.