Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ vừa tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020 (APCI 2020).
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát DN tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích bức tranh chân thực và sinh động về chi phí mà DN phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tiếp nối mạch đánh giá này, APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình DN trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: Đầu tư; Giao dịch thương mại qua biên giới; Khởi sự DN/Đăng ký kinh doanh; Môi trường; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đất đai; Xây dựng; Thuế và Kiểm tra chuyên ngành.
APCI 2020 được khảo sát tại 63 địa phương
Phát biểu về mục đích, ý nghĩa Chỉ số APCI và những thông điệp cải cách từ APCI 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho DN là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Với quan điểm xây dựng "Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động" và cách tiếp cận "lấy người dân, DN làm trung tâm của quá trình cải cách, phát triển", Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành các Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy hiệu quả cải cách được Chính phủ giao Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết 02 đó là thực hiện khảo sát, nghiên cứu và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC (APCI).
Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng cho biết, năm 2020 với nhiều khó khăn do tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu chính là phép thử khó khăn nhất của bộ máy trung ương và địa phương khi Việt Nam đặt ra mục tiêu kép vừa phải khống chế dịch bệnh vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế.
"Dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn, yêu cầu từ thực tiễn cho sự phát triển chung của nền kinh tế và DN cũng đặt ra rất nhiều thách thức lẫn cơ hội, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nhìn nhận một cách chi tiết và khách quan vào tình hình DN để tiếp tục cải thiện mọi việc".
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn và được xây dựng dựa trên kết quả phân tích các phiếu khảo sát DN tại 63 địa phương, APCI 2020 sẽ cho thấy một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà DN phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành. Từ đó, phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các TTHC, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của các bộ, ngành, địa phương.
Kết quả của APCI có sự gắn kết và bổ trợ rất cụ thể, sâu sắc cho việc nghiên cứu, tìm hiểu các đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín về Việt Nam, giúp Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương có thể hoạch định tốt hơn các mục tiêu cải cách.
Giải quyết TTHC trên môi trường điện tử là một nhiệm vụ cấp bách
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) cho biết, trong bối cảnh năm cuối cùng của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021, APCI 2020 mang một thông điệp hết sức quan trọng, đó là ghi nhận một cách có hệ thống những thành công cũng như tiếp tục phát hiện những điểm cần cải thiện của tiến trình cải cách để làm cơ sở cho những chỉ đạo, điều hành liên quan tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển DN thời gian tới.
Bên cạnh những bài học vẫn còn nguyên giá trị từ APCI 2018, 2019, APCI 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn và bổ sung những bài học sâu sắc để thúc đẩy cải cách.
"Việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho DN không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương", Cục trưởng Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Ngô Hải Phan, kết quả APCI qua 03 năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy những nhóm TTHC nào được các cơ quan hành chính nhà nước duy trì nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hằng năm. Định hướng xây dựng chính quyền điện tử với các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử theo Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho DN không chỉ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mà còn đặc biệt phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19.
APCI 2019 và APCI 2020 đều cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng CNTT để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của DN cũng như giải quyết TTHC của CQNN trên môi trường điện tử. Thành công ban đầu của Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đã minh chứng cho điều đó.
"Đây là xu hướng rất được cộng đồng DN hoan nghênh, tạo thuận lợi cho DN tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống".
Những bài học rút ra từ APCI năm nay đều được đặt trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch, vừa phải đối mặt với các thách thức to lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để nhận thấy các giá trị căn cơ từ cải cách.
"Với phương pháp luận phù hợp và cách làm nghiêm túc của nhóm nghiên cứu, APCI 2020 được kỳ vọng sẽ giúp cho Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan có được kênh thông tin tham khảo hiệu quả nhằm tiếp tục đưa ra các quyết sách phù hợp để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN", Cục trưởng Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra phương châm hành động là: kiến tạo, liêm khiết, hành động, phục vụ vì người dân, vì DN. Trong những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, chúng ta đã làm được khối lượng công việc lớn.
Những nỗ lực cải cách đã góp phần giúp Chính phủ đạt được các chỉ tiêu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo dõi sự tiến bộ về thực thi công tác hành chính của nhà nước là để giảm chi phí thời gian, tiền bạc cho DN trong các thủ tục họ cần phải làm. Báo cáo APCI tập trung vào 9 thủ tục quan trọng nhất đối với DN, là cơ sở cho các bộ, ban ngành, địa phương thấy được những cơ hội để tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho DN phát triển.
4 bài học cải cách từ APCI 2020
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, bốn bài học cải cách từ APCI được nêu ở góc độ chỉ đạo, điều hành chung hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, chỉ đạo nội dung APCI, cụ thể:
Thứ nhất, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho DN không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho DN tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
"Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các DN nước ngoài đang muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong nhân dân", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC.
Qua 3 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, giao dịch thương mại qua biên giới, đầu tư, khởi sự DN, môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm".
Thứ tư, APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và DN làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phụ thuộc vào không chỉ các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các TTHC đó.