Internet vạn vật có thể giúp SME bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0

Bảo Bình| 06/09/2021 21:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng những DN này lại đang mất dần vị thế trong cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0.

Sau đại dịch COVID-19, các SME có nhu cầu cấp thiết về việc phải đào tạo lại công nhân của họ, để từ đó mang lại sự thay đổi các chỉ tiêu kinh tế xã hội. Một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey cho thấy hầu hết những người được hỏi nói rằng xây dựng kỹ năng là cách tốt nhất để thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa các ngành nghề, DN. Các công ty cũng đã tăng gấp đôi nỗ lực của họ để đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng cho nhân viên kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Internet vạn vật có thể giúp DNVVN bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Các SME rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa

Đào tạo lại kỹ năng và nâng cao kỹ năng cho nhân viên cũng là điều rất quan trọng đối với các công ty khi áp dụng các công nghệ số. Báo cáo Tương lai của Việc làm năm 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa quy trình làm việc, điều này khiến việc nâng cao kỹ năng và đào tạo lại nhân viên về các kỹ năng kỹ thuật số trở nên cấp thiết và quan trọng.

Báo cáo của WEF cũng dự báo rằng 50% tổng số nhân viên sẽ cần đào tạo lại vào năm 2025. Những nghề nghiệp, kỹ năng sẽ rất “hot” là phân tích dữ liệu, hoa học, Internet vạn vật (IoT), chuyển đổi số (CĐS) và an ninh mạng.

Để giúp các SME bắt kịp với tốc độ thay đổi công nghệ trong cuộc CMCN lần thứ tư, năm 2020, WEF đã đưa ra một bộ công cụ chính sách mới “Tăng tốc tác động của ngành công nghiệp IoT đối với các SME: những quy tắc hành động”. Chương trình nêu chi tiết cách các nhà hoạch định chính sách có thể làm để thúc đẩy cuộc CMCN lần thứ tư và đảm bảo các SME không bị bỏ lại phía sau. Bằng cách tập trung vào bốn lĩnh vực chính này, các doanh nghiệp (DN) sẽ có thể cải thiện năng suất đồng thời hỗ trợ tạo việc làm và dịch chuyển xã hội.

Vai trò của các SME trong CMCN lần thứ 4

Các SME rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng sau nhiều thập kỷ đóng góp tương đối ổn định vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các SME đang mất chỗ đứng trước các tập đoàn lớn hơn trong cuộc CMCN thứ tư. Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Centre), xu hướng này đã báo động đến các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Tại các thị trường này, các công ty nhỏ là động lực chính tạo ra cơ hội kinh tế và dịch chuyển xã hội, họ tạo ra khoảng 90% - 95% việc làm mới.

Ngoài vai trò là các nhà tuyển dụng trên thế giới, các SME còn là những tổ chức đóng góp quan trọng cho sự đổi mới. Theo nghiên cứu của WEF, các SME đã góp vai trò tạo điều kiện cho mọi người thoát khỏi đói nghèo và gia nhập tầng lớp trung lưu. Thực tế, nhiều người trong số những người nghèo sẽ không có cơ hội cải thiện vị thế kinh tế xã hội của họ, song các SM đã giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn diện bằng cách cung cấp cơ hội việc làm cho các nhóm dân cư yếu thế như phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người di cư. Nếu không có nền tảng kinh tế vững chắc của các SME, các quốc gia có nguy cơ lâm vào tình trạng bất bình đẳng kinh tế trầm trọng và trì trệ năng suất.

Ngoài tác động xã hội, các SME cũng đóng góp vào các nền kinh tế và năng suất kinh doanh. Họ là những nhà cung cấp, đối tác quan trọng và khách hàng trong hầu hết các ngành công nghiệp. Các SME tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất và là những nhà cung cấp trung gian quan trọng, bán hàng hóa của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nếu các SME không thể theo kịp các đối tác kinh doanh lớn hơn và khách hàng của họ trong cuộc CMCN lần thứ 4,  họ sẽ lại trở thành một lực cản đối với năng suất của nền công nghiệp toàn cầu. Do đó, ngay cả những tập đoàn lớn nhất thế giới cũng gặt hái lợi ích đặc biệt khi các SME hoạt động năng suất và cạnh tranh.

Những rào cản khiến các SME chưa tận dụng được lợi ích của IoT

Các tập đoàn lớn đã thúc đẩy tăng trưởng GDP toàn cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Năng suất lao động của các công ty lớn đã vượt qua các SME một cách đáng kể, một phần nhờ khả năng đầu tư của họ vào cuộc CMCN lần thứ tư.

Một nghiên cứu về tác động của CMCN lần thứ tư đối với ngành sản xuất của Đức kết luận rằng các công ty lớn hơn đã sẵn sàng cho Cuộc CMCN lần thứ tư trong khi các SME đang có nguy cơ trở thành nạn nhân thay vì người thụ hưởng của cuộc cách mạng này.

Những phân tích dữ liệu Eurostat cũng cho thấy các tập đoàn lớn ở EU có khả năng tận dụng lợi ích từ nguồn dữ liệu được thu thập từ các thiết bị thông minh hoặc cảm biến cao hơn gấp sáu lần so với các SME.

Những thiết bị này và các cảm biến là thiết bị tiên tiến của nền công nghiệp Internet of Things (IoT), một trong những công nghệ nền tảng của Cuộc CMCN lần thứ tư. IoT cho phép các công ty thực hiện các giải pháp Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư như theo dõi hàng tồn kho, hướng dẫn kỹ thuật số và giám sát máy móc cùng các trường hợp sử dụng khác. Nếu không triển khai các giải pháp IoT, các SME đang bỏ lỡ một phần đáng kể những lợi ích của cuộc CMCN lần thứ tư.

Khoảng cách của các tập đoàn lớn và các SME trong việc áp dụng ngành công nghiệp IoT là kết quả của nhiều thách thức khác nhau mà các SME phải đối mặt trong cuộc CMCN lần thứ tư.

Internet vạn vật có thể giúp DNVVN bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 2.

IoT là một trong những công nghệ nền tảng của cuộc CMCN lần thứ tư, cho phép nâng cao năng suất qua ứng dụng các cảm biến, thiết bị kết nối... (Ảnh: FutureIoT)

Các SME là một nhóm DN cực kỳ đa dạng trong các điều kiện thị trường, trong vị trí chuỗi giá trị, địa lý, quyền sở hữu, doanh thu, tiến bộ công nghệ, R&D đầu tư, v.v. Với sự đa dạng này, không thể tóm tắt gọn tất cả những thách thức mà các SME gặp phải khi thế giới bước vào cuộc CMCN lần thứ tư. Tuy nhiên, nghiên cứu của WEF đã chỉ ra rằng các SME có 5 thách thức chính, đó là thách thức về con người và năng lực; thách thức về chiến lược kinh doanh, chỉ suất hoàn vốn (ROI) và khả năng tiếp cận nguồn vốn; thách thức về cơ sở hạ tầng và các thủ tục hành chính; thách thức về mức độ sẵn sàng công nghệ; cuối cùng là những thách thức về sự trưởng thành của hệ sinh thái.

WEF cũng có những phát hiện tương tự về những thách thức mà các SME đối mặt, mặc dù tên gọi và các quy chuẩn có thể khác nhau. Ngoài những rào cản và thách thức nêu trên, những cuộc phỏng vấn do WEF thực hiện với các SME ở Brazil còn chỉ ra rằng các nhà cung cấp công nghệ chưa sẵn sàng đầu tư phát triển sản phẩm.

Về phần mình, các SME thường quá thận trọng đối với nguồn dữ liệu của họ, lo ngại bị các nhà cung cấp và đối tác trong ngành công nghiệp IoT lạm dụng dữ liệu. Các SME, dù là những người chơi chính trong chuỗi giá trị công nghiệp, song chưa sẵn sàng thu thập và chia sẻ dữ liệu với các nhà cung cấp và khách hàng.

WEF gợi ý 4 lĩnh vực chính sách cho phép SME ứng dụng IoT

Nghiên cứu về Thúc đẩy tác động IoT lên các SME của WEF nhằm đưa ra những gợi ý chính sách giúp SME ứng dụng các cảm biến, thiết bị kết nối, đồng thời thừa nhận rằng các chính sách về IoT cũng có xu hướng thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ khác. 

Theo WEF, các nhà hoạch định chính sách có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và gỡ bỏ các rào cản, điều chỉnh các chính sách khuyến khích để “mở khóa” tác động xã hội và tiềm năng kinh tế của cuộc CMCN lần thứ tư cho các SME. Trong Sách trắng của WEF về “Động cơ tăng trưởng kinh tế tiếp theo: Mở rộng quy mô CMCN lần thứ tư trong sản xuất”, đã mô tả cách các nhà hoạch định chính sách có thể tạo ra các thể chế và môi trường kinh doanh cần thiết để các SME thành công trong lĩnh vực của họ.

Tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh là yếu tố đầu vào quan trọng cho CMCN 4.0 thành công; tuy nhiên, vượt qua những thách thức cụ thể mà các SME phải đối mặt thường đòi hỏi các chính sách can thiệp có mục tiêu.

Tổng hợp các nỗ lực chính sách toàn cầu, WEF đã phát hiện ra các công cụ chính sách cụ thể nhằm giúp SME bắt kịp và thành công trong CMCN 4.0. Các công cụ chính sách này tập trung vào 4 lĩnh vực quan trọng, bao gồm: nâng cao nhận thức, sự hỗ trợ của chuyên gia, sự hỗ trợ về mặt tài chính và môi trường hợp tác. Các nhà hoạch định chính sách có thể căn cứ trên 4 lĩnh vực này và thí điểm, mở rộng, điều chỉnh các giải pháp đáp ứng các thách thức của SME trong khu vực pháp lý của họ. Mỗi công cụ chính sách được thiết kế và ưu tiên giải quyết một hoặc nhiều thách thức mà các SME đối mặt trong nền công nghiệp 4.0. 

Mặc dù cải thiện năng suất thường là lợi ích hữu hình đầu tiên khi các DN áp dụng công nghệ IoT, song không chỉ có thế. Theo công ty tư vấn Deloitte, ngành công nghiệp IoT có thể tạo ra nhiều giá trị khác, như thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải tiến sản phẩm, cải tiến dịch vụ khách hàng và kỹ thuật, cải thiện hoạt động nhờ lập kế hoạch tốt hơn, quản lý nhà máy hiệu quả hơn và nâng cao các chức năng hỗ trợ.

Geoffrey Wylde, Trưởng bộ phận IoT, Robotics và Smart Cities tại WEF cho biết: “Các quốc gia ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đến các quy tắc hành động này và chúng tôi tin rằng điều này thể hiện một bước ngoặt. Hy vọng rằng nỗ lực của WEF và các đối tác sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới thực hiện lời hứa về một cuộc CMCN lần thứ tư toàn diện hơn”.

Carlos Alexandre Da Costa, Thứ trưởng phụ trách Năng suất, Việc làm và Cạnh tranh của Bộ Kinh tế Brazil cho biết các nước đang phát triển có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của mình bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp, thúc đẩy áp dụng các công nghệ mới. Cuộc CMCN lần thứ tư là một trong những thời điểm mang tính nhảy vọt đối với các quốc gia, và đối với các SME nói riêng. Chính vì vậy, nó cũng thể hiện một thách thức rõ ràng đối với các chính phủ. Một trong những ưu tiên chính của Brazil là phát triển kinh nghiệm, có thể nhân rộng cho các SME, thông qua các dự án thí điểm và thử nghiệm. Đây là yếu tố then chốt để hiện đại hóa rộng rãi các DN, tăng trưởng nhanh và nâng cao năng suất./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Internet vạn vật có thể giúp SME bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO