Triển khai chính quyền điện tử: Hải Dương xác định nhiệm vụ trọng tâm, tiến từng bước vững chắc

Đỗ Thêu| 30/06/2020 14:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 17/3/2019, Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Trên cơ sở đó, tỉnh Hải Dương đã triển khai đồng loạt các giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết của chính phủ, tiến từng bước vững chắc trong lộ trình triển khai chính quyền điện tử của địa phương.

Hải Dương triển khai chính quyền điện tử: Xác định nhiệm vụ trọng tâm, tiến từng bước vững chắc - Ảnh 1.

Sau hơn 1 năm triển khai xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong quá trình điều hành phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Sự vào cuộc đồng bộ

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, Sở TT&TT tỉnh Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4310/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Hải Dương trên cơ sở kiện toàn Ban chỉ đạo CNTT tỉnh Hải Dương. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng Ban, Giám đốc Sở TT&TT là Ủy viên thường trực kiêm Thư ký và một số Giám đốc các Sở, Ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Ban Chỉ đạo.

Sở TT&TT cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 1539/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm và xây dựng Chính quyền điện tử phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị mình, bảo đảm thực hiện kịp thời và hiệu quả những nội dung theo Kế hoạch hành động.

Trên cơ sở đó, Chương trình xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 và được chia làm 03 giai đoạn (giai đoạn 1: 2020-2022; giai đoạn 2: 2023-2025; giai đoạn 3: 2026-2030).

Trong giai đoạn 1 (2020-2022), Chương trình sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng và ứng dụng cơ bản ĐTTM phục vụ cho người dân, cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo, doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh để phát triển ĐTTM của tỉnh.

Danh mục các nhiệm vụ, dự án trọng điểm trong giai đoạn 1 (2020-2022) bao gồm 15 nhiệm vụ. Cụ thể như: Xây dựng hạ tầng CNTT cho Chính quyền điện tử và ĐTTM; Xây dựng trung tâm dữ liệu của tỉnh cho Chính quyền điện tử và ĐTTM; Xây dựng trung tâm giám sát an ninh không gian mạng (SOC); Xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương; Xây dựng hệ thống giám sát điều hành thông minh UBND tỉnh; Xây dựng hệ thống giám sát điều hành thông minh Tỉnh ủy; Xây dựng hệ thống giám sát điều hành thông minh Hội đồng nhân dân; Xây dựng ĐTTM thành phố Hải Dương…

Hiện nay, Sở TT&TT cũng đang xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và ĐTTM tỉnh Hải Dương năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2022. Theo đó, kết thúc từng giai đoạn sẽ có báo cáo đánh giá tính hiệu quả của Chương trình và xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai tiếp theo.

Nhiều kết quả khả quan

Đến nay, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP, tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu trong xây dựng chính quyền điện tử. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong quá trình điều hành phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Cụ thể, việc triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cơ quan nhà nước (CQNN) từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các CQNN cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn.

Hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng thường xuyên các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh; đặc biệt là Hệ thống Một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công tỉnh Hải Dương đã chính thức đi vào hoạt động tập trung, thống nhất từ tỉnh đến xã. Đây là một trong những giải pháp đột phá trong thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và công khai, minh bạch hoạt động giải quyết TTHC của các CQNN trên địa bàn tỉnh.

Với những kết quả nêu trên, chỉ số xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và Truyền thông (Chỉ số ICT index) năm 2018, Hải Dương xếp thứ 26/63 tỉnh/thành phố, tăng 18 bậc so với năm 2017; năm 2019, xếp thứ 19/63 tỉnh/ thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2018. Trong khi đó, năm 2018, Hải Dương xếp thứ 18/63 tỉnh/ thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2017 về chỉ số ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT (đánh giá về ứng dụng CNTT trong các CQNN). Năm 2019, Hải Dương xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2018 về chỉ số hiện đại hóa nền hành chính (ứng dụng CNTT) trong đánh giá, xếp hạng về cải cách hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, quá trình xây dựng chính quyền điện tử cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh như: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về CNTT chưa đầy đủ, đồng bộ và thường xuyên có sự thay đổi; các văn bản hướng dẫn của cấp trên, đôi lúc còn chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tế; Một số các ứng dụng CNTT nền tảng phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử chưa giao cho cơ quan chuyên trách về CNTT xây dựng và quản lý.

Do đó, đã có những khó khăn cho việc kết nối, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống để phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Hải Dương. Chỉ số đánh giá về mức độ Chính quyền điện tử đối với UBND cấp huyện và cấp xã còn thấp do các địa phương chưa thực sự tích cực, chủ động trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm về ứng dụng CNTT trong nâng cao hiệu quả công tác và trong cải cách TTHC. Cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị chưa thay đổi được thói quen để sử dụng các ứng dụng CNTT trong công tác hàng ngày. Cơ sở vật chất tại cấp huyện, xã còn thiếu và yếu, đặc biệt là các đơn vị cấp xã; đại đa số các xã chưa được trang bị đầy đủ máy vi tính, thiết bị văn phòng (máy in, máy quét, máy photocopy), gây khó khăn trong việc triển khai đồng bộ 4 cấp các hệ thống phần mềm dùng chung cũng như sử dụng chữ ký số....

Xây dựng lộ trình bền vững

Xác định được những kết quả đạt được cùng với khó khăn, vướng mắc phát sinh, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, xây dựng thành công chính quyền điện tử của địa phương, tỉnh Hải Dương xác định cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, các ngành và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc ứng dụng CNTT và công tác xử lý, điều hành.

Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy DN và người dân sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; chính sách thu hút và đãi ngộ, chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức làm CNTT trong CQNN; Xây dựng các quy chế, quy định quản lý, sử dụng, vận hành các hệ thống thông tin của tỉnh; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chi đầu tư cho sự nghiệp CNTT của tỉnh.

Cùng với đó, về cơ chế tài chính, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên bố trí ngân sách xây dựng các hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng vàphát triển Chính quyền điện tử, dịch vụ ĐTTM; Kết hợp sử dụng các nguồn vốn chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi cho khoa học công nghệ.

Đồng thời, tỉnh cũng tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ, các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, các nguồn lực trong xã hội và xây dựng cơ chế hợp tác với nhà đầu tư chiến lược cung cấp các giải pháp cho tỉnh; Khuyến khích đầu tư hợp tác công tư (PPP), thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định...

Trước đó, đầu tháng 10/2019, đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương.

Hải Dương triển khai chính quyền điện tử: Xác định nhiệm vụ trọng tâm, tiến từng bước vững chắc - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương đầu tháng 10/2019.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị tỉnh Hải Dương giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho Sở TT&TT là đầu mối, hạt nhân thực hiện các nhiệm cụ thể về xây dựng thương mại điện tử, hạ tầng viễn thông CNTT, trong đó có cả vấn đề dùng chung cơ sở hạ tầng, triển khai hạ tầng, chính quyền điện tử, ĐTTM, bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, Sở TT&TT chính là hạt nhân của lĩnh vực thông tin tuyên truyền, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, vững mạnh của tỉnh. Lãnh đạo Bộ TT&TT đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực, ngân sách cho lĩnh vực lĩnh vực CNTT và truyền thông...

Với những giải pháp đồng bộ trên cùng sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ TT&TT, tin tưởng rằng, Hải Dương sẽ tiến từng bước vững chắc trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Zalo đã có hơn 17.000 tài khoản chính thức của cơ quan nhà nước, đơn vị tiện ích
    Tính đến hết năm 2024, có tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. ‏
  • ‏FPT nhận chứng nhận CREST, củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ SOC‏
    Mới đây, FPT chính thức đạt chứng nhận quốc tế CREST cho dịch vụ giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin 24/7 (dịch vụ SOC), khẳng định cam kết của FPT với khách hàng về chất lượng dịch vụ an toàn thông tin đạt chuẩn thế giới.‏
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Triển khai chính quyền điện tử: Hải Dương xác định nhiệm vụ trọng tâm, tiến từng bước vững chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO