Đẩy nhanh chuyển đổi số y tế cần quản trị dữ liệu thông minh

Lan Phương| 15/03/2021 16:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục và chưa biết đến lúc nào sẽ chấm dứt hoàn toàn. Đại dịch đã thúc đẩy mọi ngành nghề chuyển đổi số (CĐS) nhanh hơn, trong đó có lĩnh vực y tế và CĐS y tế nhanh chóng cần có những quy định cụ thể để bảo vệ dữ liệu y tế. Tại Hội nghị CĐS y tế quốc gia, nhiều chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm CĐS của các nước cũng như những hành động cụ thể trong việc quản trị dữ liệu y tế.

Vương quốc Anh: Cần thiết phải có những quy định về dữ liệu

Tại Hội nghị, TS. Simon Eccles, Giám đốc thông tin lâm sàng trong y tế và chăm sóc sức khoẻ (CSSK), Bộ Y tế Vương quốc Anh và Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm CĐS y tế của Vương quốc Anh, trong đó nhấn mạnh vai trò của CĐS y tế để đảm bảo CSSK toàn dân, bảo đảm dữ liệu y tế cá nhân cần phải được minh bạch.

Theo TS. Simon, CSSK là một ngành công nghiệp và CĐS giúp cải thiện việc cung ứng dụng vụ y tế. Chương trình CĐS chỉ thành công khi giải quyết và hỗ trợ các hoạt động chuyên môn của ngành Y tế. CĐS cũng thúc đẩy các chương trình CSSK. CĐS là phải có các ứng dụng di động (app) cho người dân biết đến CSSK và biết cách thao tác số hóa... "Chúng ta tạo ra một năng lượng mới trong cung cấp các dịch vụ y tế và có các dịch vụ đặt khám, truyền tin liên quan đến hoạt động chuyên môn".

Cách làm của ngành Y tế ngày nay cũng phải khác trước. Trước đây của ngành Y tế hay phải chuyển bệnh nhân hoặc bệnh nhân phải chuyển viện lên tuyến trên. Nay chúng ta không phải như vậy nữa nhờ các giải pháp số. Ngành Y tế phải cân nhắc nâng cao khả năng hơn nữa trong việc cung ứng dịch vụ y tế, sàng lọc ung thư và các bệnh liên quan... NHS đã số hóa các quy trình chuyên môn để đảm bảo việc tuân thủ chuyên môn, phác đồ điều trị và mang lại kết quả điều trị tốt hơn.

Đẩy nhanh chuyển đổi số y tế cẩn quản trị dữ liệu thông minh  - Ảnh 1.

NHS tiếp cận thực hiện xây dựng các dịch vụ, sản phẩm y tế và đưa sản phẩm đến cho người dân sử dụng, theo đó, để hiểu rõ hơn nhu cầu của người dân. Ngành Y có phân chia thành 3 nhóm người sử dụng dịch vụ y tế là theo bản thân nhu cầu, mong muốn dịch vụ lâm sàng và cho phép nhà quản lý hiểu được toàn bộ lộ trình CSSK y tế. Thực hiện như vậy, chúng ta có thể tạo ra nhóm sản phẩm tốt hơn.

"Chúng ta phải đẩy mạnh cung cấp mọi dịch vụ, sản phẩm một cách phù hợp và tiêu chuẩn hóa ngay từ đầu khi tạo ra sản phẩm và 6 tháng phải cập nhật 1 lần, nhất là trong bối cảnh đại dịch".

Ông Simon cũng cho hay nếu không có sự hỗ trợ của địa phương thì dịch vụ y tế cũng sẽ khó sẽ thành công. Hạ tầng thông tin đủ mạnh sẽ đảm bảo các thành công cho các hoạt động trên và các tiêu chuẩn quốc gia cần phải có, rất nhanh và tập trung vào các tiêu chuẩn thuốc, xác nhận danh tính, phác đồ điều trị và đặc biệt cần có sự hợp tác quốc tế.

Kinh nghiệm nữa về CĐS, nhất là trong bối cảnh đại dịch, theo ông Simon, là giúp người dân an toàn ở nhà, không phải ra cơ sở y tế, là tạo lập các cuộc trao đổi qua video (video conference) với người cần khám bệnh. NHS đã giúp người dân ở nhà nhận các thông tin y tế từ trung tâm y tế quốc gia, có hệ thống đánh giá và có các bác sỹ gia đình để đảm bảo mọi người dân được an toàn, được hỗ trợ khi cần. Ngành Y tế cũng cần có chiến lược giúp người dân có thiết bị kiểm tra sức khỏe kể cả khi giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa. Ngành Y tế cũng cần phối hợp với các đối tác là những công ty khu vực tư nhân như bác sỹ nha khoa, dược sỹ… để đảm bảo tiếp cận hồ sơ người bệnh, cung cấp dịch vụ tư vấn tại cộng đồng. Việc thúc đẩy người dân dùng dịch vụ y tế trực tuyến (online) phải luôn liên tục để khi kết thúc dịch, người dân vẫn muốn khám bệnh từ xa hơn là trực tiếp đến cơ sở y tế.

TS. Simon nhấn mạnh: "NHS tăng cường theo dõi CSSK người dân tại nhà, nếu người dân nhiễm virus và triệu chứng nhẹ thì không phải đến cơ sở y tế để đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế khi thực sự cần".

NHS đặc biệt quan tâm ứng dụng AI, kỳ vọng có thể phân loại, theo dõi tiến triển của các căn bệnh thông qua việc nhận diện hình ảnh X-quang, thường quy, máy quét và thông qua thuật toán của máy có thể giúp các bác sỹ, kể cả bác sỹ không chuyên đọc X-quang, vẫn có thể ra quyết định về mặt lâm sàng. Theo đó, trong trường hợp, các bệnh phức tạp, hay các bệnh nhân ở nước ngoài, bác sỹ có thể nhìn vào hình ảnh có thể hội chẩn, điều trị lâm sàng. Đánh giá quyết định lâm sàng quan trọng là dựa trên quy trình chuyên môn hiện tại, hoặc đánh giá được các tác dụng phụ của dùng thuốc. Như vậy, NHS đang thực hiện mô hình hóa thuật toán bằng máy để giúp các bác sỹ ra quyết định điều trị của bệnh nhân.

Để CĐS y tế, NHS cũng nhận thấy phải có đủ nhân lực hiểu và sẵn sàng ứng dụng công nghệ. NHS đã tăng cường năng lực của đội ngũ, hỗ trợ ban điều hành trong mỗi tổ chức y tế hiểu phạm vi CĐS, triển khai ứng dụng, thực hiện cam kết có người phụ trách CNTT để hỗ trợ mọi hoạt động CĐS.

NHS cũng triển khai khung pháp lý, hướng dẫn CĐS để hỗ trợ CĐS y tế trong hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ số vào công tác chuyên môn. Cũng cần nhấn mạnh là cần phải tạo ra môi trường số, R&D trong lĩnh vực y tế, đảm bảo tất cả các phần trong hệ thống đều tham gia và hiểu rõ sự gắn kết để giúp thúc đẩy nhanh hơn quá trình CĐS.

NHS cũng đã xây dựng một khung khổ pháp lý rõ ràng về sử dụng dữ liệu y tế, vai trò của những người, tổ chức tham gia vào việc sử dụng, quản trị thông tin. Khung khổ cũng tạo ra được trách nhiệm giải trình việc quản lý, sử dụng dữ liệu một cách an toàn, bảo đảm an ninh; hướng dẫn, triển khai sử dụng, minh bạch các phương pháp sử dụng và tạo ra một môi trường thuận lợi để có thể chia sẻ với các cơ quan chuyên môn cũng như với người dân. Khung khổ pháp lý này giúp người dân biết được mình đang được chăm sóc an toàn trong NHS.

"Khi thực hiện quản trị dữ liệu cần có sự gắn kết, hỗ trợ để có thể sử dụng nguồn dữ liệu trong việc lập kế hoạch hoạt động cũng như cải thiện sức khỏe, phục vụ lợi ích cho người dân", TS. Simon nhấn mạnh.

Đẩy nhanh chuyển đổi số y tế cẩn quản trị dữ liệu thông minh  - Ảnh 2.

Trong các quy định, chính sách quản lý dữ liệu, NHS nhấn mạnh tính minh bạch được xem là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm mọi người dân được biết thông tin, dữ liệu y tế cá nhân được sử dụng như thế nào, cũng như là người dân có quyền tìm hiểu việc cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị kiểm soát số liệu sử dụng được đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu, sự an toàn và phục vụ môi trường nghiên cứu, trách nhiệm của các cơ quan như thế nào.

Một số quy định liên quan đến y tế số của NHS cũng phải phù hợp với quy định của Hội đồng châu Âu như Đạo Luật bảo vệ dữ liệu, bảo đảm quyền được tiếp cận dữ liệu, tiếp cận các thông tin cá nhân, các dữ liệu được sử dụng cho mục đích gì. Vương quốc Anh cũng có đạo luật về dịch vụ y tế quốc gia năm 2006, cũng liên quan đến sử dụng dữ liệu trong hoạt động lập kế hoạch quốc gia.

Vương quốc Anh cũng ban hành đạo luật xã hội và y tế năm 2012, đạo luật kinh tế số và luật chung về nhiệm vụ bảo đảm tính bảo mật của thông tin. Với các đạo luật này, người dân có quyền hỏi về các thông tin cá nhân của họ đã được sử dụng, chia sẻ giữa các cơ sở y tế hoặc các cơ quan quản lý và họ cũng phải được biết các thông tin của họ được sử dụng cho các mục đích gì.

NHS có các lớp quản trị dữ liệu y tế, trong đó có các tổ chức chính trong hệ sinh thái quản trị y tế số, đều được quy định, trung tâm là NHS. Các tổ chức có liên quan đều có thể sử dụng hệ thống dữ liệu y tế và các tổ chức gần gũi bệnh nhân phải đăng ký hệ thống và hệ sinh thái về quản trị y tế số. NHS là tổ chức chính, giám sát hoạt động của các tổ chức trực thuộc. Ví dụ, NHS có nhiệm vụ xây dựng ra các chính sách y tế số ở Anh phải bảo đảm việc sử dụng dữ liệu cũng như công nghệ số nhằm cải thiện sức khỏe và cung ứng dịch vụ y tế. Trong khi đó, cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia có nhiệm vụ tư vấn cũng như hỗ trợ hệ thống dữ liệu để đảm bảo người dân được cung cấp thông tin và các dữ liệu CSSK của họ được sử dụng một cách phù hợp. Ủy ban Thông tin chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho các hoạt động xây dựng các đạo luật về bảo vệ dữ liệu cũng như các thông tin liên quan đến xây dựng luật liên quan đến các thông tin y tế. NHS Digital chịu trách nhiệm ứng dụng CNTT nhằm tăng cường CSSK và là cơ quan phối hợp với các đối tác để thu thập, phân tích cũng như xuất bản các dữ liệu thống kê, báo cáo y tế.

Như vậy, các tổ chức khác nhau đều có các trách nhiệm cũng như giám sát sử dụng các thông tin và giám sát quá trình CĐS y tế. "CĐS Y tế phải đón đầu, cập nhật để đáp ứng được nhu cầu của người dân để thúc đẩy ứng dụng số", TS. Simon cho hay.

Chia sẻ thêm về các quy định pháp lý cần thiết để thực hiện CĐS, GS. Peter Drury, chuyên gia tư vấn y tế số, Chương trình nâng cao sức khoẻ tại Việt Nam cho biết điều kiện pháp lý là vấn đề thiết yếu để có thể thực hiện CĐS. Việt Nam đã ban hành quyết định quan trọng đó là Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, Chương trình CĐS thì có 8 lĩnh vực ưu tiên mà y tế là 1 trong 8 được Việt Nam chọn CĐS. Việt Nam cũng đã có Ủy ban quốc gia về CPĐT sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các ứng dụng chiến lược, cơ chế, chính sách để tạo môi trường pháp lý cho CĐS và những quy định mang tính pháp lý là cần thiết.

"Việc xây dựng hành lang pháp lý để cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc điện tử cho người dân, liên lạc với bác sỹ nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời ứng dụng CNTT để cho người bệnh không phải gặp bác sỹ trực tiếp và dựa trên công nghệ là rất quan trọng".

Ngoài khung pháp lý về quản lý dữ liệu y tế, còn cần những quy định nhận diện số, giao dịch điện tử, sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, tần số vô tuyến điện… và phải đều có hướng dẫn. Ngành Y tế có những đặc điểm riêng biệt mà cần phải chú ý, GS. Peter Drury cho hay.

Phillipines: thành lập đơn vị để triển khai các quy định pháp lý

Cũng giống như Vương quốc Anh, TS. Alvin Marcello, Giám đốc điều hành mạng lưới thông tin y tế châu Á (AeHIN) cho biết Phillipines cũng đã xây dựng đạo luật để đảm bảo sự riêng tư dữ liệu, bảo vệ cho các thông tin cá nhân các hệ thống thông tin thuộc Chính phủ, tư nhân. Đó là Đạo luật Thương mại điện tử hay Đạo luật 8792 được Phillipines ban hành từ năm 2000.

Phillippines cũng thành lập Ủy ban quốc gia về an toàn và riêng tư của dữ liệu và cũng để kiểm soát thông tin của cá nhân, các bên xử lý thông tin đó dựa trên sự minh bạch, sử dụng chính đáng, bảo đảm an toàn cho người dân.

Phillipines cũng có Ủy ban bảo mật do Tổng thống Phillipines chỉ định thành lập vào tháng 3/2016. Uỷ ban này có Chủ tịch do Tổng thống bổ nhiệm và một Phó Chủ tịch phụ trách hệ thống xử lý dữ liệu, một Phó Chủ tịch phụ trách mảng chính sách, lập kế hoạch. Ủy ban quốc gia này được thành lập để thi hành các quy định liên quan về bảo mật dữ liệu.

Các quy định liên quan của Phillipines cũng quy định quyền và nghĩa vụ của các cơ quan sử dụng dữ liệu để đảm bảo dữ liệu được công bố, sử dụng được thực hiện theo mục đích chính đáng.

Các quy định của Ấn Độ về thúc đẩy y tế số

Ông Jai Ganesh Udayasankaran, Giám đốc cấp cao công ty CNTT y tế và y tế từ xa Ấn Độ chia sẻ để CĐS y tế, Ấn Độ đã ban hành luật áp dụng trong y tế số, khám bệnh từ xa và các quy định, tiêu chuẩn y tế nghề nghiệp của Hội đồng Y khoa Ấn Độ mà nhân viên y tế và ngay cả bệnh nhân cũng phải tuân thủ.

Ấn Độ cũng có đạo luật CNTT sửa đổi năm 2008, Luật Bảo mật thông tin kỹ thuật số trong CSSK, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Năm 2019, Ấn Độ đã ban hành luật quy định xử lý, lưu trữ dữ liệu cá nhân. Hội đồng y khoa Ấn Độ cũng đã ban hành Hướng dẫn khám chữa bệnh từ xa, điều này đặc biệt có ý nghĩa nhất là khi COVID-19 xảy ra.

Và tại Việt Nam

Liên quan đến dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định 8 nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo dự thảo, dữ liệu cá nhân là dữ liệu về cá nhân hoặc liên quan đến việc xác định hoặc có thể xác định một cá nhân cụ thể. 

Dữ liệu cá nhân cơ bản gồm: a- Họ, chữ đệm và tên khai sinh, bí danh (nếu có); b- Ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; c- Nhóm máu, giới tính; d- Nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử; đ- Trình độ học vấn; e- Dân tộc; g- Quốc tịch; h- Số điện thoại; i- Số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số căn cước công dân, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội; k- Tình trạng hôn nhân; l- Dữ liệu phản ánh hoạt động hoặc lịch sử hoạt động trên không gian mạng.

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm: Dữ liệu cá nhân về quan điểm chính trị, tôn giáo; Dữ liệu cá nhân về di truyền là thông tin liên quan đến các đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân; Dữ liệu cá nhân về đời sống, xu hướng tình dục; Dữ liệu cá nhân về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật; Dữ liệu cá nhân về tài chính là thông tin được sử dụng để xác định tài khoản, thẻ, công cụ thanh toán do tổ chức tài chính cung cấp cho chủ thể dữ liệu hoặc thông tin về mối quan hệ giữa tổ chức tài chính, dữ liệu tiền gốc với chủ thể dữ liệu, bao gồm cả hồ sơ, tình trạng tài chính, lịch sử tín dụng, mức thu nhập… Đặc biệt, Dự thảo nghị định cũng nêu dữ liệu nhạy cảm bao gồm dữ liệu cá nhân về tình trạng sức khỏe là thông tin liên quan đến trạng thái sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của chủ thể dữ liệu được thu thập, xác định trong quá trình đăng ký hoặc cung cấp dịch vụ y tế.

Dự thảo cũng quy định, bảo vệ dữ liệu cá nhân là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm quy định của pháp luật về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân phải đảm bảo 8 nguyên tắc: (1). hợp pháp: (2). mục đích; (3). tối giản: Dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập trong phạm vi cần thiết để đạt được mục đích đã xác định; (4). Nguyên tắc sử dụng hạn chế; (5). Nguyên tắc về chất lượng dữ liệu; (6). Nguyên tắc an ninh: Dữ liệu cá nhân được áp dụng các biện pháp bảo vệ trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân; (7). Nguyên tắc cá nhân: Chủ thể dữ liệu được biết và nhận thông báo về hoạt động liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân của mình và (8). Nguyên tắc bảo mật.

Với xu hướng CĐS trong các ngành, trong đó có ngành Y tế là không thể đảo ngược và quản trị dữ liệu đóng vai trò quan trọng thúc đẩy CĐS, tại Hội nghị CĐS Y tế quốc gia, ông Nguyễn Xuân Huynh, Công ty CP Công nghệ Y tế Facare Quốc tế cũng nhấn mạnh rằng giờ đây việc sử dụng, khai thác dữ liệu số, thông minh đang là xu hướng, hướng đi đúng, giúp kết nối, chia sẻ thông tin hiệu quả, dễ dàng.

"Dữ liệu số, thông minh là yếu tố quyết định việc CĐS ngành Y tế. Do đó, ngành Y tế cần tận dụng triệt để nguồn dữ liệu để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng trên các điểm tiếp xúc số cũng như tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, quản trị nội bộ của các cơ sở y tế", ông Huynh khẳng định.

Như vậy, có thể nói dữ liệu y tế đóng vai trò quan trọng và để sử dụng hiệu quả, minh bạch, đẩy nhanh CĐS cần phải có những quy định về dữ liệu được bảo đảm an toàn, an ninh, sử dụng đúng mục đích.

(Bài đăng trên Tạp chí TT&TT Số 2 tháng 2/2021)

Bài liên quan
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh chuyển đổi số y tế cần quản trị dữ liệu thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO