Năm 2026 - 2030: Thiết lập hệ thống tài chính số hóa và nền Tài chính thông minh

Kim Liên| 19/02/2021 14:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Bộ Tài chính, lộ trình chuyển đổi số (CĐS) của ngành Tài chính đến năm 2025, ngành Tài chính sẽ thiết lập hệ sinh thái tài chính số, trong đó Chính phủ số đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.

Trong giai đoạn này, vai trò công nghệ thông tin (CNTT) trở thành một thành phần chiến lược của ngành Tài chính, giúp thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính, tạo nền tảng cho hệ sinh thái tài chính số.

Đến năm 2030, mục tiêu là Chính phủ thông qua ngành Tài chính hiện đại và vững mạnh dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế, bao hàm kinh tế số.

Trong giai đoạn này, vai trò CNTT đồng nhất với các hoạt động nghiệp vụ trong môi trường số hóa hoàn toàn và tài chính thông minh quản lý và phát triển nền kinh tế số quốc gia.

Một số tác động của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tới ngành Tài chính

Đề cập về cơ hội cho tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, các công nghệ thông minh để tối ưu hóa mọi quy trình, phương thức sản xuất sẽ góp phần thúc đẩy giảm chi phí sản xuất, quản lý và điều hành, nâng cao hiệu quả và cải thiện năng suất lao động, nhờ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những hoạt động kinh tế mới phát sinh thuộc và liên quan tới lĩnh vực công nghệ số: Uber, Airn&b, Youtube,... sẽ tăng thu NSNN (nếu quản lý tốt).

Tuy nhiên, đi đôi với cơ hội là thách thức, đó là: Trong quản lý các hoạt động tài chính mới hoạt động trên nền tảng Internet xuất hiện các loại hình DN, hình thức kinh doanh phi truyền thống (công ty/cửa hàng trên facebook, ...); sự bùng nổ về số lượng và thời gian tức thời của các giao dịch tài chính. Các giao dịch này đều do máy trao đổi với máy đòi hỏi đổi mới về chính sách quản lý, công cụ quản lý trong lĩnh vực tài chính cần hình dung về cơ chế sử dụng tối đa sức mạnh của máy và xử lý dữ liệu.

Đồng thời, tăng tỷ lệ thất nghiệp do lao động sẽ di chuyển từ các ngành truyền thống sang các ngành mới, nhưng yêu cầu về chất lượng lao động, đòi hỏi nguồn lực cho đào tạo lao động, đồng thời chi cho đảm bảo an sinh xã hội sẽ tăng lên để giải quyết các vấn đề về thất nghiệp và bất bình đẳng. Chi cho khoa học và công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông cũng tăng lên. Chi cho an ninh, quốc phòng có thể cũng gia tăng do việc áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng trên không gian mạng. 

Và cũng có cơ hội giảm chi NSNN trong một số khoản chi về dài hạn như: Chi cho bảo vệ môi trường sẽ có xu hướng giảm do việc sử dụng công nghệ số giúp giảm phế phẩm độc hại, tiết kiệm chi phí, giảm chất thải và khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, chi cho hành chính và bộ máy hành chính trong dài hạn có thể giảm khi Chính phủ sử dụng công nghệ số, công nghệ thông minh để thực hiện công tác quản lý.

Ngành Tài chính chuẩn bị gì cho CĐS?

Ông Nguyễn Việt Hùng cũng cho biết ngành Tài chính đã chuẩn bị về hành lang pháp lý với một loạt các văn bản được ban hành như: Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách;

Quyết định số 446/QĐ-BTC ngày 30/03/2018 của BTC về Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 09/3/2018 về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN lần thứ tư trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Quyết định số 844/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019- 2020, định hướng 2025; 

Quyết định số 843/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch của Bộ Tài chính triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư.

Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020 về việc ban hành kế hoạch hành động của Bộ Tài chính triển khai Quyết định số 749/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Quyết định số 2445/QĐ-BTC ngày 28/12/2020 của Bộ Tài chính phê duyệt Kiến trúc CPĐT ngành Tài chính.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã xây dựng thành công hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính đảm bảo kết nối trao đổi dữ liệu cho 2.737 đơn vị sử dụng, phục vụ các hoạt động ứng dụng CNTT của toàn ngành Tài chính (thực hiện theo Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 109/QĐ-BTC ngày 15/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Thiết bị chính của hạ tầng số là máy tính điện tử, bao gồm máy trạm, máy chủ và máy tính xách tay. Trong những năm vừa qua hạ tầng thiết bị của ngành Tài chính đã được triển khai đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xây dựng, triển khai CNTT của toàn ngành Tài chính.

Hạ tầng dữ liệu bao gồm công nghệ, các quy trình, các chỉ dẫn, cách tổ chức, vận hành, quản lý và sử dụng dữ liệu. Việc xây dựng hạ tầng dữ liệu ngành Tài chính được triển khai thông qua Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính" được phê duyệt tại Quyết định số 2376/ QĐ-BTC ngày 01/11/2016 của Bộ Tài chính, Quyết định số 585/QĐ-BTC ngày 03/4/2019 của Bộ Tài chính Ban hành Kiến trúc CSDL quốc gia về Tài chính.

Ngoài ra, ngành Tài chính đã triển khai được một số hệ thống thông tin tài chính lớn, đóng vai trò nền tảng trong hoạt động tài chính – ngân sách nhà nước như: Hệ thống thông tin tích hợp kho bạc (TABMIS), Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS), Hệ thống thông quan hàng hóa tự động/Hệ thống quản lý Hải quan thông minh (VNACCS/VCIS), Hệ thống quản lý nợ và phân tích tài chính (DMFAS)...

Hạ tầng phát triển công nghệ được xét trên khía cạnh nguồn nhân lực CNTT của ngành Tài chính. Hiện nay, toàn ngành Tài chính có tổng số 474 cán bộ làm công tác CNTT và thống kê tại cấp Trung ương. Về cơ bản đội ngũ nhân lực về CNTT ngành Tài chính đã, đang đáp ứng được các yêu cầu về phát triển, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin ngành Tài chính.

Lộ trình CĐS trong ngành Tài chính

Về lộ trình CĐS của ngành Tài chính, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm, đến năm 2025, ngành Tài chính sẽ thiết lập hệ sinh thái tài chính số, trong đó Chính phủ số đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh. Trong giai đoạn này, vai trò CNTT trở thành một thành phần chiến lược của ngành Tài chính, giúp thiết lập hệ thống dữ liệu tài chính, tạo nền tảng cho hệ sinh thái tài chính số.

Năm 2026 – 2030: Thiết lập Hệ thống Tài chính số hóa và nền Tài chính thông minh - Ảnh 1.

Đến năm 2030, mục tiêu là Chính phủ thông qua ngành Tài chính hiện đại và vững mạnh dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế, bao hàm kinh tế số. Trong giai đoạn này, vai trò CNTT đồng nhất với các hoạt động nghiệp vụ trong môi trường số hóa hoàn toàn và tài chính thông minh quản lý và phát triển nền kinh tế số quốc gia. 

Cụ thể, tầm nhìn giai đoạn tới năm 2020 là tiếp tục hoàn thiện xây dựng CPĐT ngành Tài chính hướng tới Chính phủ phục vụ lấy người dùng làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua CPĐT và các công cụ số hóa. 

Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống CNTT: Bước đầu hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ, môi trường cộng tác số và truyền thông hợp nhất, các hệ thống quản lý nguồn lực tổng thể nội ngành, hệ thống báo cáo điện tử tích hợp toàn ngành, CSDL danh mục dùng chung, cung cấp thông tin báo cáo ra bên ngoài… 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý ngân quỹ; tổng Kế toán nhà nước; quản lý tài sản công; quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước; quản lý bảo hiểm; quản lý chứng khoán; quản lý thuế cá nhân; quản lý thuế DN; hoàn thiện hệ thống thông tin dịch vụ công một cửa liên thông cấp 3, 4 nhằm mục tiêu 100% các thủ tục hành chính cần thiết được xây dựng thành các dịch vụ công trực tuyến 3, 4 và được cung cấp trên một hệ thống cổng thông tin điện tử tích hợp ngành

Tài chính và các ứng dụng trên thiết bị thông minh

Theo lộ trình, Bộ Tài chính sẽ xây dựng nền tảng tích hợp dịch vụ (SOA Platform); hoàn thiện Cổng dịch vụ công (DVC) tích hợp ngành Tài chính dựa trên công nghệ đám mây nội bộ và giao diện lập trình ứng dụng (APIs); hoàn thiện hệ thống quản lý định danh tập trung (SSO); tiếp tục hoàn thành xây dựng CSDL quốc gia về tài chính, thí điểm công nghệ dữ liệu lớn (Big Data).

Xây dựng đám mây nội bộ ngành Tài chính ở mức hạ tầng như một dịch vụ; hoàn thiện hệ thống quản lý định danh và truy cập ngành Tài chính phù hợp với nền tảng đám mây; thí điểm tích hợp ứng dụng nội bộ ngành với hệ thống quản lý định danh và truy cập; xây dựng hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng.

Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích tạo điều kiện thúc đẩy hệ sinh thái tài chính số; Quy chế về sở hữu và chịu trách nhiệm về dữ liệu do các đơn vị tạo ra trong quá trình số hóa; Quy chế về chia sẻ dữ liệu quy định phân loại và chịu trách nhiệm chia sẻ dữ liệu nội bộ ngành Tài chính; Quy chế về chuẩn hóa các nghiệp vụ báo cáo, tổng hợp dữ liệu phục vụ lãnh đạo điều hành; Quy chế về quản lý định danh người dùng tập trung của hệ thống thông tin ngành Tài chính.

Giai đoạn tới năm 2021-2025, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ tài chính thông minh.

Bộ cũng sẽ duy trì, vận hành cập nhật các hệ thống thông tin đã hoàn thành xây dựng ở giai đoạn trước. Thiết lập hệ thống quản lý theo dõi quy trình công việc, quản lý mua sắm - đấu thầu - dự án đầu tư; tích hợp các hệ thống nội bộ về quản lý nguồn lực tổ chức; ứng dụng khoa học dữ liệu hỗ trợ điều hành để xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tích hợp ngành Tài chính;

Xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro lãi suất, tỷ giá, thị trường; lập ngân sách trung hạn; thanh tra, giám sát, xử lý nợ thuế; thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm hải quan; khai thác, sử dụng các dịch vụ tài chính công mới được xây dựng bởi bên thứ 3 (các công ty fintech) trên dữ liệu tài chính mở của ngành Tài chính; thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính;

Nền tảng dữ liệu mở 100% các lĩnh vực tài chính có CSDL mở trong phạm vi ngành Tài chính (các lĩnh vực thuộc CSDL quốc gia về tài chính) phù hợp với quy định tại Luật tiếp cận thông tin và được công khai trên môi trường mạng; nền tảng điện toán "đám mây" xây dựng hệ thống "đám mây" có khả năng mở tích hợp với các ứng dụng bên ngoài, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin nội bộ "đám mây" cần hỗ trợ cung cấp giao diện lập trình ứng dụng cho các ứng dụng tài chính; Hình thành kho ứng dụng dịch vụ tài chính thông minh; hoàn thiện nền tảng dữ liệu lớn phục vụ thu thập, phân tích, dự báo (dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật); hoàn thiện nền tảng xác thực phân tán (blockchain) hoàn thành việc tích hợp 100% ứng dụng với hệ thống quản lý định danh và truy cập ngành Tài chính và tích hợp với các hệ thống CNTT quốc gia hướng tới một hệ thống quản lý tài chính xuyên suốt trong ngành Tài chính và Chính phủ.

Bộ cũng hoàn thành xây dựng "đám mây" ngành Tài chính ở mức nền tảng như một dịch vụ, cung cấp các giao diện lập trình ứng dụng cho các bên thứ ba để tạo các dịch vụ tài chính thông minh; hoàn thành kết nối giữa các hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng toàn ngành;

Nâng cấp kiến trúc chính phủ ngành Tài chính thành kiến trúc tài chính số và hệ sinh thái số ngành Tài chính;

Cập nhật, chỉnh sửa chiến lược ngành Tài chính và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT đến năm 2030 phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế số. Quy chế về chia sẻ dữ liệu, APIs của ngành Tài chính với các bên liên quan. Giai đoạn tới năm 2026-2030: Thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh. Ngành Tài chính đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số;

Ứng dụng dùng chung kho ứng dụng tài chính số phục vụ hoạt động nội ngành; phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định của ngành Tài chính trở thành công cụ quan trọng trong điều hành Chính phủ. Các ứng dụng thông minh hỗ trợ nghiệp vụ, trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính; 100% các thiết bị hỗ trợ nghiệp vụ điều hành như: camera giám sát, thiết bị cảm ứng (các kho dự trữ nhà nước, kho bãi hải quan), thiết bị di động, robot, dữ liệu mạng xã hội… được kết nối, dữ liệu được thu thập, phân tích và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người quản lý, sử dụng; 100% các dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp được "cung cấp chủ động" do nhiều bên theo mô hình cá nhân hóa; cung cấp các dịch vụ tài chính công mới theo nhu cầu, yêu cầu riêng (đặc thù) của người dân, doanh nghiệp; các dịch vụ tài chính công được đơn vị thứ ba khai thác, xây dựng thành các dịch vụ mới cung cấp cho khách hàng trên nhiều kênh, phương tiện giao tiếp (dân sự hóa các dịch vụ tài chính công của ngành Tài chính)…

Nền tảng dữ liệu mở được hoàn thiện và tích hợp trong mọi ứng dụng; nền tảng điện toán đám mây lai hoạt động thông suốt; nền tảng dữ liệu lớn phục vụ thu thập, phân tích, dự báo (big data, IoT) được ứng dụng để thu thập dữ liệu thời gian thực phục vụ cho các ứng dụng quản lý; nền tảng xác thực phân tán; tích hợp trong hầu hết các giao dịch điện tử trong ngành Tài chính;

Tích hợp đám mây tài chính với đám mây Chính phủ; tích hợp giám sát an toàn thông tin với hệ thống của Chính phủ;

Nâng cấp kiến trúc tài chính và hệ sinh thái số ngành Tài chính thành kiến trúc tài chính trong nền kinh tế số; Cập nhật, chỉnh sửa chiến lược ngành Tài chính và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT đến năm 2030 phù hợp phát triển nền kinh tế số; Quy chế về tái cơ cấu nghiệp vụ ngành Tài chính phù hợp với mô hình kinh tế số. Quy chế về xác thực các giao dịch số có tính pháp lý và phù hợp với quy định giao dịch tài chính.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Khoảng 95% người tiêu dùng mua hàng qua livestream
    Với dân số đông, tỷ lệ sử dụng Internet cao, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream trong suốt 3 tháng đầu năm 2024.
  • HONOR mở bán X8b tại Thế Giới Di Động
    Thế Giới Di Động (TGDĐ) và HONOR Việt Nam đã ký kết hợp tác kinh doanh, mở bán đặc quyền HONOR X8b với mức giá 7,69 triệu đồng.
  • Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp số toàn diện để giải quyết "điểm nghẽn"
    Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) diễn ra mới đây, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, CĐS nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm.
  • Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức ra mắt mini app BR-VT Smart trên Zalo
    Từ dịch vụ công (DVC) trực tuyến, giải đáp thắc mắc cho đến các tiện ích như hiến kế phát triển tỉnh, lịch tiếp công dân, thông tin quy hoạch, thông tin đất đai... đều được tích hợp trong mini app “BR-VT Smart” trên Zalo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
  • Số vốn đầu tư cho startup Việt năm 2023 giảm 17%
    Theo báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, năm 2023, các startup Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước, do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế biến động trên toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Năm 2026 - 2030: Thiết lập hệ thống tài chính số hóa và nền Tài chính thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO