Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Startup Việt Nam cần tự tin hơn để bước ra thế giới

Nguyễn Khiêm| 25/11/2020 21:38
Theo dõi ICTVietnam trên

"Từ những thành công như việc startup Việt đã chiếm lĩnh và nằm trong top đầu ở thị trường Việt Nam như Be, Tiki, Sendo cũng như các startup đã ra thị trường nước ngoài thành công. Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cần tự tin hơn để bước ra thế giới". Đây là nhấn mạnh của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được tổ chức ngày 25/11.

Tham dự Diễn đàn còn có Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, lãnh đạo một số bộ, ngành cùng gần 50 diễn giả quốc tế và trong nước, lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trong và ngoài nước, đại diện một số học viện, trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước.

Việt Nam chủ động, linh hoạt và thích ứng

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay dù thế giới đang căng mình để chống dịch Covid-19, nhưng Việt Nam không những chỉ tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối bình thường mà kể cả các hoạt động đối ngoại, xuyên biên giới vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy tính chủ động, linh hoạt và thích ứng của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các dịch vụ TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam cho thấy chưa có mức tăng trưởng đột biến như mọi người vẫn kì vọng. (Ảnh: VGP)

Sau một năm đột biến của các quỹ đầu tư vào Việt Nam hơn 800 triệu USD vào năm 2019, năm 2020 mới chỉ ghi nhận khoảng hơn 200 triệu USD nhưng trong một bức tranh chung cộng đồng startup Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng có những điểm sáng đáng lưu ý.

Trước đây, khi nói đến dịch vụ của các startup thu hút nhiều người dùng nhất tại Việt Nam thì phần nhiều chỉ thấy của các công ty nước ngoài như Uber, Grab... Bây giờ, các ứng dụng của Việt Nam đều đã nằm trong top đầu, như lĩnh vực gọi xe thì có Be, thương mại điện tử (TMĐT) có Sendo, Tiki hay trong lĩnh vực Co - Working Space (không gian làm việc chung), trong top đứng đầu thị phần cũng là một công ty của Việt Nam...

"Mặc dù đó là những tín hiệu đáng mừng nhưng chúng ta không nên quá hài lòng", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Trong dịch Covid-19, ai cũng nói lĩnh vực TMĐT, thanh toán điện tử sẽ có điều kiện để tăng mạnh. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy chưa có mức tăng trưởng đột biến như mọi người vẫn kì vọng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dẫn chứng câu chuyện của lĩnh vực TMĐT, trước Covid-19, TMĐT Việt Nam vẫn tăng thường xuyên từ 20-25%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực này chỉ tăng được khoảng 25% và kì vọng đến hết năm 2020 sẽ tăng khoảng 30%.

"Nếu chúng ta có tăng trưởng được lên mức 30% thì đây cũng không thể coi là mức tăng đột biến, tương tự là câu chuyện của lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đại dịch Covid-19 hiện vẫn còn rất nóng trên toàn cầu, tại sao Việt Nam lại kiểm soát tốt đến thời điểm này. Đầu tiên là do chúng ta rất sẵn sàng ngay từ những ngày đầu tiên. "Tuy nhiên. cộng đồng startup hiện nay đã thực sự đón nhận những thách thức cũng như cơ hội mới hay chưa", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Tứ đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các sản phẩm công nghệ Việt Nam có sẵn sàng nhưng ở mức độ chưa cao như trong việc chống dịch Covid-19. Bằng chứng cho thấy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các dịch vụ như giao hàng trực tuyến, TMĐT... chưa vận hành suôn sẻ ngay, thậm chí qua nhiều tháng điều chỉnh thì vẫn còn nhiều bất cập. "Đó là lý do tại sao tăng trưởng TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt không có những đột biến", Phó Thủ tướng lý giải.

Cần huy động sức mạnh cộng đồng để tạo ra cơ hội cho các startup

Phó Thủ tướng cũng cho biết: Việt Nam không có hệ thống công nghệ tiên tiến hay hệ thống y tế tốt như nhiều nước trên thế giới nhưng chúng ta có những giải pháp thực hiện thiết thực, sát với những điều kiện mình có. Một số sản phẩm Việt Nam đã ra thị trường nước ngoài và được đánh giá cao, điều đó cho thấy các giải pháp của Việt Nam đã giải quyết những nhu cầu thiết thực. Đó là việc dù công nghệ không bằng một số nước khác nhưng chúng ta đi vào các mô hình kinh doanh phù hợp bằng cách tìm hiểu những cách làm mới, mô hình mới.

Đồng thời lấy những kinh nghiệm có ở trong nước để đi ra nước ngoài, khác với trước kia chúng ta thường lấy kinh nghiệm ở nước ngoài áp dụng vào trong nước. Điều đó khẳng định, các sản phẩm của Việt Nam đã sát với thực tế hơn. "Trước đây, tôi đã từng khẳng định, các sản phẩm Việt Nam hãy dựa vào thị trường lớn trong nước với những nhu cầu cụ thể, đa dạng của người dân để phát triển", Phó Thủ tướng nói.

Điểm tiếp theo, trong thế giới mới, tính cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng hơn. Như với việc chống dịch Covid-19, mọi người dân đã cùng tham gia. Với cộng đồng startup, thời gian gần đây, Chính phủ đã đưa ra những dự án có tính cộng đồng, như việc phát huy sức mạnh của các nhà sản xuất với nhà mạng đưa ra các chương trình, để tiến tới mỗi người dân Việt Nam đều có một smartphone. Hay gần đây là các nền tảng y tế, bản đồ, giáo dục, văn hóa du lịch, nhân đạo...

"Ý tưởng của Chính phủ, các Bộ ngành là huy động sức mạnh của cộng đồng để tạo ra các nền tảng, hệ sinh thái, dữ liệu lớn... để các cộng đồng DN như startup tìm thấy cơ hội kinh doanh của mình", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Bên cạnh đó còn là khả năng thích ứng, trong việc chống dịch Covid-19, tất cả các hoạt động đều được điều chỉnh. Cộng đồng startup, đầu tư mạo hiểm sẽ thích ứng như thế nào? Hoặc chúng ta sẽ phải hoạch định trước được tương lai một cách dài hơi và tương đối sát với hiện thực.

Thế giới 2 năm tới như thế nào, bây giờ chúng ta cũng phải rất thận trọng. 5 năm tới, 10 năm tới ra làm sao. Việc dự báo tương lai ngày càng khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải hết sức linh hoạt, từ những công ty kỳ lân cho đến những startup mới đều cần phải linh hoạt vì nền kinh tế mới trong tương lai có đến 70% sản phẩm, dịch vụ, phương thức mới - những thứ ngày hôm nay chưa hình dung được hoặc có hình dung được thì cũng không chắc chắn. "Thực tế thời gian qua cho thấy, DN nào linh hoạt, điều chỉnh ngay lập tức thì sẽ có cơ hội tiếp tục phát triển", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đó, Phó thủ tướng đã chia sẻ câu chuyện về vấn đề sách giáo khoa mới, khi mà sách giáo khoa chỉ là một tài liệu tham khảo, còn từng bài giảng sẽ là cơ hội cho từng công ty làm về giáo dục nhưng gần như chúng ta chưa chú ý. "Lẽ ra khi chương trình sách giáo khoa mới ra mắt thì phải có hàng loạt bài giảng trực tuyến của những giáo viên giỏi nhất ở Việt Nam để lan tỏa toàn xã hội thì chưa có ai thực hiện, kể cả các startup cũng chưa bắt tay làm trước việc đó", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cộng đồng startup cần "nắm chặt tay nhau" để phát triển

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Cộng đồng startup cần nắm chặt tay nhau để phát triển.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, các startup cần tự tin hơn từ những bài học kinh nghiệm, cách làm của mình giống như một số sản phẩm đã ra nước ngoài và thu được những thành công nhất định. Giống như câu chuyện chống dịch Covid-19, thời gian đầu, Việt Nam cũng rất lúng túng vì trước giờ vẫn chỉ tiếp thu bài học, kinh nghiệm, sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế để thực hiện công việc của mình. Sau đó, tổ chức thế giới khẳng định, cách làm của Việt Nam rất đáng để các nước tham khảo vì đã có những hiệu quả nhất định. "Do đó, tôi cho rằng, với những startup đã chiếm lĩnh và đang nằm trong top đầu của thị trường 100 triệu dân này và những sản phẩm đã bước ra nước ngoài thành công, cộng đồng startup Việt Nam cần tự tin hơn để bước ra thế giới", Phó Thủ tướng kết luận.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng startup "nắm chặt tay nhau" để tạo thành mạng lưới càng nhiều nút càng tốt. Không phân biệt startup Việt Nam ở trong hay ngoài nước, doanh nghiệp truyền thống hay startup, chúng ta cần kết nối với nhau để có những bước tiến vững chắc hơn.

Giai đoạn bản lề cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn lại năm 2019, đây là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Covid-19 khiến một số mô hình kinh doanh và công nghệ trở nên hấp dẫn và tăng trưởng như: ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa... Ảnh: Báo đầu tư

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn bức tranh của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đại dịch cũng làm bộc lộ ra những hạn chế của nhiều DN khởi nghiệp, kể cả những DN đã lớn mạnh trên thế giới. DN khởi nghiệp dường như có khả năng chống chịu ít hơn khi kinh tế trở nên bất ổn. Tuy vậy, trong khi nhiều mô hình kinh doanh gặp bất lợi, một số mô hình kinh doanh và công nghệ lại trở nên hấp dẫn và tăng trưởng vượt bậc như: ứng dụng họp trực tuyến, ứng dụng giảng dạy từ xa, các mô hình kinh doanh thương mại, giao vận trực tuyến… Đây chính là bức tranh phong phú và đa dạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tính linh hoạt, khả năng thích ứng và tồn tại trong nhiều điều kiện khác nhau chính là yếu tố then chốt, tận dụng cơ hội để phát triển đầu tư kinh doanh không chỉ cho DN mà còn cho các cơ quan, tổ chức và mỗi cá nhân.

Tại Diễn đàn, Bộ KH&ĐT cũng giới thiệu một sáng kiến hợp tác cụ thể với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước nhằm tối ưu hóa các nguồn lực đưa vào đổi mới sáng tạo. Đó là cam kết của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đồng hành cùng các Quỹ đầu tư, cụ thể: những DN khởi nghiệp được các Quỹ đầu tư rót vốn sẽ là các DN được Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ và hưởng các ưu đãi theo quy định tại Nghị định 94.

"Với việc triển khai sáng kiến này, Trung tâm dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hỗ trợ, đưa vào thị trường hàng tỷ USD đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải chuyển đổi số ngay cho các DN Việt Nam. Hiện, Bộ đã xây dựng chương trình với tham vọng làm sao để 800.000 DN Việt Nam có thể áp dụng được chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dù DN lớn, nhỏ hay vừa.

Bộ trưởng khẳng định, với tầm nhìn và sự quyết liệt của Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có thể thực sự "bắt kịp, đi cùng, vượt lên" về đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19.

Cơ hội kết nối 100 quỹ đầu tư với các công ty startup

Với chủ đề "Going Digital - Dịch chuyển số", đây là năm thứ hai diễn đàn được tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ KH&ĐT, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các DN đổi mới sáng tạo, tìm lời giải và cơ hội cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam hội nhập quốc tế. Diễn đàn cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư kết nối đến các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có ý tưởng độc đáo, tiềm năng. Thông qua diễn đàn, với sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước, các DN đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ tìm ra hướng đi và sẽ có nhiều dự án thành công trong thời gian tới.

Được tổ chức theo hình thức tọa đàm trực tiếp kết hợp trực tuyến với các nhà đầu tư quốc tế ở nước ngoài, Diễn đàn sẽ trao đổi về các nội dung: DN kỳ lân – Góc nhìn từ DN và nhà đầu tư; Công nghiệp giáo dục: Tiềm năng phát triển tại Việt Nam; Công nghệ tài chính và thanh toán tại ASEAN; Công nghệ giao vận tại ASEAN.

Trong khuôn khổ Diễn đàn có các hoạt động kết nối DN đổi mới sáng tạo: Kết nối đầu tư và kết nối DN đổi mới sáng tạo. Các DN khởi nghiệp tiềm năng sẽ được kết nối với hơn 100 quỹ đầu tư tham dự chương trình và tổ chức giới thiệu ý tưởng sản phẩm trực tiếp và trực tuyến trong ngày sự kiện. Đây là cơ hội lớn cho các startup có sản phẩm ý tưởng công nghệ vượt trội đã được chọn lọc thông qua hàng loạt các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp giai đoạn vừa qua để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các quỹ đầu tư lớn trong khu vực và thế giới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Startup Việt Nam cần tự tin hơn để bước ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO