Từ những tiến bộ to lớn về công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra bước ngoặt mới cho sự hình thành, phát triển nền tảng của một phương thức thương mại mới, đó là thương mại điện tử (TMĐT).
Ước tính quy mô thị trường TMĐT Việt Nam
Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường TMĐT năm 2018 vào khoảng 8,0 tỷ USD và dự kiến đạt 13 tỷ USD năm 2020, dự báo đạt 33 tỷ USD năm 2025.
Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.
Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì hết năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Báo cáo eConomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).
Doanh thu TMĐT B2C Việt Nam năm 2015 - 2018: 26 tỷ USD. Theo từng năm 2015 - 2016 - 2017 - 2018, ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến (triệu người) sẽ là: 30,3 - 31,7 - 33,6 - 39,9. Ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của một người (USD): 160 - 170 - 186 - 202. Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước: 2,8% - 3% - 3,6% - 4,2%, và tương ứng với tỷ lệ người dân sử dụng Internet: 54% - 54,2% - 58,1% - 60%.
Tín hiệu thị trường cho thấy có sự cạnh tranh cao đối với dịch vụ giao hàng chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Dịch vụ hoàn tất đơn hàng có mối quan hệ khăng khít với bán lẻ trực tuyến. Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của TMĐT, năm 2018 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Ba yếu tố nổi bật của lĩnh vực này là đầu tư gia tăng mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh khốc liệt.
Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT, trên phạm vi cả nước, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ là 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%. Như vậy, có thể khẳng định Vietnam Post đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ trực tuyến trên phạm vi cả nước.
Phát triển thanh toán điện tửở Việt Nam
Thanh toán điện tử tại Việt Nam cũng có những bước phát triển vượt bậc khi thanh toán qua các kênh Internet và điện thoại di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Theo Khảo sát Tiêu dùng Toàn cầu (GCS) của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 khi tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng điện thoại di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2017. Mức tăng 24% của Việt Nam là ấn tượng nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát, trong đó, Thái Lan tăng 19% lên 67%, Malaysia tăng 17% lên 40% và Philippines tăng 14% lên 45%, Singapore tăng 12% lên 46% còn Indonesia đạt mức tăng ít nhất trong khu vực với chỉ 9% lên mức 47%.
Hoạt động thanh toán điện tử của Việt Nam cũng đã được Tạp chí Nikkei Asian Review ghi nhận vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua "không tiền mặt". Bên cạnh các yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển ấn tượng này như tăng trưởng kinh tế, sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng thanh toán, sự thuận tiện của thanh toán điện tử hay chi phí thanh toán điện tử rẻ hơn… thì không thể không nhắc đến sự đúng đắn, tính hiệu quả của những cơ chế chính sách, giải pháp mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sẽ thay đổi. Tỷ lệ người có thu nhập trung bình tăng lên và tỷ lệ tiếp cận điện thoại di động cũng như Internet ở mức cao là những điều kiện thuận lợi để hướng tới phát triển nền kinh tế số (digital economy), điều đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Việt Nam đang hội tụ được những yếu tố đó khi hơn 60% dân số hiện đã tiếp cận được Internet và con số này dự báo sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo.
Một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế số là giao dịch trực tuyến không tiền mặt hay còn gọi là thanh toán điện tử (e-payment). Thông thường, một xã hội có tỷ lệ tiếp cận Internet cao và có kinh tế số phát triển thì sẽ giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt bởi khi đó, người dân có nhiều lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt khác, và thanh toán điện tử thường sẽ là phương thức ưu tiên bởi tốc độ giao dịch và sự thuận tiện. Tại Việt Nam, thanh toán điện tử đang trên đà nở rộ và bùng nổ mạnh mẽ.
Hiện tại, khi đề cập đến thanh toán điện tử tại Việt Nam, bên cạnh những tập đoàn quốc tế lớn như GrabPay, AliPay, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong nước là một thành phần quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực thanh toán điện tử phát triển. Một trong những công ty khởi nghiệp (startup) đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán điện tử là Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service) với Ví điện tử MoMo), giúp khách hàng tại Việt Nam thực hiện chuyển tiền trên toàn quốc, thanh toán nhiều loại hóa đơn (điện thoại, nước, Internet…), nạp tiền vào tài khoản điện thoại di động hay hỗ trợ các khoản vay cá nhân và nhiều dịch vụ khác. Hệ thống thanh toán của Công ty cũng đã hợp tác với 24 ngân hàng trong nước và mạng lưới thanh toán ở nước ngoài, bao gồm một số tổ chức thẻ quốc tế như JCB, MasterCard và Visa.
Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong lĩnh vực này như ZaloPay, Ví Việt, BankPlus và một số công ty Fintech khác, qua đó có thể thấy lĩnh vực thanh toán điện tử tại thị trường Việt Nam đang rất sôi động, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đối tác nước ngoài.
Nhận thấy sự đi sau của Việt Nam so với các nước láng giềng trong lĩnh vực thanh toán điện tử và tầm quan trọng của lĩnh vực này trong việc thúc đẩy kinh tế số và tăng trưởng kinh tế, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời để khắc phục những điểm yếu này. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, trong đó đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử. Một trong các giải pháp tại Nghị quyết của Chính phủ là: yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu tất cả các trường học, bệnh viện và nhà cung cấp điện, nước, vệ sinh, viễn thông và bưu chính ở khu vực thành thị phối hợp với các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu phí và thanh toán cho các dịch vụ của họ bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ và hoàn thành trong quý IV năm 2020. Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu các giải pháp và phương án cho phép nạp tiền mặt vào Ví điện tử không qua tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Một số giải pháp phát triển doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam trong thời gian tới
Giải pháp quản lý TMĐT
Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về TMĐT đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi áp dụng trong đời sống hiện thực cần được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong quản lý, giám sát đảm bảo TMĐT phát triển đúng định hướng của Nhà nước và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.
Cùng với việc tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần nâng cao sự hiểu biết của người tiêu dùng về TMĐT. Áp dụng các chương trình đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn doanh nghiệp tin cậy để giao dịch.
Năng lực cán bộ và các công cụ, phương tiện kỹ thuật nhằm nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn kịp thời các loại hình lừa đảo trực tuyến cần được tăng cường.
Việc thu thuế đối với các cơ quan, đơn vị về việc tổ chức, cá nhân có hoạt động mua, bán, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... cần được nghiên cứu, triển khai. Công tác quản lý, chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TMĐT cũng cần được tăng cường.
Giải pháp phát triển thanh toán trong TMĐT
Bên cạnh các giải pháp quản lý TMĐT, cũng cần phải có giải pháp phát triển thanh toán trong TMĐT gồm: Thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ hành chính công Quản lý và giám sát thanh toán trực tuyến ở Việt Nam; Hoàn thiện hạ tầng pháp lý và chính sách hỗ trợ; Đẩy mạnh ứng dụng thẻ thông minh tích hợp thanh toán; Hoàn thiện khung pháp lý, chính sách cho TMĐT và thanh toán không dùng tiền mặt; Đầu tư hạ tầng công nghệ số, công nghệ thẻ chip EMV, công nghệ NFC, mobile payment…; Khuyến khích liên kết, hợp tác chủ thẻ và nhà cung ứng hàng hóa dịch vụ, Ngân hàng và các công ty công nghệ; Khuyến khích phát triển hệ thống Fin Tech, các trung gian thanh toán bên thứ ba cung cấp dịch vụ Cổng thanh toán và Ví điện tử; Tăng cường hệ thống bảo mật, an toàn thông tin cho thanh toán điện tử; Truyền thông và giáo dục, khuyến khích hình thành thói quen và xã hội phi tiền mặt...
Tài liệu tham khảo
1. Tổng hợp từ PwC, The Asean Post, The Nikkei Asian Review và các số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Thế giới
2. TS. Lê Huy Khôi, Phan Thế Quyết; Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với quản lý nhà nước ở Việt Nam
3. Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020
(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)