Luật Giao dịch điện tử 2005: Cần sửa đổi đáp ứng phát triển kinh tế số

Kim Liên| 18/06/2020 07:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Bộ Tài chính, Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý, góp phần thúc đẩy triển khai GDĐT, tác động tích cực đến phương thức hoạt động của Nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, Luật đã ban hành từ cách đây 15 năm, hiện tại không còn đáp ứng xu hướng phát triển mới, do đó cần được sửa đổi, cập nhật, bổ sung.

Giao dịch điện tử cần phù hợp các nền tảng mới và phát triển kinh tế số

Ngành Tài chính đã quan tâm ứng dụng GDĐT từ rất sớm. Năm 2005 khi Luật GDĐT ban hành, cũng trong năm này, Kho bạc Nhà nước đã triển khai thanh toán điện tử liên kho bạc (áp dụng chữ ký số nội bộ), Tổng cục Hải quan triển khai thí điểm kê khai hải quan điện tử (trên cơ sở kết nối mạng riêng từ doanh nghiệp (DN)). Năm 2009, Tổng cục Thuế triển khai thí điểm kê khai thuế qua mạng Internet (áp dụng chữ ký số (CKS) công cộng). Hoạt động của các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán cơ bản dựa trên phương thức GDĐT.

Cần sửa đổi đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Theo Bộ Tài chính, Luật GDĐT năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý, góp phần thúc đẩy triển khai GDĐT, tác động tích cực đến phương thức hoạt động của Nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, Luật đã ban hành từ cách đây 15 năm, hiện tại không còn đáp ứng xu hướng phát triển mới, do đó cần được sửa đổi, cập nhật, bổ sung.

Các văn bản quy phạm pháp luật về GDĐT và pháp luật chuyên ngành đều chưa đề cập đến các công nghệ, kỹ thuật của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Tuy nhiên, Nghị quyết số 52-NQ/ TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư đã đề ra chủ trương "Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia". Để triển khai Nghị quyết này, cần đẩy nhanh công tác nghiên cứu, thí điểm áp dụng các công nghệ, kỹ thuật của CMCN 4.0 trong GDĐT, trên cơ sở đó bổ sung quy định về nội dung này trong Luật GDĐT sửa đổi.

Để đảm bảo tính khả thi cho quá trình xây dựng Luật, có thể xem xét đưa vào Luật một số quy định cơ bản và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời có lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật đối với nội dung này.

Kiến nghị của Bộ Tài chính về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Quy định về thông điệp dữ liệu

Theo Bộ Tài chính nên thay cụm từ "thông điệp có giá trị như bản gốc" (Điều 13) thành "thông điệp có giá trị là bản gốc". Các nội dung quy định về "thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu", "thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu" tại Điều 17, Điều 19 hiện không còn phù hợp với thực tế nên sửa đổi nội dung các quy định này.

Quy định về chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử

Cần sửa đổi đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 2.

Bộ Tài chính cho rằng Luật GDĐT năm 2005 quy định về chữ ký điện tử, tại khoản 3 Điều 24 quy định "Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức"; Tuy nhiên cho đến thời điểm này, Chính phủ mới chỉ ban hành các quy định về CKS (Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật GDĐT về CKS và dịch vụ chứng thực CKS; Nghị định 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2007/NĐ-CP; Nghị định 170/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2007/NĐ-CP và Nghị định 106/2011/ NĐ-CP; Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật GDĐT về CKS và dịch vụ chứng thực CKS - thay thế các Nghị định nêu trên), chưa ban hành quy định cho các loại chữ ký điện tử khác.

Sự thiếu hụt quy định về các loại chữ ký điện tử không phải CKS dẫn đến: Tạo sự hiểu lầm, coi chữ ký điện tử chính là CKS; dẫn đến các văn bản quy định, hướng dẫn về áp dụng chữ ký điện tử, CKS sử dụng không đúng khái niệm, tạo sự hiểu lầm chỉ có CKS có đủ giá trị pháp lý, dẫn đến hạn chế sự phát triển của GDĐT.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị: Ngoài chữ ký điện tử, bổ sung quy định về CKS và làm rõ sự khác nhau giữa hai loại chữ ký này ngay tại Luật GDĐT; Thay thế quy định về các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử bằng quy định về các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS; Bổ sung quy định về các loại chữ ký điện tử khác (nếu có thể).

Hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ không chỉ phục vụ GDĐT giữa các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, mà còn phục vụ GDĐT giữa các cơ quan nhà nước (CQNN) và người dân, DN. Vì vậy, việc đưa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ vào nhóm Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng (theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP), căn cứ quy định của Luật GDĐT về các loại Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử (Điều 30) là không phù hợp và không chặt chẽ về pháp lý.

Bộ Tài chính đề nghị giải quyết vấn đề này trong Luật GDĐT sửa đổi theo hướng có quy định về Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS Chính phủ (không thuộc nhóm Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng).

Cần sửa đổi đáp ứng phát triển kinh tế số - Ảnh 3.

Hệ thống chứng thực CKS công cộng và hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ hiện vẫn đang là hai hệ thống độc lập. Thực tế yêu cầu hai hệ thống này phải công nhận lẫn nhau, nhằm đảm bảo khả năng người dân, DN "đọc, hiểu" được CKS của cơ quan nhà nước (CQNN) và ngược lại. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BTTTT ngày 05/7/2019 về việc liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ. Tuy nhiên, thông tư này không hướng dẫn cụ thể biện pháp, kỹ thuật thực hiện. Vì vậy về cơ bản, các nội dung quy định tại thông tư không đi vào thực tế cuộc sống.

Để đảm bảo các văn bản điện tử có CKS của CQNN có thể "đọc, hiểu" được ngoài xã hội, đề nghị bổ sung Luật GDĐT quy định về việc liên thông giữa hai hệ thống này, giao Chính phủ quy định biện pháp thực hiện cụ thể. Để đơn giản hóa các vấn đề kỹ thuật về lâu dài, có thể xem xét tiến tới sử dụng chung một chứng thư số gốc (RootCA) cho cả hệ thống công cộng và hệ thống chuyên dùng Chính phủ (cần xác định lộ trình chuyển đổi hệ thống nếu lựa chọn phương án này).

Quy định về định danh điện tử và xác thực điện tử

Luật GDĐT năm 2005 chưa quy định về định danh điện tử và xác thực điện tử. Chính phủ hiện đang xây dựng, chưa ban hành Nghị định về nội dung này. Vì vậy, chưa có thực tế triển khai các quy định của Nhà nước về định danh điện tử và xác thực điện tử để tổng kết, đánh giá. Để tránh Luật GDĐT quy định không thực tế về vấn đề này, Bộ Tài chính đề nghị xem xét chỉ đưa vào dự thảo Luật GDĐT sửa đổi các quy định cơ bản về định danh điện tử, xác thực điện tử và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Quy định về lưu trữ điện tử

Luật GDĐT năm 2005 đã có quy định về lưu trữ thông điệp dữ liệu, tuy nhiên, chưa đầy đủ. Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định về lưu trữ điện tử trong Luật GDĐT sửa đổi.

Quy định về giao kết và hợp đồng điện tử

Luật GDĐT năm 2005 đã có quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử (TMĐT) (thay thế Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 09/6/2006 về TMĐT), trong đó quy định chi tiết về giao kết hợp đồng trong TMĐT và giao Bộ Công thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nội dung này. Tuy nhiên trong thực tế, một số DN bảo hiểm khi đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn về giao kết hợp đồng điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm được trả lời, hoạt động giao kết hợp đồng bảo hiểm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Để tránh các vấn đề nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị đưa vào Luật GDĐT sửa đổi tất cả các quy định chung về giao kết hợp đồng điện tử, chỉ giao Chính phủ quy định các nội dung cụ thể nếu cần thiết.

Quy định về thanh toán điện tử

Luật GDĐT năm 2005 chưa quy định về thanh toán điện tử. Chính phủ đã ban hành các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP; Nghị định 16/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Bộ Tài chính đề nghị trên cơ sở tổng kết việc thực hiện các quy định của Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt, bổ sung các nội dung quy định về thanh toán điện tử vào Luật GDĐT sửa đổi.

Quy định về quản lý, phát triển tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ liên quan đến GDĐT

Luật GDĐT năm 2005 đưa ra khái nhiệm "người trung gian" (khoản 9 Điều 4 về giải thích từ ngữ), tuy nhiên, không quy định về quản lý, phát triển tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ liên quan đến GDĐT. Trong ngành Tài chính, các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ liên quan đến GDĐT được ứng dụng trong lĩnh vực thuế (tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực thuế, hay còn gọi là T-VAN), hải quan (đại lý hải quan), chứng khoán (công ty chứng khoán). Các tổ chức trung gian này được quy định hoạt động tại pháp luật chuyên ngành, trên cơ sở một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật chuyên ngành hoặc Luật Đầu tư năm 2014. Mỗi lĩnh vực chuyên ngành có yêu cầu khác nhau về điều kiện hoạt động của tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ liên quan đến GDĐT trong chuyên ngành đó.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định về quản lý, phát triển tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ liên quan đến GDĐT trong Luật GDĐT sửa đổi theo hướng: quy định các nội dung dịch vụ mà tổ chức trung gian được cung cấp; trách nhiệm của tổ chức trung gian; các điều kiện hoạt động của tổ chức trung gian (trường hợp tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ theo chuyên ngành cụ thể thì thực hiện theo các điều kiện quy định bởi pháp luật chuyên ngành).

Đối với quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong GDĐT, Bộ Tài chính đề nghị tham chiếu hệ thống pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước

Theo Bộ Tài chính hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật về Chính phủ điện tử (CPĐT). Các văn bản chỉ đạo thực hiện nội dung này hiện được ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công văn hướng dẫn của Bộ TT&TT. Để đảm bảo tính pháp lý của CPĐT, đề nghị bổ sung quy định về CPĐT (tiến tới Chính phủ số) trong Luật GDĐT sửa đổi.

Đánh giá các quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong GDĐT

Quy định của Luật GDĐT về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm khá chung chung, khó thực hiện trong thực tế. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cụ thể hóa nội dung này trong Luật GDĐT sửa đổi trên cơ sở thống nhất với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật GDĐT

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ thường xuyên ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và triển khai Chính phủ điện tử, trong đó đề ra các mục tiêu được lượng hóa và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các Bộ, ngành. Các Nghị quyết này cùng với việc đôn đốc thường xuyên của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động triển khai GDĐT trong khu vực cơ quan Nhà nước. Trên cơ sở kinh nghiệm này, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện đánh giá hàng năm kết quả triển khai GDĐT trong khu vực các cơ quan nhà nước và có Nghị quyết chỉ đạo kịp thời đối với nội dung này.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28/8/2018 về việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 16/9/2019), trong đó bao gồm thành lập Tổ công tác giúp việc Ủy ban. Bộ Tài chính kiến nghị: Bộ TT&TT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Tổ công tác nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện Luật GDĐT (mở rộng nội dung kiểm tra thực hiện CPĐT) trong thời gian tổng kết thực hiện Luật GDĐT năm 2005 và sau khi ban hành Luật GDĐT sửa đổi.

Thiết lập cơ chế "lắng nghe" phản hồi từ người dân, DN về việc triển khai, áp dụng các quy định về GDĐT và tình hình ứng dụng GDĐT, trong đó bao gồm các loại hình GDĐT mới. Trên cơ sở đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan tới GDĐT để đáp ứng, phù hợp với yêu cầu của thực tế. Cơ chế "lắng nghe" này có thể được thực hiện thông qua công tác quản lý của các cơ quan và thông qua các hiệp hội nghề nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực có tiềm năng tốt trong việc áp dụng GDĐT (trên phạm vi xã hội) trong việc nghiên cứu và thúc đẩy, áp dụng các loại hình GDĐT mới; tích hợp quy định thực hiện Luật GDĐT trong các Luật chuyên ngành.

Tài liệu tham khảo

1. Kiến nghị của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005.

2. Báo cáo và số liệu thống kê của Cục Tin học và Thống kê tài chính – Bộ Tài chính.

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 3+4 Tháng 5/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luật Giao dịch điện tử 2005: Cần sửa đổi đáp ứng phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO