Hoà Bình tiết kiệm lớn khi đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, gửi nhận văn bản điện tử

HL| 20/05/2021 10:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong giai đoạn 2018 - 2020, việc ứng dụng chữ ký số (CKS) trong văn bản điện tử, giao dịch điện tử đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan tỉnh Hoà Bình.

Việc triển khai cũng giúp công khai, minh bạch quá trình xử lý công việc và góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh Hòa Bình.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện, thông qua việc triển khai ứng dụng CKS chuyên dùng vào các ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), kiến trúc CQĐT của tỉnh; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phổ biến, triển khai, đôn đốc thực hiện các văn bản quy định trong việc sử dụng CKS đến các đơn vị, địa phương, nhằm đảm bảo việc sử dụng CKS đúng quy định. Đồng thời, tỉnh cũng đã cụ thể hóa quy định về việc quản lý, sử dụng CKS chuyên dùng.

Mở rộng ứng dụng CKS chuyên dùng đến các cơ quan, đơn vị cấp xã

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã tập trung vào việc mở rộng triển khai ứng dụng CKS chuyên dùng đến các cơ quan, đơn vị cấp xã, các đơn vị giáo dục, y tế trên địa bàn tỉnh. Kết quả, tỉnh cũng đã mở rộng cấp chứng thư số đến các các xã, phường thị trấn và các đơn vị cấp 2, 3 trực thuộc các đơn vị cấp tỉnh (bao gồm các đơn vị thuộc ngành giáo dục, y tế).

Tổng số thuê bao cấp trong giai đoạn này là 3.465 chứng thư, nâng tổng số chứng thư số hiện nay của tỉnh thành 3.994 (bao gồm 960 chứng thư số cho tổ chức và 3.034 chứng thư số cho cá nhân, trong đó có 27 chứng thư số là sim PKI để ký số trên thiết bị di động).

Trong trao đổi văn bản điện tử, các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã (bao gồm các đơn vị cấp 2, 3) đã sử dụng chứng thư số chuyên dùng để ký số đảm bảo giá trị pháp lý cho văn bản điện tử và thực hiện gửi - nhận văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

Đến nay, 100% văn bản của tỉnh (không bao gồm văn bản mật) được gửi bản điện tử; trong đó, trên 70% văn bản gửi điện tử hoàn toàn, số còn lại được gửi song song bản điện tử và bản giấy.

Việc sử dụng văn bản điện tử đã giúp các đơn vị, địa phương tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm và chi phí phát hành văn bản. Theo ước tính từ năm 2018 đến nay, số kinh phí tiết kiệm toàn tỉnh trung bình mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Quan trọng hơn, việc chỉ đạo, điều hành của các đơn vị được nhanh chóng, kịp thời, minh bạch và hiệu quả.

Về ứng dụng CKS trong trao đổi thư điện tử công vụ, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được tích hợp tính năng gửi thư điện tử gắn kèm CKS, nhằm tăng tính bảo mật tài khoản thư, tăng mức độ tin cậy cho thư gửi đi.

Ứng dụng trên hệ thống Công báo điện tử của tỉnh, 100% văn bản cung cấp trên hệ thống công báo được ký số, đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử và có chức năng xác thực chữ ký số trên hệ thống một cách thuận tiện cho người sử dụng. Qua đó, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống công báo điện tử.

Hoà Bình tiết kiệm lớn khi đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, gửi nhận văn bản điện tử - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: dangcongsan.vn)

Trong giao dịch bảo hiểm xã hội (BHXH), thuế điện tử, từ năm 2018, đáp ứng yêu cầu của BHXH Việt Nam, Tổng cục thuế về đẩy mạnh giao dịch điện tử, tỉnh đã giao Sở TT&TT đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị, địa phương sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử với BHXH và thuế các cấp. Đến nay, hầu hết các đơn vị, địa phương đã sử dụng chứng thư số chuyên dùng được cấp trong các giao dịch này.

Trong giao dịch DVCTT Kho bạc nhà nước, từ năm 2019, thực hiện theo lộ trình của Kho bạc Nhà nước, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện giao dịch dịch vụ công trưc tuyến của Kho bạc nhà nước đúng quy định. Sở TT&TT đôn đốc, hỗ trợ khai báo, sử dụng chứng thư số chuyên dùng cho kế toán, chủ tài khoản các đơn vị. Đến nay, các đơn vị dự toán đã sử dụng thành công chứng thư số chuyên dùng trong giao dịch với kho bạc bạc nhà nước. Tỷ lệ giao dịch điện tử năm 2020 đạt khoảng 99%.

Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành đã ứng dụng CKS chuyên dùng để xác thực các hệ thống thông tin báo cáo chuyên ngành, phần mềm chuyên ngành (hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ với Văn phòng UBND tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo và hệ thống cấp giấy phép lái xe qua mạng của Bộ Giao thông Vận tải...).

Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng chứng thư số trong giao dịch điện tử, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn sử dụng CKS cho hơn 600 cán bộ là lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo văn phòng, cán bộ văn thư và cán bộ phụ trách CNTT của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức riêng 01 lớp hướng dẫn cài đặt và sử dụng cho cán bộ phụ trách CNTT của các cơ quan nhà nước (CQNN) nhằm đảm bảo việc triển khai thuận lợi tại các cơ quan, đơn vị. Qua đó, việc sử dụng chứng thư số trong hoạt động của các CQNN đã trở thành thói quen mới về giao dịch điện tử và làm việc hoàn toàn trên môi trường mạng.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, với việc đẩy mạnh ứng dụng CKS, tỉnh đã tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ nhờ trao đổi văn bản điện tử. Theo ước tính, từ năm 2018 đến nay, với khoảng hơn 1 triệu lượt gửi văn bản mỗi năm, ước tính kinh phí văn phòng phẩm (giấy, mực, phí bưu điện) tiết kiệm được hàng năm hàng chục tỷ đồng.

Việc triển khai đầy đủ chứng thư số chuyên dùng cho các đơn vị, địa phương cũng góp phần cho tỉnh Hòa Bình đảm bảo điều kiện sẵn sẵn sàng cho bước tiếp theo của xây dựng CPĐT là xây dựng Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Định hướng phát triển CQĐT tỉnh Hòa Bình

Trong Kiến trúc CQĐT của tỉnh phiên bản 2.0, UBND tỉnh Hòa Bình đã nêu rõ các định hướng phát triển CQĐT của địa phương, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT; Xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CQĐT tỉnh phù hợp với xu thế phát triển CQĐT; Xây dựng CQĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân.

Việc xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Hòa Bình giúp lãnh đạo tỉnh có cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai CQĐT kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đặc biệt, khi việc triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tại tỉnh Hòa Bình ngày càng được phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng.

Theo đó, để hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT, tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung xây dựng Nghị quyết, đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển ứng dụng CNTT tỉnh, phát triển chính quyền số các cấp; thử nghiệm phát triển dịch vụ đô thị thông minh; xây dựng, cập nhật bộ mã định danh điện tử các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quy định, đảm bảo phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL)...

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm xây dựng CQĐT gắn kết với bảo đảm ATTT, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, song song với việc tăng cường hoạt động bảo đảm an toàn cho hệ thống CNTT của tỉnh, Hòa Bình sẽ tập trung triển khai dịch vụ chứng thực điện tử CKS cho các hệ thống thông tin. Đặc biệt là, triển khai giải pháp ký số từ xa, trên thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp (DN), cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn 2021 - 2025.

Một mục tiêu cụ thể đặt ra trong phát triển CQĐT tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 là xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng bước đầu cho thành phố thông minh, xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh (giao thông, y tế, điện...); kiểm tra giám sát toàn bộ chất lượng hệ thống ứng dụng CNTT trên toàn tỉnh.

Cũng đến năm 2025, 40% số lượng người dân và DN tham gia hệ thống CQĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 60% các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia không phải cung cấp lại...

Ngày 22/4/2021 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký văn bản số 516/TTg-KSTT về việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa và xây dựng CPĐT phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, Tiếp tục mở rộng việc sử dụng văn bản điện tử (trừ văn bản mật), CKS, xử lý công việc trên môi trường điện tử, bảo đảm đồng bộ trong triển khai, thực hiện ở cả 4 cấp chính quyền, không gửi kèm bản giấy, thực hiện lưu trữ điện tử và hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2021;

Các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng các chế độ báo cáo điện tử của bộ, ngành, địa phương theo yêu cầu tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; Rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tại các Hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành cũng như các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương để tích hợp với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hiển thị theo thời gian thực;

Các bộ, ngành, địa phương cũng thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi, cắt giảm chi phí trước khi xây dựng, hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại bộ, ngành, địa phương để tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoà Bình tiết kiệm lớn khi đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, gửi nhận văn bản điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO