VNPT tiên phong đồng hành triển khai chuyển đổi số quốc gia

Lan Phương| 04/03/2021 22:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT về thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Tham dự buổi làm việc còn có các đơn vị thuộc khối CNTT, truyền thông của thuộc Bộ, VNPT.

Thúc đẩy CĐS, kinh tế số để đất nước phát triển

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: "CĐS là việc đưa hoạt động lên môi trường số. CĐS không phải là ứng dụng CNTT, không phải là tin học hóa. CĐS là tối ưu hóa vận hành của tổ chức, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và đưa ra các mô hình kinh doanh mới nhờ dữ liệu và công nghệ số. Điều này đúng cho cả cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp (DN)".

VNPT cần tiên phong đồng hành triển khai chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: VNPT không chỉ là một nhà mạng lớn mà là DN CNTT lớn của đất nước.

Cũng theo Thứ trưởng, CĐS một quốc gia có 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. CĐS một địa phương có 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong phạm vi địa phương đó.

Chính phủ điện tử (CPĐT) là chính phủ "4 không": Xử lý văn bản không giấy, Họp không gặp mặt trực tiếp, Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và Thanh toán không dùng tiền mặt.

Chính phủ số là CPĐT cộng thêm "4 có": Có toàn bộ hoạt động trên môi trường số, Có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, Có khả năng ra quyết định, ban hành chính sách kịp thời, kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS và Có khả năng giải quyết các vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Kinh tế số và xã hội số là hai mặt của một vấn đề, có liên quan mật thiết với nhau. Kinh tế số là nhìn từ góc nhìn DN. Xã hội số là nhìn từ góc nhìn người dân. Kinh tế số là DN viễn thông - Internet, DN CNTT (phần cứng, phần mềm, nội dung số) và DN nền tảng số. Kinh tế số theo nghĩa rộng là kinh tế số cộng thêm kinh tế ngành, lĩnh vực CĐS. Xã hội số là công dân số, phổ cập kỹ năng số và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Về đô thị thông minh (ĐTTM), Thứ trưởng cho biết đây là kết quả của quá trình CĐS trong phạm vi đô thị đó. CĐS cấp xã nhằm mục tiêu xã thông minh, chuyển đổi số cấp huyện nhằm mục tiêu huyện thông minh, CĐS đô thị nhằm mục tiêu ĐTTM.

Thứ trưởng cũng cho biết: phổ cập danh tính số, ký số từ xa có thể tạo ra giá trị tương đương 3 - 13% GDP đến năm 2030. Phổ cập dịch vụ chính phủ số có thể tạo ra giá trị tương đương 1% GDP đến năm 2025. Phát triển kinh tế số để giúp đất nước thoát nghèo, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Với vai trò của các Tập đoàn nhà nước, Thứ trưởng nhấn mạnh VNPT không chỉ là một nhà mạng lớn mà là DN CNTT lớn của đất nước, đã có nhiều năm phát triển các sản phẩm CNTT.

Thứ trưởng mong muốn VNPT trở thành người khổng lồ để nâng tầm hệ sinh thái DN, sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam.

Thứ trưởng đề nghị VNPT hợp tác với Bộ ngành thí điểm Bộ CĐS. Về triển khai tỉnh, huyện, xã CĐS, VNPT có thể thí điểm mô hình, đề xuất nền tảng triển khai CĐS cho tỉnh/huyện/xã dùng như dịch vụ. VNPT cũng cần đề xuất triển khai một ĐTTM làm điểm.

VNPT cũng cần phối hợp với Cục Tin học hoá triển khai sớm phần mềm đánh giá mức độ CĐS của các bộ, ngành, địa phương, cũng như xây dựng bộ tiêu chí và đánh giá mức độ CĐS cho DN.

VNPT cần tham gia thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp với việc phát triển các giải pháp, sản phẩm công nghệ; thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, triển khai hệ thống tri thức ATTT quốc gia, hệ thống phòng chống lừa đảo trực tuyến quốc gia theo đề xuất và có sản phẩm bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) IoT, cho các hệ thống điều khiển công nghiệp (OT). Đây là vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ trưởng cũng đề nghị VNPT đồng hành với Tạp chí TT&TT, Cục Báo chí triển khai tốt Giải thưởng báo chí về CĐS để tuyên truyền rộng rãi hơn nữa công cuộc CĐS quốc gia.

VNPT cần tiên phong đồng hành triển khai chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc

VNPT cam kết đồng hành thúc đẩy CĐS

Trước đó, tại buổi làm việc, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết một trong những định hướng chiến lược của VNPT là tập trung phát triển dịch vụ, sản phẩm số, tạo điều kiện triển khai ứng dụng, sản phẩm số cho các bộ ngành, địa phương. Là DN chủ lực về ICT, VNPT mong muốn đóng góp thúc đẩy CĐS quốc gia.

VNPT cần tiên phong đồng hành triển khai chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 3.

Phó Tổng giám đốc VNPT: Là DN chủ lực về ICT, VNPT mong muốn đóng góp thúc đẩy CĐS quốc gia.

VNPT đã có chương trình CĐS cho SME. Sắp tới, VNPT sẽ giới thiệu sản phẩm CĐS cấp xã. VNPT đã tích cực tham gia xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. VNPT luôn đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu được Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an đề ra. Sau khi khai trương CSDL dân cư, VNPT sẽ triển khai ngay nội dung định danh, chữ ký số.

Cho biết thêm về đề xuất đóng góp của VNPT cho công cuộc CĐS quốc gia, ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc VNPT-IT cho biết để đẩy mạnh hiệu quả CĐS cấp Bộ, ngành, địa phương, VNPT sẽ phát triển ứng dụng (app) công dân, ký số từ xa, IDX, e-KYC, hệ thống đánh giá CPĐT, chính phủ số. Về dữ liệu mở và giải pháp tích hợp, VNPT sẽ liên thông, chia sẻ dữ liệu. VNPT cũng có nền tảng cung cấp dịch vụ số VNPT IDG, nền tảng mở, IoT…

Về bộ điểm, tỉnh điểm, xã điểm CĐS, VNPT sẽ phát triển các nền tảng CĐS cho bộ, tỉnh, huyện, xã và tham gia triển khai thí điểm. Về xây dựng ĐTTM kiểu mẫu, VNPT sẽ đăng ký thí điểm 01 thành phố thông minh. Đẩy mạnh CĐS cho DN, VNPT có bộ giải pháp CĐS cho DN. Về an toàn, an ninh thông tin, VNPT có hệ sinh thái giám sát ATTT và an ninh mạng.

"VNPT mong muốn đồng hành cùng những chủ trương, định hướng, sáng kiến, đề án về lĩnh vực CĐS và CNTT của Bộ TT&TT và cam kết sử dụng mọi người lực tốt nhất để đồng hành cùng Bộ TT&TT", Tổng giám đốc VNPT-IT cam kết.

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Trung tâm giải pháp, tích hợp hệ thống VNPT-IT đã giới thiệu trung tâm điều hành thông minh IOC của VNPT. IOC có vai trò quan trọng để thúc đẩy CĐS tại Việt Nam khi tạo giá trị, dịch vụ mới khi giúp lãnh đạo các cấp giám sát, chỉ đạo điều hành, phân tích, cảnh báo, ứng dụng di động, tổng hợp phân tích, khai thác vận hành… Người dân, DN sử dụng các dịch vụ ĐTTM (y tế, giáo dục, giao thông, đất đai, phản ánh hiện trường…).

Trung tâm IOC của VNPT đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ TT&TT, giấy chứng nhận sản phẩm Top 10 giải pháp số xuất sắc, Giấy chứng nhận sản phẩm xếp hạng 5 sao -Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam.

Ông Kiên cho biết IOC triển khai cho Bình Phước đã tích hợp với hệ thống giám sát chính quyền điện tử để tạo thành một hệ thống xuyên suốt phục vụ quản lý điều hành đô thị tập trung, với 10 nhóm nhiệm vụ: Giám sát, điều hành giao thông và an ninh, trật tự công cộng; Hệ thống thông tin tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân; Quản lý thông tin báo chí và truyền thông trên môi trường mạng, bảo mật ATTT; Xây dựng tổng đài hành chính công; Dịch vụ giám sát môi trường; Giám sát dịch vụ hành chính công; Dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị văn minh; Thực hiện y tế thông minh, phát triển y tế số kết hợp với các công nghệ nhằm tạo ra sự đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe người dân; Ứng dụng công nghệ thông minh nhằm phát triển du lịch chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch; Xây dựng giáo dục thông minh với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ ICT đủ điều kiện để xử lý nhanh, hiệu quả thông tin giáo dục và đào tạo.

Với những khả năng của VNPT, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hoá đã đề nghị VNPT nghiên cứu triển khai nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) cho các cơ quan nhà nước (CQNN).

Cụ thể, ông Đỗ Công Anh cho biết VNPT có thể tham gia vào hệ thống CGC (Central Government Cloud) của Bộ để cho phép các CQNN (cấp tỉnh) sử dụng miễn phí trong thời gian thử nghiệm các hệ thống thông tin của mình. Bước đầu cung cấp dịch vụ  (hỗ trợ miễn phí đối với các hệ thống vừa và nhỏ) cho các CQNN (chủ yếu là các địa phương) có nhu cầu. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để lên phương án tổng thể, triển khai mở rộng, hình thành nền tảng ĐTĐM phục vụ phát triển chính phủ số của Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Ông Đỗ Công Anh cũng đề nghị VNPTtriển khai nền tảng để cung cấp bộ giải pháp về dịch vụ công theo phương thức Software-as-a Service cho các bộ, các tỉnh. Mục tiêu để có thể thiết lập một dịch vụ công cơ bản dễ dàng như thiết lập 1 tài khoản thư điện tử. Các bộ, tỉnh sẽ không cần đầu tư hệ thống, mua sắm máy móc mà chỉ cần thuê dịch vụ. 

VNPT cũng có thể Triển khai Trung tâm phát triển công nghệ mở, tham gia thúc đẩy dữ liệu mở; Triển khai CĐS các cấp: Tỉnh, huyện, xã; Hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS (SMEdx); hỗ trợ CĐS cho lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp.

VNPT cần tiên phong đồng hành triển khai chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 4.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và các đại biểu tham dự buổi làm việc

Về lĩnh vực ATTT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT đánh giá cao đề xuất của VNPT về hai hệ thống: tri thức ATTT quốc gia và chống lừa đảo quốc gia.

Ông Phúc cũng đề nghị trong 3 - 5 năm tới, VNPT tăng cường đội ngũ ATTT, trong đó có 300 - 400 chuyên gia xuất sắc về ATTT để bảo vệ không gian mạng Việt Nam. VNPT cũng nghiên cứu dòng sản phẩm ATTT cho IoT và hệ thống điều khiển công nghiệp (OT) bởi đây là lĩnh vực khó. VNPT cũng cần phát triển hệ thống hỗ trợ chống tin nhắn rác, thư rác và nghiên cứu xu xu hướng cung cấp dịch vụ Internet an toàn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
VNPT tiên phong đồng hành triển khai chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO