Nhu cầu về đào tạo thương mại điện tử tại Việt Nam

ThS. Đỗ Thanh Bình, PGS. TS. Đặng Văn Thắng| 15/03/2021 10:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thời đại phát triển của công nghệ, hành vi của người tiêu dùng có sự thay đổi dịch chuyển từ việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống sang hình thức mua sắm trực tuyến, từ đó thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang nhanh chóng chiếm cơ hội để bước vào thời điểm phát triển mạnh.

Thực trạng ngành kinh doanh TMĐT trên thế giới và tại Việt Nam

Tại các nước trên thế giới, ngành kinh doanh TMĐT đang phát triển rầm rộ. Theo đánh giá về tình hình tiêu dùng năm 2017 của Consumer Conditions Scoreboard, tỷ lệ mua sắm trực tuyến tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gấp 2 lần trong 10 năm qua. Mua bán trực tuyến hiện đóng góp hơn 9% tổng doanh số bán lẻ tại châu Âu và tính trong những tháng đầu năm 2016, có tới 18 triệu người dùng mạng Internet ở khu vực Bắc Âu mua hàng trực tuyến.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu từ TMĐT của khu vực đóng góp 40% tổng doanh thu TMĐT trên toàn cầu trong quý I/2017, nhờ hoạt động mua sắm bùng nổ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Các chuyên gia trên thế giới dự báo khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành thị trường TMĐT bùng nổ tiếp theo, nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng như mức độ phổ cập của mạng Internet.

Dự kiến, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tại ASEAN sẽ tăng từ 190 triệu người trong năm 2012, lên 400 triệu người năm 2020 và lượng người truy nhập Internet cũng sẽ tăng gấp 3 lần lên 600 triệu người vào năm 2025 (Bộ Công thương (2017), Thị trường TMĐT thế giới bước vào 'thời kỳ trăng mật' [1].

Theo báo cáo của iPrice, số lượng nhân viên tại 5 công ty TMĐT lớn trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Lazada, Shopee, Zalora cùng Tokopedia và Bukalapak của Indonesia cứ mỗi quý tạo ra hơn 800 cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động.

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, Kinh tế - Xã hội Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu vô cùng to lớn. Trong đó, các hoạt động TMĐT đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của lĩnh vực thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngày 08/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 duyệt tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg. Kế hoạch tổng thể đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ các địa phương như: Đào tạo năng lực quản lý nhà nước về TMĐT, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT để giúp các địa phương nâng cao chỉ số TMĐT và giảm khoảng cách giữa các vùng miền về tốc độ phát triển TMĐT.

Về quy mô, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 lên tới khoảng 8,06 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Nhu cầu về đào tạo thương mại điện tử tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xu hướng kinh doanh TMĐT cũng đã và đang bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), năm 2017, có hơn 210 website có nội dung liên quan đến TMĐT được thành lập với doanh thu bán lẻ đạt hơn 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20%. Từ nền móng đó, TMĐT được xem là ngành nghề sẽ "bùng nổ" trong thời gian tới bởi đặc thù năng động, sáng tạo gắn liền với giới trẻ. Trong những năm gần đây, khi kinh doanh trực tuyến, marketing online dần trở nên phổ biến hơn thì những ngành học mới liên quan đến TMDT cũng đang trở thành xu hướng, thu hút nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Khi cơ hội việc làm trong lĩnh vực TMĐT ngày một rộng mở thì nhu cầu "tài nguyên con người" ở lĩnh vực này đòi hỏi cũng ngày càng cao. Theo bản báo cáo của iPrice thống kê số lượng nhân viên tại 5 công ty TMĐT lớn trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm: Lazada, Shopee, Zalora cùng Tokopedia và Bukalapak của Indonesia. Số liệu thu thập được cho thấy trong hai năm, từ quý 4 năm 2016 đến quý 3 năm 2018, quy mô nhân sự của các công ty này tăng với tỷ lệ lên đến 15% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành kinh tế trực tuyến Đông Nam Á (khoảng 10% mỗi năm, theo dự báo của Google) và vượt xa các khối ngành kinh tế truyền thống. Điều này cũng đồng nghĩa là cứ mỗi quý, 5 công ty thương mại điện tử này tạo ra hơn 800 cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động, đây là một con số ấn tượng.

Với các doanh nghiệp (DN) trong nước, qua báo cáo khảo sát nhu cầu nhân sự của 15 tổ chức, DN: 100% các DN được khảo sát có nhu cầu và kế hoạch tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực TMĐT hàng năm (trong giai đoạn 2020 – 2024). Tăng dần, từ 10 – 50 người/1 năm.

Theo nhận định của Bộ Công Thương [2], hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam sẽ được tiếp cận với nền công nghiệp mới, hiện đại, nền kinh tế tri thức của các nước phát triển; tuy nhiên, khoảng trống lớn về nhân lực có kiến thức TMĐT sẽ là khó khăn cho các DN khi phải thích nghi với các phương thức giao dịch thương mại của các nước. Nếu không được đầu tư kịp thời về nhân lực, TMĐT, vốn là một lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN vừa và nhỏ, sẽ trở thành rào cản cho các DN tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng quản lý các hoạt động liên quan đến TMĐT là một nhu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay

Hình thức kinh doanh TMĐT trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã và đang phát triển với tốc độ rất nhanh, chiểm tỷ trọng lớn so với các hình thức kinh doanh truyền thống và đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tiếp theo. Nhu cầu về nguồn lực cho lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam đang rất lớn, cần bổ sung nhanh chóng để khai thác kịp thời tiềm năng của ngành kinh doanh TMĐT.

Nguồn nhân lực về TMĐT

Theo báo cáo Chỉ số TMĐT 2020 của VECOM, nguồn nhân lực về TMĐT, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, vẫn đang là vấn đề được nhiều DN quan tâm chú trọng để phát triển. Triển khai TMĐT đòi hỏi nhóm lao động chuyên trách này vừa có kiến thức về công nghệ lại phải hiểu biết về thương mại để nắm bắt kịp thời các xu hướng mới và ứng dụng một cách hiệu quả nhất.

Năm 2019 cho thấy tỷ lệ DN có lao động chuyên trách về TMĐT không thay đổi nhiều so với các năm trước, thậm chí tiếp tục giảm nhẹ (năm 2019 có 27% DN cho biết có lao động chuyên trách về TMĐT và giảm 1% so với năm trước).

Xét về quy mô DN thì nhóm các DN lớn luôn có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT cao hơn hẳn so với các DN vừa và nhỏ, điều này phản ảnh khi quy mô đạt tới một ngưỡng nào đó phù hợp thì việc mở rộng và có những bộ phận chuyên trách sẽ giúp đem lại hiệu quả cao hơn so với hình thức kiêm nhiệm.

Theo đó năm 2019, tỷ lệ DN lớn có lao động chuyên trách về TMĐT chiếm 41% trong số các DN lớn tham gia khảo sát, tỷ lệ này ở nhóm các DN vừa và nhỏ là 26%.

Nhu cầu về đào tạo thương mại điện tử tại Việt Nam - Ảnh 2.

Hình 1: Lao động chuyên trách về TMĐT phân theo quy mô

Xét về tỷ lệ lao động chuyên trách trong các nhóm lĩnh vực kinh doanh khác nhau, nhóm ngành nghề Y tế - giáo dục - đào tạo có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT lớn nhất (46% DN hoạt động trong lĩnh vực này có lao động chuyên trách về TMĐT), tiếp sau đó là nhóm ngành nghề Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) (45%) và lĩnh vực Giải trí (44%). DN Xây dựng có tỷ lệ lao động chuyên trách về TMĐT thấp nhất (17%).

Nhu cầu về đào tạo thương mại điện tử tại Việt Nam - Ảnh 3.

Hình 2: Lao động chuyên trách về TMĐT phân theo lĩnh vực kinh doanh

Khảo sát qua các năm cho thấy tỷ lệ DN gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về TMĐT và CNTT vẫn dao động trên dưới 30% và không có sự thay đổi lớn (năm 2019 có 30% DN cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này, năm 2018 là 28% và năm 2017 là 31%, năm 2016 là 29%).

Trong số đó thì Kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch TMĐT đang được DN quan tâm nhiều nhất và cũng gặp khó khăn lớn nhất trong quá trình tuyển dụng (49% DN cho biết gặp khó khăn về việc tuyển dụng nhân sự có kỹ năng này), tương tự với các kỹ năng khác lần lượt như sau:

- Kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng TMĐT: 46%

- Kỹ năng xây dựng kế hoạch, triển khai dự án TMĐT: 45%

- Kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu: 45%

- Kỹ năng cài đặt chế độ, ứng dụng, khắc phục sự cố thông thường của máy vi tính: 41%

- Kỹ năng tiếp thị trực tuyến: 39%

- Kỹ năng triển khai thanh toán trực tuyến: 29%

Công tác đào tạo TMĐT tại các trường Đại học tại Việt Nam

TMĐT được coi là lĩnh vực phát triển sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam và đang trở thành một công cụ không thể thiếu đối với DN để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu tới năm 2025 quy mô thị trường TMĐT sẽ đạt 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.

Bên cạnh đó, doanh số TMĐT với người tiêu dùng cá nhân tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chiếm 10% giá thành sản phẩm trong TMĐT; 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng có hóa đơn điện tử; xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT.

Thêm vào đó, sẽ có 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% DN vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT; 40% DN tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

Để đạt được mục tiêu đã đề ra thì việc phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chính quy về TMĐT là tất yếu đối với Chính phủ, các Bộ ngành, các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng trong cả nước.

Các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH, cao đẳng cần trang bị khối kiến thức kinh tế, tổ chức kinh doanh trên mạng Internet, vận dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin, đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh, và trang bị cho người học kỹ năng giao dịch TMĐT; Vận dụng các kiến thức về mạng máy tính, an ninh mạng, chữ ký số trong giao dịch và thanh toán điện tử, bảo mật và bảo toàn thông tin; xây dựng mô hình thực tế ảo để giúp cho sinh viên có thể thao tác, giao dịch, xử lý ứng dụng nhanh chóng.

Người học cũng cần được trang bị nghiệp vụ kinh doanh cụ thể trong giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, khai báo hải quan, thanh toán, vận tải và bảo hiểm hàng hóa nhằm mục đích đào tạo được nguồn nguồn nhân lực giỏi kỹ năng, kiến thức và tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển ngành TMĐT.

Trong giai đoạn 2008 – 2010, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất lộ trình triển khai hoạt động với mục tiêu hướng tới mở rộng việc xây dựng chuyên ngành TMĐT tại một số trường và ban hành khung chương trình đào tạo TMĐT trình độ đại học, cao đẳng. Đến nay đã có nhiều trường tham gia đào tạo TMĐT, cụ thể bảng khảo sát như sau:

TT

Cơ sở đào tạo

Quy mô đào tạo

Khối tuyển sinh

Điểm chuẩn 2019

Điểm chuẩn 2020

1

ĐH Thương mại

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm 200 sinh viên

A, A1, D1, D7

23

26.25 

2

ĐH Kinh tế quốc dân

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm 80 sinh viên

A00,A01, D01, D07

25.60

27.65

3

ĐH Mở Hà nội

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm 50 sinh viên

A00, A01, D01

20.75

24.20

4

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm từ 80 sinh viên trở lên

A00, A01, D01

23.0

25.70

5

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm từ 50 sinh viên trở lên

A01, C01, D01, D96

19.5

22.50 

6

ĐH CNTT – ĐH Quốc Gia, TPHCM

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm từ 70 sinh viên trở lên

A00, A01, D01, D90

23.90

26.50

7

ĐH Kinh Tế -Tài Chính, TPHCM

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm từ 90 sinh viên trở lên

A00, A01, D01

18

21

8

ĐH Công nghệ giao thông vận tải

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm từ 70 sinh viên trở lên

A00, A01, D01

16

22.5

9

ĐH Kinh tế - Luật – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm từ 70 sinh viên trở lên

A00, A01, D01

22.5

24.65

10

ĐH Công nghiệp - Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh

Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm từ 70 sinh viên trở lên

A01, C01, D01, D90

19.5

22.5

Kết quả khảo sát cho thấy khối tuyển sinh vào ngành TMĐT rất đa dạng, điểm chuẩn vào ngành cũng khá cao, chỉ tiêu tuyển sinh rất khiêm tốn. Chính vì vậy nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và trình độ đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng cộng đồng, chú trọng thực hành, cho phép người học sau khi tốt nghiệp thích ứng nhanh với các vị trí công việc trong nền kinh tế - xã hội là rất lớn.

Hiện có nhiều trường ĐH tại ở Việt Nam đã tổ chức đào tạo ngành TMĐT, cung cấp nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên trên thực tế nhu cầu xã hội về số lượng nhân sự có chuyên môn còn rất cao để có thể khai thác và phát triển hơn nữa lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu trên sẽ cần nhiều hơn nữa các trường ĐH sớm đưa vào chương trình đào tạo về lĩnh vưc TMĐT vào hoạt động.

Tài liệu tham khảo:

[1].http://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/thi-truong-thuong-mai-%C4%91ien-tu-the-gioi-buoc-vao-thoi-ky-trang-mat--6156-1001.html>).

[2]. ecommerce.gov.vn

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu về đào tạo thương mại điện tử tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO