Giới thiệu Chính phủ số của Nhật Bản

ThS. Phạm Văn Nghĩa| 19/02/2021 12:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Với mục tiêu phát triển từ “Chính phủ điện tử” (CPĐT) đến “Chính phủ số”, tháng 1/2018, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua “Kế hoạch thực hiện Chính phủ số” để hướng đến một Chính phủ số đi trước thế giới theo mô hình Nhật Bản bằng cách mở rộng hơn nữa liên kết dữ liệu trong toàn bộ xã hội: Chính phủ - Địa phương - Doanh nghiệp và thực hiện sát nhập các dịch vụ nhà nước và tư nhân, định hướng cơ bản là “Thực hiện một xã hội số nơi người dân có thể sống trong môi trường an tâm và an toàn, cảm nhận được sự phát triển của xã hội”.

Kế hoạch thực hiện Chính phủ số của Nhật Bản đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ rất cụ thể như: Cải cách hệ thống pháp luật; Tối ưu hóa công việc và hệ thống sử dụng công nghệ tiên tiến; Giảm 30% chi phí vận hành trong toàn bộ Chính phủ; Xây dựng lại hệ thống chung giữa các bộ ngành Chính phủ; Chia sẻ các kiến thức, đào tạo CIO; Thúc đẩy công nghệ đám mây tại địa phương; Tập trung hệ thống công khai thông tin đất đai vào một đầu mối; Thúc đẩy dữ liệu mở của các tổ chức công lập tại địa phương; Xây dựng kế hoạch dữ liệu nhà nước và tư nhân; Thúc đẩy liên thông dữ liệu giữa nhà nước và tư nhân; Thực hiện dịch vụ một cửa (onestop) bao gồm cả dịch vụ tư nhân; Tạo ra sáng tạo mới bằng cách kết hợp các dịch vụ nhà nước và dịch vụ tư nhân.

Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể đạt ra, Chính phủ Nhật Bản cho rằng điều kiện để thực hiện công nghệ số phù hợp với thời đại Công nghệ 4.0 cần: Nâng cao vượt trội tính tiện ích cho người dân, triệt để tăng hiệu suất của nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Sử dụng dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới, và tất cả người dân yên tâm thụ hưởng thành quả của việc chuyển đổi sang công nghệ số.

Theo kế hoạch thực hiện Chính phủ số, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình, dự án trọng tâm như:

Trang bị cho toàn xã hội về CNTT

Đề triển khai dự án trên, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng tiên tiến bằng cách triển khai mạng thế hệ kế tiếp và vận hành tự động với 5G; Thực hiện ngành nông lâm ngư nghiệp thông minh; Sử dụng dữ liệu của lĩnh vực sức khoẻ, y tế, phúc lợi… để nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn dân.

Sử dụng dữ liệu để tạo ra tiện ích cho cuộc sống người dân

Mục tiêu của chương trình: Hoàn thiện môi trường thể chế để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh quốc tế dựa trên Chính sách mới cho mạng lưới CNTT trong thời đại số và thúc đẩy các hành động nhằm sử dụng dữ liệu để tạo ra tiện ích cho cuộc sống người dân một cách an toàn nhất.

Nhiệm vụ của chương trình:

+ Hoàn thiện môi trường thể chế có thể sử dụng dữ liệu an toàn, an tâm dựa trên mạng lưới CNTT:

Giới thiệu Chính phủ số của Nhật Bản - Ảnh 1.

Xây dựng khung liên thông dữ liệu quốc tế: Thúc đẩy liên thông dữ liệu trên quy mô thế giới nhưng vẫn đảm bảo được quyền riêng tư, an ninh và quyền sở hữu trí tuệ. Thông qua các diễn đàn lớn như G20 để xây dựng nhận thức chung của cộng đồng về khái niệm "Liên thông dữ liệu đảm bảo tin cậy"; Đảm bảo tính an toàn của thông tin cá nhân: Đảm bảo việc bảo hộ thông tin cá nhân trong nước, đồng thời xem xét cách thức sử dụng thông tin cá nhân bên ngoài khu vực bảo hộ và có biện pháp xử phạt để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp trong và ngoài nước trên quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo có sử dụng dữ liệu cá nhân và ứng phó với rủi ro với dịch chuyển ngoài biên giới; Thúc đẩy xem xét việc vận dụng Luật Bảo hộ thông tin cá nhân và sửa đổi Luật vào đầu năm 2021; Tăng cường quản lý dữ liệu của các ngành kinh tế quan trọng: Thực hiện các biện pháp an ninh thông tin cần thiết, phù hợp với đặc tính của từng lĩnh vực. Quy chuẩn an toàn đảm bảo an ninh trong hạ tầng quan trọng đã được sửa đổi vào tháng 5/2018.

+ Hoàn thiện quy tắc liên thông và sử dụng dữ liệu để nâng cao độ tin cậy.

+ Hoàn thiện xã hội như "Ngân hàng thông tin" do Nhật Bản phát triển.

+ Thúc đẩy liên thông dữ liệu công tư: Thúc đẩy xây dựng nền tảng (platform) liên kết toàn bộ dữ liệu thành phố bao gồm dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu công - tư. Thúc đẩy hoàn thiện nền tảng về dữ liệu đất đai, giao thông và du lịch bằng cách liên thông dữ liệu hạ tầng của doanh nghiệp, chính phủ và trường học.

+ Thúc đẩy phát triển nền kinh tế chia sẻ.

Đưa Chính phủ số vào xã hội Nhật Bản

Mục tiêu của chương trình: Xây dựng Chính phủ số hướng đến xã hội số bằng cách ứng dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề xã hội và các dịch vụ hành chính trên cơ sở khung chính sách của nhà nước trong phát triển kinh tế tại địa phương hay hợp tác công - tư.

Nhiệm vụ của chương trình:

+ Cải cách dịch vụ hành chính bằng cách sử dụng triệt để công nghệ số

Thúc đẩy xây dựng xã hội số dựa trên 3 nguyên tắc số hóa đã được nêu rõ trong luật thủ tục số (Digital first, Oneonly, Connected onstop). Thực hiện dịch vụ hành chính "có thể dùng ngay" "đơn giản" và "tiện dụng" đối với người dân. Thúc đẩy nguyên tắc số hóa tất các thủ tục hành chính, bao gồm cả các văn bản đính kèm, thúc đẩy các dịch vụ một cửa (các thủ tục liên quan đến cuộc sống như: Nuôi con, chăm sóc người thân, tử vong, thừa kế).

+ Hoàn thiện môi trường hỗ trợ thực hiện Chính phủ số: Tập trung ngân sách và các công tác mua sắm hệ thống thông tin Chính phủ về một đầu mối. Về hệ thống thông tin chính phủ, thực hiện một phần việc quản lý dự án từ trước khi yêu cầu ngân sách giai đoạn tiếp theo dưới sự chỉ đạo của Văn phòng phát triển công nghệ thông tin. Ngoài ra, từng bước đề xuất ngân sách và lập kế hoạch một lần cho công tác hoàn thiện và vận hành hạ tầng số. Thông qua nỗ lực này, hướng đến mục tiêu giảm 30% các chi phí liên quan đến chi phí vận hành và chi phí hoàn thiện năm 2020 và năm 2025.

+ Áp dụng công nghệ tiên tiến điện toán đám mây (Cloud): Ưu tiên áp dụng dịch vụ Cloud trong hệ thống, hoàn thiện quy chuẩn đánh giá độ an toàn của dịch vụ Cloud để sử dụng trong toàn bộ các cơ quan chính phủ.

+ Số hóa tại các tổ chức công địa phương: Với mục tiêu là áp dụng cho khoảng 1100 tổ chức vào cuối năm 2023, bộ phận tiếp dân tại các địa phương được tăng cường ứng dụng CNTT, một số tổ chức và doanh nghiệp tại cũng được tăng cường ứng dụng công nghệ Cloud. Chính phủ hỗ trợ tài chính để số hóa các tổ chức công ích tại địa phương đến hết năm 2020, và các địa phương có thể sử dụng chung hệ thống được gọi là "Local Pitch" nhằm nâng cao tính tiện dụng cho người dân, tăng hiệu suất hành chính và giải quyết nhanh chóng các vấn đề của địa phương.

Hoàn thiện nền tảng căn bản xã hội

Mục tiêu của chương trình: Tái cấu trúc hạ tầng bằng công nghệ 5G, thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người thích ứng thấp với công nghệ số như: Người cao tuổi và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để tạo nên một nền tảng xã hội mà trong tương lai tất cả người dân có thể an tâm thụ hưởng các thành quả của công nghệ số.

Nhiệm vụ của chương trình:

+ Tái cấu trúc hạ tầng 5G làm trục chính: Sớm phát triển trên toàn quốc những khu vực 5G có khả năng "siêu tốc", "kết nối nhiều người cùng một lúc", thúc đẩy ứng dụng trong các ngành kinh tế và xây dựng nền tảng CNTT-TT hỗ trợ vấn đề về băng thông do sự phổ biến của điện thoại thông minh và các thiết bị IoT.

+ Hoàn thiện môi trường 5G: Thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng thông tin cho 5G như hỗ trợ phát triển công nghệ 5G và sử dụng cáp quang. Hoàn thiện cơ chế 5G cho phép các chủ thể khác nhau xây dựng và sử dụng một cách linh hoạt phù hợp với nhu cầu của địa phương.

+ Biện pháp giảm khác biệt về công nghệ: Triển khai rộng khắp toàn quốc cơ chế người hỗ trợ sử dụng công nghệ, cung cấp cơ hội tham vấn dành cho người cao tuổi về các thiết bị CNTT như: Smartphone và các dịch vụ số. Trong năm 2020 xây dựng hướng dẫn về việc thành lập và vận hành một cộng đồng mới về CNTT tại địa phương gọi là Câu lạc bộ CNTT, qua đó người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật tại địa phương có thể tiếp cận được với CNTT.

+ Đào tạo nhân lực đáp ứng thời đại số: Thúc đẩy đào tạo nhân lực thông qua đào tạo kỹ năng và đào tạo chuyên gia dựa trên "Chiến lược AI 2019" nhằm đảm bảo có 124.000 chuyên gia AI có thể bị thiếu hụt vào năm 2030. Thúc đẩy hoàn thiện môi trường ICT như: Đào tạo từ xa, giáo trình số… tại nhà trường, cơ sở giáo dục để thực hiện mục tiêu "học theo cách phát huy hết năng lực tối đa của trẻ em".

Bài học từ kinh nghiệm của Nhật Bản

Trong chính sách thực hiện Chính phủ số, Nhật Bản đặt trọng tâm vào việc nâng cao hơn nữa tính tiện lợi của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sự lưu thông dữ liệu công - tư; tập trung vào cải cách bộ phận dịch vụ mang lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao hiệu quả trong chính quyền mà đồng thời xem lại cách thức vận hành của nền hành chính dựa trên công nghệ số nhằm hướng đến xây dựng Chính phủ số.

Song song với việc phát triển các sáng kiến, Nhật Bản còn chú trọng đến những vấn đề không thể thiếu đó là mua sắm công phục vụ Chính phủ số và bảo mật hệ thống. + Về mua sắm công trong lĩnh vực CNTT: Chính phủ Nhật Bản đặt ra các quy định nhằm thu hút đấu thầu một cách nhanh chóng và minh bạch, tạo cơ hội tham gia cho tất cả các nhà thầu.

+ Về triển khai biện pháp an ninh thông tin: Nhật Bản thành lập Hội đồng Chính sách bảo mật thông tin nhằm đưa ra chiến lược cơ bản cho chính sách an ninh thông tin. Bên cạnh đó, Trung tâm An ninh thông tin Quốc gia (NISC) cũng được thành lập với vai trò là cơ quan thực hiện những biện pháp an ninh thông tin.

Nhật Bản sớm nhận ra rằng, công nghệ số có thể vượt qua khoảng cách và thời gian để liên kết con người, hàng hóa, vốn, kiến thức và thông tin trong khi tích hợp tất cả các hoạt động kinh tế để nâng cao hiệu quả của các hệ thống kinh tế xã hội, tạo ra giá trị gia tăng mới và văn hóa, phục vụ cải cách cơ cấu trong nền kinh tế và xã hội Nhật Bản.

Chính phủ số Nhật Bản có sự phát triển từ dưới lên, Chính phủ Trung ương tạo ra các quy định và hướng dẫn lập pháp để chính quyền địa phương tuân theo. Ngoài ra, nhiều nội dung, ứng dụng đã được triển khai để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Chính phủ Nhật Bản luôn lấy nguyên tắc hướng đến người dân làm trung tâm để xây dựng các cơ chế chính sách, các ứng dụng, nền tảng Chính phủ số. Điều này thể hiện ở việc cung cấp dịch vụ công của Chính phủ qua nhiều kênh khác nhau, tại mọi thời điểm, triển khai số định danh cá nhân, cổng thông tin cá nhân, dịch vụ một cửa.

Như vậy, có thể rút ra một số đặc điểm chính trong xu hướng phát triển Chính phủ số của chính phủ Nhật Bản như sau:

- Nhật Bản khuyến khích việc phát triển hệ thống chính quyền điện tử tại các địa phương, đặt ra các mục tiêu xây dựng hệ thống, giao diện thân thiện với người sử dụng nhưng tiết kiệm, thuật tiện và đem lại hiệu quả cao. 

- Phát triển Chính phủ số lấy người dân làm trọng tâm, rút ngắn khoảng cách giữa người dân với các cơ quan nhà nước thông qua việc ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. 

-  Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào phát triển Chính phủ số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và huy động năng lực của mỗi người dân vào việc phát triển xã hội, đồng thời nâng cao hiệu suất phục vụ của cơ quan nhà nước. Xã hội hóa hoạt động đầu tư các dự án công nghệ thông tin thông qua hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp. 

- Cung cấp nhiều kênh truy cập thông tin và sử dụng thuận tiện dịch vụ theo hướng "Chính phủ ở mọi nơi", từ trang thông tin điện tử cung cấp thông tin đơn thuần đến Cổng thông tin tích hợp dịch vụ trực tuyến cho phép tương tác hai chiều, cho phép ngoài hình thức truy cập Internet, thông tin và dịch vụ công được truy cập thông qua các kênh khác như điện thoại, ki-ốt, các trung tâm dịch vụ ứng dụng công nghệ thiết bị không dây và các thiết bị di động. 

- Nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua tái cơ cấu và hoàn thiện mô hình nghiệp vụ. Nâng cao hiệu quả hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, giảm bớt các thủ tục rườm rà để thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng thông qua việc tăng cường các thủ tục trực tuyến trong hoạt động dân sự và chính phủ. Tạo ra môi trường liên kết điện tử, kết nối chính phủ toàn diện, tăng cường tính tích hợp trong cung cấp dịch vụ hành chính công, xây dựng nền tảng đồng nhất về hạ tầng ứng dụng, chia sẻ về dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ. Phát triển rộng rãi số lượng các dịch vụ ra bên ngoài cho cộng đồng trong khi cố gắng thu gọn và biến các quy trình nghiệp vụ hỗ trợ phía sau trở nên thông minh hơn.

- Ban hành tiêu chuẩn về CNTT thúc đẩy tương tác liên thông, công nghệ được chuẩn hóa, thông tin được cấu trúc và lưu thống nhất, qua đó hình thành một môi trường tích hợp các thành phần dữ liệu, hệ thống và tiến trình trong các cơ quan khác nhau có thể "nói chuyện" với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, loại trừ các thành phần trùng lặp.

- Đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ phù hợp, xây dựng hạ tầng viễn thông tiên tiến kết nối đầy đủ giữa các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ dùng chung cho phép tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và nguồn lực chính phủ.

- Đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ tính riêng tư và nâng cao độ tin cậy dịch vụ. Xây dựng những giải pháp có tính pháp lý, giảm thiểu lo ngại về thiếu tính minh bạch trong việc sử dụng và trao đổi, theo dõi và quản lý thông tin cá nhân trên các trang thông tin điện tử.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để phân tích thành công của các sáng kiến Chính phủ số của Nhật Bản. Ngay cả những nước với nền tảng kinh tế xã hội phát triển cũng tồn tại khoảng cách số, tuy nhiên khoảng cách số này có thể được thu hẹp qua việc ứng dụng CNTT tiên tiến để cung cấp dịch vụ công cho người dân, đó là cách tiếp cận hiện đại của chương trình chuyển từ CPĐT hướng đến Chính phủ số của Nhật Bản.


Tài liệu tham khảo

1. "Abenomics 2.0 – PM Updates Plan to Refresh Japanese Economy," The Gurdian, 24 September 2015. https://www.theguardian.com/business/2015/sep/24/abenomics- 20-pm-updates-plan-to-refresh-japanese-economy;

2. B. Niehaves, K. Ortbach, and J. Becker, "The Demographic Challenge: Aging and  Depopulation and their Consequences for E-Government -A Case Study," Proceedings of

the 42nd Hawaii International Conference on System Sciences, 2009;

3. IT Strategic Headquarters. New IT Reform Strategy. 2006, Cover page. http://japan.kantei.

go.jp/policy/it/ITstrategy2006.pdf;

4. IT Strategic Headquarters. i Japan Strategy 2015. 2009, p. 3. http://japan.kantei.go.jp/policy/it/iJapanStrategy2015_full.pdf ; T. Nemoto, "IT New Era

and Paradigm Shift", WebComputerReport, November, 2013.

http://www.jmsi.co.jp/nemoto/nemoto2012-09.pdf;

5. T. Enami, "Kanji Characters in Japan-Remaining Big Challenges of e-Government", Journal

of Information Processing and Management; https://www.computer.org/csdl/proceedings/

hicss/2009/3450/00/05-06-04.pdf;

6. IT Strategic Headquarters, e-Japan Strategy II.

http://japan.kantei.go.jp/policy/it/0702senryaku_e.pdf;

7. IT Strategic Headquarters. Declaration to be the World's Most Advanced IT Nation 2013.

http://japan.kantei.go.jp/policy/it/2013/0614_declaration.pdf;

8. LGWAN (Local Government Wide Area Network) , 2013.

lis.go.jp/data/open/cnt/3/177/1/LGWAN-2511.pdf;

9. Press Conference by Prime Minister Shinzo Abe, Prime Minister of Japan and His Cabinet.

September 25, 2015.

http://japan.kantei.go.jp/97_abe/statement/201509/1213465_9928.htm.


(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giới thiệu Chính phủ số của Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO