Việt Nam đặt mục tiêu chuyển dịch công nghệ cao trong kế hoạch phát triển kinh tế

Hoàng Linh| 02/02/2021 09:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp. Nhiều hãng thông tấn trên thế giới đã có bài viết về sự kiện quan trọng này và kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm tới.

Kết thúc ngày cuối cùng của Đại hội, Reuters đã có bài viết với nội dung Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đột phá, chuyển dịch công nghệ cao trong kế hoạch phát triển kinh tế.

Việt Nam đặt mục tiêu chuyển dịch công nghệ cao trong kế hoạch phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội

Theo Reuters, cho đến nay, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19. Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi nền kinh tế trong 5 năm tới dựa trên các thỏa thuận thương mại tự do, cổ phần hóa và các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế được Đại hội Đảng thông qua, Việt Nam đã chính thức thông qua kế hoạch phát triển kinh tế tham vọng, nâng mức tăng trưởng vượt mức 6% hàng năm trong thời kỳ trước đại dịch lên 6,5% - 7,0% cho giai đoạn 2021-2025.

Việt Nam sẽ thúc đẩy vai trò như là một trung tâm sản xuất quan trọng cho những công ty toàn cầu như Samsung Electronics và Intel, trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ.

Với hơn một chục hiệp định thương mại tự do hiện đang được ký kết, Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Phát biểu tại buổi họp báo sau Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển toàn diện vào năm 2045, và tiếp tục công cuộc đẩy mạnh chống tham nhũng.

Đầu tư công nghệ cao

Cũng theo Reuters, các mục tiêu phát triển kinh tế cao trong giai đoạn 2021-2025 được thông qua trong thời điểm Việt Nam vừa phát hiện thêm những ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng.

Năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,9%. Con số này được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá cao, mặc dù là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi việc thực hiện kiểm dịch chặt chẽ, đóng cửa biên giới và các biện pháp chống Covid-19 khác.

Bất chấp đại dịch, vào tháng 1/2021, công ty công nghệ Foxconn của Đài Loan, một công ty cung ứng cho Apple, đã được Việt Nam cấp phép đầu tư 270 triệu USD khi chuyển một số nhà máy lắp ráp máy tính iPad và MacBook từ Trung Quốc sang. Trong khi đó, nhà sản xuất chip Intel của Mỹ cho biết đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam thêm 475 triệu USD lên 1,5 tỷ USD.

Việt Nam sẽ "tập trung vào các biện pháp để hoàn thiện cơ bản các yếu tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường và xã hội", theo Đề án phát triển kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng đây là biện pháp để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, ngoại trừ những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được coi là thiết yếu cho an ninh quốc phòng.

Kế hoạch phát triển kinh tế được Đại hội thông qua cũng sẽ chuyển trọng tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ số lượng sang chất lượng, lấy môi trường là một trọng tâm.

Sau nhiều thập kỷ phát triển nhờ nguồn vốn FDI mạnh mẽ, phần lớn là nhờ vào nguồn lao động dồi dào và có tác động đến môi trường, Việt Nam "sẽ không cho phép các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đặt mục tiêu chuyển dịch công nghệ cao trong kế hoạch phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO