Những xu hướng công nghệ cho 5G, AI và an toàn thông tin năm 2021

TH| 22/01/2021 16:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Meltel, nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp CNTT tích hợp thoại, dữ liệu, mạng, đám mây và di động cho các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ tại Mỹ, mới đây đã đưa ra 8 dự báo về tầm ảnh hưởng của 5G, AI và an toàn thông tin (ATTT) trong năm 2021, và cho rằng đây sẽ là trọng tâm phát triển trong kỉ nguyên số hiện nay.

Năm 2020 là một năm đặc biệt và đầy thách thức đối với các quốc gia trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và hoạt động của người dân toàn cầu. Việc chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa không chỉ gây ra nhiều thách thức mà còn tạo ra một động lực mới thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) nhanh chóng nhằm tăng năng suất và đổi mới. Từ góc độ công nghệ, đại dịch chính là cú hích tăng tốc CĐS nhanh hơn vài năm.

Bước sang năm 2021, tất cả những thay đổi mang tính chuyển đổi này và việc áp dụng các công nghệ mới sẽ tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới thậm chí còn nhanh hơn trước. Dưới đây là 8 dự báo về những những xu hướng công nghệ trong năm 2021.

5G NG sẽ biến lợi ích của 5G thành hiện thực

Trong những năm gần đây, không thiếu những hứa hẹn về việc 5G sẽ cách mạng hóa cách chúng ta làm việc và sử dụng công nghệ. Năm 2021 là năm chúng ta sẽ thấy 5G bắt đầu đáp ứng được kỳ vọng và đó là do 5G New Radio (NR) - tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tiên của mạng 5G NR (New Radio) được tổ chức 3GPP thông qua, sẽ bắt đầu được các nhà mạng triển khai rộng rãi. Điều đó có nghĩa là dung lượng mạng vô tuyến sẽ tăng lên đáng kể, với tốc độ dữ liệu nhanh hơn, có thể đáp ứng mọi nhu cầu từ máy học tiên tiến đến IoT công nghiệp.

Những xu hướng công nghệ cho 5G, AI và an toàn thông tin năm 2021 - Ảnh 1.

SASE - Bảo mật thế hệ tiếp theo

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn mọi hoạt động được chuyển sang trực tuyến, các tổ chức, doanh nghiệp nhận thấy rằng cần phải xem xét lại các quy hoạch mạng của mình để đảm bảo có thể cung cấp quyền truy cập từ xa vào mạng trên quy mô lớn mọi nơi và mọi lúc.

Điều này đã thúc đẩy rất nhiều khái niệm an ninh mạng mới xuất hiện, trong đó có biên dịch vụ truy cập an toàn (SASE - secure access service edge) dựa trên đám mây nhằm hỗ trợ các văn phòng và nhân viên từ xa thông qua một bộ dịch vụ truy cập và bảo mật được phân phối trên đám mây. Theo dự báo của Gartner, SASE sẽ tạo ra tác động lớn trên thị trường bắt đầu từ năm 2021, với 40% doanh nghiệp (DN) có chiến lược áp dụng công nghệ này vào năm 2024.

Hỗ trợ DN toàn diện với Microsoft Teams

Vào năm 2021, Microsoft Teams được kỳ vọng sẽ củng cố vị trí của mình như là nền tảng truyền thông được các DN Mỹ lựa chọn. Microsoft Teams hỗ trợ mọi thứ cần thiết cho nhóm: các cuộc trò chuyện và hội thoại theo luồng, cuộc họp hay hội thảo video, cuộc gọi, cộng tác nội dung với sức mạnh của các ứng dụng Microsoft 365 và khả năng tạo và tích hợp các ứng dụng và luồng công việc mà DN của bạn phụ thuộc vào.

Khai thác dữ liệu thông qua Microsoft Teams hứa hẹn sẽ giúp các tổ chức, DN phát hiện ra những giá trị tiềm ẩn trong những cuộc gọi khách hàng bằng cách sử dụng các thuật toán có thể thực hiện mọi thứ, từ phân tích các tương tác với dịch vụ khách hàng đến xác định cơ hội tăng doanh thu bán hàng và phân tích cảm xúc từ các cuộc gọi thoại.

SD-WAN và AI tăng cường CĐS

Đại dịch Covid-19 khiến các tổ chức phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vào năm 2020, một trong số đó là nhu cầu về băng thông cao hơn, tốc độ nhanh hơn, kết nối an toàn và mạng có khả năng thích ứng.

Vào năm 2021, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều tổ chức chuyển sang SD-WAN để chuyển đổi và bảo mật mạng của họ. Điều này sẽ giúp các mạng có thể nhanh chóng hỗ trợ các ứng dụng AI và học máy, đồng thời giải phóng nguồn nhân lực để thúc đẩy kết quả kinh doanh hiệu quả hơn

Ứng dụng các công nghệ giám sát thông minh

Năm ngoái, đại dịch buộc các DN phải mở rộng mạng lưới của họ đến tận nhà của nhân viên, đòi hỏi mức độ linh hoạt và bảo mật mạng mới. Điều này gây ra nhiều thách thức cho các mạng, khiến các đội CNTT gặp nhiều khó khăn và tạo ra các lỗ hổng cho tội phạm mạng khai thác.

Để củng cố mạng lưới vào năm 2021, các tổ chức, DN sẽ cần triển khai các sản phẩm giám sát mạng thông minh mới, có khả năng đảm bảo mọi thứ hoạt động chính xác và báo cáo sự cố ngay lập tức khi chúng được phát hiện.

Chặn các cuộc gọi tự động (Robocall)

Trong thời điểm đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động đến Mỹ, những kẻ lừa đảo qua điện thoại đã chớp lấy thời cơ sử dụng các cuộc gọi tự động (robocall) và các cuộc gọi lại lừa đảo để chào mời các bộ dụng cụ xét nghiệm tại gia miễn phí, quảng bá các phương thuốc giả trá, bán bảo hiểm y tế, hay hứa hẹn cái gói cứu trợ tài chính.

Thực tế, mỗi năm, người dùng điện thoại ở Hoa Kỳ nhận được hàng chục tỷ cuộc gọi tự động. Tuy nhiên, trong năm 2021, tiêu chuẩn STIR/SHAKEN mới của Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) Mỹ sẽ cho phép chống lại mức lưu lượng truy cập bất thường và các nỗ lực gọi điện từ những người dùng chưa đăng ký, giúp ngăn chặn các cuộc gọi tự động. Sự xuất hiện của tiêu chuẩn mới sẽ mở đường cho công nghệ chặn cuộc gọi tự động thông minh, nhằm chặn hầu như tất cả các cuộc gọi tự động không mong muốn trước khi điện thoại của bạn đổ chuông.

Mạng 5G riêng sẽ bắt đầu phát triển

Như dự báo đầu tiên, năm 2021 sẽ là năm 5G NR được triển khai rộng rãi, gặt hái những lợi ích từ 5G. Đồng thời, chúng ta sẽ thấy một số tổ chức - đặc biệt là các chính phủ - xây dựng mạng 5G riêng của mình để bảo vệ chống lại các rủi ro bảo mật vốn có trong các mạng công cộng, trong khi vẫn tận hưởng được các lợi ích của 5G. Ban đầu, trọng tâm sẽ là các mạng IoT, phân khúc được hưởng lợi rất nhiều từ việc cung cấp 5G riêng với các tính năng bảo mật bổ sung.

Bảo mật cấp chính phủ được siết chặt với TIC 3.0

Khi lực lượng lao động làm việc từ xa và áp lực chuyển đổi sang đám mây gia tăng đối với các tổ chức công, cấu trúc Kết nối Internet tin cậy (TIC - Trusted Internet Connection) được chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục được đánh giá lại và tái cấu trúc. Các hướng dẫn này được thiết kế để bảo vệ các mạng của chính phủ chống lại các mối đe dọa trực tuyến đang gia tăng và các rủi ro mới nổi khác, như những rủi ro liên quan đến IoT.

Vào năm 2021, các nền tảng và công nghệ TIC mới sẽ xuất hiện để cho phép các cơ quan giám sát mạng của họ, đồng thời truy cập báo cáo chi tiết và hiệu suất trong thời gian gần thực trên cả dịch vụ dữ liệu và thoại. Kết hợp với nhau, những nền tảng mới này sẽ cung cấp cho các cơ quan liên bang những công cụ cần thiết để giám sát hiệu quả người dùng và mạng của họ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Những xu hướng công nghệ cho 5G, AI và an toàn thông tin năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO