Ngành Xuất bản cần tạo ra nhiều điểm chạm cho bạn đọc

Xuân Lộc (Thực hiện)| 21/09/2021 08:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) đang là cụm từ "nóng" hiện nay không chỉ của riêng ngành xuất bản, mà là "mệnh lệnh chung" cho các Bộ/ngành/địa phương và trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngành Xuất bản đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cũng như "cơn sóng thần" của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội, là "cú huých" để bắt tay thực hiện sứ mệnh CĐS trong ngành Xuất bản; đem đến cho bạn đọc nhiều hơn những tác phẩm có giá trị cao, tạo sức lan tỏa, trở thành nhận thức chung cho cả xã hội.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những nỗ lực CĐS trong  đơn vị xuất bản sách, phóng viên Tạp chí TT&TT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books xoay quanh vấn đề trên.

 Ngành Xuất bản cần tạo ra càng nhiều điểm chạm cho bạn đọc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Cảnh Bình tại một buổi nói chuyện về sách

PV: Là một đơn vị có bề dày trong hoạt động xuất bản, ông có thể chia sẻ về mô hình hoạt động của Alpha Books trong bối cảnh CĐShoạt động xuất bản, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Cuốn sách đầu tiên mà chúng tôi phát hành ebook thành công là cuốn "Tiểu sử Steve Jobs" năm 2012 độc quyền trên Alezza. Hơn 5 năm trước, chúng tôi thành lập phòng Nội dung số, khi thị trường sách bắt đầu có xu hướng đọc sách  điện  tử  (ebook), sách nói (audio book), các khóa học từ xa (elearning). Và những năm tháng gần đây, đặc biệt là từ 2020 đến nay thì CĐS, sản phẩm số, điều hành số là tất yếu, và nhờ sự phát triển chung của thị trường mà các hoạt động này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Hiện tại, chúng tôi xác định chắc chắn rằng hoạt động xuất bản của Alpha Books phải gắn liền với công nghệ, với việc CĐS các sản phẩm. Chúng tôi một mặt vẫn tiếp tục sản xuất và kinh doanh ebook, audio book trên các nền tảng của chính Alpha Books (ipub.vn) hay của các đối tác phân phối như waka, fonos, voiz…; mặt khác, chúng tôi hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống các sản phẩm theo các trụ cột sau:

Thứ nhất, xây dựng Cổng thông tin tin cậy và chất lượng về tri thức quản trị kinh doanh - cung cấp những kiến thức về quản trị kinh doanh, về các chiến lược, các mô hình kinh doanh hiện đại, các kỹ năng thiết yếu cho người lao động, các câu chuyện kinh doanh thành công và thất bại, các trường hợp điển hình (case study) CĐS trong nhiều ngành nghề… tin tức, các bài phân tích, đánh giá, nhận xét, ý kiến, các video hướng dẫn, các bài trình bày (slide) tổng hợp kiến thức…,

Thứ hai, xây dựng hệ thống giải pháp hỗ trợ doanh nhân, DN, người lao động thực hiện công việc nhanh chóng và hiệu quả nhất, tập hợp các bản mẫu (template), tài liệu, bài trình bày gồm nhiều cấp (level), cá nhân hóa cho từng người dùng, có tài liệu nâng cao, có hướng dẫn/đạo tạo 1-1…

Thứ ba, tổ chức các khóa học trực tuyến (online) về quản trị kinh doanh trong nước và nhập khẩu cho cán bộ, nhân viên nhằm kịp thời thích ứng với xu hướng của thời đại  và ứng dụng những phần mềm để ứng dụng, sử dụng phần mềm để quản trị số.

PV: Câu chuyện CĐS trong xuất bản hiện được nói đến rất nhiều. Theo ông, để CĐS trong hoạt động xuất bản thành công, ngành Xuất bản cũng như các đơn vị làm xuất bản cần phải làm gì trước yêu cầu trên?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Theo tôi, trước tiên ngành Xuất bản cần có chương trình CĐS tổng thể, lựa chọn các đơn vị xuất bản phù hợp/có đủ năng lực để triển khai thí điểm các hạng mục CĐS, sau đó hướng dẫn và tạo ra những cơ chế hỗ trợ cho các nhà  xuất  bản  (NXB) và đơn vị xuất bản khác chuyển đổi thuận lợi, thành công.

