Chủ tịch Đỗ Minh Phú: TPBank đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số

Gia Khánh| 28/12/2020 18:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú, hiện ngân hàng này đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số (CĐS), đó là Sáng tạo số (Digital Innovation) khi mà tất cả các hoạt động đều đặt trong mục tiêu này.

Chia sẻ về chủ đề "Công nghệ và ngân hàng số tại Ngân hàng Tiên Phong" tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 ngày 26/12, ông Phú cho biết, năm 2020 dù là một năm đầy thử thách, nhưng hệ thống ngân hàng đã hoàn thành "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế.

Chủ tịch Đỗ Minh Phú: TPBank đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số - Ảnh 1.

Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú: Sáng tạo số đã trở thành tư duy hành động và hoạt động thường nhật của toàn hệ thống TPBank. (Ảnh: NHNN)

Xác định phát triển ngân hàng số từ năm 2012

Ông Phú cho biết, ngay từ khi bắt đầu tái cơ cấu năm 2012, TPBank đã xây dựng chiến lược trở thành Ngân hàng công nghệ và Ngân hàng số bằng cách CĐS tất cả các mảng hoạt động một cách toàn diện và chuyên sâu.

Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, trong công tác vận hành, TPBank đã có 70 robot được sử dụng cho tự động hóa (RPA), nhận diện ký tự quang học (OCR), quản lý quy trình nghiệp vụ (BPM)… và sẽ nâng hơn 140 robot vào năm 2021 trong giao dịch, phê duyệt online; triển khai dự án Ngân hàng không giấy tờ (Paperless)… Đối với nghiệp vụ giao dịch tại quầy, TPBank đã tự động phát hành thẻ, giao dịch eBank để giảm thời gian cho khách cũng như triển khai các dịch vụ mới, đổi mới giám sát hoạt động tại các quầy giao dịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Chưa kể đến, TPBank còn áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thẩm định tài sản và dữ liệu lớn (big data) trong quản trị rủi ro để tìm kiếm các giao dịch bất thường, cũng như trợ lý ảo Chatbot T’Aio ở kênh Fanpage, website, eBank để hỗ trợ giải đáp yêu cầu của khách hàng với cơ chế thường trực 24/7. Chatbot đã hỗ trợ phản hồi 80% yêu cầu từ khách hàng và tăng gấp 2 lần năng suất hỗ trợ khách hàng của CallCenter. Mới đây nhất, ngân hàng đã ứng dụng nhận dạng sinh trắc học trong xác thực khách hàng eKYC trên các kênh số: eBank, LiveBank và hotline.

"Quá trình CĐS đã đem lại những lợi ích hết sức thiết thực mà kênh truyền thống không có được như thời gian phục vụ 24/7 và cơ chế phản hồi ngay lập tức, đồng thời tiết kiệm và tối giản chi phí từ 30-50%, giảm thời gian và thủ tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ 40- 60%, có những nghiệp vụ đã tiết kiệm tới 85% thời gian", ông Phú chia sẻ thêm.

Đồng thời, các sản phẩm số và các tiện ích như: Tài khoản trả góp SAVY, giao dịch ebank, Digitalpayment đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, mô hình ngân hàng tự động Livebank 24/7 ra đời năm 2017 là bước đột phá của đổi mới số tại TPBank khi có thể cung cấp 90% dịch vụ so với ngân hàng truyền thống.

Nếu như năm 2012, TPBank mới chỉ có 10 chi nhánh và 15 phòng giao dịch trên cả nước thì đến nay đã có 330 điểm Livebank, đây là số lượng Livebank lớn nhất tại một quốc gia. 

"Đến nay, TPBank đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình CĐS đó là Đổi mới số hay Sáng tạo số (Digital Innovation). Giờ đây tất cả các hoạt động của Ngân hàng đều được đặt trong mục tiêu sáng tạo số. Nó không còn mang ý nghĩa cách mạng mà sáng tạo số đã thấm nhuần và trở thành tư duy hành động, hoạt động thường nhật của toàn hệ thống tại TPBank", ông Phú nhấn mạnh.

CĐS phải là mục tiêu sống còn của ngân hàng trong dài hạn

Từ những thành công này, Chủ tịch TPBank đã rút ra những bài học kinh nghiệm, đầu tiên CĐS cần phải được xây dựng trên chiến lược bài bản. Đồng thời, cấp lãnh đạo cao nhất phải có quyết tâm máu lửa để truyền đạt xuống toàn hàng và coi CĐS là mục tiêu sống còn của ngân hàng trong phát triển dài hạn.

Bên cạnh đó, các dịch vụ Ngân hàng số phải được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng trước khi áp dụng. Các kết quả đều phải được đo lường định lượng để xác định hiểu quả, bởi vì có những ứng dụng có thể áp dụng được ngay nhưng cũng có ứng dụng phát triển phải kéo dài hàng năm. "Vì thế, cần kiên trì theo đuổi và thực hiện cho bằng được những dịch vụ của Ngân hàng số mang tính cốt lõi và toàn diện", ông Phú khẳng đinh.

Ngoài ra, các ngân hàng cần phải đầu tư ngân sách lớn thỏa đáng để xây dựng hạ tầng CNTT, các nền tảng, các ứng dụng cần thiết và chuyên biệt. Trong 5 năm gần đây, theo ông Phú, TPBank đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để phục vụ cho mục tiêu này. Chưa kể đến, TPBank cũng luôn chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên trách về Ngân hàng số có khả năng giải quyết các bài toán lớn về công nghệ số cho ngân hàng và luôn đặt mục tiêu "Tối đa các trải nghiệm số cho khách hàng".

Tiếp theo, các ngân hàng cũng cần xây dựng các Trung tâm Quản lý và khai thác dữ liệu tập trung của Ngân hàng vì dữ liệu chính là nguồn tài nguyên quý giá nên ngân hàng cần biết cách tổ chức để quản lý và khai thác sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất.

"Ngân hàng số cần được tạo hành lang và khuôn khổ pháp lý thông thoáng phù hợp thông lệ quốc tế. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho TPBank áp dụng thử nghiệm nhiều mô hình mới về Ngân hàng số", Chủ tịch TPBank chia sẻ.

Chủ tịch Đỗ Minh Phú: TPBank đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021. Ảnh: NHNN

Cần sớm ban hành cơ chế Sandbox

Cũng tại hội nghị, ông Phú cho rằng, một đất nước hùng cường thì quốc gia đó chắc chắn phải hưng thịnh về kinh tế và vai trò của các ngân hàng thương mại trong mục tiêu này vô cùng quan trọng. "TPBank hiểu rõ sứ mệnh của mình chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực cùng toàn ngành đóng góp xứng đáng vào công cuộc chấn hưng nước nhà đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng", ông Phú nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Phú, với tốc độ phát triển của CMCN 4.0, mô hình và sản phẩm của Ngân hàng số ra đời rất đa dạng và mới mẻ trong khi đó các văn bản pháp luật hiện hành không phù hợp và tương thích, do đó Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm Sandbox, một cơ chế đã được triển khai thành công tại nhiều nước trên thế giới. "Chính phủ cũng cần đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân và Cơ chế chia sẻ thông tin. Đồng thời cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm…", ông Phú nói.

Còn đối với Ngân hàng nhà nước, Chủ tịch TPBank đã đưa ra kiến nghị cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, xây dựng một liên minh eKYC; hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin, quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử cho phù hợp với thông lệ quốc tế; có quy định về mô hình ngân hàng đại lý (agent banking) và cho vay trên kênh số (digital lending) để góp phần đẩy mạnh kế hoạch triển khai tài chính toàn diện của các ngân hàng

Từ khi tái cơ cấu năm 2012 đến nay, TPBank đã hái những quả ngọt nhất định. Tổng tài sản Ngân hàng đã tăng 15 lần, khi tái cơ cấu chỉ có 13.000 đến nay đã đạt 200.000 tỷ. Năm 2012 chỉ có 50.000 khách hàng đến nay TPBank đã phục vụ gần 5 triệu khách hàng, tăng gấp 100 lần. TPBank duy trì tốc độ tăng trưởng cao đạt mức bình quân 42% trong suốt quá trình 2012-2019, nhưng số lượng nhân sự 4 năm gần đây chỉ tăng dưới 5%. Năng suất lao động bình quân của một nhân viên đã tăng gấp 5 lần so với năm 2016, đến nay, đã đạt gần 800 triệu lợi nhuận/nhân viên.

Đó là những con số khả quan tích cực về sự phát triển lột xác của TPBank nhờ vào chiến lược Ngân hàng số và Sáng tạo số, một ngân hàng yếu kém đã vươn lên mạnh mẽ trở thành Ngân hàng Top 10 các Ngân hàng lớn mạnh nhất của hệ thống Ngân hàng VN theo đánh giá của Tạp chí Ngân hàng hàng đầu khu vực The Asian Banker và Tổ chức VNR 500 năm 2020.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Đỗ Minh Phú: TPBank đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO