Cơ quan quản lý tạo "lực đẩy", doanh nghiệp Cloud Việt tự tin làm chủ công nghệ, giành lại thị phần

Thế Khiêm| 06/04/2021 15:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù chỉ chiếm 20% thị phần nhưng với những “lực đẩy” của cơ quan quản lý nhà nước từ năm 2020, thông qua cơ chế, tạo hành lang pháp lý để dịch vụ Cloud trong nước có thể tự tin làm chủ công nghệ, gia tăng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng… và giành lại thị phần từ các ông lớn công nghệ như Amazon, Microsoft, Google.

Doanh nghiệp nội chỉ đang chiếm 20% thị phần

Theo đánh giá của các chuyên gia, tính đến cuối năm 2020, thị trường điện toán đám mây (Cloud) của Việt Nam đạt khoảng 3.200 tỷ đồng (tương đương 133 triệu USD). Năm 2020, dịch COVID-19 đã tạo "cú hích" thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó thị trường này đã tăng trưởng tới 40%. Các chuyên gia cũng dự báo, đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt 500 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm được khoảng 20% thị phần các sản phẩm, dịch vụ điện toán đám mây trong nước. 80% thị phần còn lại của Việt Nam đang do các công ty nước ngoài cung cấp.

Thị trường Cloud không phải thị trường đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt đang thua ngay trên sân nhà, điều này đã xảy ra ở các lĩnh vực khác. Ví dụ tiêu biểu như: mạng xã hội khi Facebook đang chiếm đến hơn 90 triệu người dùng; thương mại điện tử cũng chứng kiến sự vượt trội của Shopee, Lazada so với các nền tảng trong nước như Tiki, Sendo; quảng cáo trực tuyến phần lớn đang rơi vào tay của Google, Facebook, các công ty trong nước như Admicro, Adtima... chỉ chiếm một thị phần nhỏ.

Lý giải nguyên nhân vì sao "miếng bánh" thị trường Cloud Việt phần lớn đang thuộc về các doanh nghiệp ngoại, theo ông Lê Anh Vũ, Giám đốc sáng tạo, Giám đốc khối Điện toán đám mây CMC Telecom, thời điểm trước năm 2020, chủ trương của cơ quan nhà nước cũng như hành lang pháp lý, định hướng về điện toán đám mây chưa thực sự rõ ràng. Còn bản thân các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước cũng chưa tự tin trong việc chuẩn bị, phát triển một nền tảng quan trọng như cloud. "Thậm chí, ngay cả các khách hàng, bao gồm cả các doanhnghiệp lớn và nhỏ cũng vẫn còn tâm lý là các công nghệ caocấp phải đến từ các công ty nước ngoài, chưa thực sự đặtlòng tin vào các sản phẩm "Make in Vietnam"", ông Vũ cho biết.

Về nguyên nhân thua ngay trên sân nhà, ông Vũ cho rằng, đầu tiên là việc đầu tư bài bản dài hơi của doanh nghiệp trong nước là không có, do chiến lược – kiến thức và nguồn lực. Các doanh nghiệp Việt thường yếu về mặt quản trị, cũng như không có nền tảng tài chính đủ mạnh trong các cuộc chơi dài hơi. Do vậy với các cuộc đua đòi hỏi chi phí, đốt tiền thì phần thắng sẽ dành cho các công ty nước ngoài với nguồn lực tài chính được bơm hùng hậu và có chiến lược thôn tính thị trường dài hạn, bài bản.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, qua quan sát, Hiệp hội nhận thấy có vài nguyên nhân, đầu tiên là do các doanh nghiệp nước ngoài có nền tảng Cloud từ sớm và được thúc đẩy bởi hệ sinh thái của họ, nên người sử dụng dễ dàng tiếp cận và trung thành với dịch vụ. Đồng thời, các dịch vụ nước ngoài luôn có yếu tố mới, nhanh, giá phải chăng, tích hợp nhiều tính năng, tiện lợi. "Các doanh nghiệp Việt chậm hơn về khả năng đầu tư, sáng tạo công nghệ. Do vậy, thách thức với các doanh nghiệp Việt ở mảng Cloud là không nhỏ", ông Bình nói.

Cơ quan quản lý tạo

Ông Bình cho rằng phần lớn việc chọn dịch vụ đặt ở nước ngoài, là bởi vì chính các đặc tính dịch vụ của các nền tảng toàn cầu đã sẵn sàng, dễ dàng tiếp cận. Niềm tin vào thương hiệu lớn cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng đây không phải là điều kiện quyết định do một số doanh nghiệp Việt Nam cũng có thương hiệu tốt với người dùng. Vì vậy, theo ông Bình, các dịch vụ trước đây doanh nghiệp nội đã thua ngay tại thị trường Việt Nam đều có một điểm chung là dịch vụ công nghệ phục vụ số lượng người dùng rất lớn, có thể cung ứng xuyên biên giới (trên Internet), lợi thế địa phương không có tác dụng hoặc khó tạo tác dụng. Hơn nữa kinh tế Việt Nam và sự giao lưu của người dân qua mạng Internet là rất mở, nên việc nhiều dịch vụ Internet đang thuộc về các doanh nghiệp ngoại cũng dễ hiểu. Thêm nữa, ở góc độ pháp lý, dịch vụ Cloud khác với dịch vụ viễn thông di động (dịch vụ mà doanh nghiệp Việt Nam chiếm thế thượng phong), là không có hàng rào pháp lý: người dùng trong nước được tự do tiếp cận các nền tảng xuyên biên giới. Khi đó, nếu đi sau, các doanh nghiệp Việt Nam khó mà cạnh tranh được.

Nhiều dấu hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Cloud Việt

Phát biểu tại sự kiện phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam vào tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho "Make in Vietnam". Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài.

"Điện toán đám mây sẽ là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Sự ra mắt của hạ tầng điện toán đám mây ngày hôm nay là bước chuẩn bị để đón nhận đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký trong những ngày tới", người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Trước đó, vào tháng 4/2020, Bộ TT&TT đã ban hành Hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử. Đây cũng là định hướng để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. Hiện Việt Nam cũng đang là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng điện toán đám mây.

Đến cuối tháng 12/2020, Bộ TT&TT đã chính thức công bố, trao chứng nhận cho 5 doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ nền tảng điện toán đám mây đã đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử/ chính quyền điện tử gồm Viettel, VNG, CMC, VNPT và VCCorp.

Những chính sách này đã giúp các doanh nghiệp Cloud Việt Nam tự tin hơn để giành lấy thị phần của ông lớn công nghệ trên thế giới.

Từ góc độ doanh nghiệp Việt, Ông Vũ đánh giá: trong năm 2020, thị trường đã có nhiều thay đổi, khi mà Chính phủ và các Bộ, ban ngành đã liên tục đưa ra các cơ chế, tạo hành lang pháp lý để dịch vụ Cloud trong nước có được sự công nhận, đặc biệt khi các khách hàng quan trọng khối Chính phủ đã bắt đầu sử dụng dịch vụ đến từ các công ty trong nước. Từ đó tạo tiền để cho các doanh nghiệp khác yên tâm sử dụng dịch vụ Cloud của công ty Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã tự tin hơn, bắt đầu đầu tư, chủ động đón nhận làn sóng chuyển dịch của CMCN 4.0 một cách bài bản, chất lượng và nghiêm túc. Như với CMC Cloud, công ty đã liên tục ra mắt các Trung tâm dữ liệu mới, liên tục nâng cao chất lượng chuyên gia với các chứng chỉ đẳng cấp quốc tế, đồng thời tham gia vào cộng đồng mã nguồn mở trên toàn cầu cùng với Google, IBM, Amazon.

"Hiện các khách hàng lớn đã sử dụng Cloud trong nước, thị trường đã tăng trưởng 3 con số trong năm 2020. Một phần do tác động của đại dịch, và chắc chắn năm 2021 làn sóng chuyển dịch sẽ tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp, đồng thời họ cũng đã có niềm tin hơn với các dịch vụ Cloud trong nước", ông Vũ chia sẻ.

Những kết quả trên đã cho thấy, Chính phủ và khách hàng đã bắt đầu quan tâm, chú trọng sự phát triển của các nhà cung cấp Cloud trong nước, nhưng cũng là bước khởi đầu và cần nhiều hơn nữa các hành động kiên quyết của cơ quan quản lý trong việc phát triển hạ tầng số. Đặc biệt các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng số cần tăng cường hơn nữa việc đưa ra các giải pháp hạ tầng số để cung cấp dịch vụ cho khách hàng, cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại

Khi được hỏi về cơ hội giành lại thị phần và có thể "thắng Tây" trong trị trường Cloud, ông Vũ cho rằng, rất nhiều cơ sở để các doanh nghiệp Cloud trong nước có cơ hội khẳng định vị trí của mình một cách rõ ràng. Đầu tiên là việc Cloud đang được coi là hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu - nền tảng của cả xã hội số. Do đó, để bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng hay còn gọi là chủ quyền số thì dữ liệu của người dùng trong nước cũng cần có những quy định, chiến lược để bảo vệ vì đây là tài sản vô giá của mỗi quốc gia. Như tại các quốc gia châu Âu hay tại Úc, chính phủ đã hạn chế sức mạnh của Big Tech để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng tại quốc gia mình, vì đây không còn là vấn đề mang tính chất công nghệ mà còn là bảo vệ chủ quyền và chính trị.

"Trong thế giới phẳng và công nghệ mở như hiện nay, nếu các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ có cái nhìn chiến lược, đầu tư bài bản để giải quyết các bài toán công nghệ cho người Việt. Đây sẽ là lợi thế rất lớn về mặt văn hoá, hỗ trợ, ngôn ngữ, chất lượng dịch vụ khi các nhà cung cấp trong nước gần gũi với khách hàng hơn và đầu tư các công nghệ không hề thua kém so với các nhà cung cấp quốc tế. Với một dịch vụ đặc thù như Cloud, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế", ông Vũ chia sẻ. Với các nỗ lực gần đây của nhiều doanh nghiệp Việt Nam dấn thân vào mảng Cloud, gồm cả tự phát triển nền tảng, gia tăng cung cấp dịch vụ, giải pháp, và đặc biệt là liên tục mở rộng không gian Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, Hiệp hội kỳ vọng rằng bức tranh sẽ có những điểm sáng trong những năm tới. "Thách thức còn rất lớn, và đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa cần có các chiến lược sáng tạo và độc đáo", ông Bình chia sẻ thêm.

Thu hẹp khoảng cách công nghệ, gia tăng trải nghiệm để giành lấy thị phần

Chỉ cần lên Google và tìm kiếm với từ khoá "doanh nghiệp cung cấp giải pháp Cloud", bất kì ai cũng dễ dàng tìm kiếm cho mình một đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Cloud "Make in Vietnam" có thể chia thành 3 loại, một nhóm doanh nghiệp nhà mạng, bao gồm các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, với lợi thế sẵn có về mặt hạ tầng như CMC, Viettel, VNPT, FPT… và nhóm các doanh nghiệp Internet với lợi thế về mặt dịch vụ như VNG, VC Corp… . Trong đó, các dịch vụ cloud thường được cung cấp bao gồm: Cloud Server, Cloud security, Cloud Camera, Private Cloud, Cloud Drive….

Khi được hỏi, nhóm doanh nghiệp nào sẽ có lợi thế lớn hơn trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, ông Bình cho rằng, rất khó dự đoán là nhóm nào có lợi thế hơn, vì mỗi nhóm có thế mạnh của mình để dấn thân vào cuộc chơi Cloud này. "Ở góc độ của Hiệp hội Internet, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam có sự hợp tác với nhau để cùng thúc đẩy thị trường, tạo chỗ đứng và dịch vụ tốt cho người dùng, để người dùng yên tâm chọn dịch vụ trong nước, góp phần thúc đẩy kinh tế và gia tăng năng lực nội địa", ông Bình chia sẻ.

Còn theo ông Vũ, so với các doanh nghiệp Internet, các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng cũng cần cải thiện nhiều các yếu tố về tính sáng tạo cũng như là trải nghiệm khách hàng. Không giống như các đơn vị làm dịch vụ Internet truyền thống có lượng dữ liệu lớn của hàng triệu khách hàng, các đơn vị cung cấp hạ tầng truyền thống sẽ phải thay đổi, thích ứng nhanh để đẩy mạnh trải nghiệm khách hàng. "Trải nghiệm khách hàng sẽ là yếu tố chính trong cuộc đua giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng số", ông Vũ chia sẻ.

Còn điểm mạnh của nhà mạng như CMC chính là hạ tầng và các dịch vụ liên quan. Ngoài ra, khi nói đến hạ tầng là nói đến sự hiện diện về mặt vật lý, khi đó thị trường sẽ đặt niềm tin vào các doanh nghiệp đã có cung cấp dịch vụ trong một thời gian dài. Với các nguồn lực về tài chính, nhân sự dồi dào, các nhà mạng đã xây dựng niềm tin của người dùng trong một thời gian dài. Đương nhiên, dịch vụ cloud về bản chất là hạ tầng số, được xây dựng trên hạ tầng truyền thống bao gồm Internet, truyền dẫn, data center. Khi sở hữu hạ tầng này, các doanh nghiệp có hạ tầng có thể tối ưu được về nguồn lực, chi phí hơn là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.

Cũng theo ông Vũ, mặc dù hạ tầng là yếu tố quan trọng nhưng cũng ko phải điều kiện quyết định cho sự thành công trong cuộc chơi Cloud này. Bởi vì, các yếu tố như chính sách, an ninh dữ liệu, hay yếu tố về mặt văn hóa, trải nghiệm của khách hàng sẽ là những chìa khóa mà các nhà cung cấp dịch vụ hướng tới để cạnh tranh và thành công.

Về phía CMC, ông Vũ cho rằng, việc CMC Cloud đã đáp ứng bộ tiêu chí theo yêu cầu tại văn bản số 1145/ BTTTT-CATTT ngày 03/4/2020 của Bộ TTTT về tính năng cũng như các tiêu chí về đảm bảo ATTT của Cloud trong nước phục vụ chính phủ điện tử cũng như các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác. Đồng thời, CMC Cloud hiện đang cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới (đã cung cấp dịch vụ cho Top 500 DN lớn nhất toàn cầu – theo Top Forbes 500) đã cho thấy dịch vụ Cloud trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu không thua kém các doanh nghiệp nước ngoài.

Về kế hoạch trong 5 năm tới, CMC tiến tới sẽ là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây số 1 ở Việt Nam cũng như khu vực và xây dựng hạ tầng Cloud có sức cạnh tranh và hợp tác sòng phẳng với những ông lớn hàng đầu thế giới (Google, Amazon, MS, ..).

Chia sẻ về sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nội và ngoại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet cho rằng, dù công ty trong nước có lợi thế về hạ tầng, nhưng yếu tố này chưa tạo ra sự khác biệt so với giá thành thấp của các đơn vị nước ngoài. Khi mà, các doanh nghiệp nền tảng nước ngoài họ không xuất phát từ kinh doanh viễn thông, nhưng biết cách "đứng trên vai người khổng lồ" khi tận dụng được sự tăng trưởng của kết nối Internet toàn cầu, sự giảm giá thành của dịch vụ viễn thông toàn cầu. Tuy nhiên, trước khi quan tâm đến giá cả giữa các nhà cung cấp, người dùng cần xem sản phẩm đó có đầy đủ các đặc tính dịch vụ cơ bản hay không.

Mặc dù vậy, theo những gì Hiệp hội quan sát thấy, đang có dấu hiệu các nền tảng nước ngoài đang tăng giá hoặc giảm phạm vi miễn phí đối với một số dịch vụ. Vì vậy, các doanh nghiệp Cloud trong nước có thể quan tâm để đánh giá xu hướng chuyển về dùng dịch vụ trong nước của khách hàng, qua đó nhanh chóng thúc đẩy các dịch vụ phù hợp với sự dịch chuyển.

Tuy nhiên, để người dùng Việt quan tâm và chọn dùng các sản phẩm "Make in Vietnam", theo ông Bình, doanh nghiệp trong nước cần thu hẹp khoảng cách công nghệ và tính năng dịch vụ với các nền tảng nước ngoài, đồng thời gia tăng các yếu tố khác biệt có tính chất thấu hiểu địa phương. Do thách thức và cạnh tranh ở lĩnh vực Cloud rất nhiều, doanh nghiệp Việt cần chọn được phân khúc khách hàng phù hợp và tìm cách gia tăng lợi thế của đơn vị mình thì sẽ có nhiều cơ hội thành công.

Cần đảm bảo công bằng giữa DN Cloud nội và ngoại

Về các quy định phát triển thị trường Cloud cho các doanh nghiệp "nội" trong thời gian tới, Giám đốc khối Điện toán đám mây CMC Telecom tin tưởng rằng, Chính phủ chắc chắn sẽ đưa ra những quy chế, quy định ngay trong năm nay để khuyến khích các dịch vụ liên quan đến lưu trữ, xử lý dữ liệu. Vì thế, các dịch vụ Cloud "Make in Vietnam" sẽ có thêm cơ sở để đảm bảo phát triển, khẳng định được vị thế trên sân nhà.

Còn theo ông Bình nếu các chính sách của nhà nước được thực hiện công bằng hơn giữa các nhóm doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, thì ít nhiều cũng tạo niềm tin cho các đơn vị trong nước dấn thân tiếp trong lĩnh vực Cloud.

Trong 2-3 năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt từ Bộ TT&TT, đã có những hoạt động thúc đẩy Cloud trong nước, thông qua việc cổ vũ các nền tảng nội địa, vận động và truyền thông, hình thành dần chính sách ưu tiên dùng dịch vụ Cloud và Trung tâm dữ liệu trong nước. Quá trình thúc đẩy và hình thành năng lực nội địa của các doanh nghiệp an toàn – an ninh mạng trong nước cũng góp phần ít nhiều cho quá trình thúc đẩy Cloud nội địa.

Từ đó, ông Bình khẳng định, để nhanh chóng thay thế các nền tảng nước ngoài về Cloud trong thời gian ngắn sẽ thiếu khả thi. Vì vậy, Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, cần đưa ra các chính sách hỗ trợ có tính chất bền vững hơn bao gồm: Đảm bảo công bằng về trách nhiệm với Việt Nam đối với các nhóm doanh nghiệp trong và ngoài nước; Thúc đẩy hình thành chính sách ưu tiên dùng dịch vụ nội địa trước tiên của các đơn vị nhà nước; Vận động tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân trong nước dùng dịch vụ nội địa, và hỗ trợ thúc đẩy hình thành các hệ sinh thái phù hợp với Việt Nam, trong đó có sự liên kết theo chiều dọc và chiều ngang.

"Bản thân Hiệp hội cũng rất nỗ lực để thúc đẩy, đặc biệt là từ cuối năm 2019 đã hình thành được VNCDC – một câu lạc bộ các nhà cung ứng dịch vụ Cloud và Trung tâm dữ liệu của Việt Nam. VNCDC đang cố gắng để cùng thúc đẩy thị trường trong nước, cùng hợp tác để phát triển năng lực, tạo niềm tin đối với thị trường trong nước, hình thành dịch vụ chất lượng cao, và từng bước chiếm lĩnh thêm thị phần Cloud tại Việt Nam", ông Bình kết luận.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 3 tháng 3/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cơ quan quản lý tạo "lực đẩy", doanh nghiệp Cloud Việt tự tin làm chủ công nghệ, giành lại thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO