Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh và các Sở ban ngành: đồng chí Phạm Chánh Trực, Nguyên Phó Bí thư Thành Ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Xuân Đà, Phó Giám đốc Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh.
Các đại biểu, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự Hội nghị
Quyền Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh Lê Bích Loan cho biết: Blockchain là một công nghệ mới và phát triển rất nhanh, lần đầu tiên được giới thiệu trên thế giới vào năm 2008, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của ngân hàng đầu tư Lehman Brother ở Mỹ.
Phát minh blockchain đã mang đến một cuộc cách mạng mới để thay đổi hệ thống giao dịch tài chính trở nên hiệu quả hơn, minh bạch hơn, và đơn giản hơn nhờ việc cho phép thanh toán trực tuyến được gửi trực tiếp từ người này sang người khác mà không thông qua bất kỳ một tổ chức trung gian nào như ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng trung ương.
Ban đầu, blockchain được nghiên cứu phát triển như một phần mềm nguồn mở để bảo đảm quá trình giao dịch tài chính phi tập trung cho đồng tiền điện tử như bitcoin, trái ngược với quy trình tài chính tập trung truyền thống được kiểm soát bởi các hệ thống ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, sau một thập kỷ phát triển, blockchain được coi là một trong những công nghệ hiệu quả nhất để xây dựng một nền tảng truyền thông an toàn cho thành phố thông minh thông qua việc cung cấp các dịch vụ công tốt hơn và sử dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có bao gồm cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội, chính phủ điện tử và công chứng, quản lý và vận hành đô thị, phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị lần này nhằm cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất về công nghệ blockchain cũng như các ứng dụng của blockchain để giải quyết một số vấn đề cho TP. HCM như giao thông, lũ lụt, y tế,… Công nghệ blockchain được xác định là một trong các công nghệ cốt lõi để xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành một đô thị thông minh trong tương lai.
Điều này cũng được bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh khẳng định và cho biết: Thành phố đang triển khai Đề án xây dựng TP. HCM trở thành một đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
Các chuyên gia về blockchain tại Hội nghị đã đề cập đến nhiều khía cạnh của công nghệ blockchain, đặc biệt là tiềm năng ứng dụng như: Ông Edmund Oh có bài thuyết trình với tiêu đề “Giới thiệu về thế giới blockchain toàn cầu” tập trung vào tình hình hiện tại và sử dụng công nghệ sổ cái phi tập trung ở các nước trên thế giới đặc biệt liên quan đến sự thích hợp và triển khai blockchain đối với các thành phố thông minh.
Trong khi đó, ông William H. Nguyen giới thiệu một trong những tiến bộ của công nghệ blockchain là đảm bảo quyền riêng tư; sự đổi mới đi kèm với nhu cầu mở rộng của người dung hiện nay cho các mạng viễn thông ngày càng bảo mật và an toàn hơn.
Theo quan điểm này, điều quan trọng là nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của công nghệ blockchain đối với sự phát triển của các thành phố thông minh. Nền tảng Beowulf Blockchain được mở rộng trên các ngành công nghiệp đang phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông và y tế từ xa.
Bên cạnh đó, cũng tại Hội nghị đã diễn ra sự ký kết giữa Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (Ban Quản lý khi Công nghệ cao) với CBA Ventures (Hàn Quốc), trong đó tập trung vào việc hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực khai thác và vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ blockchain.
Cũng tại hội nghị, Ban Quản lý có một khu vực triển lãm để trưng bày một số sản phẩm và giải pháp của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế nhằm tìm kiếm sự hợp tác và chuyển giao công nghệ.