Chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các DN khi phải ứng phó với cuộc khủng hoảng do Covid-19. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số, nhất là đối với ngành viễn thông, thực phẩm, các dịch vụ trực tuyến và các sự kiện ảo.
Ngày 26/5 trong buổi công bố Ngân sách ứng phó của chính phủ, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Singapore, ông Heng Swee Keat cho biết: "Các DN phải thích ứng và chúng tôi sẽ hỗ trợ các DN trong việc này".
Chính phủ Singapore đang khai thác các nguồn dự trữ quốc gia lần thứ hai để bơm 19,03 tỷ USD cho Ngân sách ứng phó này. Đây là khoản hỗ trợ lần thứ tư để giúp cộng đồng DN và người dân vượt qua đại dịch. Tổng cộng, các nguồn hỗ trợ đã lên tới 92,9 tỷ đô la Singapore tương đương 19,2% GDP của Singapore.
Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và Singapore cũng không nằm ngoài, ông Heng cho biết thêm: "Các giải pháp kỹ thuật số sẽ trở nên gắn bó sâu sắc hơn trong cuộc sống của chúng tôi".
Trích dẫn một nghiên cứu của McKinsey, ông lưu ý rằng để người tiêu dùng và DN áp dụng chuyển đổi số trước kia sẽ phải mất tới 5 năm thì nay trong đại dịch chỉ mất 8 tuần để thực hiện.
Với gói hỗ trợ 500 triệu đô la Singapore dành cho những nỗ lực như vậy, trọng tâm là giúp các DN trong ba lĩnh vực chính chuyển đổi số. Đầu tiên, việc hỗ trợ sẽ dành cho các chủ quầy hàng F&B ở các trung tâm bán hàng rong, chợ truyền thống, quán cà phê và căng tin sử dụng thanh toán điện tử, mỗi người sẽ nhận được 300 đô la Singapore/tháng trong 5 tháng để áp dụng các công cụ thanh toán số.
Cụ thể, mã QR Singapore sẽ được áp dụng cho các đối tượng này, theo đó, họ chỉ cần đăng ký một lần với NETS3 để nhận các thanh toán thông qua 19 nhà cung cấp bao gồm Singtel Dash, GrabPay và thanh toán di động ngân hàng địa phương như DBS PayLah.
Bên cạnh đó là nhiều hỗ trợ khác cho các DN để số hóa các chức năng thanh toán và lập hóa đơn cơ bản, bao gồm trợ giúp thực hiện các biện pháp quản lý an toàn và các chiến lược kinh doanh liên tục để thích ứng với các chỉ tiêu kinh doanh hậu Covid. Chính phủ sẽ thu phí giao dịch cho đến ngày 31/12/2023.
Ngoài ra, các DN đủ điều kiện trong lĩnh vực F&B và bán lẻ - các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp giãn cách xã hội ở quốc đảo này - sẽ nhận được khoản hỗ trợ lên tới 5.000 đô la Singapore nếu họ áp dụng hóa đơn điện tử và chuyển tiền qua PayNow Corporate. Họ cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ tương tự nếu họ áp dụng quy trình kinh doanh hoặc các công cụ thương mại điện tử.
Đề cập đến sáng kiến trước đó của chính phủ để giúp các nhà bán lẻ sử dụng dịch vụ giao hàng thực phẩm và thương mại điện tử, ông Heng cho biết hơn 10.000 quầy bán thực phẩm, đồ uống và các DN bán lẻ đã khai thác hỗ trợ này.
Các khoản hỗ trợ bổ sung hiện cũng sẽ hướng tới việc giúp các DN đã có khả năng kỹ thuật số cơ bản tiếp tục mở rộng chuyển đổi số.
Bộ trưởng Heng cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ giúp các DN sử dụng các công cụ kỹ thuật số tiên tiến theo cách tích hợp. Chẳng hạn, thêm 5.000 đô la Singapore sẽ được dành cho các DN F&B và bán lẻ áp dụng các giải pháp số tiên tiến".
Khoảng 250 triệu đô la Singapore cũng sẽ được dành để giúp các DN số hóa cùng với các nhà cung cấp ứng dụng nền tảng số, ví dụ, trong việc phát triển các mô hình kinh doanh ngoại tuyến (O2O) để tiếp cận các nguồn doanh thu nội địa mới và nhu cầu quốc tế. Điều này sẽ giảm thiểu tác động của Covid-19 đến doanh thu.
Hỗ trợ cả các cơ sở giáo dục
Ngoài cộng đồng DN, ông Heng cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các trường học và Học viện giáo dục đại học để đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số cho việc học tập.
Ông cho biết chính phủ sẽ kêu gọi các kỹ sư phần mềm, chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như các nhà khoa học và đội ngũ giáo viên phát triển những phương pháp đào tạo liên quan và xây dựng các nền tảng số mới cho việc dạy và học trực tuyến, tích hợp những nền tảng này với những tiến bộ mới nhất về công nghệ AI và các môn khoa học.
Ngoài ra, để lấp khoảng trống thiếu hụt về đầu tư mạo hiểm sẽ có một khoản hỗ trợ dành cho các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng để "giúp họ duy trì hành trình đổi mới và khởi nghiệp". Ông Heng cho biết khoảng 285 triệu đô la Singapore sẽ được dành riêng để hỗ trợ và ít nhất một khoản 285 triệu đô la Singapore nữa dành cho các đầu tư tư nhân. Đây là khoản bổ sung cho 300 triệu đô la Singapore trước đó cam kết giúp các công ty khởi nghiệp công nghệ có thể tiếp cận nguồn vốn, chuyên môn và mạng lưới ngành.
Ngân sách hỗ trợ một số sáng kiến giúp giữ và tạo việc làm ở Singapore, bao gồm các cải tiến cho Chương trình hỗ trợ việc làm để các DN giữ chân người lao động, hỗ trợ thêm cho các DN nhỏ và vừa và giúp người lao động được trang bị các kỹ năng mới.