Song song với đó, các đơn vị xuất bản cần: Chuẩn bị tâm thế cho việc chuyển đổi, thích ứng với thời đại. Đầu tiên là nhận thức của lãnh đạo và các cấp quản lý, lãnh đạo ngành và của các đối tác (nhà in, nhà phát hành…) vì đó là một hệ sinh thái nối kết. Chỉ có sự phát triển của một, hai đơn vị thì không thể mang lại sự biến chuyển chung. Chuẩn bị các cơ sở vật chất, công cụ, nền tảng, con người phù hợp cho sự chuyển đổi. Đây là điểm khó nhất. Ngành Xuất bản còn nghèo, doanh thu thấp, lợi nhuận không nhiều, khó có thể cạnh tranh và ứng dụng CNTT như các doanh nghiệp (DN) trong các ngành khác.

Ngoài ra, xác định rõ thế mạnh của đơn vị mình và tìm hướng chuyển đổi phù hợp nhất tùy theo thế mạnh. Lựa chọn sản phẩm phù hợp, thường nên chọn sản phẩm ngách đặc thù chứ không phải DN nào cũng làm sản phẩm đại trà. Kênh phân phối cũng vậy, cần tìm thị trường, hướng đi riêng cho mình…

Cuối cùng, đó là cơ chế và chính sách nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh trước yêu cầu mới. Luật Xuất bản ban hành từ 2004 đến nay đã có những điểm không còn phù hợp với thực tiễn đang đặt ra, do vậy Bộ TT&TT và các Bộ, ngành có liên quan cũng cần những thay đổi lớn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật phù hợp, tạo ra không gian mới: Không gian xuất bản trên mạng, không gian xuất bản số, không gian nội dung số và kết nối các nguồn lực quốc tế....

PV: Theo ông, để thúc đẩy sự tương tác giữa NXB, đơn vị làm sách, tác giả tới bạn đọc các đơn vị cần có những giải pháp như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Trước đây, khi chưa có Internet, chưa có mạng xã hội, việc tương tác giữa NXB, đơn vị làm sách và tác giả với bạn đọc khá hạn chế. Chúng ta thấy thường chỉ có sự tương tác một chiều từ NXB và đơn vị làm sách tới độc giả, cung cấp gì thì bạn đọc tiếp nhận cái đó. Từ phía bạn đọc cũng có thể có tương tác nhưng hình thức khá đơn giản và mất nhiều thời gian như gửi thư, email hay điện thoại…

Ngày nay, với sự phát triển của CNTT, để thúc đẩy tương tác giữa các chủ thể làm sách với bạn đọc thì cần tạo ra càng nhiều điểm chạm cho các đối tượng càng tốt. Các điểm chạm có thể bao gồm: Chuỗi các nhà sách - café sách của các đơn vị xuất bản (nơi bạn đọc có thể đến mua sách, giao lưu, gặp gỡ trực tiếp với những người làm ra sách hoặc tham gia các buổi nói chuyện về sách của tác giả); Hệ thống thông tin online như website, fanpage, youtube: cung cấp thông tin nhanh chóng, tức thì, tương tác và trả lời các câu hỏi/thắc mắc của độc giả thường xuyên, liên tục; Xây dựng các cộng đồng đọc sách: những không gian cho người yêu sách, như Cộng đồng đọc sách tinh hoa, Hội thích truyện trinh thám, Hội yêu thích tác phẩm văn học kinh điển, Câu lạc bộ người chơi sách phiên bản giới hạn Việt Nam…

PV: Alpha Book đã có kế hoạch/chiến lược cụ thể như thế nào trong xu hướng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Ở vai trò một đơn vị xuất bản sách, chúng tôi chính là cầu nối giữa tác giả và độc giả. Chúng tôi đã xây dựng và đang hoàn thiện hơn cầu nối ấy với nền tảng ipub.vn. iPub.vn (một dự án xuất bản thuộc Alpha Books) được thành lập năm 2019, với slogan "One click. All content" - là nền tảng hỗ trợ, kết nối xuất bản đầu tiên tại Việt Nam, đã từng lọt top 60 của cuộc thi khởi nghiệp STARTUP WHEEL năm 2019 (https://startupwheel.vn/vi/du-an/ipub-vn/).

Với sứ mệnh ban đầu trở thành kênh kết nối xuất bản trực tuyến hàng đầu dành cho cộng đồng tác giả Việt trong và ngoài nước, iPub đã nhận được sự ủng hộ và đồng hành của rất nhiều tác giả mới, tác giả trẻ lần đầu tiếp cận với ngành xuất bản.

Năm 2020, chúng tôi tiếp tục phát triển giai đoạn 2 của dự án - cùng cộng đồng các tác giả của mình xây dựng iPub 2.0 - Kênh thông tin tri thức điện tử cập nhật nhất, hữu ích nhất dành cho cộng đồng đọc. Trong bối cảnh khủng hoảng đầu thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, chúng tôi mong muốn mang tới cho độc giả những báo cáo/thông tin cụ thể về các giải pháp trong khủng hoảng cho DN và cá nhân; các ấn phẩm/ebook/kiến thức y học hiện đại và sách về sức khoẻ, sách về kỹ năng "sống sót" nơi công sở, và tâm lý vượt qua khủng hoảng... ipub giờ đây chuẩn bị sang giai đoạn verson 3.0 với nhiều thay đổi mạnh mẽ về sản phẩm và cấu trúc.

Ngoài ra, fanpage Alpha Books, Website alphabooks.vn, website hbr.org.vn, nhóm Kỹ năng và Quản trị, youtube Alpha Books - Tri thức là sức mạnh… cũng là những kênh thông tin chính thống của Alpha tới các bạn độc giả.

PV: Ông có thể cho biết truyền xã hội tác động như thế nào đối với hoạt động xuất bản, những người làm sách và tác giả trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0

Ông Nguyễn Cảnh Bình: Cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc CMCN 4.0, của CNTT, mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng và thường nhật đối với mọi hoạt động trong đời sống xã hội giống như như chúng ta "ăn cơm ngày 3 bữa" vậy. Hoạt động xuất bản cũng không nằm ngoài sự tác động ấy.

Các đơn vị xuất bản nhà nước và các công ty sách, các đơn vị phát hành đều đã ứng dụng công nghệ ở mức độ này hay mức độ khác tùy vào năng lực và điều kiện của mỗi đơn vị. Trên thực tế, nhiều đơn vị đã xây dựng các cộng đồng độc giả để truyền thông, quảng bá sản phẩm cũng như lắng nghe ý kiến, phản hồi về sản phẩm và các hoạt động của mình. Các đơn vị phân phối sách như Tiki, Fahasa… đều có nền tảng bán hàng online, giới thiệu và bán hàng đến đúng tệp khách hàng mục tiêu của cuốn sách.

Vì thế, mạng xã hội là môi trường kết nối giữa NXB, công ty sách, tác giả với độc giả trở nên nhanh chóng, thuận lợi và gần gũi hơn rất nhiều so với trước đây. Chúng ta thấy có rất nhiều buổi nói chuyện (talkshow) trực tuyến của tác giả để truyền bá và giao lưu với độc giả; rất nhiều những dịch vụ tư vấn viết sách/xuất bản sách cho những người có nhu cầu; rất nhiều hội thảo trực tuyến cung cấp kiến thức/giải pháp cho một vấn đề trong kinh doanh cụ thể do đơn vị xuất bản kết hợp cùng chuyên gia tổ chức… và tôi tin rằng xu thế này sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ngành Xuất bản cần tạo ra nhiều điểm chạm cho bạn đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO