Dịch chuyển lên đám mây, 5G cần tiếp cận bảo đảm ATTT theo cách mới

Lan Phương| 09/04/2021 10:45
Theo dõi ICTVietnam trên

5G và đám mây (cloud) là hạ tầng của hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai, nên hai công nghệ này sẽ đem lại các sản phẩm, dịch vụ mới, thay đổi ý thức, thói quen của người dùng và các tương tác trong xã hội.

Hai công nghệ tiên tiến cần triển khai

Tại sự kiện Security World 2021 vừa diễn ra, các chuyên gia về ICT đã nhận định 5G, đám mây (cloud) là những công nghệ tiên tiến, cần tiếp cận triển khai, cũng như bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) theo cách thức mới. Theo ông Phan Thái Dũng, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 5G và cloud được NHNN xác định là công nghệ tiên tiến và việc ứng dụng hai công nghệ này sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí.

Theo khảo sát của NHNN có 43% tổ chức tín dụng đã sử dụng cloud và triển khai các hạ tầng cho thuê, sử dụng dịch vụ kiểm thử, đào tạo, một số ứng dụng quản trị khách hàng, nghiệp vụ khác cũng chuyển lên đám mây. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến 2030 cũng xác định mục tiêu đến 2025 sẽ có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng cloud và năm 2030 là 100% các tổ chức sử dụng.

Dịch chuyển lên đám mây, 5G cần tiếp cận bảo đảm ATTT theo cách mới - Ảnh 1.

Trong lĩnh vực truyền hình, ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết 5G và cloud có tác động lớn, phục vụ đắc lực cho công tác sản xuất, điều hành, quản trị, cung cấp dịch vụ và làm việc từ xa. Ứng dụng cloud đã là xu hướng của truyền hình toàn thế giới. Với chính phủ điện tử thì tương lai của chúng ta sẽ là di động chiếm ưu thế, do đó, 5G sẽ quyết định việc kết nối này.

"Khi cung cấp các dịch vụ chính phủ điện tử, dịch vụ công, cloud và 5G sẽ giải quyết được vấn đề kết nối và trải nghiệm cho người dùng. VTV đã cung cấp nội dung trên Internet và cung cấp cả ra nước ngoài nên không có cloud thì sẽ không thể phân phối được trên các nền tảng, theo vị đại diện của VTV", ông Vĩnh cho hay.

Cho biết thêm về nhu cầu dịch vụ đám mây ở Việt Nam, ông Lê Trung Thành, Giám đốc số của IDG Việt Nam cho biết chuyển lên đám mây đang là nhu cầu cấp thiết của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam khi muốn tăng khả năng xử lý, tính toán như trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài nguyên môi trường…

Một số thách thức triển khai cloud, 5G

Các chuyên gia ICT nhận định việc triển khai 5G, cloud là xu hướng không thể đảo ngược, tuy nhiên, thách thức mà hai công nghệ này mang lại cần xem xét ở nhiều góc độ khác nhau.

Về góc độ triển khai thì 5G và cloud đều đòi hỏi chi phí lớn, do đó, đặt ra vấn đề về đảm bảo nguồn lực và điều này phụ thuộc vào thể chế. Theo ông Dũng, Luật đầu tư năm 2020 và có hiệu lực vào đầu năm 2021, tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều vướng mắc do còn thiếu các Nghị định nên phương thức vận dụng triển khai thuê dịch vụ CNTT nhất là cloud trong khu vực nhà nước sẽ chưa được thuận lợi theo một số hình thức.

Còn theo góc độ an toàn thông tin (ATTT), các chuyên gia ATTT cho biết 5G, cloud cũng mang lại nhiều thách thức về ATTT và đảm bảo dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân cùng nhiều vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Năm 2020, Bộ TT&TT có văn bản hướng dẫnbộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử nhưng kỹ thuật luôn phát triển rất nhanh.

Còn về góc độ con người, ông Dũng cho hay chúng ta luôn luôn phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dùng ở mọi đối tượng. Trong câu chuyện về vấn đề ATTT, một vấn đề nữa đó là việc lựa chọn nhà cung cấp thiết bị cũng là một trong những thách thức phải tính đến.

Ông Dũng cũng nhận định 3 thách thức lớn nhất khi triển khai đám mây đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng là trách nhiệm giữa các bên trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu của khách hàng (nhất là khi triển khai mô hình thuê dịch vụ CNTT); đảm bảo hoạt động liên tục cũng như các vấn đề pháp lý, đền bù cho khách hàng như thế nào khi có sự cố và tuân thủ các quy định văn bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân khi đưa dữ liệu cá nhân lên cloud với đối tác nước ngoài, theo đó cần được quy định rõ ràng.

Thúc đẩy triển khai đi cùng với bảo đảm ATTT

Để thúc đẩy triển khai 5G, cloud, ông Võ Mạnh Linh, Cục Kiểm soát Thủ tục, Văn phòng Chính phủ cho rằng phải thúc đẩy cả cung - cầu. Nếu các nhà cung cấp dịch vụ càng đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới thì người dùng có nhiều lựa chọn hơn. Trong khi người dùng cũng cần được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản phẩm dịch vụ mới để tăng nhu cầu sử dụng.

Còn về 5G, chính phủ đã có một số chủ trương chính sách khuyến khích sản xuất, nội địa hóa nhất là các thiết bị 5G. Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đã giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT tự chủ về sản xuất thiết bị mạng đầu cuối.

"Hiện rất mừng là Việt Nam sản xuất được các thiết bị, điện thoại 5G", ông Linh cho biết.

Dịch chuyển lên đám mây, 5G cần tiếp cận bảo đảm ATTT theo cách mới - Ảnh 2.

Còn nhìn từ góc độ thể chế, ông Linh cho rằng còn nhiều vấn đề phải làm để thúc đẩy 5G và cloud. Về thuê dịch vụ thì Bộ TT&TT đã có một số văn bản nhưng vẫn còn một số vướng mắc nhất định khi triển khai. "Chúng tôi kỳ vọng các quy định về định danh xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân… sẽ được trình và ban hành vào quý II năm nay. Khi hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện thì câu chuyện đảm bảo ATTT và thúc đẩy sử dụng 5G, cloud ngày càng được đẩy mạnh".

Đồng quan điểm, theo ông Phan Thái Dũng, để thúc đẩy việc sử dụng thì quan trọng nhất là vấn đề pháp lý. Bộ TT&TT đã có các văn bản hướng dẫn liên quan. Chính phủ đã ban hành danh mục bí mật nhà nước trong các lĩnh vực đã được Chính phủ ban hành. Ngành ngân hàng cũng ban hành các quy định về bảo mật trong lĩnh vực ngân hàng. Như vậy, về pháp lý bảo đảm ATTT đã có tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề an ninh bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài cũng là các vấn đề khó khăn, cần tháo gỡ khi triển khai trong thực tiễn.

Chia sẻ thêm một khía cạnh về triển khai 5G, ông Trần Viết Tâm, Fortinet cho biết có nhiều dịch vụ cần triển khai cùng 5G bởi nó không chỉ là dịch vụ di động thông thường như ngày nay mà còn có các dịch vụ IoT, xe tự lái… là các dịch vụ đòi hỏi độ trễ thấp và băng thông cao.

Từ đơn vị bảo mật Palto Networks, ông Trần Quốc Đạt cho biết mục tiêu của 5G cũng như đám mây là tăng tốc xử lý dữ liệu, tăng tốc độ kết nối, theo đó, khi chúng ta kết nối càng nhanh, càng rộng thì quan trọng nhất trong bảo mật là làm sao có khả năng giám sát một cách toàn diện, tức là không chỉ trên PC mà khi phân tán trên hạ tầng cloud, di động hoặc thậm chí 5G. "Chúng ta lúc nào cũng cần khả năng giám sát và phát hiện tấn công một cách nhanh nhất".

Còn chuyên gia Đoàn Quang Hoà, IBM Việt Nam cho biết chúng ta hiện nay vẫn được thông tin những hacker tấn công đánh cắp dữ liệu rất nhanh nên là khi chúng ta triển khai giải pháp thông thường như hiện tại cho trung tâm dữ liệu thì không hiệu quả nên phải triển khai nhiều giải pháp để tự động hoá.

"Những gì đang làm trong data center này thì nay di chuyển lên đám mây làm sao phải chuyển đổi từ những quy trình thông thường thành tự động hoá, có nghĩa là chúng ta bắt kịp nhanh hơn với những cuộc tấn công trên "mây". Đây là điều IBM tập trung ở thị trường Việt Nam trong khoảng 2 năm vừa qua. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số các cơ quan nhà nước khác cũng đang tiếp cận khi đảm bảo ATTT", ông Hòa cho hay.

Về tổng thể có thể nhận định, các cơ quan nhà nước, khối dịch vụ công đều xác định rõ được lợi ích và chuyển dịch sang môi trường 5G, cloud và chuẩn bị tích cực cho việc chuyển đổi nhưng vẫn còn những quan ngại, nhất là các hệ thống thông tin quan trọng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dịch chuyển lên đám mây, 5G cần tiếp cận bảo đảm ATTT theo cách mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO