Thương mại điện tử tạo ra "vinh quang" kinh tế

Yên Viên| 04/12/2020 10:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Singapore được ví như một trong bốn con rồng của châu Á, là quốc gia điển hình trong việc phát triển kinh tế. Vậy điều gì tạo ra sự khác biệt, tiêu biểu?

Câu trả lời có lẽ, ngoài việc ban hành cơ chế chính sách đúng đắn, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, nhân tố quan trọng phải kể đến chính là sự tích cực hòa nhập của các doanh nghiệp (DN) Singapore trong sân chơi thương mại điện tử (TMĐT) quốc tế.

Để có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề này, tại hội thảo "Xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua TMĐT" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, Tổng giám đốc Zoe Zuo của công ty Innovative Hub Singapore (IH)– công ty chuyên tư vấn TMĐT đã có trao đổi trực tuyến về thực trạng, điểm nổi bật của nền tảng TMĐT của đảo quốc "sư tử này". Qua trao đổi, những ưu điểm, tích cực có thể là các kinh nghiệm để Việt Nam phát triển thị trường thương mại số đạt hiệu quả ngày một tốt hơn.

Môi trường pháp lý đảm bảo các giao dịch điện tử an toàn

Theo Tổng giám đốc IH, TMĐT ở Singapore đã và đang phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Có được điều đó là nhờ các chính sách thương mại phù hợp của chính phủ Singapore như không sử dụng hàng rào phi thuế quan, không trợ cấp giá xuất nhập khẩu, thủ tục xuất nhập khẩu đơn giản, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, thực thi chiến lược hướng về xuất khẩu "quốc tế hóa nội địa", tiếp cận, phát triển thị trường nước ngoài. Đặc biệt, Chính phủ Singapore sớm ban hành Luật giao dịch điện tử (Electronic Transaction Act 1998) nhằm mục đích giải quyết vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý khi các chủ thể tham gia vào các giao dịch trong một môi trường phi giấy tờ và không tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Thương mại điện tử tạo ra

Tổng giám đốc IH: việc phát triển kinh tế trên nền tảng TMĐT là điều thuận lợi, một cơ hội tiềm năng, Việt Nam cần phát huy, tận dụng.

"Luật được ban hành đã tạo môi trường pháp lý cho TMĐT và các giao dịch điện tử được đảm bảo an toàn, tạo lòng tin cho các DN, cá nhân khi tham gia vào TMĐT", Tổng giám đốc IH nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng giám đốc IH, mặc dù Singapore là một quốc gia nhỏ với dân số khoảng 5,83 triệu người, nhưng có lợi thế là số thuê bao điện thoại nhiều hơn dân số (người dân không bị giới hạn sử dụng), 5,14 triệu người sử dụng Internet, chiếm 88% dân số, 5 triệu người sử dụng mạng xã hội.

Chính vì có lượng thuê bao điện thoại lớn, nên hình thành nguồn dữ liệu lớn trong TMĐT, điều này thể hiện qua con số có tới 87% là người đã từng mua hàng hóa hoặc sử dụng các loại dịch vụ trực tuyến, 89% mua hàng qua các cửa hàng trực tuyến, 74% mua hàng trên các nền tảng TMĐT.

Tại Singapore, hiện nay có 274.000 DN, trong đó có trên 90% DN nhỏ và vừa (SME). Quốc gia này định nghĩa SME là DN có doanh thu không vượt quá 100 triệu đô la Singapore (SGD) và nhân viên ít hơn 200 người.

Hầu hết các SME tại Singapore hiện nay đều sử dụng nền tảng TMĐT B2B (kết nối DN trực tiếp với nhau) thông qua sàn TMĐT Alibaba.com. Đặc biệt, chính phủ Singapore đã có nhiều hỗ trợ dành cho các SME với dự án TMĐT B2B.

"B2B đang tạo ra một lợi thế doanh thu cho kinh tế Singapore, ước đạt khoảng 7,7 nghìn tỷ SGD. Đây là một sự tăng trưởng lớn, đột phá đối với các nhà bán lẻ khi chuyển hướng sang kinh doanh trực tuyến", Tổng giám đốc IH nhấn mạnh.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế qua TMĐT

Như vậy, với việc tận dụng nền tảng TMĐT để phát triển kinh tế, Singapore đã thu được những "trái ngọt" kinh tế. Với quan điểm một chuyên gia, luôn mong muốn Việt Nam phát triển, thúc đẩy phát triển tiến trình chuyển đổi số (CĐS), kinh tế số, tận dụng các lợi thế từ nền tảng TMĐT, Tổng giám đốc IH đánh giá, Việt Nam có thể phát triển kinh tế như Singapore hoặc có thể vươn xa hơn.

Dẫn chứng về điều này, bà Zoe Zuo cho rằng thị trường nội địa Singapore thực ra rất nhỏ so với thị trường Việt Nam, hơn nữa Việt Nam có tỷ lệ dân số vàng, số người dùng mạng Internet luôn tăng cao, cùng với đó giờ đây cơ sở, hạ tầng viễn thông đảm bảo tốt… Do đó, việc phát triển kinh tế trên nền tảng TMĐT là điều thuận lợi, một cơ hội tiềm năng, Việt Nam cần phát huy, tận dụng.

Thương mại điện tử tạo ra

Tổng giám đốc IH: các DN tham gia TMĐT muốn thành công cần có sự biết, kiến thức về lĩnh vực TMĐT

Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, DN Việt Nam cần trung vào các mục tiêu số hóa, toàn cầu hóa như: Cần phải phân tích năng lực hiện, vì đây là khâu quan trọng giúp biết rõ vị trí, mức nào để đưa ra một giải pháp logic, đúng đắn gia nhập thị trường quốc tế, đấu trường công nghệ.

Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần tích cực tham gia các chương trình, lớp đào tạo về vận hành, kinh doanh trực tuyến. Cần đảo bảo rằng, khi các DN tham gia TMĐT, trong đơn vị của mình ít nhất cũng phải có những nhân viên, nhân sự có năng lực hiểu biết, kiến thức về lĩnh vực TMĐT.

Điều lưu ý nữa, đó là khi các DN tham gia phát triển trên nền tảng TMĐT cần xác định được khách hàng, mục tiêu của mình, đồng thời phải có kế hoạch quảng bá sản phẩm, mở rộng kế hoạch kinh doanh một cách cụ thể, chi tiết.

Nói về kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện những mục tiêu, các DN cần ưu tiên phát triển, đưa các dòng sản phẩm chủ lực, có nghĩa DN không nhất thiết phải đưa hết toàn bộ các dòng sản phẩm theo kế hoạch mở rộng thị trường.

Để làm tốt việc này, IH luôn là đơn vị tư vấn trực tiếp, giúp các DN hiểu được năng lực, đồng thời cung cấp việc thiết kế các gian hàng, dịch vụ giá trị gia tăng, các giải pháp "hậu cần" xuyên biên giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa trên các nền tảng trực tuyến.

"IH có thể hỗ trợ các DN thông qua nhiều chương trình đào tạo riêng, phù hợp cho mỗi DN, nhân sự các công ty theo hình thức trực tuyến hoặc những buổi offline trên quy mô rộng. Việc giúp, đồng hành cùng DN trong hành trình số hóa việc kinh doanh trên môi trường TMĐT là vinh hạnh của quý công ty", Tổng giám đốc IH nhấn mạnh.

Mặc dù không phủ nhận những ảnh hưởng, thiệt hại lớn từ đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng muốn lấy lại, nhằm tạo ra các "vinh quang" kinh tế, cách duy nhất DN cần phải đẩy mạnh việc CĐS và tăng cường kinh tế quốc tế, TMĐT.

Chúng ta không thể chờ đợi thời đại Internet kết thúc trước khi chúng ta thực hiện việc CĐS và chúng ta cần thực hiện những điều mới mẻ, đón nhận những cơ hội này ngay bây giờ, vì mọi người thấy tham gia trực tuyến do tác động của Covid-19 là một xu hướng tiến, không dừng.

"Sẽ chẳng có một ngày Internet không được sử dụng và đơn giản các DN hãy đón nhận, thích nghi để không bị bỏ lại phía sau, bởi các DN khác đã thành công rực rỡ trên nền tảng TMĐT", Tổng giám đốc IH nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử tạo ra "vinh quang" kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO