Bộ TT&TT “Nhạc trưởng” trong chuyển đổi số Việt Nam

02/09/2020 08:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2020 là năm quan trọng bản lề cho một giai đoạn mới phát triển ngành Thông tin và Truyền thông tại Việt Nam. Đây là năm dấu mốc của chương trình chuyển đổi số quốc gia, là năm chúng ta định hình tầm nhìn cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT trong 10 năm tới, trong đó, chuyển đổi số sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Việt Nam.

Trong 10 năm qua, CNTT đã đóng vai trò là công cụ đắc lực hỗ trợ hoạt động của cơ quan, tổ chức, người dân. CNTT góp phần quan trọng trong cải thiện năng suất lao động, chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, chúng ta thường có xu hướng đánh giá cao quá mức những thay đổi trong 10 năm qua nhưng lại đánh thấp những gì có thể xảy ra trong 10 năm tới. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khi mà tốc độ phát triển của công nghệ vẫn liên tục duy trì ở cấp số mũ trong thời gian dài. Tốc độ xử lý của chip tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng với kích cỡ ngày càng giảm. Tốc độ truyền dữ liệu qua sợi quang tăng gấp đôi sau mỗi 9 tháng. Dung lượng lưu trữ trên mỗi cm2 ổ cứng tăng gấp đôi sau mỗi 13 tháng. Những đột phá không ngừng của công nghệ đã dần vượt qua được những giới hạn vật lý và dẫn dắt con người tiến bước vào kỷ nguyên số với kịch bản ngày càng khó dự đoán.

Bộ TT&TT “Nhạc trưởng” trong chuyển đổi số Việt Nam - Ảnh 1.

Trong 10 năm tới, công nghệ số là bước phát triển tiếp theo của CNTT sẽ đảm nhận một sứ mệnh mới: đó là tạo động lực cho chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Công nghệ số sẽ dần hội tụ với từng lĩnh vực để tạo ra các đột phá mới dẫn tới thay đổi cơ bản chuỗi giá trị truyền thống và tạo ra những giá trị mới. Những doanh nghiệp truyền thống, chậm thay đổi sẽ trở nên yếu thế trước những kẻ thách thức số, và đứng trước nguy cơ trở thành khủng long tuyệt chủng trong guồng quay khắc nghiệt của bánh xe lịch sử và sự tiến hóa. Trong thời đại số, doanh nghiệp sẽ ngày càng có ít thời gian hơn để đưa ra quyết định "chuyển đổi số" hay "không chuyển đổi số". Thay vào đó là trả lời câu hỏi "Chuyển đổi số như thế nào để tồn tại?, Chuyển đổi số hay là chết?".

Lĩnh vực công cũng đứng trước nhiều sức ép chuyển đổi mặc dù không đối mặt với kẻ thách thức số nào. Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi sang Chính phủ số là một trong 03 trụ cột quan trọng. Chính phủ số sẽ thay đổi toàn diện cách thức hoạt động, điều hành của Chính phủ hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Chính phủ chủ động, tiên phong chuyển đổi số sẽ tạo động lực, cú huých lớn góp phần đẩy nhanh, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi kinh tế số và xã hội số. Chính phủ số đã trở thành xu thế tất yếu, năm 2020, Liên Hiệp Quốc lấy chủ đề Báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử là "Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững".

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước; Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập. Trong thời đại số, khi mà không gian mạng đã trở thành miền không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách trong tự chủ trên không gian mạng, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Chuyển đổi số phải được tiến hành đồng bộ, dựa trên các quan điểm nền tảng đó là:

- Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có.

- Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

- Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới.

- Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.

- Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội làm chủ vận mệnh số của mình với sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Để làm chủ được vận mệnh số của mình, Việt Nam cần tập trung phát triển một hệ sinh thái đầy đủ phục vụchuyển đổi số từ hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ số cho toàn xã hội. Các mảnh ghép lớn trong hệ sinh thái số của Việt Nam đã và đang dần được hình thành rõ nét trong nửa đầu 2020 với việc hình thành và ra mắt một loạt các liên minh và nền tảng chuyển đổi số Make in Vietnam: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19; Nền tảng dạy học trực tuyến; Các nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode, Hội nghị trực tuyến Zavi, Comeet; Nền tảng điện toán đám mây Việt Nam; Nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office; Nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo VAIS và Vbee; Nền tảng điều hành và giám sát an toàn, an ninh mạng SOC; Nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee; Nền tảng công nghệ chuỗi khối akaChain… lần lượt ra đời đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho xã hội. Và chúng ta tự hào đây là sản phẩm nền tảng do doanh nghiệp Việt Nam phát triển – các sản phẩm Make in Vietnam. 

Đại dịch COVID-19 đã trở thành phép thử các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về năng lực, khả năng phản ứng và mức độ sẵn sàng đồng hành với Chính phủ, hỗ trợ phòng, chống dịch và góp phần đưa xã hội sang trạng thái bình thường mới dựa trên chuyển đổi số; Chính phủ điện tử cũng khẳng định được vai trò trong thời gian đại dịch, minh chứng là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi.

Trong thời gian sắp tới, Bộ TT&TT sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp tục thể hiện vai trò "nhạc trưởng" trong chuyển đổi số Việt Nam trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong thời đại số. Trước hết, Bộ sẽ tích cực thúc đẩy, hỗ trợ các bộ ngành, địa phương xây dựng và triển khai chương trình/đề án chuyển đổi số của mình một cách hiệu quả, đột phá, tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn xã hội; Bộ sẽ hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Với sự quyết tâm, đồng lòng, với sức mạnh truyền thống, văn hoá và trí tuệ Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng công cuộc chuyển đổi số sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra, góp phần đưa đất nước tiến lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển một Việt Nam hùng cường, vững mạnh.

(Trích tham luận tại Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2025)

(Bài đăng Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TT&TT “Nhạc trưởng” trong chuyển đổi số Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO