Thuế và quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ

Kim Hoa| 20/01/2021 07:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo cáo đề án mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện của Việt Nam có thể hiểu kinh tế chia sẻ là một phương thức kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản và dịch vụ được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc sử dụng các nền tảng số.

Vài nét về mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh trong đó người tham gia cùng nhau tiếp cận với sản phẩm hoặc dịch vụ hơn là sở hữu cá nhân về sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Hiện tượng này bắt nguồn từ sự mong muốn của người tiêu dùng đang ngày càng có nhu cầu kiểm soát lượng tiêu dùng của họ thay vì là "một bên thụ động" của tiêu dùng.

Mô hình tiêu dùng hợp tác được sử dụng trong các thị trường trực tuyến cũng như các lĩnh vực mới nổi như: cho vay xã hội, cho thuê nhà, thuê dịch vụ du lịch, tư vấn du lịch, chia sẻ xe hơi cá nhân… Có thể nói rằng với kinh tế chia sẻ, người ta có thể cho người khác thuê bất cứ thứ gì không sử dụng, thậm chí kể cả nhà máy, máy móc nông nghiệp… thông qua các công ty kết nối bằng internet, mà bên thuê và bên cho thuê biết rõ thông tin của nhau.

Với mô hình này, nhiều người sẽ không cần phải mua những thứ có thể thuê, chủ sở hữu có thể kiếm tiền từ tài sản đang tạm thời nhàn rỗi của mình, người sử dụng phải trả phí cho tài sản hoặc dịch vụ của mình được sử dụng và có lợi ích được thỏa mãn từ việc sử dụng đó, các nền tảng cũng có lợi ích từ dịch vụ kết nối thông qua việc định giá hoặc thu phí của các bên còn lại.

Thuế và quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ - Ảnh 1.

Ngày nay, thông qua sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ cao trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm có thể đáp ứng tốt kết nối trong nền kinh tế chia sẻ. Nói một cách ngắn gọn, bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. 

 Báo cáo nêu trên cũng nhận định, ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh như ở nhiều nước nhưng cũng có tiềm năng lớn để phát triển. Thực tế hiện nay, một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện, trong đó nổi lên 3 loại hình dịch vụ kinh tế chia sẻ về dịch vụ vận tải trực tuyến như: Grab, Dichung, Fastgo…, dịch vụ chia sẻ phòng như Airbnb, Travelmob, Luxstay và cho vay ngang hàng (P2P lending). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành trên thực tế như trong dịch vụ du lịch, chia sẻ chỗ làm việc, gửi xe, chia sẻ nhân lực…

Về chính sách thuế

Chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo hình thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo hình thức kinh tế chia sẻ. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh tế chia sẻ đang thực hiện theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế, Luật quản lý thuế, Thông tư số 03/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan. 

Đối với doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam: Doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên kê khai nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ (với mức thuế suất tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng); nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai (thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo mức thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế).

Doanh thu hàng năm không quá 01 tỷ đồng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp (với tỷ lệ % tương ứng với từng hoạt động quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng) trên giá trị gia tăng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ (trừ trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm không quá 01 tỷ đồng đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ).

Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) có hoạt động kinh tế chia sẻ: Người mua sản phẩm là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh, người mua có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp, hoặc nhà thầu nước ngoài có thể thông qua các đại lý thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Đối với hộ, cá nhân kinh doanh: Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập cá nhân thì cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay hình thức kinh tế chia sẻ đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên.

Về quản lý thuế

Hiện nay, khung khổ pháp lý về chính sách thuế, quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ đã tương đối đầy đủ từ khâu đăng ký thuế, chứng từ nộp thuế, kê khai thuế và nộp thuế.

Cụ thể, về đăng ký thuế, cũng như các hoạt động kinh doanh truyền thống khác, doanh nghiệp và cá nhân (bao gồm hộ gia đình) trước khi thực hiện kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ phải thực hiện đăng ký với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế. Đối với doanh nghiệp, từ ngày 01/07/2015, doanh nghiệp thực hiện đăng ký thuế được thực hiện đồng thời với đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp được sử dụng mã số doanh nghiệp để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính, quyền, nghĩa vụ khác (theo quy định của Luật Doanh nghiệp). 

Đối với cá nhân, sau khi được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cá nhân phải thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế của quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi đặt điểm kinh doanh của cá nhân trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân thì cá nhân sử dụng mã số thuế đó để kê khai, nộp thuế khi thực hiện kinh doanh (quy định tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/06/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế).

Về hóa đơn, chứng từ nộp thuế: Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ lập và giao hóa đơn cho người mua theo quy định của Luật quản lý thuế, Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ về hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Thời điểm lập hóa đơn là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hóa, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, hoàn thành việc cung cấp dịch vụ. Hóa đơn có thể được lập theo hình thức hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử. Trước khi sử dụng hóa đơn, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải lập thông báo phát hành hóa đơn gửi cơ quan thuế. Trước ngày 01/11/2020, việc khởi tạo, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử thực hiện Thông tư số 32/2011/ TT-BTC. Kể từ ngày 01/11/2020, việc khởi tạo, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử thực hiện theo Nghị định số 119/2018/ NĐ-CP.

Về nghĩa vụ kê khai, tính thuế: Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy, đối với loại hình kinh doanh có đăng ký bất kể theo mô hình kinh tế chia sẻ hay theo mô hình kinh doanh truyền thống, cơ quan quản lý thuế cũng có thể thu đủ theo loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay đối với các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam, chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài và không có trụ sở thường trú tại Việt Nam. Như vậy, gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Khoảng trống về nghĩa vụ thuế của các loại công ty này trong kinh tế chia sẻ diễn ra tại Việt Nam cần được khắc phục. Hiện còn thiếu (hoặc chưa hoàn thiện) các cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Ví dụ, pháp luật Việt Nam đã có quy định cho loại hình dịch vụ chia sẻ phòng, cho dù là dịch vụ lưu trú qua trực tuyến hay qua ứng dụng công nghệ cao cũng cần phải tuân theo các quy định bắt buộc của pháp luật. Tuy nhiên, để có sự tuân thủ pháp luật chặt chẽ đúng quy trình đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú theo mô hình kinh tế chia sẻ cần có sự phối hợp tích cực của các bên tham gia trong việc kê khai, cung cấp thông tin. 

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đã hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam còn gặp khó khăn về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này và các cơ quan thuế lúng túng khi xác định bản chất giao dịch để áp thuế. Chẳng hạn, hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, start-up Log Lag đang gặp vấn đề về kê khai thuế, do hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực này. Log Lag phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo doanh nghiệp vận tải, doanh thu phải hạch toán theo tổng giá trị giao dịch của chuyến hàng, với con số lớn hơn nhiều so với mức phí mà doanh nghiệp thực thu trong vai trò kết nối. 

Nếu được thực hiện theo cơ chế thử nghiệm chính sách, Log Lag kỳ vọng sẽ giảm thiểu rủi ro về dòng tiền. Trong khi đó, Công ty Luxstay Việt Nam hoạt động theo mô hình chia sẻ căn hộ. Sau một thời gian hoạt động và gọi thành công nhiều vòng gọi vốn triệu USD, công ty đang tính toán mở rộng ra các dịch vụ chia sẻ khác. Để làm được điều này, họ rất cần một cơ chế thử nghiệm chính sách thông thoáng.

Tác động và nguyên nhân

Việc ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ quản lý, kết nối các dịch vụ ví dụ như dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải, dịch vụ y tế, dịch vụ giúp việc, dịch vụ cho thuê tài sản dư thừa, dịch vụ tài chính… không còn là hoạt động mới tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Những hoạt động này là đặc trưng phổ biến của mô hình kinh tế chia sẻ - một xu thế mới, tất yếu của nền kinh tế số. Mặt khác, những lợi ích mà mô hình kinh doanh này mang lại cho xã hội, đa dạng hóa lựa chọn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế chia sẻ cũng đặt ra các rủi ro đối với quản lý thuế đó là: Trong thực tế, do một số hoạt động của kinh tế chia sẻ có đặc thù riêng và có tính đan xen giữa các ngành, nên ngành Thuế gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của cơ sở để nộp thuế do các giao dịch của họ chủ yếu là các văn bản điện tử nên phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Đối với các nhà cung cấp dịch vụ trung gian là các nhà thầu nước ngoài, các cơ quan quản lý cũng khó kiểm tra, giám sát và thu thuế của các nhà cung cấp này do họ không đặt văn phòng, chi nhánh ở Việt Nam. Việc quy định trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong nước có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài cũng khó khả thi bởi vì Việt Nam đã tham gia ký kết 76 hiệp định về tránh đánh thuế hai lần nên các quy định về nộp thuế sẽ tuân thủ theo quy định tại các hiệp định này.

Riêng đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending) còn xuất hiện thêm rủi ro về thuế và quản lý ngoại hối do trường hợp người tham gia giao dịch là người không cư trú sẽ dẫn tới khó khăn trong quản lý ngoại hối và thu thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu). Hoặc nếu người tham gia cố tình lừa đảo, ẩn danh, mạo danh thì có thể không có khả năng truy thu thuế thu nhập. Hoặc nếu người tham gia không cho vay bằng đồng tiền pháp định (như VND hoặc các đồng tiền ngoại tệ khác) mà cho vay bằng tài sản ảo, tiền kỹ thuật số… thì việc quản lý, giám sát, phòng chống rửa tiền, thu thuế thu nhập, quản lý ngoại hối, quản lý dòng tiền vào/ra khỏi lãnh thổ, đăng ký tài khoản vay nước ngoài, cho vay nước ngoài trở nên khó khăn trong thực hiện và mang nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Ngoài ra, thực trạng sử dụng tiền mặt tại Việt Nam gây ảnh hưởng đến việc xác định giá trị các giao dịch khi tham gia các dịch vụ trên mạng, các cơ quan quản lý nhà nước đang khó kiểm soát về các giao dịch tiền mặt.

Các giải pháp đang thực hiện

Đối với nhà cung cấp nền tảng trung gian, Bộ Tài chính đã có công văn số 848/BTC-TCT ngày 18/1/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn các cục thuế về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến. Theo đó, đối với công ty có trụ sở nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) kinh doanh đặt phòng tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến và phát sinh thu nhập tại Việt Nam sẽ áp dụng thuế theo tỷ lệ sau: tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng 5%; tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu được hưởng 5%.

Đối với lĩnh vực vận tải, công văn số 11828/BTC-CST ngày 24/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam; công văn số 384/TCT-TNCN của Tổng cục Thuế hướng dẫn về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab Taxi.

Công văn số 2623/TCT-CST ngày 16/6/2017 của Tổng cục Thuế gửi các tỉnh, thành phố đề nghị: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt     động thương mại điện tử; rà soát, đôn đốc người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế theo quy định phù hợp với phân cấp quản lý người nộp thuế tại địa phương; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định đối với các doanh nghiệp có kinh doanh thương mại điện tử nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử vào nề nếp.

Nhìn chung, các văn bản pháp lý liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế đã gần như bao quát hết các hoạt động kinh doanh, tuy nhiên việc thực thi các chính sách này vẫn còn khoảng trống. Hiện nay, việc quản lý thu thuế đang gặp khó khăn đối với các nhà cung cấp nền tảng trung gian, là tổ chức, cá nhân ớc ngoài không thành lập tại Việt Nam. Để quản lý thu thuế đạt hiệu quả đối với các tổ chức, cá nhân này cần sự phối hợp chia sẻ thông tin của các bộ, ngành liên quan đến quản lý hoạt động kinh tế chia sẻ. Nhằm quản lý thu thuế đạt hiệu quả và tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài,

Luật Quản lý thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020) đã quy định: "Điều 42. Nguyên tắc khai thuế, tính thuế: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính".

Luật Quản lý thuế cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải), Ngân hàng Nhà nước, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ngân hàng thương mại để phối hợp quản lý thuế.

Trên cơ sở quy định tại Luật Quản lý thuế nêu trên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó có nội dung quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử. Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Trên cơ sở các nội dung quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đang xây dựng thông tư hướng dẫn về quản lý thuế. Dự thảo thông tư sẽ hướng dẫn cụ thể thủ tục đăng ký thuế, thủ tục khai, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua nền tảng số và các dịch vụ khác; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin hệ thống quản lý của Tổng cục Thuế. Dự thảo thông tư được xây dựng trên cơ sở quy định tại Luật Quản lý thuế và các luật về chính sách thuế đảm bảo phù hợp với mô hình kinh doanh của các tổ chức nước ngoài và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 431/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 phê duyệt đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, theo đó Bộ Tài chính thực hiện xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử (dự kiến trình Chính phủ tháng 12/2020). Nội dung của Nghị định quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử, thủ tục thu nộp thuế, phí hải quan, trị giá hải quan, các chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua thương mại điện tử. Nghị định được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý để các cá nhân, tổ chức làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Hạn chế giao dịch tiền mặt khi thực hiện các giao dịch trên mạng

Theo Bộ Tài chính, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế, trách nhiệm của người nộp thuế và hướng dẫn thực hiện pháp luật về thuế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để quản lý thuế trong nền kinh tế chia sẻ. Vì vậy, để tăng cường quản lý thu trong nền kinh tế chia sẻ, theo kinh nghiệm quốc tế cho rằng cần tổ chức tuyên truyền pháp luật về thuế trên các nền tảng thương mại điện tử như: Liên kết đường link các website về quản lý thuế trên các trang thương mại điện tử; phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử để tạo các form (biểu mẫu) khai thuế, những thông tin cần thiết về người nộp thuế…

Việc quản lý thuế đối với những nền tảng thương mại điện tử ở nước ngoài là vấn đề khó. Theo kinh nghiệm quốc tế, cần có sự hợp tác giữa các nước hoặc tham gia vào các diễn đàn quản lý thuế hoặc sáng lập các diễn đàn quản lý thuế trong khu vực… để thống nhất các thỏa thuận về cung cấp, chia sẻ thông tin, chuẩn hóa các định dạng thông tin cần trao đổi… Hiện nay, diễn đàn quản lý thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD gồm 30 nước thành viên) đang xây dựng dự thảo quy tắc ứng xử đối với nền tảng kinh tế chia sẻ, trong đó nêu rõ các nội dung, giải pháp phối hợp giữa các quốc gia để quản lý thuế hiệu quả trong nền kinh tế chia sẻ.

Thông tin thu thập từ hoạt động thương mại điện tử có thể qua các nền tảng thương mại điện tử hoặc các mạng xã hội (facebook, zalo…) gồm các dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc. Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả, thống nhất về dữ liệu, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu đầu tư xây dựng các công cụ chuyển đổi dữ liệu phi cấu trúc về các giao dịch thương mại trên hệ thống các mạng xã hội và nền tảng thương mại thành dữ liệu có cấu trúc để dùng chung cho các cơ quan, đơn vị liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ có quy định hạn chế việc giao dịch tiền mặt khi thực hiện các giao dịch trên mạng, các công ty cung cấp dịch vụ chỉ áp dụng hình thức thanh toán qua các ngân hàng hoặc các trung gian thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 17 + 18 tháng 12/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thuế và quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO