Kinh tế số và Việt Nam (phần 2)

TS. Võ Trí Thành| 07/10/2020 08:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Phần 1 của bài báo đăng số Tạp chí TT&TT tháng 8/2020 đã tổng kết bản chất nền kinh tế số, cơ chế vận hành cũng như những khó khăn thách thức trong quá trình triển khai, điều hành. Phần 2 sẽ tiếp tục chuyển tải các vấn đề về sự cấp thiết cũng như tác động của kinh tế số tới Việt Nam.

Cơ hội bứt phá của toàn bộ nền kinh tế

Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong hơn 30 năm Đổi mới là ấn tượng. Thách thức cải cách, phát triển cũng rất lớn. Nguy cơ "tụt hậu", "rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp" vẫn hiện hữu.

Việt Nam đang ở thời điểm cần đột phá phát triển. Cùng cải cách thể chế theo hướng xây dựng thị trường hiện đại và một nhà nước kiến tạo, tri thức và sáng tạo phải trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Nhận diện bản chất của CMCN 4.0 và kinh tế số, nắm bắt đúng thời cơ trong bối cảnh mới, có những lựa chọn chiến lược thích hợp để dấn bước nhanh chóng vào tương lai - đó thực sự là yêu cầu, là mệnh lệnh đối với Việt Nam. Con đường phát triển không ít chông gai; thách thức trước mắt rất lớn. Song với một Việt Nam có khát vọng "bắt kịp", "tiến cùng" thời đại, thì không thể có cách suy nghĩ và lựa chọn khác.

Việt Nam được đánh giá là đất nước có những tiền đề, nhiều lợi thế trong thực hiện CMCN 4.0 và phát triển kinh tế số. Đó là "lợi thế người đi sau", nhận thức, ý chí chính trị; mức độ số hóa nền kinh tế, nguồn nhân lực và hành động của nhiều doanh nghiệp.

Song thách thức cũng rất lớn và chúng nằm trong mọi chiều cạnh được nhìn nhận tích cực. Cả màu "sáng" và "xám" đan xen nhau, có thể chuyển hóa lẫn nhau và đó là lý do vì sao cơ hội có thể biến thành thách thức và ngược lại.

Kinh tế số và Việt Nam - Ảnh 1.

Đã có không ít nghiên cứu, báo cáo, đưa ra những kiến nghị để đưa Việt Nam bước lên con tàu CMCN 4.0 và chuyển đổi số, và nhờ đó tạo ra được bứt phá tăng trưởng và phát triển kinh tế (Bộ KH-ĐT 2017; CIEM 2018; Cameron và cộng sự 2019, ….). Về cơ bản, những nội dung kiến nghị đưa ra đều khá "chụm". Đó là, trong tiến trình chung của sự nghiệp đổi mới, xây dựng thị trường hiện đại, hội nhập sâu rộng và một nhà nước kiến tạo, cần phải tạo dựng khung khổ làm nền tảng cho hệ thống kinh tế mới về chất, coi đó là những ưu tiên chiến lược.

Khung khổ nền tảng cho hệ thống kinh tế mới bao gồm:

Cải cách thể chế (thiết lập qui chế điều tiết kinh doanh trên nền tảng số; tạo không gian thể chế, có thể là thử nghiệm, cho sáng tạo công nghệ, cách thức vận hành kinh doanh như "sandbox"; nâng cao pháp luật và thi hành pháp luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ; xây dựng chính phủ điện tử/ chính phủ số…);

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo (chính sách khuyến khích/ thúc đẩy sáng tạo [8], thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tạo dựng Hệ thống sáng tạo quốc gia (NIS) lấy doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia);

Phát triển nguồn nhân lực (đổi mới hệ thống giáo dục tạo kỹ năng mới, nhất là bậc đại học và dạy nghề; phát triển nhân lực ICT và nhân lực số, đại chúng, kỹ sư và cả lực lượng "tinh hoa"; thu hút nhân tài gắn với hình thành mạng kết nối tài năng, tri thức Việt trên khắp thế giới; đào tạo lại tư duy và kỹ năng cho cán bộ, công chức bộ máy nhà nước);

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng (nâng cấp hạ tầng IT và đảm bảo an toàn an ninh mạng; hình thành cơ sở dữ liệu thông tin mở quốc gia, chuẩn dữ liệu;…)

Cùng với đó là việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và vai trò doanh nghiệp Việt. Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên không đơn giản do hạn chế nguồn lực, cả phí tổn sai lầm chính sách có thể rất lớn, và vì vậy cần có những lý giải thấu đáo. Nguyên tắc lựa chọn cần tính đến các yếu tố sau: (i) lợi thế so sánh; (ii) tiềm năng thực hiện CMCN 4.0, "số hóa" và tốc độ tăng trưởng; (iii) khả năng thúc đẩy sáng tạo cùng hiệu ứng lan tỏa; và (iv) ý nghĩa tạo nền tảng cho kêt cấu hạ tầng số.

Tận dụng tối đa lợi thế so sánh

Việt Nam thực sự được thừa nhận có lợi thế so sánh và chuyển được thành lợi thế cạnh tranh động ngay cả với bối cảnh mới trong không ít ngành truyền thống. Đó là nông nghiệp cây trồng và thủy sản, ICT, một số cụm liên kết ngành trong công nghiệp (dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử), du lịch. Điểm đáng lưu ý là theo dự báo của CIEM (2018), nếu thực hiện tốt CMCN 4.0, nhiều ngành vừa nêu có thể có giá trị tăng thêm cao như: công nghiệp chế tác: đến 14 tỷ USD; nông nghiệp: 4,9 tỷ USD (truyền thống) và 1,7 tỷ USD (nông nghiệp thông minh); thông tin và truyền thông: 2,5 tỷ US.

Dự báo, dù đánh giá còn thấp, cũng phần nào cho thấy các lĩnh vực mới trong CMCN 4.0 và kỷ nguyên số trở nên ngày càng có vị thế trong nền kinh tế (Bảng 1).

Kinh tế số và Việt Nam - Ảnh 2.

Bảng 1 – Dự báo doanh thu của các lĩnh vực mới (năm 2030) (Nguồn: CIEM, 2018)

Quan trọng hơn, các ngành khác cũng hưởng lợi đáng kể nhờ thực hiện CMCN 4.0 và chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển sản phẩm dịch vụ mới. Kết quả dự báo theo ngành, lĩnh vực nhiều hàm ý đáng lưu tâm: Một là, những ngành có lợi thế so sánh truyền thống hoàn toàn có khả năng dành lợi thế cạnh tranh động trong dài hạn nhờ hiệu ứng "phản hồi" công nghệ cao và "số hóa"; Hai là, tác động lan tỏa của thúc đẩy CMCN 4.0 đối với toàn bộ nền kinh tế là rất có ý nghĩa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ICT và sự phát triển các hình thức kinh doanh mới trong kinh tế số; Ba là, theo dự báo, tổng số việc làm tạo ra sau thay đổi lớn hơn lao động mất việc làm (việc làm giảm trong ngành dệt may, da giày), ít nhiều tạo thuận lợi cho việc thực thi chính sách xã hội, dù cách ứng xử có tính đến đặc thù mỗi ngành và người lao động [9].

Lựa chọn công nghệ ưu tiên

Một lĩnh vực lựa chọn ưu tiên đang gây không ít tranh cãi là công nghệ. Do công nghệ hiện đang thay đổi đến "chóng mặt", nhiều nhà kinh tế khá thận trọng với chính sách "chọn công nghệ thắng cuộc" như đã từng thấy đối với chính sách "chọn ngành thắng cuộc" trước đây. Tuy nhiên, trên cơ sở nhìn nhận tốt nhất có thể về xu hướng công nghệ, nhu cầu thế giới và đặc biệt là khả năng ứng dụng hay tạo đầu kéo tăng trưởng đối với nhiều ngành, nhiều nước trong chiến lược phát triển của mình vẫn có lựa chọn công nghệ trọng tâm/ưu tiên.

Với Việt Nam, phải chăng đó là công nghệ trong ICT như: 5G/6G, AI; IoT (cảm biến sensors cùng phần mềm), vật thể dịch chuyển (moving objects)? Một số nước như Hàn Quốc xem "thành phố thông minh" không chỉ tạo điều kiện đáng sống nhất cho người dân mà còn là một "sản phẩm" thúc đẩy sáng tạo, "số hóa", phát triển công nghệ cao và làm đầu kéo tăng trưởng cho nhiều ngành khác. Nhiều thành phố Việt Nam đang xây dựng mô hình thành phố thông minh cũng cần có cách tiếp cận đó.

Hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh

Đằng sau mọi câu chuyện lĩnh vực lựa chọn, tăng trưởng và phát triển trong CMCN 4.0 và chuyển đổi số chính là doanh nghiệp. Thắng, thua, thành bại cũng ở doanh nghiêp - một lực lượng ngày càng năng động với sự trưởng thành của nhiều thế hệ doanh nhân. Cùng với đó là một tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp mạnh mẽ. Hiện có gần 800.000 doanh nghiệp tư nhân. Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng từ 1.800 năm 2016 lên khoảng 3.000 vào năm 2018.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể về khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn là "lượng nhiều, chất yếu". Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đăng ký theo luật [10] hoạt động vào năm 2020 có thể đạt hay không đạt, điều đó không quá quan trọng. Vấn đề then chốt hiện nay là làm sao doanh nghiệp Việt Nam thực sự lớn lên được và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước.

"Lớn" là phải làm chủ và sáng tạo công nghệ, là phải có thương hiệu có sức cuốn hút, dần được thế giới ghi nhận, và có thể chi phối được mạng phân phối. "Lớn" là phải đủ khát vọng, đủ bản lĩnh, chuyên nghiệp và đủ sức cạnh tranh trong 'sân chơi' toàn cầu. "Lớn" chưa hẳn lệ thuộc vào qui mô dù qui mô là một nhân tố cần tính đến. Như thời gian đã chỉ ra, 'tuổi thọ' trung bình của 500 doanh nghiệp tên tuổi nhất thế giới đã giảm từ 60 năm xuống còn 15 năm. Nếu không thay đổi, không thích ứng, không đổi mới, thì ngay các doanh nghiệp tên tuổi cũng có thể "chết yểu". Kinh tế lấy cộng đồng/đại chúng làm trung tâm (crowd-centred economy) đang nổi lên cùng kinh tế lấy công ty làm trung tâm (firm-centred economy).

Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của doanh nghiệp cùng cách hỗ trợ thích hợp, thiết thức của nhà nước có ý nghĩa quyết định để doanh nghiệp ngày càng trưởng thành. Nắm bắt xu hướng, thời cuộc và cơ hội, nhiều tập đoàn, công ty Việt Nam đang chuyển lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dồn nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ, "chất xám", kỹ năng mới, và công cuộc chuyển đổi số. Trên nguyên tắc cạnh tranh, đảm bảo cam kết quốc tế, nhất là trong các FTA, chính sách hỗ trợ các tập đoàn, công ty như vậy phải là "hỗ trợ người thắng cuộc" (qua kết quả thị trường phản ánh) chứ không phải là "lựa chọn người thắng cuộc".

Rào cản cho sự lớn mạnh còn xa so với kỳ vọng của khu vưc tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), như Báo cáo Việt Nam 2035 đã chỉ ra, là những yếu kém trong đảm bảo quyền tài sản, một "sân chơi" cạnh tranh không công bằng, sự méo mó của các thị trường nhân tố sản xuất (vốn, đất đai, lao động, công nghệ) cũng như việc tiếp cận khó khăn các nguồn lực đó và chi phí giao dịch cao. Trở ngại còn nằm ở chính sự yếu kém của bản thân doanh nghiệp cả về hiểu biết phát luật và thị trường, tầm nhìn phát triển và đặc biệt là khả năng kết nối, hợp tác trong sản xuất kinh doanh và trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng chính là những "yếu huyệt" mà chính sách phải hướng tới trong hỗ trợ các SME.

Suy cho cùng, sáng tạo luôn gắn với cá nhân, và trong nhiều trường hợp bắt nguồn từ chính các SME và các doanh nghiệp khởi nghiêp sáng tạo. Tinh thần kinh doanh vô cùng quan trọng, nhưng chưa đủ; rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả, trong đó đặc biệt lưu ý đến vai trò then chốt của vốn đầu tư mạo hiểm cùng điều kiện rút vốn, tư vấn có kinh nghiệm và những "vườn ươm công nghệ"/trung tâm sáng tạo kết nối tốt bộ ba hỗ trợ tài chính, R&D và thiết lập mạng lưới hợp tác [11]. Cùng với đó là việc bảo đảm tốt quyền sở hữu trí tuệ và thiết lập những qui chế/điều tiết tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Doanh nghiệp Việt Nam chính là Chúng Ta, và vì vậy cần phải có trách nhiệm đặc biệt đối với sự lớn lên của khu vực này. Một khu vực tư nhân năng động, có sức cạnh tranh cao, luôn có khát vọng đổi mới sáng tạo và "lớn" là một bảo đảm vững chắc cho sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam. Thành công phụ thuộc vào cải cách thể chế và hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ thích hợp.

Kết luận

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong thời đại CMCN 4.0 và chuyển đổi số là một quá trình chuyển đổi khó khăn, đòi hỏi đồng thời cả "thoát cũ" và "xây mới". Chi phí chuyển đổi không nhỏ, dù gánh nặng di sản quá khứ có thể không lớn như ở các nước phát triển hơn. Điều này đúng với Việt Nam - đang ở vào thời điểm phát triển có tính bước ngoặt, với khát vọng "vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp" để nhanh chóng "bắt kịp" và "tiến cùng" thời đại.

Nhận thức của Việt Nam đã rõ, quyết tâm chính trị cao: Việt Nam không thể bỏ lỡ cơ hội vàng mà "con tàu CMCN 4.0 và chuyển đổi số" mang đến. Tiềm năng phát triển lớn. Việt Nam đang sở hữu những tiền đề rất cơ bản, dù chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, để thực hiện CMCN 4.0, thúc đẩy kinh tế số, tạo đột phá tăng trưởng và phát triển. Trở ngại về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, và khiếm khuyết của bản thân doanh nghiệp là rất lớn, song Việt Nam và doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể khắc phục, giảm thiểu được chúng. Kinh nghiệm hơn 30 năm đổi mới, cải cách và hội nhập với biết bao thăng trầm, là minh chứng sinh động nhất để khẳng định điều đó. Trong bối cảnh mới, cùng sự tự tin, tư duy khoa học, cách tiếp cận thực tiễn, Việt Nam cần tốc độ và sự quyết liệt, cả trong nhận thức, cả trong xây dựng chiến lược và trong hành động [12].

Tài liệu tham khảo

8. Makiyama, Lee (2019), "Platform Business and Protection of Personal Information - Cases of the EU, the United States and China", Presentation at the ERIA-IDE JETRO Roundtable on "New Global Era of Digital Economies", Jakarta, 30 January

9. APEC Policy Support Unit (2018). APEC Regional Trends Analysis: The Digital Productivity Paradox, Singapore, November.

10. Ciuriak, D. (2018), "The Economics of Data: Implications for the Data-driven Economy", Centre for International Governance Innovation CIGI, 5 March.

11. Le Ngoc Quang (2018), "Tối ưu hóa chuỗi cung ứng: Bạn bắt đầu từ đâu?", Báo cáo tại Diễn đàn "Tối ưu hóa Chuỗi cung ứng & Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp", Hà Nội 21/ tháng 8.

12. Viện NC quản lý kinh tế TƯ (CIEM; 2018). "Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0: Đánh giá và đề xuất chính sách", Báo cáo, Hà Nội, tháng 11.

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11+12 tháng 9/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế số và Việt Nam (phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO