Nhằm đảm bảo sự thông suốt và giữ vững độ tin cậy của chuỗi cung ứng, cũng như để giảm thiểu chi phí vận hành, các công ty đang buộc phải đánh giá lại mô hình kinh doanh của mình. Nhất là trong bối cảnh khách hàng đang tìm kiếm các quy trình tiên tiến, đơn giản, minh bạch, hiệu quả hơn và phải khác biệt.
Số hóa - trăn trở mới của các doanh nghiệp logistics
Trong hai thập kỷ qua, khi cách mạng Internet quét qua thế giới, cuộc sống hàng ngày của chúng ta "nhuốm" màu không gian kỹ thuật số. Thư điện tử gần như thay thế khối lượng thư vật lý, có thể giáng một đòn mạnh vào ngành logistics. Nhưng trên thực tế, nhiều gói hàng hơn bao giờ hết đang được vận chuyển khi mỗi ngày có đến 85 triệu gói hàng và tài liệu được chuyển đi khắp thế giới.
Tại Hội chợ Logistics và Vận tải diễn ra vào tháng 1/2019 tại Munich, Đức, số hóa đã trở thành chủ đề trọng điểm. Các dịch vụ số hóa của ngành logistics đã được trưng bày: chợ trực tuyến, nền tảng đặt chỗ và báo giá, công cụ quản lý đội xe, quản lý tài xế, đặt chỗ container, giám sát lượng khí thải carbon, quản lý container từ xa, theo dấu và theo dõi, tự động hóa, các thiết bị IoT.
Là thành viên hội đồng quản trị của Deutsche Bahn - công ty vận tải lớn thứ hai thế giới có trụ sở tại Berlin, Alexander Doll, phụ trách tài chính, vận tải hàng hóa và logistics, cho biết đầu tư vào công nghệ và cam kết cho một sản phẩm hoặc một nền tảng đều phải trả giá. Ông Doll phát biểu tại diễn đàn cấp cao ở Munich rằng số hóa sẽ mang lại cho khách hàng bức tranh minh bạch hơn về hàng hóa của họ, nhưng lại tác động đáng kể đến chi phí của nhà cung cấp dịch vụ.
Khi các ngành có liên kết chặt chẽ với logistics, chẳng hạn như bán lẻ, thương mại điện tử (TMĐT) được cách mạng hóa bằng công nghệ kỹ thuật số, logistics cũng theo đó buộc phải bắt kịp xu hướng. Điều khá thú vị trong lĩnh vực logistics là nền tảng kỹ thuật số có thể giúp cho các công ty nhỏ có cơ hội mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu và hoàn toàn cạnh tranh được những tên tuổi khổng lồ. Trong vài năm tới, cuộc chạy đua xây dựng nền tảng thống trị toàn cầu sẽ thay đổi trải nghiệm của khách hàng về dịch vụ logistics và sẽ là vấn đề trọng tâm trong việc xác định doanh nghiệp (DN) nào sở hữu phân mảng logistics kỹ thuật số thực sự.
Hầu như không có ngành nào mà số hóa đang thay đổi mô hình kinh doanh một cách triệt để như logistics. Với nhu cầu khách hàng ngày càng cao, giao hàng trong vòng 24h đã là tiêu chuẩn. Tuy nhiên, áp lực giá cao đồng nghĩa với việc cần có các quy trình ngày càng hiệu quả - các công ty không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Thị trường logistics số được dự báo tiếp tục tăng 8,2% giai đoạn 2020 - 2025 do công nghệ tiên tiến ngày càng được áp dụng nhiều hơn như một nỗ lực không ngừng để giảm chi phí. Logistics số đảm bảo khả năng hiển thị đầu cuối trên nhiều chức năng, như hàng tồn kho, đơn đặt hàng và lô hàng. Xu hướng số hóa đã mở đường cho các ứng dụng logistics đạt mức độ chuỗi cung ứng mới và được phát triển như một sự tích hợp cho các hệ thống quản lý kho hàng và vận tải cốt lõi để tạo ra các mô hình quy trình hiệu quả.
Sự hội tụ của logistics và công nghệ, cùng với các giải pháp hợp tác dựa trên đám mây, dẫn đến sự minh bạch trong chuỗi cung ứng. Khi công nghệ và công cụ phân tích dữ liệu phát triển, nhiều công ty logistics sẽ bắt đầu áp dụng các kỹ thuật mới để phân tích giá cước và điều chỉnh thời gian và độ dài của hợp đồng để giảm thiểu rủi ro.
Logistics số - những cái tên nổi bật
Mỹ La tinh là một trong những thị trường logistics kỹ thuật số hàng đầu, chủ yếu do sự phát triển của lĩnh vực TMĐT trong khu vực và xu hướng áp dụng dịch vụ kỹ thuật số ngày càng tăng trong ngành vận tải và logistics. Brazil ghi nhận là một trong những quốc gia có chi phí logistics cao nhất thế giới, chiếm đến 30% tổng chi phí cho vận chuyển, phân phối nói chung. Ngành TMĐT doanh thu từ thương mại điện tử chiếm 5% (300 tỷ đô la) thị phần bán lẻ Brazil. Năm 2018, Amazon mua lại một nhà kho rộng 50.000 m2 tại Brazil để mở rộng sự hiện diện tại khu vực. Tại Argentina, việc áp dụng ứng dụng đám mây ngày càng tăng, thị trường vận tải đường bộ của quốc gia này đang là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của logistics số, vì giúp các công ty logistics đạt được lợi thế cạnh tranh. Trị giá 120 tỷ đô la, vận chuyển bằng xe tải lên tới 150 triệu chuyến hàng năm đã tạo nên phạm vi rộng lớn cho các giải pháp logistics số.
Theo "Báo cáo Thị trường Dịch vụ Logistics - Dự báo đến 2027" do Market Research Future phát hành, doanh thu thị trường dịch vụ logistics toàn cầu đạt hơn một nghìn tỷ đô la vào năm 2019, tăng từ 900 tỷ đô la năm 2018 và dự kiến tăng trưởng với tốc độ 6,9%/năm trong giai đoạn dự báo 2019 - 2027, đạt hơn 2.000 tỷ đô la vào năm 2027.
Sự tăng trưởng này, một phần rất lớn là do quá trình số hóa và hiện đại hóa công nghệ của ngành. Các công ty khởi nghiệp - startups và những "chiến sĩ" phá băng kỹ thuật số đang mọc lên ở khắp mọi nơi, đặc biệt là ở các quốc gia hiện đại hóa, nơi việc áp dụng công nghệ và cải tiến cơ sở hạ tầng đang theo dõi tốc độ tăng trưởng của ngành. Ấn Độ chứng kiến dòng vốn 6,25 tỷ đô la vào lĩnh vực logisitics trong chỉ riêng nửa đầu năm 2019, gấp sáu lần so với số vốn huy động được năm 2018. Ngay cả ở châu Âu, với nền tảng cơ sở hạ tầng đã ổn định, cũng chứng kiến nguồn tài trợ tăng lên 2,622 tỷ đô la vào năm 2018, nhiều hơn một tỷ đô la so với năm trước.
Con số này lớn hơn nhiều lần, từ nay đến năm 2025, giá trị tiềm năng của ngành logistics cho các cộng đồng khai thác logistics lên đến 1,5 nghìn tỷ đô la và các công ty chấp nhận chuyển đổi số của ngành sẽ được hưởng 2,4 nghìn đô la lợi ích, theo phân tích của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Nhu cầu lớn về logistics được tạo ra do sự gia tăng của thương mại điện tử - lĩnh vực huy động 76,9 tỷ đô la đầu tư toàn cầu năm 2018.
Zencargo có trụ sở tại Luân Đôn đã huy động được 20 triệu đô la tài trợ để tạo bước tiến mới trong hoạt động kinh doanh giao nhận hàng hóa cực kỳ phức tạp. Sử dụng máy học và các công nghệ khác, công ty khởi nghiệp hi vọng sẽ thay thế các thủ tục giấy tờ vật lý và dữ liệu do các công ty vận chuyển lưu trữ để tạo ra nền tảng trung tâm cho phép các công ty vận chuyển nhanh hơn, đưa ra quyết định thông minh hơn và tăng lợi nhuận trên cơ sở dữ liệu thời gian thực. Mục tiêu cuối cùng là thu được một khoản ước tính 1,1 nghìn tỷ bảng Anh vốn bị mất đi từ sự kém hiệu quả của chuỗi cung ứng hiện tại.
Samsung SDS cung cấp Cello, một nền tảng logistics dựa trên công nghệ tiên tiến như IoT, Big Data, AI, Blockchain, để hỗ trợ phân tích và dự báo thông minh các sản phẩm tương tự. Nhiều nhà cung cấp cũng đã tích cực tung ra các dịch vụ về hệ thống theo dõi và quản lý đơn hàng. Ví dụ, Particle công bố hệ thống theo dõi triển khai IoT cho Logistics và Vận tải, chuỗi lạnh, và di động vi mô. Danh mục hệ thống theo dõi gồm phần cứng, phần mềm cho phép khách hàng theo dõi vị trí thời gian thực của các tài sản quan trọng đồng thời nắm bắt thông tin dựa trên nhiệt độ và gia tốc của thiết bị, phương tiện.
Tháng 5/2020, Tập đoàn Duetsche Post DHL đã công bố việc mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch toàn cầu và phát triển một nền tảng phần mềm với Blue Yonder trên đám mây của Microsoft để đẩy nhanh việc triển khai robot kho hàng.
Tháng 4/2019, Amazon đã tận dụng các trang web môi giới vận chuyển hàng hóa kỹ thuật số để cung cấp cho vận chuyển giao hàng và logistics bên thứ ba với mức phí thấp hơn 30% so với thị trường.
Ngày càng nhiều DN trên thị trường nhận ra tầm quan trọng của cải tiến kỹ thuật số và liên tục tham gia vào các mối quan hệ đối tác, hợp nhất và mua lại cũng như cung cấp sản phẩm mới. Tháng 7/2020, Coyote Logistics của Mỹ mở rộng chương trình Tối ưu hóa Tuyến đường Động của mình sau khi hợp lý hóa các hoạt động logistics, được xem là giải pháp tối đa hóa hiệu quả của các đội tàu, cung cấp cách thức vận chuyển nhất quán theo các tiêu chí thời gian bốc và dỡ hàng trung bình, chi phí thị trường, dải tần số dặm theo giờ. Tháng 5/2020, Oracle và Uber Freight hợp tác để tích hợp báo giá theo thời gian thực, một bước đi tiếp theo của hợp tác Đám mây Quản lý Vận tải Oracle trước đó.
Vận đơn hàng không điện tử (e-AWB) là bước đi quan trọng của ngành hàng không để tăng tốc số hóa. Đây là phiên bản kỹ thuật số được tiêu chuẩn hóa của Vận đơn hàng không bằng giấy hiện có. E-AWB cải thiện đáng kể hiệu quả trong việc theo dõi và xử lý dữ liệu hàng hóa cũng như tăng tính minh bạch, cải thiện bảo mật và giảm chi phí, sự chậm trễ. Đầu năm 2019, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tuyên bố e-AWB là hợp đồng vận chuyển mặc định, là quyết định tiên phong cho các hoạt động chuyển đổi số vận đơn cho các hãng hàng không lớn nhỏ trên thế giới.
Chuyển đổi số tăng cường tính minh bạch giữa nhà cung cấp logistics và khách hàng
Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI), các luồng phân tích và dữ liệu được hợp nhất sẽ dẫn đến những hiểu biết mới về dự báo nhu cầu, tối ưu hóa tuyến đường, quản lý rủi ro và dự đoán. Theo một nghiên cứu của Big Data Executive, điều này có thể giảm 49,2% chi phí và thúc đẩy đổi mới 44,3%. Không có gì ngạc nhiên khi 98% công ty logistics bên thứ ba tin rằng dữ liệu lớn là rất cần thiết cho sự thành công tiếp theo của họ. Hợp nhất các luồng dữ liệu liên quan đến thông tin thời tiết, giao thông và lô hàng sẽ dẫn đến tối ưu hóa tuyến đường theo thời gian thực, trong đó hàng hóa được chuyển động sang tuyến đường tối ưu khi các tình huống được phân tích chính xác đến từng phút. Phân tích của Infoholic Research cho hay, AI trong lĩnh vực logistics sẽ tăng 43% đến năm 2023, tương đương giá trị 6,5 tỷ đô la.
IoT cho phép thực tế mọi đối tượng được kết nối với Internet ở bất kỳ đâu, nghĩa là có thể truy xuất nguồn gốc đầy đủ và minh bạch từ người gửi hàng đến giao hàng. IoT được kỳ vọng sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ đô la cho ngành logistics. Các xe tải được kết nối thông minh sẽ thu thập dữ liệu về chuyển động và thời gian nhàn rỗi để lập kế hoạch tuyến đường động và tối đa hóa việc sử dụng đội xe, cũng như giảm chi phí bảo trì bằng cách theo dõi tình trạng xe.
Các công ty vận chuyển lớn như DHL đang thử nghiệm kết nối giữa các nhà kho, nơi các mặt hàng và thiết bị riêng lẻ có thể được gắn thẻ, chuyển tiếp thông tin liên tục về trạng thái, hoạt động và vị trí, cho phép hiển thị hiệu quả hơn khi thực hiện quy trình nhà kho. Các cảm biến được kết nối IoT sẽ theo dõi nhiệt độ và độ ẩm đối với hàng hóa nhạy cảm như thực phẩm và dược phẩm. Theo Frost & Sullivan, sử dụng IoT trong ngành vận tải đường bộ có thể cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và kiểm soát hàng hóa dẫn đến tăng lợi nhuận 10 - 15% hàng năm.
Người tiêu dùng giờ đây sẽ tiếp cận với cách thức đặt và giao hàng đơn giản hơn, bằng sử dụng các nút nhấn IoT như đã được Kwik của Úc triển khai, cho phép đặt hàng tự động các sản phẩm mới chỉ bằng một nút nhấn. Các vấn đề giao hàng đang tồn tại sẽ bị loại bỏ khi các thiết bị nhà thông minh ngày càng phổ biến, chẳng hạn như khóa thông minh cho giao hàng tận nhà mà không cần giám sát.
Sự tham gia đông đảo của nhiều công ty từ lĩnh vực công nghệ cao đẩy thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các đại lý giao nhận truyền thống. "Công cuộc tối ưu hóa" ngành vận tải trở nên rõ nét hơn với mục tiêu nâng cao mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ. Chẳng hạn một startup của Mỹ là Roambee đã làm việc với T-Systems để phát triển một dịch vụ theo dõi. "Các chú ong" nhỏ - tức là các thiết bị màu vàng được gắn vào các thùng chứa, bưu kiện hoặc xe tải để thu thập dữ liệu thông qua cảm biến khác nhau và gửi đến một nền tảng IoT trên đám mây. Roambee phân tích dữ liệu này và cũng liên kết thông tin từ hệ thống ERP hoặc các nguồn bên ngoài. Do đó, khách hàng không chỉ biết về nhiệt độ, độ ẩm trong container vận chuyển mà còn có thể đánh giá rủi ro của một tuyến đường cụ thể.
Roambee có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon (Mỹ), đã phản ánh sự nhanh nhạy của công nghệ để giải quyết các vấn đề rắc rối còn tồn đọng. Nền tảng logistics cảm biến của Roambee sử dụng các cảm biến IoT để thu thập dữ liệu, AI để cung cấp thông tin chi tiết và tầm nhìn xa cũng như tự động hóa quy trình bằng robot (PRA) để tự động hóa các hoạt động trong doanh nghiệp. Sự kết hợp công nghệ có một không hai này được thiết lập để cung cấp sức mạnh cho doanh nghiệp kỹ thuật số trong tương lai và Roambee hiện đang đi đầu trong lĩnh vực này.
Và đây là cách mà khách hàng có thể nhìn thấy toàn bộ quá trình thực hiện một sản phẩm, thông qua Blockchain. Công nghệ này giúp cho các cuộc kiểm toán trở nên minh bạch hơn và cũng cải thiện tính bảo mật bằng cách làm cho việc phát hiện ra hành vi gian lận nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Craig Fuller, Giám đốc điều hành của Blockchain trong Liên minh Vận tải (BiTA), Mỹ cho biết: "Blockchain là một công nghệ phù hợp lý tưởng với ngành giao thông vận tải, cho phép những tác nhân không quen biết hoặc chưa đạt được sự tin tưởng có thể tham gia vào chuỗi giá trị một cách tự nhiên". Blockchain có thể giúp các công ty trong chuỗi cung ứng thiết lập niềm tin lớn hơn và kích hoạt các hợp đồng thông minh, đồng thời thực hiện thanh toán kỹ thuật số an toàn hơn.
Tiếng vo ve nhè nhẹ thông báo sự xuất hiện của máy bay không người lái logistics. Trong vườn, khách hàng chỉ chờ đợi đơn hàng mà họ đã đặt trước đó một giờ. Máy bay không người lái hạ cánh an toàn trên bãi cỏ, khách hàng lấy gói hàng của họ ra và chiếc quadcopter khởi động lại và bay đi. Điều này có thể trở thành hiện thực? Theo một khảo sát của Hiệp hội Công nghệ Thông tin Liên bang Đức (Bitkom), phần lớn các công ty logistics tin rằng việc giao hàng bằng máy bay không người lái sẽ trở nên phổ biến trong tương lai không xa.
Còn đội ngũ xe tải sẽ biến mất khỏi đường cao tốc trong vòng 10 năm nữa, theo nghiên cứu "Kỷ nguyên số hóa vận tải" của Strategy & PwC. Các trình điều khiển phương tiện của con người sau đó sẽ chỉ được sử dụng trong các khu vực thành phố hoặc để giao hàng tại địa phương và chúng thậm chí có thể được thay thế sau 5 năm nữa. Đối với khách hàng và nhà cung cấp, đây là một sự phát triển đáng khen ngợi: vào năm 2030, các công ty hậu cần có thể giảm chi phí tới 33.000 Euro mỗi năm.
Công nghệ luôn là điều mà thế giới mong muốn theo đuổi, nhất là trong lĩnh vực hậu cần. Tuy nhiên thì chỉ có số ít tiên phong "kết bạn" với số hóa, chẳng hạn với kính dữ liệu. Công nghệ kính dữ liệu đã được công nhân kho của công ty sản xuất mỹ phẩm Babor ở Aachen, Đức dùng để thay thế phiếu đặt hàng và máy quét cầm tay. Họ nhận đơn đặt hàng trực tiếp trên kính bảo hộ thông qua wi-fi và xác định nơi đặt hàng. Bằng cách chạm vào kính bảo hộ, nhân viên kho khởi động máy quét tích hợp để đọc mã vạch của mặt hàng. Tay của họ tự do lấy hàng ra khỏi kệ. Đối với Babor, đây là một bước tiến đáng giá trong tương lai kỹ thuật số. Kính dữ liệu đã tiết kiệm 20% thời gian cho Babor.
Và kết lại, nhu cầu về ngành vận chuyển hiệu quả hơn sẽ không biến mất vì công nghệ luôn tồn tại và không ngừng cải tiến. Cuộc đua số hóa chỉ thuộc về những vị hiệp sĩ can đảm tiên phong xung trận và dám đương đầu với thử thách, hiểm nguy không thể đoán định trước.
Tài liệu tham khảo
1.https://www.joc.com/international-logistics/logistics-providers/digitalization-logistics-providers-invest-%E2%80%94-and-hope-best_20190606.html
2. https://www.mordorintelligence.com/industry-reports/digital-logistics-market
3. https://www.mordorintelligence.com/industry-reports/digital-logistics-market
4. https://www.morningfuture.com/en/article/2019/04/03/digital-transformation-logistics/588/
5.https://www.prnewswire.com/news-releases/roambee-raises-15-2m-to-help-shippers-monitor-and-automate-their-supply-chain-300993924.html
6. https://www.nextround.eu/blog/next-round-smart-cargo
7. https://www.orange-business.com/en/magazine/5-digital-trends-transforming-the-logistics-industry
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 13+14 tháng 10/2020)