Những kết quả ấn tượng từ thực hiện nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ

Trường Thanh| 11/02/2021 09:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính; thay đổi, cải tiến căn bản lề lối, phương thức làm việc thông qua ứng dụng mạnh mẽ CNTT, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh như vậy sau hơn 4 năm hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Mục tiêu xây dựng CPĐT, cải cách TTHC đạt nhiều kết quả quan trọng

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, sau gần 5 năm hoạt động, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra; tổ chức 16 buổi làm việc với các cơ quan, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong nước và một số Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam để lắng nghe, nắm bắt những khó khăn về cơ chế, chính sách và những rào cản hành chính mà DN đang gặp phải.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết một số kết quả nổi bật là: Qua các buổi làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, thống nhất trong hành động của các bộ, cơ quan, địa phương theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy"; mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính; thay đổi, cải tiến căn bản lề lối, phương thức làm việc thông qua ứng dụng mạnh mẽ CNTT, hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ.

Hệ thống về xây dựng CPĐT đã được vận hành, bước đầu có những kết quả tích cực: Trục liên thông văn bản quốc gia giúp tiết kiệm được hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Với Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là khoảng 8.000 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet giúp tiết kiệm chi phí khoảng 169 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiết kiệm khi vận hành Hệ thống này khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Vấn đề cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã từng bước làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, giảm bớt những phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho người dân, DN khi đến giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, cả nước có 59/63 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, chất lượng giải quyết TTHC được nâng lên, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hẹn đạt 95,8%.

Hướng tới một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ - Ảnh 2.

Với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện Dịch vụ công trực tuyến khoảng 8.000 tỷ đồng/năm

Góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Với 21 cuộc kiểm tra chuyên đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh đã kịp thời phát hiện nhiều quy định bất cập, chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN, cần được bãi bỏ.

Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, có 87 luật, nghị định, thông tư về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế để cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh và 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành (KTCN) có chồng chéo đã được các bộ ngành lên phương án xử lý.

Các cuộc làm việc, kiểm tra có tác động lan tỏa, thúc đẩy các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, quyết tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao ngày càng nghiêm túc, hiệu quả hơn, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, cơ quan, địa phương. Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao chuyển biến rõ nét, ngày càng thực chất, năm sau tiến bộ hơn năm trước, đáp ứng yêu cầu cả về tiến độ và chất lượng.

Thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) số nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,3%. Đến tháng 12/2016 - chỉ sau khi Tổ công được thành lập được 4 tháng, đã kéo giảm tỉ lệ nợ đọng nhiệm vụ xuống còn 2,82%, tạo tiền đề và là một bước chuyển căn bản về kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện nhiệm vụ giao.

Đến nay, tỉ lệ nợ đọng nhiệm vụ còn 1,7% giảm 0,2% so với năm 2019 và giảm 23,6% so với năm 2016 - thời điểm Tổ công tác chưa thành lập.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, với những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên của các bộ, cơ quan, địa phương, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế; Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia; Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Triển khai nghiêm túc, hiệu quả về cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi gắn với xây dựng CPĐT

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, TTHC, điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp và vẫn là rào cản đối với DN; còn tình trạng cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh này nhưng lại "mọc" thêm thủ tục, điều kiện kinh doanh khác. Việc giải quyết TTHC trong một số lĩnh vực vẫn còn tình trạng quá hạn...

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 vừa diễn ra, VPCP đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan và địa phương tập trung, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi gắn với xây dựng CPĐT.

Đồng thời, có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; quyết tâm không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết, các đề án sang năm sau. Bảo đảm lồng ghép, cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tình hình xây dựng CPĐT, cải cách TTHC; việc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, số 68/NĐ-CP và các Nghị quyết chuyên đề quan trọng, có phạm vi tác động lớn, liên quan đến chủ trương cải cách và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, đời sống người dân.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những kết quả ấn tượng từ thực hiện nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phi giấy tờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO